Huyện ngoại thành cũng muốn “thành phố hóa”
Hơn một năm trước, TP. Thủ Đức chính thức được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức. Toàn bộ máy của TP.HCM chạy đua với thời gian để kiện toàn, kịp thời tiến hành cuộc bầu cử tại đơn vị hành chính mới có tên TP. Thủ Đức vào ngày 23/5/2021.
Khi đó, TP. Thủ Đức đi vào hoạt động trong bối cảnh con dấu mới còn chưa kịp hoàn thiện, chưa có cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng và toàn bộ nhân sự được quy hoạch lại thành một bộ máy mới toanh. Vậy tới nay TP. Thủ Đức có gì?
“Kể từ khi Thủ Đức chính thức lên thành phố, hiệu quả về kinh tế - xã hội vẫn chưa rõ nét. Khi có việc đến liên hệ cơ quan công quyền, cơ chế vẫn bị trói buộc vì phải xin ý kiến nhiều tầng nấc”, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại TP. Thủ Đức nói và cho rằng, từ quận lên thành phố là một dấu mốc của đời sống đô thị, song nếu chỉ là sự chuyển đổi cơ học mà thiếu đi cơ chế, chính sách đột phá thì Thủ Đức sẽ khó phát triển như kỳ vọng.
Trong khi bài toán xây dựng cơ chế đột phá dành cho TP. Thủ Đức còn chưa có lời giải thì việc 3 huyện vùng ven gồm Củ Chi, Cần Giờ và Bình Chánh muốn được “nối gót” trở thành thành phố, thay vì là quận như định hướng trước đó, rất được quan tâm. Lý do được đưa ra là các huyện này có tốc độ đô thị hóa nhanh, trình độ dân trí, lối sống đô thị đã được hình thành và không khác biệt nhiều so với các quận nội thành, nên việc nâng cấp đơn vị hành chính là cần thiết.
Theo Bí thư huyện ủy Bình Chánh Trần Văn Nam, với lợi thế nằm ở cửa ngõ TP.HCM với phần lớn là đất nông nghiệp, diện tích rộng chỉ sau Cần Giờ và Củ Chi, mô hình chính quyền địa phương theo đơn vị hành chính của huyện, xã hiện tại không còn phù hợp tốc độ đô thị hóa và sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng của Bình Chánh, nên huyện đặt mục tiêu chuyển lên thành phố vào năm 2025.
Nói về đề xuất lên thẳng thành phố thay vì lên quận, Bí thư huyện ủy Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng cho hay, địa phương này sẽ phát triển theo hướng đô thị sinh thái, là thành phố trực thuộc TP.HCM, để cùng với Cần Giờ trở thành 2 đô thị sinh thái trong lòng siêu đô thị lớn nhất cả nước này.
“Khi lên Thành phố, Củ Chi sẽ không bỏ đất nông nghiệp, mà kết hợp với nguồn lực huy động bên ngoài để phát triển theo hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái, phát triển nông nghiệp và công nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, nâng cao giá trị khai thác đất đai, hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao, thu hút doanh nghiệp sản xuất nông sản sạch, không khuyến khích các ngành thâm dụng lao động, gây ô nhiễm...”, ông Thắng nói.
Tương tự, theo định hướng của TP.HCM đến năm 2030, Cần Giờ sẽ phát triển thành thành phố nghỉ dưỡng sinh thái, du lịch. Huyện này đang phối hợp các sở, ngành xây dựng đề án, tiếp thu ý kiến các nhà khoa học hoàn thiện, xác định lộ trình đầu tư.
“Cần Giờ chỉ có 2 đầu phát triển là Bắc và Nam, nếu chỉ lên quận thì sẽ gặp nhiều hạn chế khi muốn phát triển hơn nữa. Đây sẽ là nơi phát triển đô thị lớn, hiện đại, đồng thời đảm bảo khu dự trữ sinh quyển không bị ảnh hưởng”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho hay.
Cần quy hoạch bài bản ngay từ đầu
Trở lại với TP. Thủ Đức, dẫu đã là thành phố, song những khu vực vùng ven thành phố này hầu như không thay đổi so với lúc còn ở cấp quận, hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội vẫn khá hạn chế, đất đai hoang hóa nhiều… Vì vậy, việc nhìn lại quá trình đô thị hóa tại đây để rút ra bài học cho kế hoạch “lên đời” ở những huyện ngoại thành TP.HCM là cần thiết.
Song, nếu lấy câu chuyện của TP. Thủ Đức để tham chiếu cho chiến lược “phố hóa” của các huyện Bình Chánh, Củ Chi hay Cần Giờ thì có phần khập khiễng, bởi xét về không gian đô thị, Thủ Đức có lợi thế kết nối với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ như Bình Dương, Đồng Nai… Chưa kể, với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông, logistics lớn đang được thúc đẩy triển khai, mục tiêu phát triển Thủ Đức trở thành điểm kết nối vùng giữa TP.HCM và các địa phương lân cận sẽ càng sớm hiện thực hóa.
Trong khi đó, ngoài Bình Chánh là huyện nằm ở phía Nam TP.HCM được xem là đối trọng với Thủ Đức nhờ có trục kết nối với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, thì hạ tầng kết nối giữa trung tâm TP.HCM với Củ Chi và Cần giờ vẫn còn thiếu và yếu, không gian kết nối giữa Củ Chi, Cần Giờ với các địa phương lân cận khó mở...
Cụ thể, Cần Giờ đang được xem là huyện đảo của TP.HCM, bốn mặt tiếp giáp với sông, biển, phương tiện kết nối trung tâm TP.HCM qua Cần Giờ chỉ duy nhất có phà Bình Khánh. Hay với Củ Chi, ngoài lợi thế tiếp giáp với tỉnh Tây Ninh, các trục đường chính hiện nay như Quốc lộ 22, Tỉnh lộ 8, Tỉnh lộ 15... nối trung tâm Thành phố lên huyện đều rất quá tải.
Chuyên gia đô thị học Nguyễn Minh Hòa chia sẻ, việc đưa một huyện lên thành phố sẽ kéo theo nhiều xáo trộn, trước tiên là về tiêu chuẩn kỹ thuật của huyện và thành phố. Theo ông Hòa, chính quyền địa phương cần trả lời được câu hỏi tại sao địa phương đó lên thành phố? Nếu lên thành phố chỉ để có thêm đất cho đô thị hóa, cho phát triển công nghiệp thì sẽ không ổn.
Mặt khác, nếu nói nông thôn TP.HCM không phát huy hiệu quả kinh tế, hiệu suất sử dụng đất thấp thì phải đặt câu hỏi ngược lại: Nhà nước đã đầu tư gì để nông nghiệp và nông thôn phát huy hiệu quả kinh tế? Việc đầu tư cho các huyện Cần Giờ, Củ Chi để trở thành vùng nông nghiệp công nghệ cao hoặc du lịch sinh thái để khai thác du lịch, nghỉ dưỡng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao?
“Việc xóa bỏ khu vực kinh tế nông thôn trong đô thị rất dễ, nhưng phục hồi lại rất khó, nên phải thận trọng. Có thể giữ lại các khu vực nông thôn và thay đổi về mặt chất lượng, phát triển nó theo một hướng khác để làm ‘khoảng thở’ cho đô thị, khai thác nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và nơi nghỉ ngơi ngắn ngày cho người dân TP.HCM”, ông Hòa đề xuất.