Chuyên nghiệp hóa phát triển nhà ở xã hội: Để không còn những nghịch lý

Chuyên nghiệp hóa phát triển nhà ở xã hội: Để không còn những nghịch lý

Thảo Liên
Thảo Liên lienlien.media@gmail.com
Thứ Hai, 22/11/2021 - 06:00

nhà ở xã hội

Lời tòa soạn: 

Thực trạng thiếu nhà ở giá rẻ khiến công nhân, người lao động nhập cư không tạo lập được cuộc sống ổn định tại nơi làm việc, đời sống bấp bênh đã diễn ra trong rất nhiều năm qua. Tuy nhiên, chỉ đến khi Covid-19 xảy ra, mọi bất cập mới thực sự lộ rõ.

Các khu công nghiệp đã và đang trở thành nơi dễ bị tổn thương nhất bởi dịch bệnh, thậm chí trở thành những ổ dịch lớn buộc phải phong tỏa, cách ly trong thời gian dài, khiến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh bị đảo lộn.

Ở phía công nhân, người lao động, họ phải “giam mình” trong những phòng trọ chật chội, thu nhập bị đứt quãng do không được làm việc. Sau thời gian dài giãn cách, không còn trụ vững, hàng loạt lao động “bỏ phố về quê”, trong đó, nhiều người không muốn quay trở lại mà ở quê tìm đường sống khác. Bởi sau chuyến hồi hương lịch sử, TP.HCM, Bình Dương… không còn là “miền đất hứa” mà là những ngày tháng mệt mỏi, thiếu thốn, chênh vênh mà họ muốn bỏ lại sau lưng.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, có ít nhất 1,3 triệu lao động đã “hồi hương” trong và sau làn sóng Covid-19 lần thứ tư. Từ đầu tháng 10 năm 2021, khi các doanh nghiệp bắt đầu quay trở lại hoạt động, họ phải đối diện với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Trước thực tế này, việc đảm bảo an sinh xã hội đặc biệt là vấn đề nơi ăn chốn ở cho công nhân, người lao động trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Bài toán đặt ra lúc này không chỉ là việc giải quyết nơi ăn chốn ở cho công nhân mang tính chất tình thế, mà phải là những giải pháp mang tính bền vững.

Trong bối cảnh này, việc đặt ra mục tiêu "Xây 1 triệu nhà ở giá rẻ cho công nhân, người thu nhập thấp" của lãnh đạo TP.HCM là điểm sáng cho thấy sự quyết liệt của chính quyền thành phố trong việc giải bài toán an sinh xã hội cho người thu nhập thấp. Nhưng làm thế nào để có thể hiện thực hoá được mục tiêu một cách kịp thời nhất khi mà thực tế 5 năm gần đây số nhà ở xã hội được xây dựng tại TP.HCM còn chưa đến 20.000 căn? Có lẽ cần phải "chỉ mặt, gọi tên" từng vướng mắc cụ thể để tháo gỡ cũng như có những giải pháp mang tính đột phá hơn nữa. 

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, sau loạt bài "Nhà ở công nhân nhìn từ tác động Covid-19", Reatimes tiếp tục triển khai tuyến bài: Xây dựng 1 triệu nhà ở giá rẻ cho công nhân, người thu nhập thấp: Khó khăn và giải pháp.

Trân trọng giới thiệu đến độc giả!

nhà ở xã hội

“Vỡ kế hoạch phát triển nhà ở xã hội; giấc mơ nhà ở ngày càng xa tầm với của người dân; nhà giá rẻ dần “mất tích” trên thị trường... , đây là những vấn đề hầu như năm nào cũng được đặt ra không chỉ trên mặt báo mà còn làm nóng cả nghị trường. 

Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm sớm gia tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà giá rẻ; Chính phủ và các Bộ ngành cũng đã có sự quan tâm thích đáng, tuy nhiên vẫn chưa hoá giải được những nghịch lý đã ăn sâu vào tư duy phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam trong thời gian qua. 

Đơn cử, nhiều dự án nhà ở xã hội xây xong lại bỏ hoang, đắp chiếu, trong khi nhiều dự án lại bán cho “nhà giàu”, đối tượng thu nhập thấp khó tiếp cận. Và có một thực tế, là càng khuyến khích, nguồn cung càng thiếu; càng đưa ra chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp lại càng khiến các doanh nghiệp không còn mặn mà với phân khúc này.

Nhà ở xã hội bỏ hoang
Nghịch lý người dân thiếu nhà ở, nhiều khu nhả ở xã hội xây xong lại bỏ hoang (Ảnh minh họa)

Theo lý giải của TS. Lương Hoài Nam, một trong những nguyên nhân là do những chính sách gọi là “ưu đãi” cho doanh nghiệp chưa thực sự là “ưu đãi” mà thậm chí lại là “ngược đãi” khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, thiệt thòi nhiều hơn là hưởng lợi. 

Còn với nhiều doanh nghiệp, bước cản lớn nhất khiến họ không muốn làm nhà giá rẻ mà chọn phân khúc khác là vì thủ tục pháp lý quá chậm, thậm chí còn chậm hơn nhà ở thương mại. Bên cạnh đó, khâu hậu kiểm, duyệt giá khó khăn, khiến doanh nghiệp mất quyền chủ động trong việc cân đối lợi nhuận và bài toán kinh doanh. 

Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, đến nay trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng hơn 104.200 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 5,4 triệu mét vuông. Mặc dù kết quả đạt được thể hiện nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua nhưng vẫn “chưa thấm vào đâu” so với nhu cầu đang ngày càng gia tăng của công nhân, người lao động thu nhập thấp (70% vẫn đang phải sống trong các khu nhà trọ đơn lẻ). 

Sau tác động của dịch Covid-19, hậu quả của việc vỡ kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, thiếu nguồn cung nhà ở giá rẻ đã bắt đầu lộ rõ và buộc các nhà lãnh đạo phải nhìn nhận lại để đưa ra những quyết sách quyết liệt. “Khủng hoảng” thiếu lao động sau cơn bão hồi hương đã cho thấy, “an cư, lạc nghiệp” phải là chính sách an sinh xã hội hàng đầu để ổn định lực lượng lao động. 

Ông Nguyễn Thế Điệp nói về nhà ở xã hội

Mục tiêu “Xây một triệu căn nhà ở giá rẻ cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp” của TP.HCM là cần thiết cho thấy quyết tâm của lãnh đạo Thành phố này trong việc giải bài toán nhà ở cho người dân khi toàn TP.HCM có khoảng 13 triệu dân (kể cả nhập cư) nhưng mới chỉ có 2 triệu căn nhà ở. 

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, Thành phố phải vượt qua các thách thức, tạo những đột phá, tháo gỡ các khó khăn về chính sách đầu tư, tạo lập quỹ đất thì mới có thể giúp tạo nguồn cung nhà ở dồi dào hơn cho người dân thành phố trong thời gian tới.

Và đó cũng không phải là câu chuyện riêng của TP.HCM. Hà Nội và nhiều địa phương khác đang đô thị hoá nhanh cũng cần nhanh chóng tìm giải pháp, thu hút các doanh nghiệp tạo lập quỹ nhà ở giá rẻ cho người dân. Không thể để gia tăng tình trạng giá nhà cứ neo cao, cao mãi so với thu nhập trung bình của người lao động như hiện nay.

“Thị trường bất động sản Việt Nam đang có tiềm năng phát triển rất mạnh, quá trình đô thị hoá vẫn đang diễn ra trong thời gian dài. Khi các vướng mắc về cơ chế, chính sách được tháo gỡ, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp muốn tham gia làm nhà giá thấp, thay vì tập trung vào phân khúc cao cấp như hiện nay, bởi với mức thu nhập bình quân của người dân hiện nay, thì nhà giá thấp vẫn là một tiềm năng rất hấp dẫn, các chủ đầu tư có thể phát triển mạnh”, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho hay. 

nhà ở xã hội

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp không “ngại” làm nhà ở xã hội, nhà giá rẻ vì thực tế đây là phân khúc tiềm năng và ở góc độ nào đó cũng thể hiện trách nhiệm xã hội của các nhà phát triển bất động sản. Đơn cử như mới đây, từ triết lý “phụng sự xã hội” của mình, tập đoàn APEC đã gửi lên Chính phủ "tâm thư" kiến nghị được “tiên phong đồng hành cùng Chính phủ đầu tư 6 - 10 triệu “căn hộ nhà ở xã hội 5 sao” trong giai đoạn 2021 - 2030; trong đó, từ 2021 - 2025 hoàn thành 2 - 4 triệu căn hộ, từ 2026 - 2030 hoàn thành 4 - 6 triệu căn hộ”. 

Tuy nhiên, để làm được điều này, doanh nghiệp cũng đề xuất những chính sách phát triển và cơ chế ưu đãi phù hợp, trong đó các giải pháp để chuyên nghiệp hoá việc phát triển nhà ở xã hội là ưu tiên hàng đầu để gỡ rối những nghịch lý đang diễn ra hiện nay. 

Đi sâu vào câu chuyện này, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Huy, Phó TGĐ Tập đoàn APEC Group. 

Nhà ở xã hội 5 sao Apec group

Nhìn vào bức tranh phát triển nhà ở xã hội, nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp trong thời gian qua, ông có suy nghĩ gì? 

Ông Nguyễn Quang  Huy: Hiện nay, nhà ở phân khúc thương mại giá cao đang dư thừa nhưng nhà ở xã hội lại thiếu. Nếu so sánh theo thu nhập đầu người thì giá nhà đất Việt Nam cao hơn so với nhiều nước. Người lao động tại TP.HCM, Hà Nội mất khoảng 20 - 30 năm mới mua căn hộ trung cấp thì người dân ở các nước phát triển chỉ mất khoảng 7 - 10 năm. “Giấc mơ có nhà để ở” của người lao động tại Việt Nam ngày càng khó khăn.

Qua đợt dịch Covid-19, một thực tế được phơi bày rõ ràng là lực lượng công nhân ở các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng, Đồng Nai... có cuộc sống rất khó khăn, phải sống trong những khu nhà xập xệ, ẩm thấp, việc không có thu nhập do dịch bệnh khiến họ phải tìm đường về quê vì không gánh nổi tiền thuê nhà. 

Công nhân, người lao động là lực lượng rất quan trọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Vì vậy, việc đảm bảo đời sống ổn định cho họ cũng rất quan trọng, đặc biệt là những lúc dịch bệnh như thế này lại càng cấp thiết.

- Không phải chúng ta không có kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, cũng không phải không có những chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phân khúc này. Vậy theo ông, tại sao lại có sự lệch pha rất lớn giữa nguồn cung nhà ở thương mại trung - cao cấp và nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ trong thời gian qua khi nhu cầu của phân khúc này chiếm tới 70% tổng cầu của thị trường? 

Ông Nguyễn Quang Huy: Thiếu hụt trầm trọng nhà ở xã hội là vấn đề ai cũng có thể nhìn ra và thực tế cũng đã có nhiều giải pháp được đưa ra để gia tăng nguồn cung. Nhưng sau nhiều năm vẫn chưa thể giải quyết các nút thắt.

Tôi cho rằng, nguyên nhân là bởi đang thiếu sự quyết tâm của xã hội và thiếu quyết liệt, kiên trì của Nhà nước để giải quyết các nút thắt một cách tổng thể và triệt để. Bên cạnh đó, cũng chưa có sự phối hợp một cách đồng bộ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Lợi ích của các bên vẫn như ba đường thẳng song song. Nhiều doanh nghiệp đang đòi hỏi những ưu đãi quá cao vượt qua các chính sách pháp luật hiện hành, thiếu tính sáng tạo để tối ưu hoá hiệu quả kinh doanh nhằm giảm chi phí, giảm giá thành. 

Mặt khác, chúng ta chưa có quy hoạch mang tính tổng thể, thiếu quỹ đất lớn, thiếu tầm nhìn dài hạn, dẫn đến việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ bị manh mún,  trở thành bài toán khó, các kế hoạch phát triển bị dở dang, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ. 

Nhà ở xã hội

Nhu cầu lớn, nguồn cung thiếu hụt nhưng ở nhiều dự án nhà ở xã hội hiện hữu lại đang xảy ra tình trạng mở bán hàng chục lần vẫn “ế”. Theo ông, nguyên nhân nào đẩy người thu nhập thấp tháo chạy ra khỏi phân khúc vốn dành cho họ? 

Ông Nguyễn Quang Huy: Việc mặc định nhà ở xã hội là nhà ở kém chất lượng dành cho người có thu nhập thấp đã vô tình tạo nên những phân bậc. Từ đó, trong nhận thức của nhiều người, chỉ có giới trung lưu, thượng lưu mới sở hữu được những không gian hiện đại, đa tiện ích còn người lao động có thu nhập thấp thì gắn liền với không gian tạm bợ, xuống cấp. Điều này đang đi ngược lại lối sống văn hoá của con người Việt Nam, tiềm ẩn nguy cơ gây bất bình đẳng xã hội.

Nhà ở cho công nhân khu công nghiệp vừa thiếu về số lượng, vừa chưa đáp ứng về chất lượng, không được quy hoạch đồng bộ với khu công nghiệp và các khu dân cư của địa phương. Không ít khu nhà ở cho người lao động thu nhập thấp nhanh xuống cấp, thiếu các tiện ích thiết yếu, thẩm mỹ chưa cao, chưa được quản lý vận hành tốt, cư dân phải chấp nhận cuộc sống tạm bợ…

Tất cả những điều này khiến nhiều người có định kiến với nhà cho công nhân, hình thành tâm lý “của rẻ là của ôi”, nhưng đồng thời cũng phải chấp nhận với tâm lý “vì tiền ít thì cũng chỉ được thế!”. Đó là lý do mà nhiều người thà chấp nhận đi ở thuê chứ không dùng những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình hoặc chấp nhận vay ngân hàng để mua những căn nhà giá rẻ kém chất lượng. 

Việc xây dựng nhà ở cho công nhân là một bài toán thách thức nhưng cũng đầy thú vị, đòi hỏi chủ đầu tư tham gia phải có tâm, có tầm và tư duy đổi mới sáng tạo, nghĩ cách làm khác với cách làm truyền thống thì mới có thể giải quyết được triệt để.

nhà ở xã hội

- Như ông vừa nói, làm nhà ở xã hội, nhà giá rẻ cho công nhân, người lao động thu nhập thấp là một bài toán đầy thách thức. Vậy lý do gì khiến APEC Group mạnh dạn “dấn thân” vào phân khúc này với một quyết tâm lớn rằng giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành 2 - 4 triệu căn hộ trong khi nhiều doanh nghiệp khác trên thị trường đang dần “lánh xa” để chọn phân khúc dễ dàng thu lợi hơn? 

Ông Nguyễn Quan Huy: Thời gian qua, trong các lần tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có nhiều ý kiến, chỉ đạo liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp. Doanh nghiệp nhận thấy đây là vấn đề cấp bách và mong muốn được chung tay cùng chính quyền để giải quyết câu chuyện phát triển nhà ở xã hội cho người dân.

Mục đích duy nhất của chúng tôi khi triển khai chiến lược phát triển nhà ở xã hội trong dài hạn và muốn tạo ra mô hình nhà ở xã hội 5 sao có thể nhân rộng trên cả nước là để thực hiện tinh thần “phụng sự xã hội” chứ không mong gì nhiều về mặt lợi nhuận, thậm chí là phi lợi nhuận.

Bởi chúng tôi hiểu rằng cho đi cũng chính là nhận lại. Thay vì đi làm từ thiện, doanh nghiệp có thể “từ thiện” ngay trong các dự án của chính mình. Đơn giản bằng việc đem đến những sản phẩm chất lượng, thu về ít lợi nhuận hơn để giá bán sản phẩm không quá cao, giúp tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng.

Hơn hết, phụng sự xã hội là sự trách nhiệm cần thiết mà mỗi doanh nghiệp cần có. Giúp mọi người dân có nhà để ở, “vì một Việt Nam không để ai bị bỏ lại phía sau” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách mà chúng tôi cho rằng, doanh nghiệp phát triển bất động sản cần phải ưu tiên. 

Dân số Việt Nam khoảng 100 triệu người trong đó tập trung chủ yếu ở TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh, thành phố lớn, tập trung các Khu công nghiệp lớn. Chúng ta không giải quyết vấn đề nhà ở xã hội thì sẽ liên quan đến phát triển đô thị mất cân bằng cũng như lâu dài sẽ tạo ra bất bình đẳng xã hội.

- Ông vừa nhắc đến mô hình “nhà ở xã hội 5 sao” mà APEC Group đang muốn tiên phong triển khai để “mở đường” cho các doanh nghiệp khác phát triển nhà ở xã hội một cách chuyên nghiệp hơn. Xin ông chia sẻ thêm về mô hình nhà ở này?

Ông Nguyễn Quang Huy: APEC Group muốn tạo ra chuẩn mới cho nhà ở xã hội, một cách gọi khác là khu đô thị an sinh xã hội 5 sao cho người thu nhập thấp. Diện tích căn hộ từ 25 - 70 m2/căn; giá bán tại TP. Hà Nội và TP.HCM khoảng 13 - 16 triệu đồng/m2, các khu vực còn lại khoảng 8 - 14 triệu đồng/m2. Người dân chỉ cần có 30% giá trị căn hộ để sở hữu căn hộ, 70% giá trị còn lại được hỗ trợ vay vốn ngân hàng với thời hạn 10 - 20 năm. Phươn án tài chính này sẽ giúp hiện thực hóa giấc mở hàng triệu người dân có nhà để an cư lạc nghiệp.

Khu đô thị an sinh xã hội 5 sao sẽ có đầy đủ các tiện ích: Trung tâm thương mại, khu thể thao văn hoá đa năng, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học liên cấp, trung tâm chăm sóc sức khoẻ y tế, trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, trung tâm đổi mới khởi nghiệp sáng tạo, vườn ươm khởi nghiệp, quảng trường, chợ đêm, phố đi bộ, đường riêng cho xe đạp, khu công viên thể thao ngoài trời, khu vui chơi cho trẻ em, vườn giáo dục.

Nhà ở 5 sao này sẽ được quản lý theo hướng công nghệ 4.0; sử dụng năng lượng tái tạo như hệ thống năng lượng điện mặt trời.  Ngoài ra, còn có các dịch vụ quản lý vận hành chuyên nghiệp với môi trường sống xanh và sinh thái để tạo ra “rừng trong phố”, tạo điều kiện cho con người sống hoà quyện với thiên nhiên. 

Các tiêu chuẩn về nhà ở xã hội 5 sao này được APEC Group hình thành dựa trên các yếu tố phù hợp với Việt Nam, được chọn lọc để tập trung vào tính bền vững của các dự án đô thị. Còn ở các nước, các yếu tố xanh, thông minh vốn đã được tích hợp rất sâu trong từng dự án trong một thời gian dài. Ví dụ tại Singapore, yếu tố “xanh” đã có các tiêu chuẩn rất chặt chẽ, đảm bảo trong mỗi dự án phải phát triển hoàn thiện hạ tầng xanh bao gồm các công viên, vườn công cộng, khu vườn trên cao... Tương tự, việc quản lý trong các khu nhà ở xã hội mới cũng rất hiện đại và hiệu quả khi kết hợp giữa hệ thống quản lý, giám sát bằng công nghệ với các phương thức giao tiếp truyền thống. 

PV: Từ trước đến nay, dường như đã có một mặc định rằng, đã là nhà ở xã hội thì chất lượng thấp, vì chỉ có thế thì mới có giá rẻ được, nhất là trong bối cảnh giá nhà đang ngày càng tăng cao như hiện nay, việc làm nhà chất lượng "5 sao" nhưng giá bình dân có lẽ khó càng thêm khó. APEC Group dựa vào đâu để có thể tự tin và đặt ra một mục tiêu lớn như vậy? 

Ông Nguyễn Quang Huy: Khi chúng tôi làm có mong muốn đưa thị trường bất động sản Việt Nam trở về giá trị thực. Với giá đất, giá nhà hiện nay thì những người làm công ăn lương rất khó có thể tiếp cận sản phẩm. Nhưng khi có nhà cung cấp đưa ra sản phẩm đẳng cấp 5 sao nhưng giá bình dân thì chủ đầu tư khác phải tư duy lại, sáng tạo hơn, thông minh hơn, kỳ công hơn.
Chúng tôi sẽ giảm giá thành với lý do kiểm soát trực tiếp đối với nguyên vật liệu đầu vào. Thay vì giao cho các tổng thầu, chúng tôi tự đi mua nguyên vật liệu trong nước, ngoài nước, đàm phán các nhà cung cấp được giảm giá tối ưu nhất. Về thiết kế chúng tôi có 100 kiến trúc sư xuất sắc, tự làm công tác về quy hoạch, tự thiết kế cảnh quan, nội thất. Sau khi thiết kế hoàn thành chúng tôi đến tận các khu xưởng tự gia công, đảm bảo nội thất thông minh đa năng. Đồng thời giám sát, chọn nhà thầu có tâm, thi công thần tốc kể cả trong mùa dịch, như thế sẽ giảm yếu tố rủi do trượt giá, lạm phát.

Dự án thi công nhanh thì thời gian vay vốn giảm và sẽ giảm lãi vay, đồng thời chi phí bán hàng cũng giảm xuống khi nhu cầu lớn, chỉ cần minh bạch thông tin thì tiếp cận khách hàng rất dễ. Từ đó, mỗi khâu chúng ta cố gắng làm kỹ càng thì sẽ giảm 10 - 15% chi phí. 

nhà ở xã hội

Vậy APEC Group đã, đang và sẽ triển khai phát triển mô hình nhà ở xã hội 5 sao như thế nào?

Ông Nguyễn Quang Huy: Hải Phòng là mảnh đất đầu tiên được doanh nghiệp lựa chọn để phát triển mô hình nhà ở xã hội 5 sao bởi nơi đây có sự phát triển lớn mạnh của các khu công nghiệp trong hiện tại và tương lai, do đó nhu cầu nhà ở cho người lao động luôn cao. Hiện APEC Group và đối tác đang sở hữu sẵn 200ha đất tại quận Dương Kinh, và quận Hải An. 

nhà ở xã hội 5 sao tại Hải Phòng

Theo tính toán của APEC Group, dự kiến tại thành phố Hải Phòng, trong giai đoạn 2021 - 2025  sẽ cung cấp ra thị trường 20.000 căn hộ; Giai đoạn 2026 - 2030 cung cấp khoảng 60.000 căn hộ. Dự án đáp ứng nhu cầu nhà ở cho 320.000 người trong giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, diện tích căn hộ trong khoảng 25 - 50m2/căn, giá trị căn hộ từ 300 - 700 triệu/căn.

Việc hình thành dự án nhà ở xã hội 5 sao đầu tiên tại TP. Hải Phòng sẽ là cơ sở để APEC Group định vị các khu an sinh xã hội - công trình kiểu mẫu giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư có cách nghĩ mới trong vấn đề phát triển nhà ở xã hội.

Còn tại tại TP. Cần Thơ, hiện tại chúng tôi đã được TP. Cần Thơ giao cho nghiên cứu khu đô thị 300ha bên đường Võ Văn Kiệt, quận Bình Thủy. Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng cho phép chuyển đổi từ 60 - 100ha làm khu đô thị nhà ở xã hội 5 sao kiểu mẫu với khoảng 60.000 căn hộ (đáp ứng chỗ ở cho 240.000 người) mà vẫn áp dụng theo quy định phát triển nhà ở xã hội hiện hành. 

Tại Thái Nguyên, APEC tiên phong đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho phép được dùng 50ha đất trong quỹ đất 170ha khu Điềm Thụy B tại huyện Phú bình và thị xã Phổ Yên để đầu tư khu đô thị nhà ở xã hội 5 sao với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng. 

Tại Hà Nội, hiện TP. Hà Nội đã giao các nhà đầu tư nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết 5 khu đô thị nhà ở xã hội trên địa bàn với tổng diện tích khoảng 301,64 ha đất (gồm 1 khu tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm; 2 khu tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh; 1 khu tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh và 1 khu tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì và huyện Thường Tín). Tập đoàn APEC đề xuất đầu tư 1 - 2 triệu căn hộ nhà ở xã hội dựa trên quỹ đất đã được quy hoạch nêu trên và một số khu khác trong giai đoạn 2021 - 2025.

Tại TP.HCM, APEC Group đề xuất đầu tư từ 1 - 2 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2025 dựa trên việc tiếp nhận các quỹ đất có sẵn, hoặc mua lại các khu đất gần khu công nghiệp. 

Còn tại các tỉnh, thành phố khác, tập đoàn APEC đề xuất đầu tư khoảng 1 triệu căn hộ  5 sao trong giai đoạn 2021 - 2025.

Để tạo lập được số lượng nhà ở xã hội “khổng lồ” như trên, doanh nghiệp sẽ giải bài toán nguồn vốn ra sao? 

Ông Nguyễn Quang Huy: Để giải quyết câu chuyện về vốn làm dự án, các doanh nghiệp chủ lực trong hệ sinh thái APEC Group sẽ trực tiếp tham gia mạnh mẽ cho cuộc "đại cách mạng" nhà ở này. Trong đó, Công ty Chứng khoán APS sẽ thu xếp nguồn vốn “trái phiếu xanh”, còn các Công ty API, IDJ sẽ là các đơn vị chủ đầu tư trực tiếp.

Hiện, Tập đoàn APEC có tổng tài sản hơn 10.000 tỷ, đang là chủ đầu tư của các dự án lớn tại gần 20 tỉnh thành trên cả nước với tổng mức đầu tư khoảng 3 tỷ USD.

Để hướng tới sự phát triển chuyên nghiệp và bền vững, Tập đoàn APEC đang đã ra mắt Tổng công ty phát triển nhà ở xã hội với điều lệ từ 10.000 - 20.000 tỷ đồng, chúng tôi sẽ huy động từ các định chế tài chính, từ các đối tác với quy mô đầu tư khoảng 50.000 - 100.000 tỷ và sẽ tăng lên phù hợp với mỗi thời kỳ phát triển để đầu tư 6 - 10 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030; trong đó, từ 2021 - 2025 hoàn thành 2 - 4 triệu căn hộ; giai đoạn 2026 - 2030 hoàn thành 4 - 6 triệu căn hộ, trong đó tại TP.HCM và Hà Nội sẽ chiếm 70% số lượng nêu trên.

nhà ở xã hội 5 sao
nhà ở xã hội 5 sao

Dự án nhà ở an sinh xã hội của Apec Group đảm bảo đáp ứng 5 tiêu chí gồm: Chất lượng, thẩm mỹ, tiện ích, sinh thái và thông minh

Về mặt cơ chế, chính sách, doanh nghiệp mình có kiến nghị, đề xuất gì để tháo gỡ các vướng mắc hiện có và sớm đưa các dự án đi vào cuộc sống, nhằm giải quyết triệt để nhu cầu nhà ở xã hội cho người dân? 

Ông Nguyễn Quang Huy: Tập đoàn APEC kiến nghị Chính phủ một số giải pháp để phát triển nhà ở an sinh xã hội như sau: 

Một là, quy hoạch từng vùng nông thôn trên cả nước, quản lý chặt chẽ việc cấp phép xây dựng tại nông thôn. Trong đó cần, quy hoạch không gian ở, công viên cây xanh, văn hóa tâm linh, thương mại dịch vụ, khu xử lý rác; Sáng tạo các mẫu nhà điển hình cho từng vùng miền đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhà ở hiện đại nhưng vẫn phải giữ bản sắc văn hóa dân tộc, cấp phép xây dựng. Nếu không quy hoạch và quản lý xây dựng một cách chặt chẽ thì sau này, khi đô thị hoá tràn đến khu vực nông thôn, hệ luỵ của việc phát triển tràn lan là rất lớn và khó có thể khôi phục. 

Hai là, cần lập quy hoạch các khu đô thị nhà ở xã hội quy mô lớn, quy hoạch đồng bộ hạ tầng kỹ thuật kết nối các khu đô thị này với khu vực trung tâm, khu công nghiệp, hình thành các tuyến giao thông công cộng…

TP.HCM, Hà Nội cần tạo quỹ đất từ 3.000 - 5.000ha để làm nhà ở xã hội, diện tích từ 50 - 300ha/ khu đô thị. Các tỉnh thành khác sẽ tạo quỹ đất khoảng 10.000 ha. 

Ba là, Chính phủ cần thúc đẩy đầu tư bằng các nghị định, thông tư, chỉ thị phù hợp với các luật hiện hành mà không cần đợi thông qua luật mới. Các chính sách cần rõ ràng, thông thoáng, mang tính và kiến tạo để giúp doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận, triển khai, quyết toán sau này.

Bốn là, kiến nghị Chính phủ phê duyệt cơ chế cho phép doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nhận doanh nghiệp đầu tư làm nhà ở xã hội là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng và đủ điều kiện IPO trên thị trường chứng khoán.

Năm là, Chính phủ và chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Nhà đầu tư cung cấp tài chính, chính quyền thực hiện giải phóng mặt bằng và hoàn lại tiền bằng hình thức khấu trừ tiền thuế nộp cho ngân sách Nhà nước.

Sáu là, Ngân hàng Nhà nước cần phân biệt doanh nghiệp bất động sản làm nhà ở xã hội với bất động sản làm nhà ở thương mại và yêu cầu các ngân hàng thương mại xếp loại vào nhóm ngành là rủi ro thấp và được ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp. Đồng thời, cấp tín dụng ưu đãi cho người dân để mua nhà.

Bảy là, Chính phủ cần phê duyệt cơ chế cho phép doanh nghiệp chuyển đổi đất thương mại dịch vụ, nông nghiệp và các loại đất khác chưa phát huy hiệu quả nguồn lực sang làm khu đô thị nhà ở xã hội. 

Tám là, Chính phủ, Bộ tài chính hỗ trợ giới thiệu doanh nghiệp làm việc cùng các định chế tài chính trong và ngoài nước như Worldbank, IFC, Ngân Hàng Chính Sách để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dành cho phát triển (dưới 3%/năm). 

Chín là, Chính phủ xem xét cấp cho chủ đầu tư làm nhà ở xã hội các khu đất liền kề hoặc một phần quỹ đất của dự án nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư.

Mười là, Chính phủ cho phép các tỉnh, thành phố được ưu tiên một phần vốn ngân sách của địa phương để cấp bù lãi suất cho vay thương mại mua nhà ở xã hội xuống mức 3 - 4% giúp người dân giảm áp lực tài chính, dễ tiếp mua nhà hơn.

-  Trân trọng cảm ơn ông vì những chia sẻ!

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam:  Tôi cho rằng, mấu chốt thứ nhất là quỹ đất sạch để phát triển nhà ở xã hội. Từ trước đến nay, các tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP.HCM hay các địa bàn cần ưu tiên phát triển nhà ở xã hội đều hầu như không có quỹ đất sạch, nếu có thì chỉ mang tính chất nhỏ lẻ. 

Trong khi muốn làm được nhà ở xã hội để phát triển lâu dài, chất lượng thì cần các quỹ đất từ hàng 5 - 10ha trở lên. Để đạt hiệu quả tốt nhất thì cần trên 100ha để có thể quy hoạch đồng bộ, xây dựng hạ tầng và tạo ra các module điển hình. Điều này sẽ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, còn phát triển nhỏ lẻ sẽ không bao giờ có được giá thành tốt. Tất nhiên điều này còn phụ thuộc vào nhu cầu của từng khu vực, có những nơi nhu cầu chỉ dừng lại ở diện tích 5 - 10ha. Nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là cần có quỹ đất sạch và quy hoạch ở khu vực đó cần phải được đồng bộ, kết nối về hạ tầng. Nếu không có yếu tố này thì xây dựng ra cũng sẽ không có người đến ở.

Cần nhấn mạnh lại, chúng ta đừng quá chú trọng vào câu chuyện “thương mại” hay “xã hội”, điều cần quan tâm là các cơ quan ban ngành cần làm sao cho giá nhà rẻ đi mà vẫn nâng cao được chất lượng.  Chúng ta đừng lầm tưởng nhà ở xã hội thì hạ tầng không tốt, càng là nhà ở xã hội thì hạ tầng càng phải tốt và chất lượng cao để tránh tình trạng nhà ổ chuột, sớm phải đập đi xây lại.

12/11/2021 06:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top