Aa

Chuyện thời lâu lắm rồi

Thứ Năm, 03/01/2019 - 06:01

Tôi tự hỏi thầy Ph – hay anh thanh niên Ph ấy, nếu vào thời này, có tránh được nỗi bất hạnh không? Và tôi nhận ra là kể cả bây giờ cũng không tránh được. Có những ràng buộc mạnh mẽ hơn nhiều lần tâm trí của con người. Hoặc quy thuận nó, hoặc sẽ tan nát.

Năm lớp 5, tôi đi sơ tán, học ở trường làng. Nếu đi học đúng độ tuổi, thì học sinh lớp 5 khi đó chỉ 11 – 12 tuổi. Nhưng chỉ bọn "sơ tán" chúng tôi là học đúng tuổi. Phần lớn bọn cùng lớp với tôi khi đó phải hơn tôi 2-3 tuổi. Cũng có đứa đã 15-16 tuổi, thậm chí hơn. Vào thời ấy, sự đi học ở quê nó khác xa sự đi học ở thành phố. Thằng bạn thân với tôi hồi lớp 2, sang đến lớp 3 nghỉ học. Nguyên do là mẹ nó đẻ thêm đứa nữa. Nó phải ở nhà trông em. Sau 2 năm, em nó đã hơi cứng, nó đi học lại, nhưng thành ra dưới tôi hai lớp.

Chính vì thế, chuyện trong lớp tôi có cái T sắp tròn tuổi 16 không là sự lạ lắm. Nỗi khổ của cái T ở chỗ khác. Là chuyện nó… cao quá. Không hiểu sao cái thời toàn ăn khoai, ăn sắn với rau mà vẫn có đứa con gái cao như thế. Tôi không biết chiều cao của cái T hồi ấy là bao nhiêu. Chỉ biết nó cao hơn tất cả một cái đầu. Có lẽ lớn hết nó phải cao 1,8m chứ chả đùa. Hoa hậu thời nay còn chẳng được vậy.

Giá như nó sinh ra vào thời bây giờ. Phải, giá như thời này, thì chả phải nói. Khổ là thời đó, con gái cao như nó trong mắt mọi người là rất khó coi. Tất cả đều nhìn nó như là đứa hẩm hiu. Cả người làng chứ không chỉ học sinh. Có lần chúng tôi đi lao động đào hào, làm hầm tránh bom cùng dân làng, một bà thấy cái T, nói oang oang: "Con gái mà như cái sào thế này thì ma nào nó rước!". Chỉ vì nó cao nên nó bị coi là… xấu. Mặc dù, mặt mũi nó tròn trặn dễ nhìn. Và da nó trắng chứ không đen như hầu hết bọn trong lớp. Ngại chiều cao quá khổ. Cái T hay cố cúi xuống để thấp đi. Cho nên hình ảnh nó trong tôi là cái dáng lúc nào cũng như lom khom. Duy lúc nào tức lắm, thì nó đứng thẳng. Có lần nó bị nghi oan một chuyện, nó đứng thẳng lên, quát to, mắt mở tròn, mặt đỏ bừng. Khi đó tôi thấy nó như người hành tinh khác xuống.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Chủ nhiệm lớp tôi là thầy Ph. Trong trí nhớ của tôi, đó là thầy giáo bảnh bao, đẹp trai nhất mà tôi từng học. Thầy trẻ nhất trong thầy cô ở trường. Mới tốt nghiệp sư phạm 7+3, chắc khoảng 18 - 19 tuổi. Dáng thanh mảnh, nét mặt rất thành thị. Dáng đi cũng như diễn viên trong phim. Cũng lạ, vì nhà thầy Ph. gốc dân thôn hoàn toàn.

Thầy Ph. đầu năm học thì bình thường, có phần vui tính. Sau càng ngày càng hay cáu bẳn, và (như sau này chúng tôi mới hiểu) thầy rất thất thường. Chúng tôi nơm nớp sợ. Thầy ghét cái T. Cái đó cũng không có gì là lạ. Nó là đứa dễ bị phân biệt đối xử, do… cao quá!

Mỗi khi đứa nào trong chúng tôi bị "chết đứng" trên bảng do không thuộc bài (ít khi chúng tôi thuộc bài), thầy Ph. cầm thước kẻ đập lên mặt bàn một tiếng chát chúa (lớp lặng như tờ, không đứa nào dám ngẩng lên). Kèm theo đó là tiếng thầy quát: "Về chỗ. O điểm". Thót tim, nhưng mọi cái xảy ra nhanh. Chỉ cần cun cút về chỗ, ngồi im thin thít. Rồi thằng bị gọi lên bảng tiếp theo lôi cuốn sự hồi hộp của cả lớp. Không ai chú ý đến đứa trước nữa, kể cả thầy. Riêng với cái T, mọi sự khốn khổ hơn. Cũng như chúng tôi, nó thường không thuộc bài. Mà ví dụ nó thuộc bài môn Văn, thầy lại hỏi nó môn Sử, hay Địa (thầy dậy nhiều môn). Rồi thế nào nó cũng "chết". Thầy không quát, không đập thước, cứ lạnh lùng nhìn ra chỗ khác. Nó đứng trên bảng, mắt nó như mắt con thỏ bị truy đuổi. Thầy Ph. nhìn vào quyển sách như là mải đọc cái gì vậy. Rồi ngước lên nhìn nó, như đợi câu trả lời. Mà nó thì có gì để nói nữa chứ!

Có đợt, thầy gọi chúng tôi lên truy bài, nhưng không gọi cái T. Tôi ngồi cùng bàn với nó, tôi thấy khi không bị gọi lên bảng, nó còn sợ hơn. Bị gọi lên, bị chết đứng, rồi thì cũng được xuống chỗ ngồi và chứng kiến đứa khác bị truy. Đằng này, nó lúc nào cũng thấp thỏm. Nó sợ đến nỗi, theo tôi nghĩ, thuộc bài hay không mà bị gọi nó cũng "chết".

Nhưng điều lạ là thầy T thường có những ngày đột ngột vui vẻ. thầy đùa với chúng tôi lúc ra chơi. Bao quanh lớp là công sự nối liền với các hầm chữ A. Thầy tham gia chơi trò trận giả. Cũng về một đội, ẩn nấp, ném đất. Đứa nào trúng đất là "hy sinh". Có lần tôi ném trúng thầy khi thầy vừa nhô lên. Nhiều lần thầy nổi hứng dậy chúng tôi hát. Thầy trò hát rất hăng, bỏ cả tiết học sau đó. Khi thầy giảng bài, thầy hay nói những chuyện ngoài sách giáo khoa, nghe rất thích. Nói tóm lại, chỉ ngại nhất chuyện lên bảng. Còn thì chúng tôi không thấy ghét thầy.

Sang học kỳ II, thầy Ph. ra lệnh lập các nhóm học ở nhà. Mỗi nhóm vài ba đứa gần nhà nhau, hoặc đứa học được học với đứa dốt. Thầy bí mật chỉ định ba đứa vào "đội tuần tra" giúp thầy kiểm soát chuyện buổi tối các nhóm có học tử tế không. Tôi là một trong ba đứa ấy. Chúng tôi, phải nói là, ngầm sướng đến ngây ngất bởi sự tin cậy đặc biệt này, nóng lòng muốn thực thi nhiệm vụ.

Buổi tối, thầy Ph. đến ngõ nhà tôi, quơ một vòng đèn pin. Ba đứa chạy ngay ra. Chúng tôi dẫn thầy đến những nhà là địa điểm họp nhóm. Thầy với chúng tôi đi như là trinh sát đặc công, tránh đường to, len lỏi những ngõ vắng, thấy người thì tránh. Ba thằng chúng tôi thì chẳng chó nhà nào cắn sủa, do bọn chó với chúng tôi nhẵn mặt nhau rồi ở đủ mọi "phi vụ". Nhà nào trong làng cũng có tường rào bằng duối cắt xén vuông vắn. Chúng tôi đứng ngoài tường duối, lắng nghe một lúc, hay nhìn vào cửa nhà. Rất dễ nhận ra nhóm có học hay không, vì nhà chỉ có một cái đèn dầu. Khi con học bài thì bố mẹ ngồi tối dành đèn cho con. Bàn học ngay cửa sổ. Kể cả mùa đông cũng vẫn mở. Có chỗ, bọn học nhóm cười nói oang oang, thầy không ngó, chỉ nghe rồi đi thẳng, chúng tôi cun cút theo sau.

Giữa chừng, thầy bỗng ra lệnh: "Đến nhóm thằng H". Như vậy có nghĩa là bỏ qua tất cả các nhóm giữa làng, vì nhóm thằng H với cái T ở cuối xóm, khá biệt lập. Thằng H là thằng "già" nhất lớp, dốt nhất lớp, nó đúp liên tục, cứ hai năm mới lên được một lớp. Mà đó là vì nhà trường không lẽ cứ để nó học mãi, chứ đúng ra nó phải đúp tiếp. Nó còn nhiều tuổi hơn cái T. Nhưng chúng tôi thích nó , vì nó lộc ngộc và rất tốt bụng. Nó đã đi tuyển bộ đội, nhưng chưa được gọi nhập ngũ nên tiếp tục học.

Đến nơi, thấy tối om. Nhưng nghe giọng bố mẹ thằng H nói chuyện. Qua ánh trăng, tôi thấy mặt thầy T có vẻ căng thẳng (khi đó tôi chỉ hiểu là nghiêm nghị). Thầy bảo tôi vào nhà khéo léo kiểm tra. Bố mẹ thằng H thấy tôi vào thì nghĩ tôi đến học nhóm, chỉ xuống hầm. Cả làng có mỗi nhà này đào hầm chữ A rất to ngay ở trong nhà. Bố thằng H rất nhát bom, hay bị người làng trêu chọc vì chuyện này. Đồn rằng đêm ông bắt cả nhà xuống hầm ngủ.

Tôi bước xuống hầm, nghe tiếng cái T cười rúc rích. Còn hai bậc nữa mới hết, tôi đã nhìn thấy nó ngồi bên bàn học với thằng H. Cái T ngẩng lên, thấy tôi thì cười rất tươi. Bỗng nhiên, tôi nhận ra khuôn mặt nó dưới ánh đèn dầu thật xinh xắn.

Tôi bịa chuyện mượn chép đề bài tập cho về nhà. Thằng H lục tìm đưa, còn hỏi tôi có ăn khoai nướng không. Còn cái T thì hỏi thầm: "Có phải đi kiểm tra học nhóm không?" Tôi bất ngờ nên lúng búng. Nó hỏi tiếp, giọng càng thì thào hơn: "Có thầy ngoài kia không?". Tôi bảo: "Thì các cậu đang học, có gì mà sợ?". Cái T bỗng phụng phịu: "Nhưng mà thầy ghét tớ lắm".

Tôi quay ra, báo cáo thầy Ph. là có học nhóm. Thầy tra hỏi tôi vô cùng kỹ: Học ở đâu, hầm thế nào, hai đứa ngồi ra sao, bố mẹ trên nhà có thấy chúng nó ngồi dưới hầm không, lúc đến chúng nó đang học hay nói chuyện, thái độ thế nào… Tôi kể tỷ mỉ hết. Vì hào hứng với nhiệm vụ tôi cũng không cả kịp ngạc nhiên nữa.

Hôm sau, vừa vào lớp, thầy gọi ngay cái T lên bảng. Lần đầu tiên, tôi thấy cái T đứng thẳng người trả lời khá trôi chảy phần lớn các câu thầy hỏi, không sợ sệt. Câu nào không thuộc, nó nói ngay là không. Thầy lại hỏi câu khác. Nó có vẻ liều lĩnh đến bất cần. Chúng tôi trong bụng vừa lạ, vừa phục. Thầy T càng hỏi, càng có vẻ nôn nóng bứt rứt. Nó thì cứ lì ra. Cuối cùng, nó được cho về chỗ. Thầy T có viết gì đó vào sổ điểm, nhưng không đọc điểm thầy cho nó.

Những buổi học tiếp theo, trí óc non nớt của chúng tôi nhận thấy cả bầu không khí của lớp đổi khác. Mà chỉ bởi sự khác trong thái độ của cái T và thầy Ph. Chuyện bài vở thì không có gì. Cái T từ ngày đó ít bị hỏi bài. Khác là chỗ cái T khác trước chẳng chút sợ sệt. Còn thầy Ph. thì ít quát chúng tôi, hay lơ đãng.

Sau ít ngày, chúng tôi hiểu ra tại sao cái T bất cần như thế: T thôi học, đi lấy chồng. Khi thầy Ph. hỏi lớp trưởng tại sao T vắng, nó nói không biết. Nhưng chính nó nói với chúng tôi: Cái T sắp cưới. Người hỏi cưới nó là công nhân trạm bơm của Tỉnh nằm trên đê sông Cái. Nó không biết anh này, nhưng mẹ nó muốn gả.

Một hôm, thầy Ph. bấm tôi, bảo tôi ở lại sau buổi học. Tan học, tôi lẩn vào cái hầm chữ A sau bụi tre của lớp. Khi không còn tiếng nhộn nhạo nữa mới chui lên, vào lớp. Thầy T ngồi sau bàn, có vẻ sốt ruột. thầy bảo tôi: Đến nhà T, nói là thầy bảo nó đi học, đừng lấy chồng. Nhưng không được lộ cho ai biết.

Khi tôi đến, cái T đang cuốc đất ở vườn sau. Như mọi đứa ở làng, nó vồn vã vui vẻ đón bạn đến nhà. Nó ép tôi ăn ổi và khoai luộc. Tất tả vào bếp lấy ấm nước chè . Tôi nói lại lời thầy T. Nó xịu mặt, ấm ức: "thầy T ghét tớ, tớ không đi học đâu". Tôi bảo : "Còn trẻ con sao lại lấy chồng?". Nó nói: "Tớ 16 tuổi rồi còn gì". Tôi thấy cũng đúng. Làng này các cô gái toàn đi lấy chồng vào tuổi nó. Lúc tôi về, nó đi theo ra ngõ, nhìn vẻ nó rất buồn. Hình như nó do dự muốn nói gì đó, mà lại thôi. Nhưng tôi làm xong nhiệm vụ thầy giao rồi nên cũng không để ý chuyện đó lắm.

Sau đám cưới của cái T, thầy Ph. đột ngột rời làng đi. Thay thầy Ph. là thầy D. Thầy D. rất hiền. Chúng tôi vẫn như trước, ít khi thuộc bài. Thầy D. cho trở lại chỗ ngồi, giở sách ra đọc lại, rồi lúc sau gọi lên, cho trả lời câu hỏi từ đầu. Đôi lúc thầy quên không gọi lại, chúng tôi cũng lờ đi.

Thầy Ph. đi rồi, bọn trẻ con chúng tôi mới dám nhắc đến thầy. Câu chuyện chỉ xoay quanh là thoát nạn. Có lần không hiểu sao lại nói đến cái T. Đa số đồng ý thầy ghét cái T nhất. Tôi nói rằng thầy ghét kiểu gì ấy không giống ghét những đứa khác. Thằng lớp trưởng bảo: "Hay là thầy không ghét nó?". Chẳng đứa nào quan tâm thêm. Sau nghe nói thầy Ph. xin đi bộ đội, nhưng vì thiếu giáo viên, người ta nói thầy tiếp tục dạy học. Thầy dạy ở huyện nào đó rất xa. Cái T theo chồng, chẳng biết sau này ở đâu.

Mãi sau, nhiều tuổi rồi, tôi mới hiểu đã chứng kiến quãng thời gian tuyệt vọng của thầy giáo cũ. Và trong tâm trí tôi thầy Ph. không còn là một thầy giáo nghiêm khắc và khó hiểu nữa, mà chỉ là một thanh niên, hơn tuổi chúng tôi khi đó – với tôi thì hơn nhiều, với những đứa "gộc" trong lớp thì chỉ hơn vài tuổi.

Cái T vào thời này chắc những nhà tổ chức thi hoa hậu sẽ tìm ra. Tôi tự hỏi thầy Ph. – hay anh thanh niên Ph. ấy, nếu vào thời này, có tránh được nỗi bất hạnh không? Và tôi nhận ra là kể cả bây giờ cũng không tránh được. Có những ràng buộc mạnh mẽ hơn nhiều lần tâm trí của con người. Hoặc quy thuận nó, hoặc sẽ tan nát. Không ai có thể bênh vực, dẫu là có thể hiểu. Không khác được.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top