Aa

Một lần lạc đường

Thứ Năm, 20/12/2018 - 06:00

Bao năm rồi tôi hầu như quên cái lần lạc vào xóm Côdắc ấy. Cho đến gần đây, nằm ốm không đi lại được, vào mạng tìm đọc lại những tiểu thuyết Nga về vùng người Côdắc sinh sống. Trong đó miêu tả những ngôi nhà Côdắc, ai đến gõ cửa là được đón vào, cho ăn cho uống, cho ngủ lại. Đó là điều ai cũng làm thế, không coi là chuyện tốt bụng, ơn huệ...

Khi ấy tôi là một sinh viên báo chí, từ Maxcova xuống đài truyền hình Craxnodar để thực tập hè. Biên tập viên trưởng, sau khi biết tôi trước khi đến đây thực tập đã trải qua 45 ngày lao động ở đội xây dựng sinh viên, đã vỗ tay reo lên: "Vậy thì đi làm cho tôi kịch bản phim phóng sự về các đội xây dựng sinh viên quốc tế ở vùng Cuban!”.

Tôi sang ban chỉ huy lao động sinh viên của vùng này, và lấy được danh sách phân bổ của các đội. Họ cũng kể cho chúng tôi biết vùng nào có các đội sinh viên thành phần hấp dẫn nhất. Tôi quyết định đi một mình quan sát trước, rồi lần sau quay lại với đội quay phim. Các đội quay phim thường có thói quen làm mau cho xong rút sớm. làm tin thì được, nhưng nếu là phóng sự dài hơn thì tốt nhất cần tìm hiểu trước và có sườn phóng sự trong đầu.

Tôi ra bến xe khách khổng lồ của thành phố. Tôi tra giờ xe và ngồi lơ mơ ngủ, đợi loa gọi lên chuyến xe đó. Một lúc, tôi bừng tỉnh khi loa vang lên tên làng đó. Tôi chạy vội lên xe và hỏi người ngồi hàng ghế đầu: "Có phải Craxnoapmei…". Tôi chưa nói hết người đó gật đầu. Xe chạy.

Xứ Cuban này rất rộng. Khác với lịch sử dữ dội của mình, vẻ ngoài của vùng đất này rất hiền hòa. Những làng mạc trù phú trôi dần. Khoảng 4 giờ chiều thì xe dừng ở giữa một thôn Côdắc điển hình. Tôi bước xuống, khoan khoái ngắm các dãy nhà, con đường chạy qua các hàng rào rợp bóng cây. Theo kinh nghiệm, tôi biết các đội sinh viên thường ở các trường học nên không phải đi xa nữa. Bất ngờ là khi tôi hỏi chỗ đội lao động sinh viên quốc tế đang ở, người dân đều ngỡ ngàng lắc đầu: “Chỗ chúng tôi chẳng có đội sinh viên nào cả. Mà quốc tế thì lại càng không. Anh là người nước ngoài đầu tiên tôi thấy!”.

Môt ngôi nhà trong làng quê nước Nga.

Môt ngôi nhà trong làng quê nước Nga.

Tôi chợt đoán ra nguyên do và nhảy bổ lại bến xe. Đọc tên bến thì thấy cái tên thì trùng nhưng sai chữ cuối (thôn chứ không phải làng). Để đến đúng chỗ cần đến, tôi phải đợi chuyến xe khách vào sáng mai. Cũng có cách nữa, là đợi đến tối muộn đi nhờ chuyến xe thư quay lại thành phố.

Thế là tôi một mình ở một nơi hẻo lánh của vùng Cuban. Tôi không thấy có một tiệm ăn nào cả. Cũng không có thư viện, công viên. Khi người xuống xe khách tản đi, khu sân chung của thôn vắng ngắt. Các ngôi nhà có rào và cây bao quanh nên không nhìn thấy người. Tôi ngồi xuống một cái ghế gỗ dọc hàng rào, ngán ngẩm trách mình.

Cả tiếng trôi qua. Thỉnh thoảng ai đó đi qua trên đường phố. Giá như ở một làng của Việt Nam mà có một người nước ngoài lạc đến, chắc sẽ thu hút nhiều chú ý. Ở cái làng Côdắc này không thế. Dù tôi ngờ là chắc chả có người nước ngoài nào đến đây, nhưng bản tính người ở đây không tò mò. Họ như chẳng phân biệt lạ hay quen. Đối xử với người ở đâu đến hay người tại chỗ như nhau. Vậy là tôi cứ ngồi, chán nản và sốt ruột.

Có tiếng mở cổng. Từ trong hàng rào, một bà già, rất nhỏ bé, như vóc dáng bà già Việt vậy, xách một xô táo ra, để ngoài cổng. Rồi bà ngồi xuống ghế gỗ cạnh đó cách tôi vài mét. Khuôn mặt nhăn nheo, lưng còng, chắc bà già lắm rồi. Tôi sống ở Nga đã đủ lâu để biết có hai dạng tính cách của các bà già Nga: Những bà già rất ít nói, hoặc là các bà nói rất nhiều khi gặp bất cứ ai. Cụ này thuộc dạng thứ nhất – với các cụ như thế đừng bắt chuyện, sẽ quấy rầy sự yên tĩnh của họ. Nên tôi không hỏi han gì. Cụ già nhìn tôi lãnh đạm như không nhận thấy có người ở đó.

Chẳng ai dừng lại mua táo. Cụ già cũng chẳng mời ai mua. Tôi nghĩ bà để xô táo ngoài cổng cũng như là một nếp xa xưa. Vườn nhà nhiều táo thì để ra ngoài bán. Không ai mua cũng để ra đó như một thói quen. Mà làm sao có người mua. Nhà nào cũng có vườn, táo đỏ xanh phủ kín cành. Qua kẽ rào, thấy mặt đất đầy táo rụng. Mùa này ở nông thôn Nga táo nhiều hơn cả rau muống ở thôn quê Việt.

Cụ già ngồi im lặng. Chỉ thấy tấm khăn chùm đầu thỉnh thoảng cử động. Tôi cũng chả đi đâu mà vội, thời gian của tôi đang không biết đổ đâu cho hết. Trời tối dần. Tôi nghĩ cụ già chắc sắp vào nhà. Khi đó chỉ một mình tôi sẽ ngồi đây vài giờ nữa.

Những bà già trong Lễ hội Côdắc.

Những bà già trong Lễ hội Côdắc.

Rồi cụ già đứng lên, xách xô táo đi vào. Tôi không thấy cụ đóng cổng, mà bất ngờ thấy cụ quay ra, nhìn tôi nói giọng rất bình thường, thậm chí có chút thờ ơ, như thể chúng tôi quen nhau lắm rồi:

- Vào nhà đi, ngồi làm gì ?

Tôi ngạc nhiên, nhưng cũng đứng dậy đi theo. Nhà cụ chưa có ai về. Dẫn tôi vào phòng ngoài, cụ đi luôn xuống bếp. Tôi ngần ngừ rồi cũng ngồi xuống ghế.

Một lúc, cụ bê nồi súp lên bàn, rồi lấy ra mấy cái đĩa đựng cà chua, dưa chuột, thịt mỡ. Giọng vẫn thản nhiên bảo tôi:

- Xuống lấy bánh mì lên, ngồi làm gì?

Tôi xuống bếp. Có hai loại bánh mì đen và trắng. Tôi không rõ nên lấy loại nào, nên cầm cả hai.

Cụ đã múc xúp nóng ra đĩa, bảo tôi:

- Ăn đi, ngồi làm gì!

Chúng tôi ăn.

Hai lần, đều như cơn lốc, người nhà cụ chạy về. Đầu tiên là một người đàn ông trung niên. Bác ta nhìn thấy tôi, chỉ gật đầu, rồi tự múc súp, với chai rượu rót ra hai chén, trao cho tôi một chén, nâng cốc làm cử chỉ chúc sức khỏe, rồi dốc cạn. Ăn xong súp, bác đứng dậy, nói: "Tôi đi có việc", rồi ra cửa. Người thứ hai là một cậu trai quãng 15-16 tuổi. Cậu lao thẳng vào nhà, chộp bánh mì gặm, nhón mấy miếng mỡ muối, rồi xuống bếp mang lên chai sữa chua vừa tu vừa nói: "Cháu đi ra câu lạc bộ đây".

Không ai hỏi han tôi, không ai quan tâm tại sao một kẻ lạ lại ngồi trong nhà mình ăn tối.

Đã hai lần tôi ngừng ăn, nhưng cả hai lần bà già ngước lên lắc lắc đầu, ra lệnh: "Ăn nữa đi".

Xong bữa, tôi định giúp bà dọn bàn, bà xua tay: "Không phải việc của đàn ông". Từ bếp, bà mang lên bình nước quả mát lạnh.

Bà lại ngồi sau bàn im lặng. Có lúc tôi nghĩ hay cụ ngủ rồi. Nhưng bà mở mắt, hỏi: "Cậu ngủ lại hay đi?". Tôi giải thích là sẽ đi theo chuyến xe thư. Bà gật đầu, chỉ tay nói thêm: "Nếu ngủ lại thì có giường trong kia". Sau đó bà lại ngồi nhắm mắt, không nói năng gì.

Nghe có tiếng nổ máy ô tô ngoài đường, tôi chạy ra. Đúng là chiếc xe bưu điện đã chuẩn bị đi. Tôi xin cho đi cùng, rồi quay lại nhà. Khi tôi nói với cụ bà lời cám ơn và tạm biệt, cụ không có phản ứng gì, vẻ ngoài như thể thờ ơ. Nhưng rồi cụ chậm chạp đứng lên, nắm lấy tay tôi, kéo vào góc phòng. Ở đó có chiếc bàn hay tủ cũ, trên kê bức tranh thánh. Cụ làm dấu thánh, chạm tay lên trán tôi, tôi đoán bà cầu chúc cho tôi đi may mắn, rồi gật đầu đẩy nhẹ tôi ra phía cửa, nói: "Thôi đi đi, đứng làm gì"...

Thế là tôi đi ngược lên thành phố. Hôm sau tôi đi xuống chỗ đội lao động sinh viên, ở một khu dân cư nhộn nhịp hơn nhiều.

Bao năm rồi tôi hầu như quên cái lần lạc vào xóm Côdắc ấy. Cho đến gần đây, nằm ốm không đi lại được, vào mạng tìm đọc lại những tiểu thuyết Nga về vùng người Côdắc sinh sống. Trong đó miêu tả những ngôi nhà Côdắc, ai đến gõ cửa là được đón vào, cho ăn cho uống, cho ngủ lại. Đó là điều ai cũng làm thế, không coi là chuyện tốt bụng, ơn huệ. Đúng ra thì vẫn đó phải gọi là lòng tốt, nhưng với những người dân vùng quê này thì chỉ là một điều tự nhiên mà thôi.

Thế rồi lại nhớ lại buổi chiều ấy. Nhớ bà cụ già da nhăn nheo và xô táo. Nhớ lời cụ nói như thể tôi là đứa con đứa cháu hàng ngày vẫn gặp: "Vào đi, ăn đi, ngồi đấy làm gì?”…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top