Aa

Chuyện thứ nhất: Bài học “ngăn sông cấm chợ”

Thứ Sáu, 27/08/2021 - 06:00

Việc “ngăn sông cấm chợ” từ nhiều năm trước cũng đã trở thành bài học lịch sử đắt giá cho quá trình phát triển kinh tế nước nhà mà vụ “phá rào” lo lương thực cho TP.HCM là điển hình.

Như vậy, sau 25 ngày bị phong tỏa do đại dịch Covid-19, chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã được mở cửa trở lại từ ngày 20/8/2021 với những biện pháp phòng dịch chặt chẽ.

Đây là một quyết định có tính mạo hiểm cao khi Hà Nội vẫn đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng trước những nhu cầu thiết yếu cho bữa ăn hằng ngày của hàng triệu gia đình, đó lại là quyết định cần thiết.

Mở cửa chợ đầu mối phía Nam
Mở cửa chợ đầu mối phía Nam

Sau 25 ngày phong tỏa do đại dịch Covid-19, chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã được mở cửa trở lại từ ngày 20/8/2021. (Ảnh: VnExpress)

Bên cạnh đó, việc “ngăn sông cấm chợ” từ nhiều năm trước cũng đã trở thành bài học lịch sử đắt giá cho quá trình phát triển kinh tế nước nhà mà vụ “phá rào” lo lương thực cho TP.HCM là điển hình.

Hồi đó, vào những năm 1978 - 1979, tôi đang là phóng viên thường trú tại TP.HCM, thường xuyên phải ăn hạt bo bo thay cơm vì không có gạo. Vào bữa, mỗi người được xới cho một đĩa hạt bo bo cùng một đĩa rau và ít thức ăn mặn. Nếu ai đã ăn hạt bo bo một lần thì chắc hẳn sẽ nhớ đời vì nó vừa cứng, vừa rặm, cứ như nhai rơm, rất khó nuốt.

Trong khi đó, ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lại thừa ứ gạo. Còn nhớ lần đầu tiên về công tác tại tỉnh Minh Hải (tức hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu sáp nhập lại), ấn tượng đầu tiên của tôi là khi vào bếp ăn tập thể của tỉnh, thức ăn thì chia suất, còn cơm thì trắng tinh, thơm phức và ai ăn bao nhiêu tự xúc lấy. Giời ạ, đang tuổi thanh niên, đói triền miên, nhìn nồi cơm đầy ắp mà sung sướng xiết bao.

Tuy thừa lúa gạo nhưng các tỉnh không thể vận chuyển về thành phố bởi chính sách của Nhà nước, mà là ở cấp “Trung ương” chứ không phải “địa phương”. Việc thu mua gạo của các địa phương là “độc quyền” của các Tổng công ty trên Trung ương, các địa phương không có quyền thu mua gạo ở các địa phương khác. Chính vì thế, các nhà lãnh đạo của TP.HCM phải tìm cách “phá rào”.

Chuyện kể rằng, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt (sau này là Thủ tướng Chính phủ) khi đó bức xúc lắm. Trước giải phóng, Sài Gòn đầy ắp lương thực, thực phẩm; nay sau giải phóng lại để dân đói là không được.

Ông Lữ Minh Châu khi đó là Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tại thành phố kể, một buổi sáng, ông được Bí thư Võ Văn Kiệt gọi điện rủ tới nhà ăn sáng. Khi đến nơi đã thấy có ông Năm Ẩn, Giám đốc Sở Tài chính; ông Năm Nam, Chánh Văn phòng Thành ủy và bà Ba Thi, Giám đốc Công ty Lương thực thành phố.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, bà Ba Thi
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (thứ 2 từ phải qua), bà Ba Thi (đứng giữa), ông Lữ Minh Châu (thứ 2 từ trái qua) là những người đưa ra và thực hiện chủ trương đưa gạo từ miền Tây lên cứu đói cho người dân Sài Gòn. (Ảnh tư liệu của ông Lữ Minh Châu)

Tại đây, Bí thư Võ Văn Kiệt cho biết, dự trữ gạo của thành phố chỉ còn có vài ngày. Bô Lương thực có trách nhiệm cung cấp lương thực nhưng thường xuyên không đủ và kịp thời. Các tỉnh lại đang thừa ứ gạo. Trong khi đó, người dân thành phố có tiền và sẵn sàng mua lương thực theo giá thỏa thuận, tức là cao hơn giá quy định của Nhà nước nhưng lại không được xuống các tỉnh mua và đưa ra khỏi tỉnh. Ông nói: “Tại sao chúng ta không ráp hai mối này lại? Đó là vấn đề mà tôi mời các anh chị đến để hiến kế giải quyết”.

Cuối cùng, bà Ba Thi được giao nhiệm vụ phụ trách chung, gọi là “Tổ trưởng tổ thu mua lúa gạo”, mà sau này, có người gọi vui là “Tổ buôn lậu gạo”. Để đảm bảo an toàn cho việc “xé rào” này, bên Tài chính phải cử cán bộ đi cùng làm kế toán; bên Ngân hàng cử cán bộ giữ chi tiền mặt. Bà Ba Thi thì mua và đem gạo về bán theo giá thỏa thuận cho dân, thu tiền và quay vòng tiếp.

Phá rào lo lương thực cho Sài Gòn
Khắp các chợ lúa gạo ở miền Nam sau cú "xé rào" lập tức đông đúc, nhộn nhịp. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Khi nhận nhiệm vụ, bà Ba Thi nói: “Làm cách này thì chúng tôi làm được, nhưng nếu Trung ương biết là đi tù đó!”. Bí thư Võ Văn Kiệt vừa nói vừa cười: “Nếu do việc này mà anh chị đi tù thì tôi sẽ mang cơm nuôi”. Câu nói này khiến nhiều người nhớ mãi khi quyết định mạo hiểm việc gì đó có lợi cho dân cho nước.

Kết quả, người dân thành phố đã thoát được cảnh thiếu đói triền miên. Còn những người tham gia “tổ buôn lậu gạo” thì không ai làm sao cả.

Kể lại câu chuyện này để thấy rằng, việc mở lại chợ đầu mối phía Nam của Hà Nội là vì cuộc sống thiết yếu của hàng triệu gia đình. Nếu làm cẩn trọng và với trách nhiệm cao, hy vọng cũng sẽ “đầu xuôi đuôi lọt” như câu chuyện lo gạo cho TP.HCM năm nào vậy./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top