Aa

Chuyện tưởng chẳng liên quan

Thứ Tư, 01/04/2020 - 07:00

Nói ngắn gọn lại, việc coi thường môn Ngữ Văn trong nhà trường là nguyên nhân của hầu hết những thứ lố bịch liên quan đến ngôn ngữ, liên quan đến ứng xử hiện nay.

Nhân việc mạng xã hội thi nhau cười cợt công văn của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM về việc chuẩn bị cơ sở hỏa táng, phòng khi số người chết vì dịch Covid-19 tăng đột biến, tôi bèn tò mò tìm đọc công văn đó. Đây là đoạn văn bị dư luận chế giễu: “Căn cứ tình hình hiện nay trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, đặc biệt với tình huống cần phải hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễm virus Covid-19 có thể tử vong” (hết trích).

Mặc dù khá lủng củng về mặt hành văn nhưng tinh thần của đoạn vừa trích trong công văn là muốn nhấn mạnh tính nguy cấp của tình huống khó lường (số người bị tử vong do Covid-19 tăng cao bất thường) để bộ phận có trách nhiệm chuẩn bị đối phó, không rơi vào bị động.

Nhưng với cái nội dung thể hiện, thì cấp dưới chỉ có một cách hiểu duy nhất đúng là phải chuẩn bị để hỏa táng những người nhiễm Covid-19 nặng đến mức ít có khả năng cứu chữa! Nghĩa là hỏa táng trước khi họ bị chết vì bệnh. Nói ngắn gọn là sẵn sàng thiêu sống!

Tất nhiên sẽ chẳng bao giờ xảy ra chuyện như nội dung câu chỉ đạo của công văn, bởi vì ai cũng biết ngay là nó bị diễn đạt sai. Nó chắc chắn sẽ chỉ gây cười là chính nhưng làm sao biết là nó không gây hoảng loạn cho một bộ phận công dân ít học, lại thiếu thông tin nào đó?

Một công văn có vài trăm chữ còn sai nghiêm trọng như vậy, chắc chắn không thể coi chỉ là chuyện “sơ suất”, mà phải có nguyên nhân sâu xa hơn. Và đây chính là vấn đề của bài viết nhỏ này: Tôi muốn bàn đến câu chuyện khác, tưởng chẳng liên quan nhưng hóa ra lại vô cùng liên quan, đó là vấn đề dạy và học Ngữ Văn trong nhà trường hiện nay.

Dạy Ngữ Văn là trang bị kiến thức nền tảng cho học sinh. (Ảnh: Internet)

Trước sự cố vừa nêu, đã có không ít những văn bản cấp thành phố, thậm chí cấp Quốc gia, đều có thể dễ dàng nhặt ra nhiều câu văn tối nghĩa, sai nghĩa, sai chính tả, sai ngữ pháp, viết hoa bừa bãi… mà như ta biết, chúng đều đã, đang và sẽ bị đổ lỗi cho nhân viên đánh máy! Chắc chắn có sự tắc trách, cẩu thả của cả người soạn thảo và người kí duyệt. Nhưng theo tôi, cái căn nguyên sâu xa là do coi thường việc dạy và học môn Ngữ Văn trong nhà trường.

Văn học tham dự vào đời sống hàng ngày y như không khí vậy. Phải khi ngạt thở người ta mới biết giá trị của thứ không nhìn thấy, không để ý. Nói dễ hiểu hơn thì hễ mở mắt ra, từ trên giường bước xuống, nói câu đầu tiên trong ngày, mỗi người đều đã cần đến văn học. Nhưng liệu mấy ai, kể cả các bậc phụ huynh hết lòng vì tương lai con em của mình, hiểu được chuyện này? Tôi tin là không nhiều và đấy mới thực sự là bi kịch lâu dài.

Do những quan niệm thực dụng và lệch lạc về tính ích lợi, Ngữ Văn, vốn là môn nền tảng không chỉ tạo ra học vấn mà quan trọng hơn là tạo ra những dưỡng chất nuôi nấng tâm hồn, càng ngày cứ càng bị coi thường, thậm chí coi rẻ. Trò chán học, thấy học chẳng mấy ích lợi cho việc kiếm tiền nhanh chóng, thành thử thầy cũng đâm chán dần. Thế là cả thầy lẫn trò thi nhau dìm môn học này xuống đáy! 

Đó là lý do vì sao nhiều sinh viên Đại học vẫn viết những câu văn lủng củng, thiếu chủ ngữ, chấm phẩy lung tung; đó là lý do tại sao nhiều học sinh ngày nay không thể viết nổi một bức thư ra hồn; đó là nguyên nhân của việc người ta cứ ít dùng ngôn ngữ dần trong các vụ việc hiểu sai nhau trên đường phố, trong nhà hàng, trong công sở mà thay vào đó là nắm đấm hoặc các kiểu hung khí….

Nói ngắn gọn lại, việc coi thường môn Ngữ Văn trong nhà trường là nguyên nhân của hầu hết những thứ lố bịch liên quan đến ngôn ngữ, liên quan đến ứng xử hiện nay. Việc cho ra đời những khẩu hiệu, những biểu ngữ, những biển hiệu, những tờ công văn… trái tai, gai mắt, gây hiểu nhầm rất tức cười và tiềm ẩn những chuyện nguy hiểm không chỉ mang tính tất yếu, mà còn là một thứ "quả đắng" xã hội phải nhận!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top