Vui, là chuyện bóng đá.
Người ta ước tính, có đến hơn nửa số dân trên hành tinh này xem, mê bóng đá. Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Thậm chí còn là một trong những quốc gia cuồng nhiệt nhất. Bóng đá là một môn thể thao đem lại cực kỳ nhiều cảm xúc. Nói thế là phải trừ những người không mê bóng ra. Cơ mà cũng phải nói thêm thế này, xin các bạn không thích bóng đá thì đi xem, đi ngắm mây gió trăng hoa tuyết núi sông hay làm cái gì đó mà các bạn thích. Đừng có bàn luận tham gia làm gì vào cái thú vui của người khác. Mà nhất là các bạn đừng có móc mỉa, chua chát... Các bạn có hiểu gì về bóng đá, có thích thú gì đâu mà hiểu được tại sao người ta lại say mê bóng đá đến thế!
Sống trong đời con người ta luôn có hai hoạt động cơ bản: Làm việc và vui chơi giải trí. Ai sống trong gầm trời này chả có một việc gì để kiếm sống? Và ai sống trên đời này chả có một thú giải trí nào đó, đặng làm cho con người ta giải stress, bớt mệt nhọc, nạp lại năng lượng rồi mai cày cuốc tiếp. Bóng đá, dù trực tiếp chơi hay chỉ là khán giả, nó đem lại cho người ta điều đó. Sự giải trí.
Bóng đá ở Việt Nam chưa phát triển. Tại các cường quốc bóng đá, người ta có hẳn một ngành công nghiệp giải trí mang tên bóng đá. Có hẳn một nền văn hóa bóng đá. Bóng đá tại các nước đó được xây dựng từ nền móng gốc rễ sâu xa: Từ các cổ động viên, cầu thủ, câu lạc bộ rồi mới đến cái đỉnh chóp cao nhất là đội tuyển quốc gia.
Tại nước ta, mọi thứ gọi là bộ máy của một môn thể thao - giải trí cực kỳ tiềm năng đều đang bất cập. Nhưng có một cái nền cơ bản đó là người Việt yêu bóng đá, có năng khiếu chơi bóng: Đây là cái gốc quan trọng nhất để đợi chờ những người biết làm bóng đá đúng nghĩa tạo dựng ngành công nghiệp văn hóa thể thao giải trí. Hoàn toàn có thể tạo ra con gà đẻ trứng vàng từ bóng đá. Thế nhưng đội tuyển quốc gia (và U23, U23+3) năm vừa qua dưới tay chèo lái của HLV người Hàn Quốc, ông Park Hang Seo đều đang thi đấu thành công rực rỡ. Những trận đấu hay tuyệt đỉnh và tràn trề cảm xúc. Khi xem những trận này chúng ta được trải qua những xúc cảm đỉnh cao mà không môn thể thao hay giải trí nào mang lại được. Có người mỉa mai: giải ao làng! Họ không hiểu gì, không biết gì, có mắt như mù nên mới nói vậy. Những trận cầu thủ của chúng ta thi đấu ngang bằng sổ thẳng với các đội Tây Á, Đông Á to cao. Những pha phối hợp như sách giáo khoa bóng đá. Có nhũng bàn thắng của cầu thủ Việt sút tung lưới đội bạn mà những người theo dõi bóng đá lâu năm (thế giới và Việt Nam) phải thốt lên, đỉnh cao bóng đá, siêu sao thế giới cũng chỉ đến thế là cùng.
Đó là sự thật. Niềm vui trên sân cỏ lan tỏa lên khán đài, theo truyền thông nổ tung ra cả nước. Mà vui thì người ta phải thể hiện. Bạn yêu âm nhạc, nghe một bản hay trầm trồ thốt lên: Tuyệt vời. Người yêu bóng đá, thấy đội nhà thắng họ gào thét, nhảy nhót, vẫy cờ, đi bão... Họ phải xả cái niềm vui ấy ra. Phải chia sẻ. Thế thôi. Đừng có cười chê họ. Là tôi nói về những cổ động viên chân chính, biết yêu vẻ đẹp của bóng đá. Và biết yêu cuộc sống của mình để còn thưởng thức nhiều trận cầu đỉnh cao nữa kia. Để còn được sống trong nhiều lần cảm xúc lâng lâng vỡ òa. Còn với bọn quá khích lợi dụng đua xe đập phá, không nói làm gì. Bởi bọn này thì không có bóng đá nó vẫn cắn thuốc rồi đua xe, vẫn quậy phá như thường kia mà!
Bóng đá là vậy. Nó đem lại niềm vui cho nhiều người. Rất đông người được cùng nhau chia sẻ những cảm xúc thăng hoa sung sướng khi đội nhà thắng. Hồi hộp lo âu khi đội nhà bị ép. Đau khổ khi đội nhà thua. Có môn thể thao, văn hóa nghệ thuật giải trí nào có thể làm cho cả một khối đông đảo người dân trong một nước đồng cảm thế không? Có thể nói không ngoa, những trận cầu đỉnh cao như một thứ doping lan truyền cực nhanh trong cộng động. Gắn kết mọi người. Có lẽ thế nên người ta thích nó. Mê đắm phát cuồng vì nó. Bóng đá là vui và buồn. Thế thì bây giờ ta hãy vui đã...
Còn buồn. Là chuyện giáo dục!
Chia sẻ chuyện này, có bạn công tác trong ngành giáo dục bảo, chán đến tận cùng rồi. Không muốn viết, muốn nói, muốn nghe gì về giáo dục nữa. Có bạn lại bảo, sao gay gắt thế? Tôi biết trả lời thế nào đây...
Vụ cô giáo tát 231 cái một học sinh ở Quảng Bình đến mức học sinh phải nhập viện chưa xong thì đến vụ cô giáo trường tiểu học Quang Trung ngay giữa Thủ đô Hà Nội, cũng lại sai học sinh tát bạn 50 cái! Tôi thật sự không hiểu nổi. Hay là các giáo viên kia, họ bị ma ám? Tại sao lại ra nông nỗi này, cái ngành nghề vốn được xã hội xưng tụng là cao quý? Thậm chí có chỗ còn đại ngôn lên là, cao quý nhất trong những nghề cao quý!
Suy nghĩ mãi thì thấy rằng, để xảy ra những cái tội tày đình kia là do lỗi... hệ thống! Cả một hệ thống đã sai ngay từ bản thiết kế thì khi vận hành bộ máy nó sai triền miên là tất nhiên. Và nó cho ra những sản phẩm sai lạc là tất yếu. Một nền giáo dục mà không có triết lý căn bản, vậy thì nó sẽ đi về đâu? Nó như một cỗ xe không có phương hướng do một tay ngọng ngịu ngồi trên cầm lái thì đúng là thảm họa. Một nền giáo dục mà từ trên xuống dưới triền miên thi đua lập thành tích. Chào mừng hết cái lọ sang cái chai. Vậy thì nền giáo dục ấy làm gì còn thời gian để phát triển con người, nâng niu từng cá tính, bồi dưỡng từng tia hy vọng của tài năng. Họ còn bận thi đua. Nhưng không thi đua cũng không được. Thày cô giáo sẽ bị cắt lương, thưởng. Nhà trường sẽ bị mất danh hiệu. Hiệu trưởng sẽ bị khiển trách. Cán bộ quản lý phòng, sở sẽ bị trên sờ gáy: Tại sao lại để mất danh hiệu, lá cờ? Và có khi sẽ là mất ghế!
Một nền giáo dục xoay quanh tít mù cái vòng tròn thành tích, ghế, bổng lộc... như thế thì đương nhiên là nát bét. Nhưng tới mức độ đánh các cháu học sinh lớp 2, lớp 6 như quân thù thì quả tôi chưa nghĩ đến. Quả là trí óc của tôi không tưởng tượng ra. Bạn hãy tưởng tượng xem, con bạn, cháu bạn đang như hoa như ngọc, nâng niu yêu quý mà ra lớp bị cô giáo hành hạ bạo lực: Rồi những tổn thương tinh thần ấy sẽ theo đứa trẻ suốt đời. Đó là điều chắc chắn. Và nữa, những đứa trẻ nghe lệnh cô giáo tát vào mặt bạn, rất có thể mầm ác đã được cô giáo gieo xong vào tâm hồn chúng. Lớn lên, chúng sẽ coi việc đánh người, chà đạp con người như chuyện... bình thường. Và nền giáo dục của nước nhà đã hoàn thành nhiệm vụ trồng người của mình. Bảo sao trong xã hội ngày càng xuất hiện những tên tội phạm trẻ, máu lạnh, tàn sát người lương thiện không ghê tay. Cái gì cũng có nguyên nhân sâu xa của nó chứ!
Thế nên chúng ta phải lên tiếng. Phải lên án cái ác, cái vô luân. Phải đòi loại trừ những bất cập những sâu mọt ra cái ngành cực kỳ quan trọng là giáo dục con người. Một tiếng nói của tôi. Một tiếng nói của bạn. Tiếng nói của nhiều người. Tiếng nói của cả cộng đồng. Tất cả phải đồng thanh lên án cái ác, cái xấu xa nhơ bẩn... Có thế mới hy vọng rồi mọi việc sẽ tốt dần lên.