Aa

CIEM đặt ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam trong 2021, mức tích cực là 6,2%

Linh Chi
Linh Chi hoanguyen1304@gmail.com
Thứ Sáu, 16/07/2021 - 06:00

Theo CIEM, đà phục hồi tăng trưởng vẫn hiện hữu, mặc dù vậy, việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 ở mức 6,5% là thách thức rất lớn. Mức tích cực nhất theo CIEM dự báo là 6,2%.

Tại Hội thảo trực tuyến “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững” diễn ra mới đây, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa ra hai kịch bản cập nhật cho kinh tế Việt Nam. Theo đó, trong kịch bản 1, dịch bệnh ở Việt Nam dự báo được kiểm soát vào tháng 10/2021, tạo điều kiện cho việc nối lại hoạt động sản xuất - kinh tế ở mức bình thường. Kết quả dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,9%.

Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong kịch bản 1, chỉ khác ở chỗ dịch bệnh được khống chế sớm trong tháng 8/2021, giả thiết tốc độ tăng GDP của thế giới, tín dụng và giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước ở mức cao hơn. Kết quả dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 6,2%.

Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), bối cảnh kinh tế trong 6 tháng vừa qua không hề dễ dàng hơn so với năm 2020. Từ đầu năm 2021, Việt Nam trải qua hai đợt bùng phát dịch Covid-19, nhất là đợt dịch từ cuối tháng 4 với những diễn biến khá phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố. Đợt dịch này đã lan đến các khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế lớn, gây ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Thị Hồng Minh. (Ảnh: Nguyễn Long/Trí thức trẻ)

"Trước những diễn biến, tình huống ấy, Chính phủ mới đã nhanh chóng bắt tay vào điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ hướng tới “mục tiêu kép”, song cũng lắng nghe, cân nhắc với tinh thần cầu thị hơn với những đề xuất mới, như đề xuất cho phép các nhà máy trong khu công nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất trong điều kiện bảo đảm phòng chống dịch, đề xuất cho phép doanh nghiệp chủ động nhập vaccine...

Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn ưu tiên bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội. Để hiện thực hóa những ưu tiên này, kiểm soát lạm phát có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Những ý kiến tranh biện về kịch bản diễn biến giá cả và yêu cầu kiểm soát lạm phát trong những tuần vừa qua cũng phản ánh sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp. Chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, trên tinh thần đơn giản hóa điều kiện tiếp cận để các nhóm này trụ vững qua thời kỳ khó khăn”, bà Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

Nhờ vậy, kinh tế Việt Nam đã có quý đầu tiên mở rộng trong chu kỳ tăng trưởng và tiếp tục nằm trong nhóm duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức cao ở khu vực châu Á.

Cụ thể, tốc độ tăng GDP đạt 5,64% trong 6 tháng đầu năm 2021, trong đó quý I tăng 4,65% và quý II tăng 6,61%. Ghi nhận các con số tăng trưởng, giới chuyên gia và nhóm nghiên cứu CIEM nhấn mạnh rằng đà phục hồi tăng trưởng vẫn hiện hữu, mặc dù vậy, việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 ở mức 6,5% là thách thức rất lớn. Theo đó, quá trình phục hồi phát triển kinh tế giờ đây phụ thuộc lớn vào việc kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, vẫn cần chuẩn bị các điều kiện để nền kinh tế tăng tốc phát triển.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Các giải pháp để duy trì tăng trưởng được đề cập tới bao gồm: Một, bảo đảm có sự song hành giữa chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế vi mô trong quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, hướng tới phục hồi xanh và phục hồi bền vững; Hai, hoàn thiện tư duy về nâng cao năng lực nội tại, mức độ tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh mới, gắn với thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; nhanh chóng hoàn thiện căn bản khung pháp lý cho đổi mới sáng tạo nói chung và kinh tế số nói riêng…

Bên cạnh đó, báo cáo của CIEM đã đưa ra một số đánh giá và định hướng chính sách với vấn đề di cư trong nước ở góc độ giới. Bởi trên thực tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra mạnh mẽ, kéo theo thay đổi cơ cấu lao động và gia tăng dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị. Trong quá trình đó, những vấn đề liên quan đến lao động di cư, thu nhập, và các vấn đề xã hội của người di cư ở góc độ giới được nhìn nhận và phân tích.

Báo cáo cũng đề xuất chính sách nhằm lồng ghép các yếu tố giới trong tái cơ cấu kinh tế, nhấn mạnh đến hạ tầng (cả cứng và mềm) đối với các địa phương tiếp nhận lao động di cư và cả địa phương có lao động xuất cư./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top