Gam màu chủ đạo năm 2020 không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới là dịch Covid-19 và tác động của nó đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Tuyệt đại đa số các quốc gia, không phân biệt phát triển hay đang phát triển đều phải đương đầu với đại dịch và vật lộn trong lựa chọn đối nghịch: duy trì tăng trưởng kinh tế hay hy sinh tăng trưởng do áp dụng các biện pháp mạnh để kiềm chế dịch bệnh, đặc biệt là áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trên diện rộng trong thời gian dài, thậm chí lặp đi lặp lại.
Hệ quả tất yếu là nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, đứt gãy nhiều chuỗi giá trị trên cả phạm vi quốc gia lẫn quốc tế. Các ngành nghề bị thiệt hại nhiều nhất do dịch bệnh và biện pháp kiềm chế lây lan của dịch bệnh là thương mại, du lịch, vận tải hành khách và nhiều ngành dịch vụ khác, kể cả giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao… Theo đó, kinh tế toàn cầu và thương mại quốc tế đều tăng trưởng âm, thậm chí suy giảm hàng chục phần trăm ở một số quốc gia đi đôi với tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh và hàng trăm triệu người đối mặt nguy cơ sụt giảm thu nhập nghiêm trọng và lâm vào cảnh nghèo đói.
Chính phủ nhiều nước buộc phải tung ra hàng loạt gói cứu trợ trị giá hàng chục, hàng trăm tỷ USD, thậm chí hàng ngàn tỷ USD khiến cho ngân sách lâm vào tình trạng thâm hụt nặng nề, gia tăng gánh nặng nợ công.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam trở thành điểm sáng hiếm hoi không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn cầu khi đồng thời xử lý tốt lựa chọn đối nghịch giữa duy trì tăng trưởng kinh tế và kiềm chế dịch bệnh. Một mặt, Việt Nam thành công trong kiểm soát hai đợt bùng phát của Covid-19 trong một thời gian ngắn, hạn chế đến mức thấp nhất số ca lây nhiễm và số ca tử vong vì Covid-19, tạo ra kỳ tích khiến nhiều nước ngưỡng mộ pha chút ghen tỵ.
Mặt khác, sau khi tăng trưởng kinh tế xuống đáy 0,39% vào quý II/2020 thì sang quý III/2020 đã phục hồi lên mức 2,69% và đạt 2,91% cả năm 2020. Mặc dù vẫn chịu tác động của làn sóng dịch Covid-19 thứ ba song GDP quý I/2021 vẫn tăng 4,48% - tương đương mức tăng quý IV/2020. Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 thứ tư từ cuối tháng 4/2021 với số ca nhiễm và tử vong tăng mạnh đi đôi với phạm vi lan rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến các trung tâm kinh tế và công nghiệp như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... với khả năng còn kéo dài tác động mạnh tới tăng trưởng quý II/2021, theo đó, mục tiêu tăng trưởng cả năm 6 - 6,5% rất khó thành hiện thực nếu thiếu cách tiếp cận mới với kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh dâng cao.
Trước hết, nông nghiệp đã và cần tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Năm 2020, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ tăng 3,98%, đóng góp 53% và khu vực dịch vụ tăng vỏn vẹn 2,34%, đóng góp 33,5% thì chính khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã tăng 2,68%, đóng góp 13,5% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Thứ hai, dịch bệnh tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội năm 2020 và nửa đầu năm 2021 song trong khi xuất khẩu vẫn tăng trưởng khả quan thì tiêu dùng trong nước lại chịu tác động nặng nề với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 đạt 5.059,8 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 2,6% so với năm trước và nếu loại trừ yếu tố giá thì còn giảm tới 1,2%.
Nếu không vực dậy được tiêu dùng trong nước thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 khó có thể đạt được vì thực tế mô hình tăng trưởng của Việt Nam cho thấy tốc độ tăng tiêu dùng trong nước luôn đồng hành với tốc độ tăng GDP. Hơn nữa, tiêu dùng trong nước là thị trường tiêu thụ sản phẩm của hàng chục vạn doanh nghiệp nhỏ và vừa nước ta đồng thời phản ánh cả tình trạng việc làm, thu nhập và niềm tin vào triển vọng của kinh tế.
Hơn nữa, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng còn là thước đo sự phục hồi của khu vực dịch vụ thường xuyên chiếm trên 40% GDP. Thực tế tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2021 đạt 393,6 nghìn tỷ đồng, giảm 3,1% so với tháng trước và giảm 1% so với cùng kỳ năm 2020.
Thứ ba, động lực phát triển kinh tế của Việt Nam năm 2021 vẫn phải dựa vào xuất khẩu, đặc biệt là năng lực xuất khẩu của khu vực FDI. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 6,5% so với năm 2019 (năm 2019 tăng 8,1%) nhưng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước lại giảm 1,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (con số tương ứng năm 2019 là 17,7% và 31,2%) còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) vẫn tăng 9,7%, chiếm tỷ trọng 72,2% (con số tương ứng năm 2019 là 4,2% và 68,8%).
Như vậy, năm 2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cần tăng trên 8% so với năm 2020, trong đó khu vực kinh tế trong nước phải tăng khoảng 12% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng khoảng 10%. Mặc dù tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vẫn đạt 130,94 tỷ USD, tăng tới 30,7% so với cùng kỳ năm trước song riêng tháng 5/2021 thì kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lại giảm 2,1% so với tháng trước.
Thứ tư, một trong những cứu cánh của nền kinh tế năm 2020 và 2021 là đầu tư, đặc biệt là đầu tư công. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện (giá hiện hành) năm 2020 đạt tăng 5,7% so với năm trước và bằng 34,4% GDP. Trong đó vốn khu vực Nhà nước chiếm 33,7% tổng vốn (tăng tới 14,5% so với năm trước) và khu vực ngoài Nhà nước bằng 44,9% (chỉ tăng 3,1%) còn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 21,4% (giảm 1,3%).
Bức tranh đầu tư năm 2020 hoàn toàn ngược so với năm 2019 khi vốn đầu tư toàn xã hội (giá hiện hành) tuy tăng 10,2% so với năm trước nhưng chỉ bằng 33,9% GDP, trong đó vốn khu vực Nhà nước chiếm 31% tổng vốn (tăng 2,6% so với năm trước) còn khu vực ngoài Nhà nước chiếm 46% (tăng vọt tới 17,3%) và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 23% (tăng 7,9%).
Nỗ lực tăng đầu tư công năm 2020 là đáng ghi nhận nhưng sự suy giảm của đầu tư ngoài Nhà nước có thể là một trong những nguyên nhân chính khiến cho hiệu quả đầu tư sụt giảm mạnh năm 2020 với ICOR tăng vọt lên mức 14,28 - cao hơn 2 lần so với mức ICOR 6,13 bình quân giai đoạn 2016 - 2019 hay 6,25 của giai đoạn 2011 - 2015.
Mục tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2021 khoảng 34,5% GDP để đảm bảo ICOR giảm về mức 6 - 7 chỉ thực hiện được khi đầu tư khu vực ngoài Nhà nước phục hồi với tốc độ tăng 8 - 10% đồng thời khẳng định vai trò động lực tăng trưởng quan trọng nhất và khu vực FDI tăng khoảng 5% còn khu vực Nhà nước tăng 5 - 6% do hạn chế về nguồn lực dành cho đầu tư.
Kế hoạch năm 2021 dành 28,3% tổng chi NSNN cho đầu tư phát triển với giới hạn bội chi NSNN 4% và trần nợ công là 46,1% GDP. Nhằm hỗ trợ và kích thích đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước thì mục tiêu tăng tổng tín dụng cho nền kinh tế 12% có thể điều chỉnh cao lên mức 14 - 15% đi đôi với điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, nhất là cho vay trung và dài hạn. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán cần điều chỉnh theo hướng tăng trưởng lành mạnh hơn để đảm trách vai trò kênh cung cấp vốn thực sự cho doanh nghiệp bên cạnh kênh tín dụng truyền thống.
Rõ ràng, nền kinh tế nói chung, việc làm và thu nhập nói riêng cần tiếp tục duy trì ngay cả trong bối cảnh Covid-19 bùng phát và kéo dài chưa biết đến bao giờ kết thúc. Nếu chỉ cách ly và hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh thì suy thoái kinh tế và thất nghiệp tràn lan chắc chắn sẽ xảy ra.
Cấm đoán, đóng cửa, hạn chế di chuyển, thậm chí "ngủ đông"... dù chỉ là từng bộ phận sẽ làm toàn bộ nền kinh tế đình trệ do tính hệ thống. Vì vậy lựa chọn đúng đắn giải pháp duy trì và phát triển kinh tế ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh là rất cần thiết và đặc biệt quan trọng. Trước hết là tập trung vào thị trường trong nước đi đôi với phục hồi xuất khẩu khi thị trường toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi tích cực.
Theo đó, khu vực nông nghiệp và công nghiệp cần tiếp tục vận hành bình thường với điều kiện áp dụng biện pháp phòng tránh lây nhiễm cho người lao động trừ một số hoạt động buộc phải tiếp xúc trực tiếp sẽ được thay thế bằng hoạt động phi tiếp xúc thông qua áp dụng công nghệ thông tin. Khu vực dịch vụ vốn chiếm trên 40% GDP của Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 do đặc trưng cơ bản là dựa trên sự tiếp xúc giữa người với người và hay tập trung đông người.
Tuy nhiên, không phải tất cả các loại dịch vụ đều buộc phải tiếp xúc trực tiếp hoặc có thể dễ dàng thay thế bằng tiếp xúc phi thực tế như thương mại điện tử, tài chính ngân hàng, quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công, giáo dục đào tạo... Đối với những dịch vụ không thể không tập trung đông người thì áp dụng các biện pháp phòng tránh lây nhiễm như 5K, tiêm vaccine... Nếu tuân thủ nghiêm túc thì ngay cả hoạt động du lịch, vận tải công cộng, ăn uống ngoài gia đình... vẫn có thể duy trì an toàn ngay trong điều kiện dịch bệnh.
Tóm lại, chỉ một bộ phận nhỏ của nền kinh tế không thể duy trì do tác động trực tiếp của Covid-19 và cần hỗ trợ, còn lại tuyệt đại bộ phận vẫn có thể duy trì và tiếp tục phát triển với điều kiện thích nghi với yêu cầu phòng tránh dịch bệnh dựa trên áp dụng kết quả cách mạng công nghiệp 4.0 đi đôi với thay đổi tư duy của cơ quan quản lý cũng như toàn xã hội. Thay vì các biện pháp đặc biệt, bất thường, nên bình thường hóa hoạt động kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh nhằm đảm bảo lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, tài chính, lao động... vừa thông suốt, vừa an toàn. Được vậy, chúng ta không chỉ duy trì được tăng trưởng kinh tế, việc làm và thu nhập mà còn tạo tiền đề cho một phương thức kinh tế mới - ecoronamics - thay cho economics truyền thống cả ở cấp vĩ mô lẫn vi mô./.