TS. Nguyễn Trí Hiếu là người lập ngân hàng Việt đầu tiên ở Mỹ năm 2005- ngân hàng First Vietnamese-American Bank (FVAB) với vốn ban đầu là 15 triệu USD. Sau này, khi về Việt Nam, ông là một trong 5 thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng cổ phần An Bình. Gần đây nhất, ông là cố vấn cho Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB).
Trong cuộc phỏng vấn đầu năm 2019, ông đã chia sẻ bí quyết kiếm tiền cho những người có số vốn từ 200 triệu đồng - 500 triệu đồng.
PV: Thưa ông, năm 2019, lựa chọn kênh đầu tư nào, nắm bắt xu hướng ra sao luôn là vấn đề được quan tâm. Tuy nhiên, đối với những người có số vốn không lớn, chỉ 200 triệu đồng - 500 triệu đồng, ông khuyên họ nên đầu tư vào đâu để sinh lời?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Thứ nhất, cần chú ý tới việc gửi tiết kiệm tại ngân hàng vì kênh này không có rủi ro.
Theo tôi, trong 2 năm tới nguy cơ phá sản ngân hàng là không có, vì thế, gửi tiền vào ngân hàng là rất "chắc ăn", an toàn. Ngân hàng Nhà nước cũng không để cho ngân hàng phá sản trong vòng 2 năm tới. Nếu gửi tiết kiệm nên chọn ngân hàng gần nhà để tiện giao dịch, ngân hàng có giao dịch viên nhiệt tình, có sáng kiến. Ngoài ra, nên chọn ngân hàng trả lãi suất cao thay vì chọn ngân hàng mạnh vì thời điểm này sẽ không có ngân hàng nào phá sản.
Bên cạnh đó, cần "ngồi xuống" để đàm phán với ngân hàng. Chúng ta không nên chỉ dựa vào lãi suất niêm yết ngoài cửa mà cần đàm phán để có mức lãi suất cao hơn. Chọn thời hạn gửi cũng cần phải cân nhắc kỹ càng. Giai đoạn này lãi suất tại các ngân hàng có thể tăng lên, vì vậy chỉ nên gửi thời hạn 6 tháng – 1 năm là ổn. Sau đó hết thời hạn thì lại đăng ký gửi tiếp.
Kênh đầu tư tiếp theo là bất động sản. Với số tiền 200 triệu đồng – 500 triệu đồng thì không thể mua được nhà, nhưng có thể vay ngân hàng với tỷ lệ 70% giá trị căn nhà.
Ví như có 500 triệu đồng thì gửi ngân hàng 100 triệu đồng rồi lấy 400 triệu đồng ra, vay ngân hàng thêm khoảng 600 triệu để mua 1 căn nhà khoảng 1 tỷ đồng.
Kênh cuối cùng là đầu tư vàng. Tôi cho rằng, cuối năm nay vàng sẽ tăng giá, tuy nhiên, nếu đầu tư vào vàng thì cũng chỉ nên đầu tư 20% hoặc 30% số tiền mình có.
PV: Chứng khoán thì sao, thưa ông? Với số tiền trên có nên đầu tư vào lĩnh vực này?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đầu tư vào chứng khoán là kênh dễ biến động. Nếu chỉ là những người bình thường không chuyên nghiệp, không theo dõi thường xuyên thì phải rất cẩn thận. Đặc biệt tránh đầu tư kiểu "bầy đàn", thấy người khác đầu tư thì cũng lao vào đầu tư theo. Những trường hợp như vậy rất nguy hiểm.
Cần tìm những công ty có uy tín để nhờ họ tư vấn cho mình. Nên tìm những công ty chứng khoán có giá trị cao và giá chứng khoán tăng trưởng tốt. Doanh nghiệp phát hành chứng khoán phải là những doanh nghiệp có tiếng trên thị trường. Không nên đầu tư vào những doanh nghiệp mới nổi và không có uy tín.
PV: Có nên đầu tư vào kinh doanh, thưa ông?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Kinh doanh cũng là kênh đầu tư tốt. Tuy nhiên, để đầu tư vào doanh nghiệp cần phải đầu tư rất kỹ càng. Không nên quá mạo hiểm vào các doanh nghiệp start-up bởi rất rủi ro. Có thể nói, trong 3 năm đầu có tới hơn 90% doanh nghiệp khởi nghiệp đều thất bại. Chỉ nên đầu tư vào các doanh nghiệp của gia đình vì có sự tin tưởng.
Nếu có cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp đang làm ăn có lãi thì cần phải tìm hiểu kỹ doanh nghiệp đó làm ăn thế nào, thị phần và ban quản lý như thế nào. Đặc biệt phải tìm hiểu những doanh nghiệp đó có tính thanh khoản hay không hay lại đi mượn tiền của ngân hàng? Những doanh nghiệp đi vay nhiều ở ngoài là những doanh nghiệp rất rủi ro.
PV: Ông có thể "mật bí" cá nhân ông chọn kênh đầu tư nào?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Cá nhân tôi hồi ở bên Mỹ không đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp mà đầu tư qua quỹ hỗ tương. Đó là loại quỹ mà khi tôi đưa tiền cho họ thì họ phát hành cho tôi chứng chỉ và dùng tiền của tôi đầu tư vào cổ phiếu của nhiều công ty. Tôi chọn cách đầu tư gián tiếp như vậy.
Ở Việt Nam hiện đã có loại quỹ đầu tư này, gọi là quỹ mở và quỹ đóng, dù vẫn còn sơ khai và chưa phát triển nhiều.
- Xin cảm ơn ông!