Những ngày về Am để ở bên cạnh mẹ cũng là những ngày tôi được dành nhiều thời gian cho chính mình. Có những điều nho nhỏ nhắc tôi nhớ về yêu thương và bao dung vẫn còn ở đó, tha thiết đợi mình, dẫu lâu rồi mình không vun tưới, không chăm sóc.
Am quê, uy nghi mà hiền từ. Am xưa từng cứu hàng trăm hàng ngàn người trong những trận bom, những mật lệnh tàn sát.. Nay Am lại thanh bình vang lên từng tiếng Đại Hông mỗi sớm chiều.. Nhìn cảnh Bụt nằm an nhiên và những hàng cau tít tắp, tôi thấy lòng mình yên ả, những loang lổ, những bụi bặm như được thổi bay hết thảy.
Mỗi bận trở về là mỗi bận được thấy tươi mới lại, như 1 sự trỗi sinh “Vào thiền đường Thấy chân tâm Một ngồi xuống Dứt trầm luân”.. Thi kệ nhật dụng nơi thiền môn ngày nào chợt hiện về như một người bạn, một tri kỷ. Tôi dành thời gian để dọn chùa mà như dọn lại từng ngổn ngang phiền muộn và những rối ren vị kỷ còn ẩn tàng đâu đó trong tâm thức mình.
Tôi cũng chăm lại từng cái cây, sắp xếp lại từng không gian thờ tự. Có những khi tôi đã nghĩ rằng độ này mình tinh tấn quá, mình nhớ được tất thảy mọi lời hay ý đẹp của thánh nhân, mình đi đừng nằm ngồi và tụng kinh rất say sưa...
Vậy mà, sâu trong lòng vẫn như lòng sông còn cuộn từng lớp sóng. Tôi vẫn lo lắng, lo sợ một ngày ba và mạ tôi đau bệnh, một ngày khi trong chuyến đi xa nào đó rồi trở về, am sẽ vắng bóng mạ tôi, rồi vắng bóng ba tôi lụi cụi. Ba tôi có biệt tài lạ, tôi cứ trồng xuống cây nào thì ba lại không vừa ý. Ông lại đánh lên sắp lại theo ý mình. Có khi trưa nắng gắt, ông thương cây khô đất cằn liền đội nón đi tưới cây, thế là có đợt, sau những buổi trưa ấy, cây thì chết queo còn ba tôi thì bị ốm.
Ba là vậy, nhắc mãi giờ ông mới bỏ được thói quen tưới cây giữa khi trời nắng. Thiền sư Mãn Giác có 1 câu thơ: “chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua sân trước 1 nhành mai”, đại ý rằng có những lúc mình không để ý, mình có thể đi qua vô tình bằng sự ráo riết theo hư danh, theo công việc, theo đam mê... nhưng những tươi đẹp, nhưng bao dung độ lượng của cuộc đời vẫn còn ở đâu đó để chờ đợi, để chở che và đón mình quay về nhận diện.
Trở về Am và ở lại nhiều ngày tháng, có thời gian để tâm mà không bận không mải lo đến những sự kiện, những buổi điền dã rong ruổi, trở về nhìn mẹ nhọc nhằn với từng hơi thở vào ra mới thấy lòng chùng lại. Tôi nhớ có một câu nói, rằng nếu người ta đặt một quả chuối và một xấp tiền trước mặt con khỉ, nó sẽ chọn quả chuối rồi chạy đi mà không biết rằng tiền có thể mua rất nhiều chuối. Cũng như con người, họ thường chọn tiền bạc, chọn danh lợi, chọn hạnh phúc mà không nghĩ rằng chỉ cần có sức khỏe, họ có thể có tất cả những thứ đó. Nhìn mẹ giờ héo hắt sau bao tháng ngày mẹ đi về, từ lúc mẹ dắt tôi về thăm ngoại những ngày xưa...
Tôi nhớ từng ngày được trở về từ Sắc Tứ, được mẹ phần bắp ngô củ khoai, những ngày dáng mẹ bận bịu lo toan cho Am.. mà giờ mẹ nằm đó, lặng lẽ, gầy mòn và yếu ớt. Khoảnh khắc nhìn mẹ, tôi đã cầu nguyện với tất cả hồn thiêng sông núi, với Tam Bảo, với tổ tiên rằng chỉ cần bình an, chỉ cần có cơ hội mẹ khỏe lại và cả một đời này về sau, tôi sẽ chọn yên vui, chọn yêu thương. Có một câu chuyện gần đây mà tôi đọc được kể về một cây cầu, người ta gọi nó là cầu mặt trời mọc ở Choluteca, Honduras.
Nó không có đường đến, cũng không có đường đi, nó nằm ở kế bên con sông mà mình cần bắc qua. “Không hề có một lỗi kĩ thuật nào của kỹ sư cả, tất cả đều hoàn hảo. Nó từng là cây cầu hiện đại nhất, lớn nhất, tự hào nhất, được người Nhật xây dựng ở Mỹ La-tinh năm 1996. Nhưng, chỉ vài tháng sau khi cây cầu được khánh thành năm 1998, thì cơn bão Mitch lịch sử ập đến. Mưa liên tiếp, dồn dập trong 4 ngày đêm, lượng nước mưa lên đến 1905mm, giông bão gió giật cấp, cướp đi sinh mạng của 7000 người, cuốn trôi nhà cửa, của cải, làng mạc, đường đi. Một thứ duy nhất còn nguyên vẹn: cây cầu.
Nhưng vấn đề cũng nằm ở đó. Khi đường xá đều bị phá hủy, thì lấy gì để đi đến cây cầu đây? Chưa dừng lại ở đó, cơn bão còn làm thay đổi cả dòng chảy của con sông, làm nó chảy chệch sang một hướng khác, kế bên cây cầu. Từ đó cây cầu bị cô lập, không có đường đến, cũng không có đường đi, không bắc qua được con sông cần bắc, cây cầu không đi đến đâu cả”. Và nó được người ta gọi là cây cầu vô dụng nhất thế giới. Câu chuyện đơn giản vậy để thấy ra được mọi sự đều là vô thường. Con người trước thiên nhiên thật vô cùng nhỏ bé.
Có những lúc, người ta mải miết học tập, mải miết tạo ra những trí tuệ nhân tạo, những sáng chế, những thứ để chinh phục thiên nhiên, chinh phục vũ trụ. Nhưng đứng trước sự vô thường vốn là bất biến của tạo hóa, thì người ta lại thật bé mọn, ngốc nghếch. Như việc tạo ra cây cầu kia, mọi sự nỗ lực và thành tựu vốn có vẻ thật hoàn hảo, thật đáng tự hào nhưng cuối cùng lại trở nên vô ích. Sức khỏe cũng vậy. Người ta mải miết đầu tư sức lực cho học tập để thành công trong đời, một mặt lại mải miết đầu tư cho những mối quan hệ, cho ngợi khen, cho hư vinh...
Càng mê mải đầu tư, người ta lại càng không nhận ra mình đang nạp vào những ích kỷ, đua tranh, những sự tham lam vào háo thắng. Mỗi một biến cố xảy đến với mình hoặc với người thân như một lời nhắc nhở của tự nhiên, của tạo hóa. Những lời nhắc nhở ấy thật tiếc là chỉ có lắng lại, chỉ có bằng một biến động, người ta mới có dịp trở về, tĩnh lặng, đủ lắng xuống để “nghe” được. “Lắng nghe”, nghĩa là chỉ có lắng xuống mọi xôn xao nơi tâm mình thì mới có thể “nghe” được trọn vẹn.
Thầm chắp tay trước trời đất, nguyện cầu mong mẹ sớm ổn định và dần khỏe lại, để tôi có diễm phúc được thấy mẹ có mặt đó trong đời.. Để tôi còn được thời gian cạnh mẹ mà làm một người con dù đã quá nửa cuộc đời vẫn được mẹ mắng mỏ, thương lo. Nắng chiều xiên nghiêng qua những tán lá và những cơn gió khẽ xao xác. Tôi mang mấy cây nhỏ mà chính mình cũng không biết rõ là cây gì từ nơi chậy cảnh ra trồng ở vườn. Cây tôi mang về từ chuyến đi Indonesia trong mùa Phật Đản cùng thiền sư Lê Mạnh Thát, một người thầy mà tôi kính trọng vô cùng. Môi cái cây như là một kỷ niệm, một sinh mệnh, cũng là một niềm thương.
Tôi tin rằng, khi lòng tôi có thảnh thơi, có an lành, khi những cỏ cây và từng ngọn gió nơi am cũng được thấm từng lời kinh thiết tha và tâm tình tràn đầy lòng thương yêu, thì mẹ tôi dù bệnh đau còn đó, cũng sẽ thấy khỏe nhẹ, bình an hơn. Vừa trồng cây, tôi lại vừa nghe đâu đó trong tâm mình giọng của một chú điệu tri kỷ ngày nào đọc lời kệ:
“Tôi gửi tôi cho đất
Đất gửi đất cho tôi
Tôi gửi tôi nơi Bụt
Bụt gửi Bụt nơi tôi”