Aa

Có cần thiết chi 1,35 triệu tỷ đồng để làm đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam?

Thứ Năm, 27/12/2018 - 06:01

Ban quản lý dự án đường sắt báo cáo tổng mức đầu tư và chiều dài tuyến đướng sắt tốc độ cao Bắc – Nam đi qua 20 tỉnh thành từ Bắc vào Nam với tổng mức đầu tư dự kiến gần 1,35 triệu tỷ đồng (hơn 58,7 tỷ USD). Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nợ công tăng cao, liệu việc chi 1,35 triệu tỷ đồng cho đường sắt cao tốc liệu có cần thiết?

Đường sắt tốc độ cao cần 58,7 tỷ USD

Cụ thể, để xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài 1.559km đi qua 20 tỉnh thành, từ Bắc vào Nam với tổng mức đầu tư dự kiến gần 1,35 triệu tỷ đồng (hơn 58,7 tỷ USD).

Giai đoạn 1 hơn 567.000 tỷ đồng (khoảng 24,6 tỷ USD), giai đoạn 2 trên 783.000 tỷ đồng (khoảng 34,1 tỷ USD). Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng 2,23 tỷ USD, chi phí xây dựng và thiết bị 43,35 tỷ USD, chi phí quản lý, tư vấn và chi phí khác 4,36 tỷ USD... Dự án sẽ được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) với nguồn vốn nhà nước không dưới 80% tổng mức đầu tư và 20% vốn tư nhân.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.559km đi qua 20 tỉnh thành. (Ảnh minh hoạ)

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.559km đi qua 20 tỉnh thành. (Ảnh minh hoạ)

Đặc biệt, giai đoạn 1 của dự án (2020-2030) sẽ đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh (dài 282,65km) và Nha Trang - TP.HCM (dài 362,15km).

Giai đoạn 2 (2030 - 2045) đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang (dài khoảng 901km), trong đó đoạn Vinh - Đà Nẵng hoàn thành năm 2040, đoạn Đà Nẵng - Nha Trang hoàn thành năm 2045.

Về tổng quan dự án, điểm đầu dự án tại ga Hà Nội, điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM). Trong tổng số 1.559km đường sắt, có 60% chiều dài đi trên cầu, 10% chiều dài đi trong hầm, 30% đi trên nền đất.

Toàn tuyến có 24 ga và 3 ga quy hoạch tiềm năng, 5 depot, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng. Đoàn tàu được đề xuất là loại tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán (EMU). Công nghệ tín hiệu điều khiển được để xuất sử dụng công nghệ tín hiệu điều khiển qua sóng vô tuyến.

Một điểm lưu ý khác, trong báo cáo lần này, BQLDA đường sắt đề nghị xây dựng đường sắt tốc độ cao với tốc độ thiết kế 350km/h, tốc độ khai thác 320km/h.

Theo ông Vũ Hồng Phương, Phó Tổng giám đốc ban Quản lý dự án đường sắt (bộ GTVT), cho biết để đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ cần tới 58,7 tỷ USD. Đến tháng 4.2019, Hội đồng thẩm định Nhà nước sẽ thẩm định dự án.

Ngoài ra, việc xây dựng báo cáo này có kế thừa báo cáo năm 2010 và kết hợp các kết quả nghiên cứu từ sau năm 2010 đến nay, cập nhật, phân tích các dữ liệu về kinh tế - xã hội nước ta cũng như đường sắt tốc độ cao trên thế giới.

Theo tính toán của tư vấn, nếu chạy tàu với tốc độ 320km/h, dừng tại mỗi ga 2 phút, thời gian chạy tàu đoạn Hà Nội - Vinh hết 1 giờ 20 phút; đoạn TP.HCM - Nha Trang 1 giờ 35 phút; đoạn Hà Nội - Đà Nẵng 2 giờ 24 phút.

Thời gian chạy toàn tuyến từ Hà Nội đến TP.HCM hết 5 giờ 17 phút (tàu đỗ ít ga) và 6 giờ 50 phút (tàu đỗ nhiều ga).

Lấy gì để bù lỗ?

Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Hữu Đức (chuyên gia giao thông), cho rằng việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam ở thời điểm hiện tại là vẫn chưa cần thiết. "Khi đầu tư mà chúng ta chưa tìm được nguồn vốn đầu tư mà phải đi vay, mượn thì sẽ kéo theo nguy cơ nợ công tăng cao. Chúng ta đang có tuyến đường sắt cũ khai thác khổ 1 mét đang ngày càng cho thấy tính hiệu quả dần bị mất đi thì liệu đầu tư tuyến đường sắt mới có đi theo vết xe cũ của tuyến đường sắt cũ không?", ông Đức băn khoăn.

Theo chuyên gia, việc đầu tư tuyến đường sắt cao tốc có thể tận dựng cơ sở vật chất của tuyến cũ để làm vì kinh phí quá lớn. Bộ GTVT muốn đầu tư tuyến đường sắt cao tốc để tạo nên cú hích mới cho ngành đường sắt nhưng với nguồn vốn đầu tư lớn sẽ khó đem lại hiệu quả.

TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam là cần thiết nhưng vấn đề xây dựng lúc nào với là quan trọng. Tôi nghĩ 5 – 10 năm nữa xây là sớm quá bởi thực tiễn Việt Nam mình còn rất khó khăn. Khó khăn của kinh tế đất nước thể hiện thu nhập bình quân đầu người một năm chỉ hơn 2.000 USD. Mức bình quân thu nhập là như vậy nhưng số người dân còn nghèo còn rất lớn.

Theo TS.Thuỷ, đường sắt cao tốc hiện nay trên thế giới chủ yếu ở những nước có nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Đức, Pháp…, có địa chính trị đặc thù như Trung Quốc với diện tích rộng di chuyển buộc phải có đường sắt cao tốc. Chúng ta cần có đường cao tốc, tuy nhiên, yếu tố then chốt để xây dựng đường sắt cao tốc đất nước phải có nguồn lực, kinh tế phát triển đến mức độ nào đó với làm.

“Khi làm đường sắt cao tốc sẽ ngốn ngân sách rất lớn, trong khi đường sắt cao tốc chỉ vận chuyển hành khách không phải hàng hóa thì khả năng hoàn vốn không có. Nếu không có nguồn thu lấy đâu để bù vào khoản tiền hàng chục tỷ USD đầu tư”, TS. Thủy nêu quan điểm.

Được biết, từ tháng 5 đến tháng 7/2019, bộ GTVT sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền về Dự án đường sắt cao tốc, sau đó, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để trình Chính phủ vào tháng 8/2019. Dự kiến, tháng 10/2019, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án.

Báo cáo dự án tiền khả thi được lập bởi liên danh tư vấn tổng công ty tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI), công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng Giao thông vận tải (TRICC), công ty cổ phần tư vấn thiết kế Giao thông vận tải phía Nam (TEDISOUTH) và tư vấn của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA hỗ trợ những nội dung chuyên đề chuyên sâu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top