Tìm đâu 58,7 tỷ USD xây dựng đường sắt cao tốc?
Ông Vũ Hồng Phương, Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (BQLDA) chia sẻ: “Theo tính toán, để đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam, chúng ta sẽ cần tới 58,7 tỷ USD. Từ nay đến tháng 4/2019, Hội đồng thẩm định nhà nước sẽ tổ chức thẩm định dự án”.
Ông Phương cũng cho hay, việc xây dựng báo cáo này có kế thừa báo cáo năm 2010 và kết hợp các kết quả nghiên cứu từ sau năm 2010 đến nay, cập nhật, phân tích các dữ liệu về kinh tế - xã hội nước ta cũng như đường sắt tốc độ cao trên thế giới.
Theo đó, báo cáo chỉ rõ, để xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài 1.559km đi qua 20 tỉnh thành, từ Bắc vào Nam với tổng mức đầu tư dự kiến gần 1,35 triệu tỷ đồng (hơn 58,7 tỷ USD).
Trong đó, giai đoạn 1 hơn 567.000 tỷ đồng (khoảng 24,6 tỷ USD), giai đoạn 2 trên 783.000 tỷ đồng (khoảng 34,1 tỷ USD). Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng 2,23 tỷ USD, chi phí xây dựng và thiết bị 43,35 tỷ USD, chi phí quản lý, tư vấn và chi phí khác 4,36 tỷ USD...
Đáng chú ý, dự án sẽ được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) với nguồn vốn nhà nước không dưới 80% tổng mức đầu tư và 20% vốn tư nhân.
Giai đoạn 1 của dự án (2020-2030) sẽ đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh (dài 282,65km) và Nha Trang - TP.HCM (dài 362,15km).
Giai đoạn 2 (2030-2045) đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang (dài khoảng 901km), trong đó đoạn Vinh - Đà Nẵng hoàn thành năm 2040, đoạn Đà Nẵng - Nha Trang hoàn thành năm 2045.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Sẽ điều tra giá thị trường các thửa đất tại 4 tỉnh áp dụng Vietlis
Thông tin từ Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, trong năm 2019 sẽ triển khai điều tra giá thị trường từng thửa đất tại các tỉnh đang triển khai dự án “Tăng cường năng lực định giá đất và hệ thống thông tin giá đất dựa trên VietLis” đồng thời xây dựng chiến lược phát triển và lộ trình về phát triển định giá đất cho cả nước.
Dự án “Tăng cường năng lực định giá đất và hệ thống thông tin giá đất dựa trên VietLis” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với KOICA (Hàn Quốc) xây dựng và triển khai thực hiện thí điểm tại 4 địa phương trên cả nước là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Đà Nẵng và Cần Thơ, từ tháng 6/2017.
Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay, hợp phần phát triển phương pháp, mô hình định giá đất và quy trình định giá đất đã hoàn thành điều tra, phân tích hiện trạng định giá đất đang áp dụng; phân tích hiện trạng thông tin giá đất, số hóa dữ liệu liên quan đến định giá đất như tổng hợp thông tin các thửa đất; nhập giá đất theo bảng giá đất tại TP. Đà Nẵng và các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.
Bên cạnh đó, hợp phần này cũng đã hoàn thành chuẩn hoá, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính của hai huyện được lựa chọn tại tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Cần Thơ; nhập các dữ liệu về giá đất và các thông tin khác có liên quan đến giá đất của các địa bàn thử nghiệm được lựa chọn tại Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Người dân Hương Sơn phản ứng thế nào sau đề xuất xây dựng khu du lịch tâm linh ở chùa Hương?
Trước đề xuất của doanh nghiệp Xuân Trường về việc xây dựng một khu du lịch tâm linh Hương Sơn, nối từ chùa Tam Chúc – Ba Sao (Hà Nam) đến Chùa Hương (Hà Nội), nhiều người dân tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã bày tỏ sự bức xúc và lo lắng, nếu dự án triển khai sẽ động đến tâm linh đồng thời ảnh hưởng đến truyền thống du lịch và công ăn việc làm của họ.
Theo đề xuất, doanh nghiệp Xuân Trường sẽ xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội với quy mô khoảng 1000ha (phía Bắc giáp khu bến đò Suối Yến, phía Nam giáp khu du lịch Tam Chúc, phía tây là dãy núi giáp với tỉnh Hòa Bình, phía Đông giáp sông Đáy tỉnh Hà Nam), tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng. Dự án gồm các hạng mục như: Nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 20km (giống như Tràng An); khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực; xây dựng một tháp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cao 100m để thờ Xá Phật Lợi (tâm điểm là tháp đá đỏ granit); xây dựng hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng.
“Nếu được triển khai, doanh nghiệp cam đoan Khu du lịch tâm linh Hương Sơn sẽ trở thành di sản văn hóa cùng với khu du lịch Tam Chúc, Hà Nam vào năm 2028; khi khu du lịch hoàn thành, sẽ đón từ 6-8 triệu lượt khách/năm, tạo việc làm cho 30.000 lao động và ngân sách khoảng 1000 tỷ đồng/năm” – công văn số 5360/KH&ĐT-NNS của doanh nghiệp Xuân Trường nêu.
Có thể nói, đề xuất xây dựng khu du lịch tâm linh với quy mô lớn nằm ngay cạnh Chùa Hương là ý tưởng táo bạo và chất chứa nhiều hoài bão của doanh nghiệp Xuân Trường. Tuy nhiên, khi biết đến đề xuất này, hầu hết những người dân đã gắn bó với du lịch tâm linh Chùa Hương bấy lấu nay đều không khỏi bức xúc, đặc biệt với đề xuất nạo vét, mở rộng suối Yến.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thị trường đất nền ven biển sẽ là kênh đầu tư sinh lợi mới trong năm 2019
Từ đầu năm 2018 đến nay, đất nền ven biển suốt các tỉnh từ miền Bắc – Trung – Nam nhiều nơi xảy ra tình trạng sốt nóng. Nhiều chuyên gia và nhà đầu tư dự báo, với xu hướng ngành du lịch đang tăng trưởng mạnh, phân khúc đất nền ven biển tại nhiều tỉnh, thành có lợi thế nghỉ dưỡng sẽ là kênh thu hút mạnh dòng vốn mới.
Với những đòn bẩy về kinh tế, cùng với làn sóng dịch chuyển ra khỏi những khu vực đã tăng trưởng quá "nóng" như TP.HCM hay Hà Nội, những khu vực ven biển đang có những bước chuyển mình đáng kể về diện mạo đô thị. Kèm theo đó, thị trường BĐS tại đây cũng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.Sự đầu tư mạnh tay từ chủ đầu tư cũng kéo theo sự tăng trưởng "nóng", khi các nhà đầu tư thứ cấp cũng đổ vốn vào các dự án được mở bán từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018. Điểm nóng đầu tư nằm tại các dự án dọc khu vực cách bờ biển trong bán kính từ 3-7km. Thậm chí, giá mở bán dự án cũng tăng chóng mặt, cho thấy sản phẩm đưa ra thu hút được sự quan tâm, đầu tư từ thị trường như thế nào.
Đặc biệt, theo GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, những thông tin nóng hổi về việc xây dựng mạng lưới giao thông kết nối liên tỉnh, các dự án quy mô lớn của một số đại gia địa ốc trong và ngoài nước, một số quy hoạch mới được điều chỉnh... càng làm các đợt chào bán các dự án BĐS nở rộ, thu hút lượng khách tham gia và đầu tư lớn trong gần 2 năm qua.
Thời điểm từ giữa năm 2017 đến nay, các địa phương từ Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Yên, Ninh Thuận, Phan Thiết hay mới đây là Hà Tiên (Kiên Giang) vẫn chưa khai thác nhiều đối với quỹ đất ven biển, giá trị đất nền vẫn ở mức trung bình so với các tỉnh thành khác ở cùng phân khúc. Do đó, khi các khu đô thị mới hiện đại tại các vùng ven biển được hình thành, giới đầu tư bắt đầu tìm kiếm những vị trí vàng hướng biển để đầu tư.
Xem thông tin chi tiết tại đây
“Mua quyền tại Vinaconex”, An Quý Hưng đã “thua ở hiệp hai”?
Nhà đầu tư mua 21% vốn của Viettel tại Vinaconex với giá rẻ, nếu thỏa thuận mua lại toàn bộ cổ phần của khối ngoại thành công thì có thể An Quý Hưng sẽ “thua một nước” trong cuộc đua quyền lực.
Dù năng lực tự thân không thuộc nhóm cá kình, dù phải “thế thân” lấy tiền đầu tư, nhưng Công ty TNHH An Quý Hưng vẫn chịu trả cao hơn 2.000 tỷ đồng để ôm trọn lô cổ phiếu lớn nhất (58%) tại Vinaconex thời điểm đấu giá. Nếu không phải mua quyền lực tại Vinaconex thì là lý do gì?
Chiều 24/12, giao dịch cổ phiếu VCG của Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG, Vinaconex) gây chú ý với khối lượng lớn được thực hiện ở phía nhà đầu tư ngoại.
Tức 33,9 triệu cổ phiếu VCG đã được khối ngoại bán ra theo phương thức thỏa thuận trong phiên với giá trị hơn 840 tỷ đồng, tương đương gần 25.000 đồng/cp.
Theo số liệu tới trước phiên đấu giá cổ phần VCG của Viettel và Vinaconex, nhà đầu tư nước ngoài hiện nay sở hữu 10,86% vốn cổ phần tại Vinaconex bao gồm PYN Elite Fund (sở hữu 7,1% vốn, tương đương 31,4 triệu cp VCG) và Market Vector Vietnam ETF (sở hữu 1,79% vốn, tương đương 7,9 triệu cp, số liệu cập nhật tại thời điểm 9/11), cùng nhiều nhà đầu tư ngoại cá nhân khác.
Theo nguồn tin riêng của Reatimes, khả năng số cổ phần Vinaconex khối ngoại chuyển nhượng đã về tay nhà đầu tư đấu giá thành công 21,3% cổ phần Viettel nắm giữ. Điều này đồng nghĩa với việc cục bộ của Vinaconex có thể sẽ thay đổi.
Còn nhớ cách đây 1 tháng, hơn 50% cổ phần tại Vinaconex mà SCIC muốn bán ra được quan tâm đặc biệt trên thị trường. Một số diễn biến liên quan đến phiên đấu giá càng đẩy thương vụ mua bán thêm kịch tính.