Aa

Cổ đông kỳ vọng vào kế hoạch chia cổ tức và tăng vốn của các ngân hàng

Thứ Năm, 21/03/2024 - 06:08

Đối với ngành ngân hàng, 2023 là một năm thách thức nhiều hơn cơ hội. Kết quả kinh doanh cũng phân hoá rõ rệt. Phương án chia cổ tức hay mục tiêu kinh doanh của các ngân hàng tiếp tục là những nội dung được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm trong kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay.

Ngân hàng rộn ràng chia cổ tức

Thuộc nhóm ngân hàng cổ phần có lợi nhuận vượt ngưỡng 1 triệu USD, ngân hàng Techcombank hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023, lợi nhuận đạt gần 22.900 tỷ đồng. Với kết quả tích cực, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Techcombank dự kiến trình cổ đông mức chi trả cổ tức năm bằng tiền mặt ít nhất 20% tổng lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa với việc cổ đông có thể nhận được khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2024. Nếu được thông qua, cổ đông Techcombank sẽ lần đầu nhận được cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm chờ đợi.

Trước đó, Tổng Giám đốc Techcombank Jens Lottner từng cho biết, 10 năm trước, ngân hàng quyết định không trả cổ tức để giữ lại nguồn vốn phục vụ việc mở rộng hoạt động kinh doanh. Vị thế và năng lực của Techcombank đã lớn mạnh hơn. Techcombank đã có khả năng vừa trả cổ tức, vừa bảo đảm tái đầu tư ổn định kinh doanh, tiếp tục tăng trưởng.

Tương tự, MB cũng dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt song song với việc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. MB ghi nhận một năm thành công khi lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 đạt 26.200 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Theo kế hoạch, nhà băng này dự kiến duy trì chính sách cổ tức ổn định và trả cổ tức với tỷ lệ khoảng 20% qua cả hai hình thức tiền mặt và cổ phiếu.

Tại Hội nghị nhà đầu tư mới đây, Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái tái khẳng định dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2024 nhưng tỷ lệ bao nhiêu thì chưa quyết định. Trước đó, MB đã thực hiện tăng vốn điều lệ trong năm 2023 từ mức 45.000 tỷ đồng lên hơn 52.100 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Cổ đông kỳ vọng vào kế hoạch chia cổ tức và tăng vốn của các ngân hàng- Ảnh 2.

Nhiều ngân hàng đã "mạnh tay" trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông

Ngoài ra, ACB cũng có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt. Theo đó, ACB lên kế hoạch chia cổ tức năm 2023 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2023 và còn lại từ các năm trước chưa chia, tổng cộng khoảng 19.886 tỷ đồng. Cụ thể, HĐQT ACB dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương ứng với mức sử dụng lợi nhuận giữ lại là 9.710 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức này cũng được ngân hàng dự kiến tiếp tục áp dụng cho năm 2024 với mức vốn sử dụng tương ứng là 11.166 tỷ đồng.

VIB vừa công bố tài liệu cho ĐHĐCĐ thường niên 2024 ( sẽ được tổ chức vào ngày 2/4). Theo đề xuất của HĐQT, VIB sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 29,5% trên vốn điều lệ. Trong đó, mức chia cổ tức bằng tiền mặt tối đa là 12,5%, chia cổ tức bằng cổ phiếu là 17%.

Theo đó, ngân hàng này sẽ chia cổ tức theo hai đợt, lần thứ nhất tạm ứng cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 6% và lần thứ hai là chi trả cổ tức bằng tiền theo tỷ lệ 6,5%. Tổng cộng số tiền sử dụng để chi trả cổ tức bằng tiền mặt là 3.171 tỷ đồng.

Trước đó, vào ngày 21/2 vừa qua, VIB đã tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt lần 1 với tỷ lệ 6% cho cổ đông, hiện ngân hàng này vẫn chưa có đề xuất về thời điểm cụ thể chi trả cổ tức lần 2.

Ngân hàng VPBank có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt. Lãnh đạo ngân hàng này từng chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên 2023, với tiềm lực hiện tại, ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp và đủ để được phép dùng 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm chia cho cổ đông. Riêng năm 2023, VPBank chi gần 8.000 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.

Trong khi đó, một số ngân hàng lại muốn chia cổ tức để tăng vốn. Nằm trong nhóm này là ông lớn BIDV. Trước đó, ông Trần Long, Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết ngân hàng đã đề nghị Chính phủ cho phép BIDV được tăng vốn điều lệ bằng lợi nhuận giữ lại nhằm củng cố nguồn lực, có thêm dư địa hỗ trợ nền kinh tế.

LPBank cũng dự kiến trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 và phát hành cổ phiếu năm 2024 để tăng vốn điều lệ từ 20.576 tỷ lên hơn 25.576 tỷ đồng.

Nam A Bank năm nay cũng dự định phát hành thêm 264,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 25%, từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối năm 2023 và lợi nhuận chưa phân phối từ các năm trước.

Trong năm 2023, TPBank cũng thực hiện chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 25% cho cổ đông. Trả lời thắc mắc về việc liệu những năm sau, TPBank còn chia bằng tiền mặt hay không, Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú nói mức chia 1 cổ phiếu nhận 2.500 đồng trong năm qua là "trái ngọt".

Kỳ vọng mục tiêu, lợi nhuận khả quan hơn

Cùng với những lợi ích nhận được, các cổ đông cũng đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng. Bởi kết quả kinh doanh càng khả quan thì giá trị cổ phiếu càng được củng cố.

Với quán quân lợi nhuận năm 2023, "ông lớn" Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 10% năm 2024. 3 ngân hàng có vốn nhà nước còn lại vẫn để ngỏ mục tiêu này. Còn trong nhóm ngân hàng TMCP tư nhân, có ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số, nhưng cũng có ngân hàng "dè dặt" ở mức khiêm tốn. Trong đó, tham vọng đột phá phải kể đến Eximbank với mục tiêu tăng trưởng hơn 90%, lên 5.180 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2024. HDBank và VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trên 20%. MB kỳ vọng lợi nhuận sẽ đạt hơn 28.800 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023…

Cổ đông kỳ vọng vào kế hoạch chia cổ tức và tăng vốn của các ngân hàng- Ảnh 3.

Ngành ngân hàng được dự báo có mức tăng trưởng tích cực trong năm 2024

Lợi nhuận ngành ngân hàng được Công ty Chứng khoán Vietcombank đánh giá tích cực trong năm nay khi dự báo đạt mức tăng trưởng khoảng 10% nhưng sẽ có sự phân hoá mạnh, một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm. Theo các chuyên gia, kinh tế năm nay dự kiến phục hồi hơn, nhu cầu vốn sẽ tăng từ quý 2 nên lợi nhuận ngân hàng sẽ tốt hơn. Những yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm 2024 bao gồm biên lãi ròng phục hồi, tăng trưởng tín dụng cao hơn và nền lãi suất thấp đã được thiết lập trong năm 2023.

Tuy nhiên, đi kèm những mặt đạt được thì cổ đông cũng quan tâm về tình hình nợ xấu, bởi trong năm 2023, đa số ngân hàng phải đối mặt với thực trạng nợ xấu tăng kể cả về giá trị và tỷ lệ trên tổng dư nợ. Điều này đã khiến các ngân hàng phải tăng mức trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng tới kết quả lợi nhuận. Nên trong năm 2024, nếu tình hình nợ xấu còn tiếp diễn, nhất là khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm, Thông tư 02/2023/TT-NHNN sắp hết hiệu lực… thì bức tranh tài chính, kinh doanh của ngân hàng sẽ đối mặt với nhiều áp lực.

Đánh giá về kỳ ĐHĐCĐ ngành ngân hàng 2024 bắt đầu từ tháng 3 này, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư có thể kỳ vọng về một làn sóng chia cổ tức bằng tiền mặt và một số kế hoạch tăng vốn lớn.

Giải thích rõ hơn, chuyên gia này cho biết, sau nhiều năm không thể chia cổ tức bằng tiền mặt do cần dùng vốn bổ sung để đảm bảo các tiêu chí Basel II và yêu cầu của NHNN thì năm nay nhiều ngân hàng sẽ trả cổ tức bằng tiền. Đây cũng là yếu tố tác động tốt lên giá cổ phiếu.

Kỳ vọng thứ hai liên quan tới kế hoạch tăng vốn. Một số ngân hàng lớn đang thực hiện tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém. Để thực hiện được quá trình này phải có nguồn lực, như vậy có thể sẽ có một làn sóng tăng vốn trong năm nay, đặc biệt là các nhà băng lớn và quốc doanh.

Một kỳ vọng nữa với ngành ngân hàng trong ngắn và trung hạn là việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài khi NHNN nới room ngoại cho các ngân hàng thương mại lên 35%.

Ngoài ra, theo ông Minh, ngay từ đầu năm, NHNN đã giao hết room tín dụng toàn ngành 15%, giúp các ngân hàng chủ động hơn trong kế hoạch cho vay và huy động.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top