Aa

Có gì khác biệt trong quy định mới của Bộ Xây dựng về an toàn cháy cho nhà và công trình?

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Thuý Quỳnh
Thuý Quỳnh quynhbui.reatimes@gmail.com
Thứ Sáu, 27/10/2023 - 08:00

Theo chuyên gia, Thông tư số 09/2023/TT-BXD sửa đổi quy chuẩn về an toàn cháy cho nhà và công trình của Bộ Xây dựng đã đem đến nhiều thay đổi đáng kể giúp công tác quản lý PCCC được thuận lợi và hiệu quả hơn.

Ngày 16/10 vừa qua, Bộ Xây dựng chính thức ban hành Thông tư 09/2023/TT-BXD sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình. Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 01/12/2023. 

Theo phân tích của Luật sư Lê Cao, Luật sư Điều hành Công ty Luật FDVN, so với Thông tư 06/2022/TT-BXD ban hành QCVN 06:2022/BXD (Thông tư 06) trước đây, Thông tư 09/2023/TT-BXD (Thông tư 09) mang đến nhiều điểm mới tập trung vào 5 khía cạnh: 

Thứ nhất, sửa đổi về phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình đối với đối tượng là nhà ở. Khác với Thông tư 06 đặt ra quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình quy định với đối tượng “chung cư và nhà ở tập thể có chiều cao PCCC đến 150m và không quá 3 tầng hầm”, Thông tư số 09 sửa đổi thành “chung cư và nhà ở tập thể có chiều cao PCCC không quá 150m và không quá 3 tầng hầm”.

Điều này làm rõ và xác định giới hạn tối đa một cách cụ thể hơn để dễ thực hiện và bắt buộc các chủ đầu tư của các chung cư, nhà ở tập thể không được phép xây quá 150m, đồng thời hạn chế tình trạng nhiều công trình vi phạm phòng cháy chữa cháy. 

Luật sư Lê Cao - Luật sư Điều hành Công ty Luật FDVN. (Ảnh: Luật sư FDVN)

Bên cạnh đó, so với Thông tư 06, Thông tư 09 đã tách biệt chung cư, nhà ở tập thể và nhà ở riêng lẻ thành hai điểm khác nhau trong cùng một điều khoản để đảm bảo sự phân định cụ thể các loại hình.

Theo đó, đối với nhà ở riêng lẻ, nội dung quy định được trình bày một cách chặt chẽ hơn và rộng hơn, không chỉ đơn thuần là “nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh với diện tích sàn dành cho mục đích sản xuất, kinh doanh chiếm trên 30% tổng diện tích sàn” mà mở rộng ra là “nhà ở riêng lẻ có kết hợp mục đích sử dụng khác và nhà ở riêng lẻ được chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác”.

Việc kịp thời tách riêng đối tượng nhà ở riêng lẻ và nhà ở riêng lẻ kết hợp mục đích kinh doanh khác nhằm dễ dàng quản lý hơn trong công tác phòng cháy chữa cháy. 

Mặt khác, khoản 1.1.4 của Thông tư 09 cũng cho thấy sự thay đổi một cách rõ nét nhất. Theo đó, đối với Thông tư 06, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình chỉ “áp dụng khi xây dựng mới các nhà và công trình nêu tại khoản 1.1.2 bao gồm: chung cư, nhà ở riêng lẻ, nhà ở tập thể của Thông tư này, các nhà công cộng cao đến 150m và không quá 3 tầng hầm…”.

Tuy nhiên, Thông tư 09 đã quy định rõ “quy chuẩn này áp dụng khi xây dựng mới các nhà thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn này; hoặc chỉ áp dụng đối với các bộ phận, khu vực trực tiếp được cải tạo sửa chữa”.

Như vậy, nếu như Thông tư 06 chỉ mang tính chất liệt kê các đối tượng tại khoản 1.1.2 thì Thông tư 09 được áp dụng cho tất cả các đối tượng mà quy chuẩn này điều chỉnh. 

Theo Luật sư Lê Cao, việc mở rộng mục đích sử dụng nhà ở riêng lẻ nhằm ngăn chặn việc các chủ đầu tư lách luật bằng cách đăng ký xây dựng công trình ở sau đó cho thuê lại theo dạng chung cư mini. (Ảnh minh họa: Thu Thu)

Thứ hai, bổ sung thêm quyền ban hành quy chuẩn kỹ thuật sửa đổi, bổ sung cho các địa phương. Theo Luật sư Lê Cao, có thể nói đây là một trong những điểm nổi bật của Thông tư 09 khi đã bổ sung nội dung thể hiện sự phân cấp mạnh mẽ hơn, trao quyền chủ động quản lý trong công tác phòng cháy cho các địa phương.

Cụ thể tại điểm 1.1.11 Thông tư 09 quy định như sau: “Các địa phương được ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương để thay thế, sửa đổi hoặc bổ sung một số quy định tại các phần 3, 4, 5, 6 và các phụ lục của quy chuẩn này cho phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và pháp luật về phòng cháy chữa cháy”.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung một số nội dung về phân loại kỹ thuật cháy. Trước đây, các chủ đầu tư nhà, công trình xây dựng và các doanh nghiệp, tổ chức đã có nhiều lần kiến nghị về việc quy định quá chặt chẽ về các thông số kỹ thuật và chất liệu chịu lửa gây khó khăn cho người thực hiện khi phải loay hoay tìm kiếm bộ phận, vật liệu đáp ứng tiêu chuẩn về giới hạn chịu lửa.

Đến nay, Thông tư 09 đã tháo gỡ vướng mắc đó bằng việc giảm bớt giới hạn chịu lửa và không quy định cụ thể giới hạn chịu lửa đối với một số bộ phận, đồng thời cũng bổ sung thêm các điều kiện để chủ đầu tư nắm bắt được điều kiện tối thiểu cần đáp ứng của những bộ phận không bị áp quy định giới hạn chịu lửa.

Thứ tư, sửa đổi bổ sung một số nội dung về quy định đảm bảo an toàn cho người. Theo đó, tại điểm 3.2.1 của Thông tư 06 quy định về các lối ra được coi là lối thoát nạn bao gồm: “Ra ngoài trực tiếp; qua hành lang; qua tiền sảnh (hay phòng chờ); qua buồng thang bộ; qua hành lang và tiền sảnh (hay phòng chờ); qua hành lang và buồng thang bộ”.

Thông tư 09 đã có sự điều chỉnh từ quy định về “lối ra được coi là lối thoát nạn” thành “lối ra không được coi là lối thoát nạn", cụ thể "các lối ra không được coi là lối ra thoát nạn nếu trên lối ra này có đặt cửa cuốn hoặc cửa quay”.

Quy định này không mang tính chất liệt kê về lối thoát nạn, mà có thể hiểu các lối ra có thể thoát nạn được thì đều được xem là "lối thoát nạn", trừ những nơi có đặt cửa cuốn hoặc cửa quay. Quy định như vậy nhằm tạo cơ chế thông thoáng hơn cho các chủ đầu tư trong việc tạo lối thoát nạn và đồng thời phải tạo nhiều hơn những lối thoát hiểm so với danh mục được liệt kê tại điểm 3.2.1 Thông tư 06, không chỉ là hành làng, thang bộ mà có thể là cửa sổ, nóc nhà, lỗ thông gió...

Từ 1/12, không được để xe cơ giới tại tầng có lối thoát nạn. (Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ)

Cùng với đó, Thông tư 09 cũng quy định rõ "Không được để xe cơ giới, không được bố trí kho hạng A, B, C tại tầng có lối thoát nạn ra ngoài nhà, trừ khi các khu vực này được ngăn cách theo các quy định của quy chuẩn này". 

Như vậy, so với quy định tại Thông tư 06 thì quy định mới có tính thiết thực, tiết kiệm hơn cho các chủ đầu tư và đảm bảo an toàn hơn cho người sinh sống trong các tòa nhà, công trình xây dựng. 

"Thực tiễn cho thấy hầu hết các chủ đầu tư, chủ sở hữu của chung cư, nhà ở riêng lẻ, nhà ở tập thể và đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh không bố trí lối thoát nạn hoặc có bố trí cũng không đúng quy chuẩn kỹ thuật về PCCC, do đó khi xảy ra hỏa hoạn thì không có lối thoát nạn hoặc có lối thoát nạn nhưng không đáp ứng được công năng sử dụng, mới dẫn tới các sự việc thương tâm như vụ việc cháy chung cư mini tại Hà nội vừa qua". 

Luật sư Lê Cao

Thứ năm, sửa đổi nội dung trong phần cấp nước chữa cháy. So với Thông tư 06, Thông tư 09 đã quy định rõ hơn là việc trang bị cấp nước chữa cháy thì chủ đầu tư phải thực hiện khi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của các khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và các khu có đặc điểm tương tự.

Mặt khác, đối với các tòa nhà khi nằm trong phạm vi phục vụ của các nguồn cấp nước chữa cháy ngoài nhà (bồn, bể, trụ nước chữa cháy ngoài nhà, hồ nước chữa cháy tự nhiên và nhân tạo và các nguồn nước tương tự khác) thì không yêu cầu bắt buộc phải trang bị cấp nước chữa cháy ngoài nhà.

Theo Luật sư Lê Cao, Thông tư mới đã chỉ rõ cho các chủ đầu tư thấy được thời điểm phải trang bị cấp nước chữa cháy mà không viện dẫn đến quy định tại TCVN 3890, tránh gây khó cho chủ đầu tư vì không biết quy định nằm ở đâu để tìm kiếm.

Cuối cùng, Thông tư 09 cũng đã có những thay đổi trong việc quy định về vị trí, khoảng cách đặt các bồn, bể, trụ nước chữa cháy ngoài nhà, hồ nước chữa cháy tự nhiên và nhân tạo. Đối với cả hai trường hợp "khi có máy bơm của xe chữa cháy" và "khi có máy bơm di động", khoảng cách đặt bồn, bể, trụ nước chữa cháy ngoài nhà, hồ nước chữa cháy tự nhiên và nhân tạo đều được tăng lên gấp đôi, lần lượt là 400m và 300m. Luật sư Lê Cao cũng đánh giá Thông tư 09 đã tạo điều kiện cho các chủ đầu tư dự án về khoảng cách đặt các công cụ chứa nước phù hợp với công năng sử dụng của nhà ở, công trình xây dựng nhưng vẫn đảm bảo phục vụ tốt cho công tác phòng cháy chữa cháy nếu như có hỏa hoạn xảy ra./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top