Đất nước New Zealand, vốn nổi tiếng nhờ những dãy núi tuyệt đẹp tạo cảnh sắc cho series phim Chúa tể của những chiếc nhẫn, hiện lại đang trở thành một địa điểm tuyệt vời để các tỷ phú trên thế giới đặt chỗ nơi trú ẩn phòng trường hợp các tai họa như thiên tai, chiến tranh, khủng bố,... xảy ra.
Vì vị trí quá biệt lập, điều kiện thiên nhiên ưu đãi, và tình hình kinh tế - chính trị ổn định nên người dân New Zealand rất ít khi phải hứng chịu các thảm họa do thiên nhiên và con người tạo ra. Theo lời ông Ollie Wall, chuyên gia tư vấn của công ty bất động sản Graham Wall Real Estate, thì với nhiều người giàu ngoại quốc, đảo quốc này là nơi lý tưởng để họ "trốn tránh: khỏi một thế giới quá ư biến động.
“Thế giới ngày càng bất ổn hơn, và vì thế nên New Zealand mới trở thành một địa điểm hấp dẫn người mua nhà ngoại quốc như vậy", ông Ollie Wall nói.
Tuy vậy, như Reatimes đã đưa tin, gần đây vị Thủ tướng mới nhậm chức của New Zealand, bà Jacinda Ardern, đã trình quốc hội một bộ luật mới nhằm hạn chế các đối tượng có quốc tịch nước khác mua bất động sản tại đảo quốc này. Bà Jacinda đang thực hiện đúng lời hứa của mình về việc giảm tốc độ tăng giá nhà “phi mã” ở New Zealand mà bà đã đưa ra với các cử tri.
Dự luật này nếu được đưa vào thực hiện chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giới siêu giàu quốc tế, trong số đó phần nhiều là các tỷ phú Châu Á (đặc biệt là ở Trung Quốc) và người Mỹ đang tìm mua một ngôi nhà thứ hai để đề phòng trường hợp tồi tệ nhất xảy ra ở tổ quốc họ.
Đối với những người Mỹ vốn luôn lo sợ trước những thảm họa thì đảo quốc New Zealand thật sự là thiên đường an toàn của họ. Trong những năm gần đây, số ngôi nhà ở New Zealand được người Mỹ mua lại đã tăng vọt, đặc biệt là từ khi tổng thống Donald Trump lên nhận chức hồi tháng 1/2017. Phần nhiều những người Mỹ này hằng năm vẫn đến trú vài tháng tại ngôi nhà ở New Zealand của họ, rồi bỏ trống nó trong khoảng thời gian còn lại.
Vấn đề mà các nhà chức tránh ở thủ đô Wellington đang đối mặt là việc giá nhà ở cứ đi lên vùn vụt do cơn sốt mua đất của người ngoại quốc, cùng với việc lãi suất vay ngân hàng ở mức thấp và số dân nhập cư tăng. Một hiện tượng tương tự cũng đang diễn ra ở Anh Quốc. Theo báo cáo của công ty Knight Frank thì giá nhà ở tại New Zealand đã tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Alland McMahon, giám đốc nghiên cứu và tư vấn của Colliers International New Zealand: “Giá nhà ở đi lên là kết quả của việc dân số và nền kinh tế phát triển mạnh, trong khi nguồn cung vẫn còn phải chạy theo sau nhu cầu… Giá nhà ở hạng vừa tại Auckland đã gần đạt mức gấp 10 lần thu nhập trung bình của một hộ gia đình New Zealand… Việc sở hữu một ngôi nhà hiện đang là giấc mơ xa vời với nhiều người dân New Zealand".
Một trong những biện pháp để giảm nhẹ vấn đề này được đưa vào thực thi là việc Ngân hàng Dự trữ New Zealand yêu cầu những khách hàng mua nhà ngoại quốc phải chi sẵn một khoản chuyển vào tài khoản đặt cọc tại các ngân hàng thương mại. Tuy giá nhà ở nhiều đô thị như Auckland đã bắt đầu tăng chậm lại, biện pháp này vẫn chưa thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Những cái tên nổi danh trong giới tỷ phú tại Mỹ đã mua nhà ở New Zealand gồm James Cameron, đạo diễn của các bộ phim Titanic, Avatar,v.v… và Peter Thiel, đồng sáng lập của dịch vụ thanh toánh trực tuyến PayPal – ông Thiel vừa mua một biệt thự ven hồ Wakana, tại một khu vực tập trung nhà ở của các tỷ phú ngoại quốc.
Như các khu vực Mayfair (Luân Đôn, Anh) và Trung Mahattan (New York, Mỹ), khu vực ven hồ Wakana gần như không có người ở, do các gia chủ ngoại quốc chỉ dành nhiều nhất vài tuần một năm để nghỉ mát tại đây.
Chính sách mới của bà Ardern đang gửi đi một thông điệp rất rõ ràng về việc sẽ siết chặt thị trường bất động sản tại đảo quốc này trong tương lai. Theo một số nguồn tin không chính thức thì một dự luật khác trong tương lai sẽ bắt buộc người ngoại quốc muốn mua nhà phải chứng minh được họ đã ở tại New Zealand hơn 184 ngày trong vòng 2 năm vừa qua để được thực hiện giao dịch.
Tuy vậy, theo một số công ty trung gian môi giới thì lệnh cấm của chính phủ sẽ không thể chặn lại sức mua của khối ngoại quốc trên thị trường bất động sản để giảm giá nhà ở cho người có thu nhập thấp, đặc biệt là trong bối cảnh một ngôi nhà hạng vừa tại nước này được rao bán trung bình tại mức 690.000 USD.
Theo ông Ollie Wall, thực ra số lượng người ngoại quốc mua nhà tại New Zealand không nhiều và không có sức ảnh hưởng mạnh lên thị trường như giới chức vẫn nghĩ. “Chúng tôi đã bán rất nhiều ngôi nhà cho người ngoại quốc, nhưng đến 99% trong số đó lại có hộ chiếu New Zealand… Trong vòng vài năm trở lại đây, chúng tôi lại có thêm nhiều khách hàng là các gia đình gốc New Zealand hồi hương”, Ollie Wall cho biết thêm.
“Tôi tin rằng chính phủ đang thật sự sai lầm khi coi những người ngoại quốc là thủ phạm của việc giá nhà ở New Zealand đang tăng quá nhanh… Khi dự luật hạn chế người mang quốc tịch nước ngoài mua nhà tại đây được đưa ra trình quốc hội, các quy định chắc chắn sẽ được nới lỏng, do tự bản thân nền kinh tế của quốc gia này đang phụ thuộc vào nguồn đầu tư nước ngoài.”
New Zealand không phải là đất nước duy nhất đối mặt với tình trạng kể trên. Các nhà chức trách ở Luân Đôn, Mumbai, Paris, và Dublin cũng đang trong quá trình xem xét áp đặt các loại thuế đánh vào các cá nhân ngoại quốc có nhà ở thứ hai tại địa phương mình. Trong khi đó, Canada đã chính thức thu phí các căn nhà mà không có người ở trong vòng hơn 6 tháng/năm.
Bà Elle Foenander thuộc công ty Knight Frank thì tin rằng New Zealand đang tiến dần đến việc áp dụng một mô hình tương tự như Australia: “Người ngoại quốc sẽ không còn được mua những ngôi nhà hoàn thiện, mà thay vào đó phải tự xây chỗ ở trên mảnh đất thuộc sở hữu cá nhân.”
Các chuyên gia đang thật sự nghi ngờ về những hành động của chính phủ New Zealand, do ở nước láng giềng Australia cũng đã thực hiện những biện pháp tương tự mà không thể nào giảm được đà tăng giá nhà. Hiện Australia đang là một trong những thị trường bất động sản đắt nhất thế giới.
Theo bà Sophie Chick, giám đốc nghiên cứu tại Savills Australia, thì: “Bất chấp các biện pháp, giá nhà ở Australia đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm trở lại đây, đặc biệt là tại Sydney và Melbourne… Đúng là các khách hàng ngoại quốc có tác động đẩy giá nhà lên, nhưng các nhân tố chính thúc đẩy việc này là tốc độ tăng dân số, nền kinh tế phát triển mạnh, lãi suất vay ngân hàng giữ ở mức thấp, và việc thiếu quỹ đất xây dựng.”