Aa

Cơ hội nào cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam?

Thứ Hai, 03/09/2018 - 06:01

Cùng với các mảng văn phòng hay bán lẻ trên thị trường Việt Nam, phân khúc bất động sản công nghiệp đang được ví như “món ngon” đợi “người sành”. Là một trong những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đâu là cơ hội thực sự cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam thời điểm này?

Chương trình talkshow “Góc nhìn đa chiều” của Tạp chí điện tử bất động sản Việt Nam tuần này đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Hồng Vân, Trưởng bộ phận thị trường Hà Nội – JLL, về diễn biến của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam trong những năm vừa qua, đặc biệt là thách thức trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.  

Talkshow: Bất động sản công nghiệp Việt Nam trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Theo bà Nguyễn Hồng Vân, thực tế hiện nay tại Việt Nam, khi đề cập đến câu chuyện đầu tư bất động sản, thường sẽ có nhiều thông tin về đầu tư chung cư, đất nền mà ít thông tin về đầu tư bất động sản công nghiệp. Bởi đây là lĩnh vực cần có nguồn vốn đầu tư rất lớn, khác hẳn với đầu tư nhỏ lẻ cá nhân.

Nhưng như vậy không có nghĩa là bất động sản công nghiệp Việt Nam đã bị "bỏ lại phía sau", mà ngược lại, theo bà Vân, phân khúc này vẫn đang diễn biến rất sôi động, nhất là trong thời gian gần đây. Việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài như Samsung, LG,… đến từ Hàn Quốc và các nước khác cùng nguồn cung dồi dào đã tạo sức bật lớn cho phân khúc bất động sản cần nguồn vốn cao như khu công nghiệp.

(Ảnh: JLL)

(Ảnh: JLL)

Phân tích về động lực tạo sức bứt phá của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam, bà Vân chỉ ra rằng: Thứ nhất Việt Nam là nước có quỹ đất dồi dào so với các nước trong khu vực nhất là so với những nước đã phát triển công nghiệp trong thời gian dài như Thái Lan, Trung Quốc,... Thứ hai, Việt Nam có dân số trẻ, với hơn 92 triệu dân và độ tuổi trung bình khoảng 25 đến gần 30 tuổi, mức tuổi phù hợp với sự phát triển của khu công nghiệp. Thứ ba, Việt Nam có mức chi phí cạnh tranh, giá rẻ so với các nước trong khu vực, không chỉ là chi phí về đất mà còn chi phí về nhân công.  Thứ tư là Việt Nam đầu tư 5,8% GDP vào cơ sở hạ tầng. Đây là điểm khiến các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. Thứ năm là chính sách của Việt Nam hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt tình hình kinh tế chính trị ổn định.

Tuy nhiên, bà Vân cũng chỉ ra rằng, bất động sản khu công nghiệp vẫn còn gặp phải những rào cản trong quá trình phát triển và bứt phá. Bởi dù đã được đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng, nhưng yếu tố này chưa thực sự hoàn thiện và đầy đủ, mà vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Bên cạnh đó, các công ty ở Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm xây dựng, quản lý cũng như thiếu nguồn vốn.

Một vấn đề khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến rót vốn ở Việt Nam là việc quản lý nguồn năng lượng. “Với tốc độ gia tăng bất động sản công nghiệp trong thời gian vừa qua và nguồn cung trong thời gian tới lớn, Nhà nước cần có chính sách gì để đảm bảo nguồn cung năng lượng trong sản xuất kinh doanh. Đây là yếu tố quan trọng mà nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm”, bà Vân khẳng định.

Bên cạnh đó, bà Vân đánh giá, yếu tố con người là vấn đề hết sức quan trọng ảnh hưởng tới phân khúc bất động sản công nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tới gần.

“Xu hướng sắp tới là cắt giảm nhân công, gia tăng dây chuyền tự động hóa. Để giải quyết được vấn đề này, chúng ta phải đầu tư hơn nữa vào con người. Các bạn trẻ cần suy nghĩ tới việc học thêm, được đào tạo kỹ năng hiểu cơ bản về một số ngành sản xuất mà họ đã làm. Đó là yếu tố thuộc về trách nhiệm và chính sách vĩ mô để đảm bảo được chất lượng nguồn lao động”, bà Vân nhấn mạnh. 

Đánh giá về mức độ cạnh tranh của nhà đầu tư Việt Nam trước cuộc “đổ bộ” của nhà đầu tư nước ngoài, bà Vân cho rằng, điểm mạnh của nhà đầu tư trong nước chính là sở hữu quỹ đất dồi dào nhưng hạn chế là kinh nghiệm vận hành quản lý cũng như nguồn vốn.

Nhà đầu tư Việt Nam thường ưu tiên phương án bán đất thô để các công ty xây dựng nhà máy trong khi đó nhu cầu tìm kiếm nhà máy, nhà kho xây sẵn đang tăng cao. Trong khi đó doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam vừa có vốn, có kinh nghiệm quản lý vận hành nhà máy, nhà kho mà họ xây lên. Đây là yếu tố mà nhà đầu tư trong nước cần tập trung tìm các giải pháp tăng cạnh trạnh khu công nghiệp của Việt Nam.

Thực hiện video: Đỗ Linh

Ảnh: Đỗ Linh

Thiết kế: Đức Anh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top