Aa

Cơ hội nào từ cổ phiếu ngành xây dựng?

Thứ Ba, 14/01/2020 - 13:48

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhiều cổ phiếu ngành xây dựng có rất ít cơ hội sinh lời cho các nhà đầu tư trong năm 2020.

Rớt giá thảm hại

Mới đây, Công ty CP Xây dựng - Coteccons (HoSE: CTD) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Cụ thể, CTD đã có một quý kinh doanh kém tích cực nhất trong 4 quý cùng kỳ liên tiếp khi lợi nhuận sau thuế giảm 65%, chỉ đạt 165 tỷ đồng. 

Theo Ban Lãnh đạo CTD, sở dĩ CTD có kết quả kinh doanh kém khả quan như vậy là do một số công trình có thời gian thi công dài hơn dự kiến làm tăng chi phí cố định; áp lực giảm giá trong công tác đấu thầu với chủ đầu tư cũng làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu lợi nhuận gộp.

Tính đến hết quý III/2019, CTD còn gần 796 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Ngoài ra, công ty còn 3.998 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển và 3.039 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần. Cổ phiếu quỹ ghi nhận âm hơn 443 tỷ đồng.

Trên thị trường, cổ phiếu CTD liên tục sụt giảm và đang rơi về vùng đáy của nhiều năm trở lại đây. Hiện cổ phiếu CTD giao dịch quanh mức 65.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm khoảng 58% so với thời điểm đầu năm 2019 và vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Đồ thị tăng trưởng ngành xây dựng so với tăng trưởng GDP (Nguồn Vietstock)

Trong khi đó, cổ phiếu BDC của Công ty CP Xây dựng Bạch Đằng chỉ còn 13.000đ/cp, trong khi cổ phiếu C47 của Công ty CP Xây dựng C47 chỉ còn 10.400 đồng/cổ phiếu...

Theo đánh giá của giới đầu tư, chưa bao giờ thị giá cổ phiếu của ngành xây dựng lại rớt thảm hại đến vậy, nhiều nhà đầu tư đã lỗ nặng trong 2 năm gần đây khi đầu tư vào cổ phiếu ngành xây dựng.

Ít lựa chọn cho nhà đầu tư

Theo dự báo của BMI, ngành xây dựng Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7,6% trong giai đoạn 2018 - 2025. Trong khi nghiên cứu của PwC cho thấy Indonesia, Việt Nam và Philippines là những quốc gia có thể giành được sự quan tâm lớn nhất từ các nhà đầu tư phát triển bất động sản quốc tế trong khu vực ASEAN.

Mặc dù vậy, theo VDSC, trong giai đoạn 2020 - 2021 có rất ít sự lựa chọn cho các nhà đầu tư quan tâm tới cổ phiếu ngành xây dựng dân dụng.

Sự chậm trễ kéo dài tại các dự án lớn ở các đô thị loại 1 đã khiến các công ty xây dựng hàng đầu gặp khó khăn trong duy trì tăng trưởng ngắn hạn. Trong trung hạn, các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý có khả năng ảnh hưởng đến số lượng dự án mới. 

Mặc dù nhu cầu sở hữu nhà ở và thuê văn phòng vẫn sẽ tăng trưởng tích cực ở một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nhưng thị trường vẫn thiếu quỹ đất sạch có thủ tục pháp lý đầy đủ. Do đó, các nhà thầu lớn trong phân khúc nhà ở bao gồm CTD, HBC và HTN sẽ không còn nhiều cơ hội hưởng lợi.

Thay vào đó, một số phân khúc bao gồm xây dựng điện và xây dựng công nghiệp, mặc dù có dung sai thị trường nhỏ, vẫn có các nhà thầu hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư đổ vào các ngành này.

Do vậy, theo VDSC, các nhà đầu tư cân nhắc khi “xuống tiền” đầu tư vào cổ phiếu ngành xây dựng trong năm 2020…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top