Aa

Thị trường chứng khoán: Thời điểm "xuống tiền" mua cổ phiếu rẻ

Thứ Tư, 08/01/2020 - 16:30

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, hiện tại là thời điểm thích hợp để mua vào khi mức định giá của thị trường đang rất rẻ, nhiều cổ phiếu đã về lại vùng giá hấp dẫn.

PV: Ông đánh giá thế nào về thị trường chứng khoán năm 2020? Những rủi ro vĩ mô nào cả trong nước và quốc tế có thể ảnh hưởng đến thị trường?

Ông Nguyễn Thế Minh: Tôi cho rằng, 2020 vẫn là năm khó khăn của thị trường, nhưng cơ hội luôn hiện hữu. Hiện tại, thị trường đang trong chu kỳ tăng trưởng dài hạn và quý I/2020 có thể là thời điểm tăng trưởng tốt nhất.

Chỉ số VN-Index có khả năng hướng về mức 1.100 điểm một lần nữa, hoặc cao hơn là 1.200 điểm (mức đỉnh cũ trong năm 2018).

Rủi ro lớn nhất của thị trường là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và các yếu tố địa chính trị khi tình hình căng thẳng giữa các quốc gia lớn ngày một leo thang.

Đồng thời, yếu tố cảnh báo khủng hoảng từ mức chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm và 20 năm thể hiện ngày càng rõ nét.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

PV: Báo cáo chiến lược tháng 12/2019 của Yuanta cho rằng, thị trường giảm về khoảng 935 điểm là thời điểm nên mua vào. Bước sang năm 2020, nhận định này còn phù hợp không và vì sao?

Ông Nguyễn Thế Minh: Tôi cho rằng, đây vẫn là thời điểm để mua vào khi mức định giá của thị trường đang rất rẻ, nhiều cổ phiếu đã về lại vùng giá hấp dẫn.

Đồng thời, đây là giai đoạn để đón nhận sóng tăng trong quý I/2020. Tất nhiên, trên quan điểm an toàn, các nhà đầu tư nên chờ đợi xu hướng tăng được xác lập.

PV: Yuanta nhìn thấy cơ hội ở đâu trên thị trường hiện nay?

Ông Nguyễn Thế Minh: Theo tôi, các nhà đầu tư có thể chú ý vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhưng sẽ có sự phân hóa. Chẳng hạn, các ngân hàng khối quốc doanh có thể sẽ tạo sóng trong giai đoạn này. Đồng thời, nhóm ngành công nghệ và bán lẻ dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2020.

Ngoài ra, tôi cho rằng, nhà đầu tư vẫn có thể tìm thấy cơ hội ở nhóm cổ phiếu bất động sản, đặc biệt là các cổ phiếu có mức P/E dưới 10.

Ảnh minh họa.

PV: Tình trạng cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm như hiện nay ảnh hưởng như thế nào đến thị trường chứng khoán, nhất là cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài?

Ông Nguyễn Thế Minh: Thị trường chứng khoán đang là kênh huy động nguồn vốn dài hạn của doanh nghiệp, nhất là khi lượng phát hành cổ phiếu trên thị trường duy trì đều đặn qua các năm.

Đáng chú ý, với định hướng lấy thị trường vốn là kênh huy động chính cho các doanh nghiệp nhà nước, thì thị trường chứng khoán sẽ có thêm nhiều hàng hóa tài chính chất lượng hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu Việt Nam cũng được xem là vùng đất màu mỡ cho nhà đầu tư nước ngoài, nhất là dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc chảy vào mạnh ở thị trường trái phiếu trong 2 năm gần đây.

Dư địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán còn rất lớn khi Việt Nam đang sở hữu hơn 96 triệu dân và chỉ có gần 2 triệu tài khoản chứng khoán.

Do đó, tôi đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Thực tế, nhà đầu tư Trung Quốc, Hồng Kồng và Đài Loan vốn rất quan tâm tới thị trường Việt Nam và có khẩu vị đầu tư/rủi ro tương tự như nhà đầu tư tại Việt Nam.

PV: Từ kinh nghiệm phát triển thị trường phái sinh tại Đài Loan, theo ông, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm gì để thị trường phái sinh phát triển lành mạnh hơn?

Ông Nguyễn Thế Minh: Thị trường phái sinh của Việt Nam còn rất non trẻ, nhưng điều tích cực là thanh khoản trên thị trường đã tăng rất mạnh trong thời gian ngắn, điều mà các thị trường phát triển mất thời gian dài mới có được.

Tôi cho rằng, để thị trường phái sinh Việt Nam có sự phát triển tích cực, lành mạnh, cần có thêm nhiều sản phẩm phái sinh trên các chỉ số.

Đồng thời, để gia tăng thanh khoản, cần có các cơ chế kích thích giao dịch của nhà đầu tư như giảm tỷ lệ ký quỹ hoặc giảm phí giao dịch tại Sở. Ngoài ra, việc liên tục cải tiến hệ thống giao dịch là ưu tiên hàng đầu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top