Aa

GS. Đặng Hùng Võ: “Cơ hội phát triển của Việt Nam lớn nhưng vẫn ách tắc với quy định đất đai cũ“

Duy Thành
Duy Thành blackflag_keke@yahoo.com
Thứ Bảy, 27/03/2021 - 06:32

GS. TSKH Đặng Hùng Võ khẳng định, cơ hội phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam còn rất lớn, nhưng đất đai vẫn ách tắc với các quy định cũ.

Nguồn cơn của "sốt" giá đất

Tại Tọa đàm Bất động sản Mùa Xuân do Reatimes tổ chức sáng 26/3 tại Hà Nội, các chuyên gia và doanh nghiệp đã bàn thảo về những vấn đề nóng của thị trường trong bối cảnh hiện tại.

Đánh giá về tình trạng "sốt" ảo giá đất thời gian qua, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho hay: "Mặc dù Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam nhưng thị trường bất động sản, giá bất động sản, 'sốt' đất vẫn nóng. Đặc biệt, giá bất động sản tại một số thành phố không giảm, ngược lại còn tăng".

Theo ông Hà, có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, kênh đầu tư bất động sản vẫn rất hấp dẫn, và vị chuyên gia cho rằng, bất động sản là kênh đầu tư mà người Việt tin tưởng, chỉ sau vàng và chứng khoán.

Thứ hai, nguồn cung bất động sản tại một số địa phương, như các thành phố lớn còn thiếu hụt đã đẩy giá bất động sản tăng cao. "Đáng chú ý, "sốt" đất không chỉ ở các khu vực có quy hoạch rõ ràng, có giấy phép xây dựng, mà "cơn sốt" còn xảy ra ở những vị trí không nằm trong quy hoạch, đất thổ cư trong làng xóm, thậm chí đất phi nông nghiệp như đất trồng rừng...", ông Hà nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến cáo thị trường và nhà đầu tư cần cảnh giác với câu chuyện "sốt" đất nền, bởi đây luôn là nguồn cơn của "sốt" giá bất động sản.

"Giá tiếp tục tăng nhưng không ai bán cả, giá tăng cao nhưng không ai bán. Chúng tôi đã có báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ, dù không quá căng thẳng nhưng cần có giải pháp để kiểm soát giá đất nền", TS. Nghĩa cho hay và cho rằng, không nên đua theo dòng tiền của đất nền "sốt" ảo bởi có thể dẫn đến đổ vỡ bất động sản.

Đất đai vẫn đang bị ách tắc với những quy định cũ

Là một chuyên gia có những nghiên cứu sâu sắc và bám sát thị trường bất động sản nhiều năm nay, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng Luật Đất đai hiện còn tồn tại rất nhiều bất cập lớn, cản trở phát triển kinh tế. "Cơ hội phát triển của Việt Nam khá lớn nhưng đất đai cứ bị ách tắc với những quy định cũ", ông Võ nhấn mạnh.

Theo đó, từ năm 2016 - 2020, Chính phủ đã 4 lần ra chỉ thị về sửa đổi Luật Đất đai. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, Luật Đất đai vẫn chưa được sửa, và theo GS. Võ, có lẽ đến 2023 mới có thể thực hiện sửa. 

Thị trường bất động sản Việt Nam còn nhiều cơ hội để phát triển
Ảnh minh họa.

GS. Võ đã tóm lược lại các vấn đề của Luật Đất đai thành 4 nhóm chính.

Một là về đất nông nghiệp, hiện nay vẫn chưa thực hiện tích tụ, tập trung đất đai có hiệu quả. "Đây là câu chuyện phức tạp và cần có thay đổi. Chuyển nhượng đất đai tại nông thôn hiện nay gần như không có thủ tục pháp lý hoàn chỉnh mà chủ yếu là mua bán, sang nhượng bằng giấy viết", vị chuyên gia chia sẻ.

Vấn đề thứ hai là phát triển nhà ở, hiện nay cũng có nhiều ách tắc. Hà Nội và TP.HCM là hai thị trường lớn nhất mà giai đoạn 2019 - 2020, mỗi năm chỉ phê duyệt được vài dự án. Cho đến gần đây, Chính phủ mới có Nghị định 148 gỡ vướng cho các dự án.

Vấn đề thứ ba là ách tắc đối với các dự án bất động sản du lịch. Luật Đất đai hiện hành chưa có dòng nào về loại hình này.

Vấn đề thứ tư là câu chuyện người nước ngoài mua đất tại Việt Nam.

"Làm sao chúng ta ngăn chặn được những hiện tượng mua chui số lượng lớn như báo chí truyền thông đã đưa tin?", GS. Võ đặt câu hỏi.

GS Đặng Hùng Võ
GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Theo vị chuyên gia này, điều quan trọng là những bất cập trên đã tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản và làm méo mó thị trường.

"Tình trạng sốt đất xảy ra một phần là do tác động của Luật Đất đai 2013 khi mở rộng quy định về phân lô bán nền. Các quốc gia trên thế giới họ dùng hình thức phân lô bán nền chỉ để giải quyết nhà ở ở đô thị, không đưa vào thương mại. Đưa đất nền vào thương mại là điều rất tối kỵ", GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Bởi, về nguyên tắc, thị trường bất động sản phải khai thác giá trị đầu tư trên đất chứ không phải chờ tăng giá đất để gặt hái lợi nhuận./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top