Aa

Vắc-xin kích hoạt bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trở lại đường đua

Thứ Ba, 16/03/2021 - 05:56

Hộ chiếu vắc-xin đang được kỳ vọng sẽ góp phần giúp phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng kích hoạt trở lại đường đua sau giai đoạn đầy những khó khăn.

Lời tòa soạn:

Bất động sản du lịch từng được ví như “con gà đẻ trứng vàng” trong mắt các nhà đầu tư. Thế nhưng, sự xuất hiện của Covid-19 đã trở thành bóng đen đẩy phân khúc giàu tiềm năng này vào một giai đoạn đầy khó khăn, gần như phải “đóng băng” trên thị trường.

Ở thời điểm gần kết thúc năm 2020, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, lượng du khách đã dần phục hồi kéo theo niềm tin và kỳ vọng của nhà đầu tư về tương lai tươi sáng hơn của bất động sản du lịch 2021. Tuy nhiên, ngay vào thời điểm những tháng đầu tiên của năm mới, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục bùng phát trở lại, ảnh hưởng không nhỏ đến một phân khúc đang trên đà hồi phục. 

Thị trường bất động sản du lịch sau làn sóng Covid-19 thứ 3 này đang được định hình ở quỹ đạo nào? Làm thế nào để cứu nguy cho thị trường bất động sản du lịch? Đó là những câu hỏi cần tìm ra lời đáp trong bối cảnh hiện nay.

Trên tinh thần nghiên cứu, khảo sát thực tế, Reatimes khởi đăng tuyến bài: Bất động sản du lịch xoay chuyển thế nào để qua “cơn bĩ cực“?

Hầu hết các chuyên gia và nhà đầu tư đều nhận định: Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã trải qua một năm 2020 đầy biến động khi Covid-19 trở thành ngòi nổ mở màn cho các chỉ số giao dịch sụt giảm. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp địa ốc, dù khó khăn trong năm 2020 và đầu năm 2021 do Covid-19 gây ra chỉ là "nốt trầm" trong một bản nhạc, là thời điểm để tích luỹ kinh nghiệm trong quản trị và để doanh nghiệp khẳng định tiềm lực tài chính. Ở góc độ lạc quan, giới quan sát còn cho rằng, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang có xu hướng bật mạnh trở lại nhờ bệ đỡ từ hành lang pháp lý dần rõ ràng đến công tác chống dịch thành công của Việt Nam. 

Để có góc nhìn sâu hơn về vấn đề này, Reatimes xin giới thiệu chia sẻ của ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng giám đốc Apec Group.

BẤT ĐỘNG SẢN DU LỊCH GẶP KHÓ: TRONG NGUY CÓ CƠ

PV: 2020 được đánh giá là một năm khó khăn của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Trên góc độ doanh nghiệp đầu tư nhiều dự án trong lĩnh vực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, ông có thể chia sẻ những thách thức chính trong năm qua?

Ông Nguyễn Quang Huy: Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng năm 2020 phải đối mặt với 3 khó khăn chính.

Thứ nhất, khó khăn lớn chưa giải quyết được trong thời gian dài với phân khúc bất động sản du lịch là hành lang pháp lý, điển hình như việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho sản phẩm mới condotel…

Thứ hai, vấn đề lợi nhuận khi mua sản phẩm condotel của một số chủ đầu tư không thực hiện như cam kết khiến nhiều khách hàng suy giảm niềm tin vào sản phẩm bất động sản du lịch. Họ đặt ra câu hỏi về năng lực của chủ đầu tư, về sự cam kết và chữ tín.

Thứ ba, dịch bệnh Covid-19 xảy ra khiến thị trường du lịch thêm khó khăn bởi các chính sách cách ly xã hội, tâm lý lo sợ dịch bệnh. Điều này cũng khiến một số chủ đầu tư công bố dừng hoặc hoãn, giảm trả cam kết lợi nhuận cho khách hàng như ban đầu.

3 nguyên nhân trên đã đẩy bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vào tình trạng khó khăn nhất trong vòng 1 thập kỷ vừa qua.

Ông Nguyễn Quang Huy, PTGĐ Apec Group

PV: Có ý kiến cho rằng, không chỉ do tác động của Covid-19 mà việc tăng trưởng quá nóng của thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng là nguyên nhân chính dẫn đến xu thế sụt giảm tất yếu của kênh đầu tư này trong năm qua. Theo ông "nốt trầm" này tác động thế nào đến sự phát triển lâu dài của phân khúc bất động sản vẫn đang được đánh giá là tiềm năng nhất?

Ông Nguyễn Quang Huy: Sự tăng trưởng của bất động sản du lịch trong những năm qua là một xu thế tất yếu, không thể phủ nhận. Khi Việt Nam thuộc top các nước có thu nhập tăng trưởng trung bình, tầng lớp trung lưu gia tăng và nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao thì tất yếu, việc sử dụng sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng sẽ lớn.

Dòng tiền đầu tư luôn thông minh sẽ biết tập trung vào phân khúc nào hấp dẫn. Bất động sản du lịch tập trung tại các thị trường như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang,… bởi tiềm năng về nghỉ dưỡng lớn, hạ tầng giao thông phát triển với hệ thống đường cao tốc, sân bay hoàn thiện. Trước đó, các đặc khu kinh tế tương lai với kịch bản đầy kỳ vọng cũng tạo ra sự cộng hưởng lớn cho các nhà đầu tư yêu thích bất động sản nghỉ dưỡng.

Đến năm 2020, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng suy giảm do những yếu tố vừa chủ quan và khách quan. Như tôi phân tích ở trên, có rất nhiều nhân tố khiến phân khúc này sụt giảm trong năm qua.

Tuy nhiên, trong nguy có cơ, đó là nhận định của giới đầu tư. Thực tế, khoảng thời gian vừa qua là giai đoạn để chúng ta đánh giá nghiêm túc lại năng lực của chủ đầu tư, sự hiện hữu của các sản phẩm nghỉ dưỡng. Đặc biệt, chúng ta cũng có dịp nhìn nhận lại hành lang pháp lý như thế nào để đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư cũng như phân trách nhiệm cho các chủ đầu tư.

“Nốt trầm” của thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng còn là thời điểm, cơ hội để chúng ta hoàn thiện hàng lang pháp lý, đòi hỏi chủ đầu tư sáng tạo nhiều hơn, yêu cầu khách hàng đầu tư bản lĩnh hơn cũng như có sự phân tích khoa học về xu hướng thị trường, năng lực của doanh nghiệp địa ốc và rủi ro thị trường.

PV: Nhưng liệu nhà đầu tư có mất đi niềm tin trong hoạt động đầu tư vào bất động sản du lịch khi phân khúc này khi trải qua một năm sóng gió 2020 cho thấy phân khúc này đang phụ thuộc và chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan?

Ông Nguyễn Quang Huy: Không chỉ tại Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, bất động sản du lịch được coi là kênh đầu tư rất tiềm năng. Khi đất nước phát triển, thu nhập gia tăng, có thể gấp 10 lần so với hiện tại, thì tầng lớp trung lưu cũng tăng và từ đó, nhu cầu nghỉ dưỡng là tất yếu.

Trong khi ấy, Việt Nam được bình chọn là 1 trong 10 quốc gia được người nước ngoài yêu thích, lựa chọn để sinh sống. Việt Nam còn lọt vào top các quốc gia có chỉ số hạnh phúc nhất thế giới. Đặc biệt, chúng ta còn có nhiều di sản văn hóa, địa điểm du lịch đẹp và hiếm.

Dẫu vậy, đã là bất động sản du lịch thì sự biến động là điều không thể tránh khỏi như thiên tai, dịch hoạ. Điển hình như Covid-19 xuất hiện, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động du lịch, tới sự vận hành của các hãng hàng không và khiến cho các công ty du lịch... lay lắt. Bất động sản du lịch là một trong những thành phần của hệ sinh thái đó và chịu tác động từ dịch hoạ. Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát, mọi thứ sẽ quay trở về với quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ. Khó khăn vừa qua là giai đoạn để các nhà đầu tư trường vốn chớp lấy cơ hội để lựa chọn sản phẩm tốt.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý, đây là thời điểm để vào hàng và phải chọn lọc chủ đầu tư uy tín.

bất động sản du lịch
bất động sản du lịch

Bất động sản du lịch được kỳ vọng sẽ sớm khởi sắc.

VẮC-XIN SẼ GIẢI NÚT THẮT KHÓ KHĂN CHO BẤT ĐỘNG SẢN DU LỊCH

PV: Ông dự báo thế nào về sự phục hồi của thị trường bất động sản du lịch trong thời gian tới và đâu là bệ đỡ cho kênh đầu tư này?

Ông Nguyễn Quang Huy: 2021 sẽ là một năm khởi sắc của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng sẽ chưa thể đuổi kịp thời điểm “đỉnh” của kênh đâu tư này trong thời gian qua, nhưng diễn tiến chung là khả quan.

Nhìn từ thực tế, chương trình vắc-xin đã được triển khai cho người dân trong nước. Đặc biệt, Việt Nam đang tiến hành thử nghiệm tiêm vắc-xin do chính nước ta sản xuất. Khi Việt Nam chủ động được sản xuất vắc-xin thì chắc chắn bất động sản du lịch sẽ là kênh đầu tư rất hấp dẫn vì tiềm năng sẵn có.

bất động sản du lịch

Mặt khác, với các nước trên thế giới, hộ chiếu vắc-xin đang được kỳ vọng sẽ mang lại lượng du khách lớn cho ngành du lịch. Giai đoạn bình thường mới sẽ xuất hiện với hoạt động du lịch, xuất khẩu, giao thương trở về quỹ đạo. Các chuyên gia, khách du lịch quốc tế quay trở về Việt Nam.

Dù tôi cho rằng, có vắc-xin không có nghĩa hết dịch, nhưng dịch bệnh sẽ chỉ như đốm lửa cháy nhỏ mà không lan trên diện rộng. Du lịch vẫn phải trong tình trạng đảm bảo an toàn và chống dịch tốt.

Tổng quan chung, tôi vẫn nhận định đầy lạc quan về thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trong năm 2021.

bất động sản du lịch

PV: Theo ông, những chính sách nào cần được đưa ra để thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng?

Ông Nguyễn Quang Huy: Để bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phát triển bền vững, cơ quan quản lý cần hoàn thiện các văn bản pháp lý để tạo điều kiện cho khách hàng có tài sản sản thế chấp vay vốn, tạo ra giao dịch thanh khoản tốt hơn. Các khách hàng có thể sử dụng tài sản linh hoạt hơn.

Chính sách hỗ trợ thiết thực nhất với doanh nghiệp lúc này chính là công tác phòng chống dịch hiệu quả. Chương trình vắc-xin đẩy mạnh hơn nữa trong công tác tiêm chủng và sản xuất vắc-xin trong nước. Mặt khác, chiến lược phát triển du lịch cần có kế hoạch nâng tầm hơn nữa để có các giải pháp, hành lang tương xứng cho định hướng này.

bất động sản du lịch

PV: Về phía doanh nghiệp, chiến lược cần dịch chuyển thế nào để “bắt sóng” với khẩu vị của các nhà đầu tư, cũng như duy trì, triển khai các dự án?

Ông Nguyễn Quang Huy: Với hành lang pháp lý chưa rõ ràng, với chúng tôi, chia sẻ thông tin chính xác cho nhà đầu tư là điều quan trọng nhất. Thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn ra, chúng tôi xác định đây là cơ hội để khẳng định uy tín bằng việc các công trình vẫn được thi công đều đặn và đúng tiến độ. Thông tin này sẽ giúp khách hàng an tâm và tin tưởng. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ khách hàng về nguồn vốn đầu tư rất quan trọng khi sản phẩm chưa được sử dụng đòn bẩy tài chính.

Tôi cho rằng, mỗi doanh nghiệp cần có sự đổi thay về kỹ năng quản trị như việc cắt giảm chi phí không cần thiết, chuyển sang bán hàng online.

Đối với Apec, giai đoạn đi ngang là thời điểm vàng để chúng tôi săn tìm được rất nhiều quỹ đất đẹp, là nguồn lực dự trữ cho giai đoạn phát triển sau này.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

bất động sản du lịch
bất động sản du lịch
bất động sản du lịch
bất động sản du lịch

Bất động sản du lịch 2021 được kỳ vọng là một bức tranh với gam màu tươi sáng. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top