Sử quân tử là “tên chữ” và tôi cũng mới biết sau này, chứ thực ra hồi nhỏ, tôi vẫn theo mọi người gọi đơn giản đó là hoa giun, cây giun hay cây hoa giun. Gọi hoa giun là bởi quả của cây này có tác dụng tẩy giun, và ngày trước người ta trồng cây chủ yếu là để sử dụng dược tính này của nó để làm thuốc là chính.
Cây của người nghèo
Tôi vẫn nhớ ngày bé khi theo thầy tôi mở lò rèn ở Cổ Lễ (Trực Ninh, Nam Định), khi thầy và cậu tôi đánh rèn thì tôi thường tha thẩn vào nhà anh Lượng trong xóm chơi. Tôi cũng chẳng hiểu sao tôi lại gọi anh Lượng bằng “anh”, bởi khi tôi còn là chú bé con 4 – 5 tuổi thì anh đã là chàng thanh niên cao lớn, thường hay đánh bóng chuyền với thầy tôi ở sân đình giữa làng. Anh Lượng rất quý tôi, hay cho tôi lúc thì quả na, khi thì quả ổi… Cuối hè sang thu khi không còn hoa quả gì, tôi hay tha thẩn ra hàng rào nhà anh hái quả giun ăn.
Nói đến chuyện ăn quả giun thì… thôi rồi.
Hồi ở quê (Vụ Bản), tôi chưa hề biết đến quả giun. Thời ấy, có thuốc giun quả núi là nổi tiếng. Thực tình tôi cũng không nhớ và không biết tên thuốc là gì, nhưng sở dĩ gọi là “thuốc giun quả núi” bởi mỗi “viên” thuốc to bằng đầu ngón tay được nặn như những cái oản con có chóp nhọn, giống như trái núi nên người dân gọi luôn là “thuốc giun quả núi” cho dễ nhớ và dễ nhận dạng. Nhưng người dân quê không đủ tiền mua thuốc, nên thường tẩy giun bằng hoa hay đọt cau non.
Thực ra người dân quê hồi ấy không dám bẻ hoa cau, mà thường là khi có cái bẽn bèn đèo, tức là chùm hoa cau, dạng cụm bông mo, còn trong cái vỏ bọc như cái mo nang, bị lép không thể ra quả, người ta bẻ lấy, bóc lớp vỏ ra và ăn chùm hoa non thường không có nụ cái ấy để tẩy giun. Hoặc trong xóm mỗi khi có cây cau bị bão đánh gẫy, người ta lại lấy đọt non của cây ăn để tẩy giun. Sở dĩ hoa và đọt non cây cau tẩy được giun là vì khi vào ruột, giun ăn phải sẽ say mà bị tống ra ngoài. Ai từng ăn trầu với cau thì hẳn đã trải qua cảm giác say này.
Nhưng ăn trầu chỉ là miếng cau nhỏ, còn ăn cả một nhánh hoa cau lại là chuyện khác. Miếng cau có phần màu cau mọng nước ở phía nuốm quả, là nơi dự trữ chất dinh dưỡng, ăn vừa thơm vừa ngòn ngọt. Còn hoa cau hay đọt cau non có vị thơm ngầy ngậy tưởng có thể ăn đến no; nhưng một lát sau là ngấm cái say ngay. Mà hoa cau non ăn say một thì quả giun say gấp năm sáu lần. Ấy vậy nhưng lần đầu tiên biết đến quả giun, tôi ăn liền một lúc bốn năm quả tươi, thế là vừa nấc vừa say rỏ dờ rỏ dãi, mắt lờ đờ còn họng cứng lại, làm thầy và cậu tôi phải một phen hú vía…
Cái tên gọi cây giun, hoa giun là như thế, nhưng còn tên gọi “sử quân tử” thì sao?
Con của Sứ quân
Theo một số sách thì cái tên “sử quân tử” được cho là bắt nguồn từ câu chuyện về Lưu Thiện, con trai của Lưu Bị thời Tam quốc bên nước Tầu. Rằng hồi còn nhỏ, Lưu Thiện mắc một chứng bệnh lạ, da xanh, bụng phình to như cái trống và hay quấy khóc. Khi ấy, Lưu Bị chưa thành nghiệp lớn, còn là một sứ quân phiêu bạt khắp nơi. Một lần trên đường đi, Lưu Thiện thấy quả dại ven đường thì khóc và đòi hái ăn, về nhà bỗng bị nôn ói, ôm bụng kêu đau đớn. Trong khi chờ thầy lang đến, Lưu Thiện đi ngoài ra rất nhiều giun rồi dần dần bụng cũng không còn đau nữa. Từ đó, bụng Lưu Thiện xẹp dần và chứng bệnh lạ cũng biến mất.
Lưu Bị nhận ra có lẽ nhờ loại quả dại kia mà con trai ông khỏi bệnh, nên đã cho quân thu hái loại quả này đem chữa trị cho người dân mắc bệnh giống Lưu Thiện. Nhiều người khỏi bệnh mang lợn đến cảm ơn Lưu Bị, nhưng khi hỏi thì không ai biết tên quả là gì. Sau có người nói rằng, con trai Lưu sứ quân là người ăn quả này khỏi bệnh đầu tiên, vì vậy hãy đặt tên là “Sứ quân tử”, (vì “tử” là “con” nên “sứ quân tử” có nghĩa là “con trai sứ quân”), người Việt đọc chệch thành “Sử quân tử” chỉ là do cách phát âm “sứ” với “sử” mà thôi.
Còn trong sách về Đông y, người ta cho rằng, do Quách sứ quân đã sử dụng hạt cây này chữa nhiều bệnh cho trẻ em nên gọi là “Sứ quân tử”, có nghĩa là “hạt của ông sứ quân”, vì “tử” cũng có nghĩa là “hạt”.
Nói dông dài như thế là để hiểu thêm về nguồn gốc tên gọi, cũng như tác dụng chữa bệnh của hạt cây này. Ở Việt Nam, ngoài tên là cây giun, loài cây này còn được gọi là quả nấc (vì khi ăn quả thường bị nấc cụt), dây trang leo (vì hoa đơn rất giống với hoa trang nhưng là dây leo – hoa trang là cách gọi trong Nam, ngoài Bắc gọi là hoa mẫu đơn), người Tày gọi là mác giáo giun, có dân tộc thiểu số gọi là mạy lăng cường. Cây này cũng còn được gọi là vàng anh hay dây huỳnh anh, dây công chúa… Trong Đông y, vị thuốc sử quân tử còn được gọi theo tên Hán Việt là Bịnh cam tử, Đông quân tử, Lựu cầu tử, Ngũ lăng tử, Sách tử quả, Sử quân nhục.
Màu hoa… khác đời
Sử quân tử là cây thân leo, lá mọc đối, đơn, nguyên, nhưng khi già thân lại hóa thành gỗ, nên cây thường vừa leo vừa tựa vào các cây khác mà vươn lên cao. Cây mọc dại tự nhiên thường leo rất cao có thể đến 10 – 15m, còn đối với cây được trồng làm cảnh sẽ dựa vào hàng rào hoặc người ta làm giàn cho cây leo bám, thậm chí kết thành cổng chào hoặc thành vòm quanh cửa sổ trên tầng cao như lâu đài trong câu chuyện cổ tích rất đẹp.
Hoa mọc ở kẽ lá hoặc ngọn cành thành chùm dày khoe sắc rực rỡ và rất sai hoa. Hoa hình ống chia thành 5 thùy đều nhau. Khi nở, cánh hoa xòe rộng như ngôi sao, đủ nắng hoa sẽ nở rộ cả giàn như khoác lên chiếc áo rực rỡ rất đẹp mắt. Nụ hoa khi còn non có màu xanh, khi sắp nở lộ ra lá đài màu trắng hoặc vàng nhạt. Lúc mới nở hoa màu trắng sau chuyển dần thành hồng, khi hoa đủ nắng sẽ chuyển thành màu đỏ.
Trong khoa học, sử quân tử có tên là Quisqualis indica L, thuộc họ bàng – Combretaceae (có tài liệu nói thuộc họ trâm bầu). Cây này có nguồn gốc từ các nước châu Á và châu Phi, thuộc cây nhiệt đới. Ở Việt Nam, cây mọc hoang ở hầu hết các tỉnh miền Bắc và miền Trung, gần đây được trồng nhiều làm cây cảnh ở cả nông thôn và đô thị.
Đây là điều khác lạ của loài hoa này, vì thường thì các hoa khác khi mới nở có màu đậm, sau nhạt dần; nhưng hoa sử quân tử thì lúc mới nở có màu trắng ngà, những ngày sau hoa chuyển dần sang màu hồng, rồi sắc hồng cứ đậm dần lên thành màu đỏ rồi đỏ cờ, đỏ sậm, thậm chí có pha sắc tía. Cũng chuyển màu từ trắng sang đỏ còn có hoa phù dung; nhưng hoa phù dung chuyển màu ngay trong ngày, sớm nở tối tàn, còn hoa sử quân tử chuyển màu dần dần trong nhiều ngày và khoảng 1 tuần thì mới bắt đầu tàn, nên được trồng làm cây cảnh trang trí khá nhiều.
Sử quân tử thường bắt đầu ra hoa từ tháng 3, khoảng tháng 5 đến tháng 7 là nở rộ. Cả giàn hoa khi ấy phủ kín sắc hồng sắc đỏ. Khi hoa nở tỏa mùi hương thoang thoảng dịu nhẹ thanh tao, tôi cứ có cảm giác như là sự pha trộn của hương hoa cau và hương hoa ngâu, vừa nhẹ nhàng, thanh tao vừa thân thuộc. Sau khi hoa tàn để lại trên giàn lác đác những quả màu xanh lẫn vào vòm lá. Quả sử quân tử dạng khô, hình trái xoan, đầu trên nhọn, đầu dưới hơi tròn, khi chín màu nâu sẫm. Mặt cắt ngang hình sao 5 cánh, giữa có khoang tròn đựng 1 hạt, vỏ màu nâu sẫm, mỏng, nhăn nheo, dễ bóc, mùi thơm, vị bùi.
Thực ra sử quân tử có hai loại là loại hoa đơn và loại hoa kép. Sử quân tử đơn xuất xứ tại Việt Nam, được trồng từ lâu, còn sử quân tử kép xuất xứ từ Thái Lan. Thường thì ngày trước ở Việt Nam chỉ trồng loại hoa đơn, còn loại hoa kép là mới được trồng gần đây. Nếu so ra thì sử quân tử đơn nhìn mảnh mai và có nét đẹp giản dị, nhẹ nhàng; còn sử quân tử kép lại duyên dáng, dịu dàng và quyến rũ, nhưng cả hai loại đều có hoa mọc thành từng chùm và mỗi loại hoa đều có vẻ đẹp rất riêng.
Hoa đơn
Sở dĩ tôi muốn nói đến loại hoa đơn trước vì đây là loài có mặt ở Việt Nam từ sớm và quen thuộc với người Việt hơn, chứ không phải là sự phân thứ bậc với loại hoa kép.
Hoa sử quân tử đơn chỉ có một lớp, cánh hoa xòe rộng. Kích thước cánh hoa lớn hơn sử quân tử kép. Hoa thường có 5 cánh, màu trắng hoặc hồng nhạt, khi chín nắng thì trở màu đỏ thắm. Hoa không nở rộ dày đặc mà buông từng bông, từng chùm hoa trên đầu cành hoặc nách lá, không thơm bằng loài hoa kép; cuống hoa vươn dài, nhụy ở trung tâm và hoa thường ít rụng. Lá hoa to rộng, dài từ 10 – 15cm, rộng khoảng 5 – 7cm, màu xanh đậm. Thân cây dạng bụi lớn hoặc bò trườn có nhánh nhỏ, mềm, yếu, không vươn xa như loài cánh kép.
Thực ra, nếu muốn thấy rõ sự tinh tế thì phải ngắm hoa đơn, từng bông hoa, từng cánh hoa tách bạch rõ ràng với cuống hoa dài cong vút dẫn đến năm cánh hoa be bé xinh xinh như cánh hoa mai, bầu bĩnh phớt hồng hay đỏ thắm rung rinh trong nắng mới. Nếu chịu khó dậy sớm, ta còn có thể thấy nụ hoa khi hé nở năm cánh cong cong úp hờ vào nhau giống như bông lan tiêu, hay nhác như chiếc nụ hoa thủy tiên hàm tiếu.
Khi hoa đến độ chín, tức là lúc nó phô sắc thắm nhất, bông hoa như ngôi sao năm cánh tươi tắn rực rỡ như cháy hết mình trong nắng hè. Chùm hoa thường mọc thưa, cuống hoa vươn dài như tia nắng dẫn đến bông hoa nơi chót cùng làm tôi liên tưởng đến những tia lửa trong màn pháo hoa vút cong lên rồi buông xuống dịu dàng để cuối cùng bung nở bông hoa muôn hồng nghìn tía tỏa ánh lân tinh rực rỡ. Để rồi, vào lúc mùa hoa nở rộ, cả giàn cây túa lên muôn ánh lửa lấp lánh chẳng khác gì đêm mưa sao.
Cũng chính vì hoa có cuống dài nên mỗi khi có cơn gió thổi, nhưng chùm hoa, những cánh hoa lại chấp chới như những cánh chuồn chuồn kim đỏ chót hay những vì sao nhấp nháy bên Ngân Hà những đêm hè mà hồi bé chúng tôi thường trải chiếu ngoài sân nằm ngửa cổ lên nhìn trời đếm một ông sao sáng, hai ông sáng sao…
Hoa kép
Loài hoa kép có nụ màu trắng vòi ngắn, ở đầu bao dạng tròn gần giống với nụ nhài. Còn loài hoa đơn cuống hoa rất dài, nụ ở đầu thường có màu đỏ hoặc vàng, có đế hơi bầu rồi vuốt nhọn giống như ngọn bút lông hay gần giống nụ ngọc bút. Khi mới nở, loài hoa kép xòe 10 cánh trắng xếp thành hai lớp, cánh gần giống hình trứng, dài hơn loài hoa cánh đơn và xòe rộng. Sau đó cánh chuyển dần sang màu phấn hồng, màu đỏ và đỏ tím, đồng thời cuộn xoăn lại theo chiều dọc cánh. Còn loài hoa đơn có 5 cánh tách bạch rõ ràng, dáng hình trứng bầu hơn loài cánh kép và cánh không xoăn lại mà luôn xòe ra cho đến khi tàn.
Sử quân tử kép thơm hơn và hoa thường sẽ tàn trong vòng 1 tuần sau đó rụng dần. Hoa sẽ nở liên tục, không theo mùa nhất định. Một điểm khác với hoa sử quân tử đơn nữa là lá hoa kép thuôn dài hơn lá hoa đơn, nhọn về 2 đầu; mặt trên sáng bóng có gân giữa nổi rõ, cuống dài 5 – 12cm.
Loại cánh kép hoa mọc quấn quýt nên phải ngắm cả chùm, cả cụm, cả vòm cây hoặc cả giàn cây mịn màng mềm xốp mới thực đẹp. Hoa kép rất sai, thường nở chi chít phủ kín dãy tường, phủ kín ban công hay thậm chỉ phủ kín cả tòa nhà ba bốn tầng, với những ô cửa như thấp thoáng bóng bà hoàng hậu ngồi khâu và ước ao sinh được cô công chúa da trắng như tuyết trong truyện Bạch Tuyết và bẩy chú lùn.
Nhìn chung, loài hoa kép màu sắc không rực rỡ như hoa đơn mà từ lúc mới nở đến khi tàn thường dịu nhẹ, nhất là khi phủ màu hồng phấn cho ta cảm giác đến thơ ngây. Khi mới nở, loài hoa đơn thường có màu trắng phớt hồng, còn loài hoa kép lại trắng ngà gần giống với hoa nhài. Còn khi được nắng, hoa đơn chuyển sang màu đỏ cho đến khi đỏ tía là lúc chín nhất thì hoa kép chuyển màu phớt hồng, rồi hồng nhạt, hồng phấn và màu đậm dần lên từng chút một chứ không như màu đỏ thắm hay đỏ tía của loài hoa đơn. Vì vậy, loại hoa đơn thường tạo cảm giác trong trẻo, thanh tao còn loài hoa kép tạo cảm giác mềm mại, nền nã và trang nhã. Nếu loài hoa đơn như muốn phô hết vẻ đẹp của từng bông hoa, từng cánh hoa thì loài hoa kép lại vấn vít như giấu mình đi để rồi đột ngột bừng lên vẻ đẹp của cả chùm hoa, cụm hoa và cả giàn hoa mềm mại, mượt mà cứ như gấm như vóc…
***
Bây giờ, cái loài hoa giản dị mà thanh tao, dịu dàng mà trong trẻo ấy không còn là phương thuốc của người nghèo mà đã trở thành thứ cây cảnh trang nhã mà gần gũi ngày càng lan tỏa ngay trên đất Kinh kỳ. Người ta trồng hoa nơi bờ rào, người ta trồng hoa nơi hè phố cho leo lên những cây cổ thụ hoặc làm giàn trước quán cafe… Người ta kết hoa thành chiếc cổng vòm ngôi biệt thự, người ta đưa hoa lên ban công, phủ cả tấm thảm hoa lên ngôi nhà trông như tòa lâu đài trong câu chuyện cổ tích. Và không hiểu sao, cứ mỗi lần ngắm những chùm hoa bé nhỏ xinh xắn ấy, tôi lại như nghe du dương đâu đây bài hát Gửi người em gái miền Nam của Đoàn Chuẩn và Từ Linh… Ở đây cũng phải mở ngoặc nói thêm rằng, ca từ của nhạc phẩm này đến nay có khá nhiều dị bản, nhưng phải là bản gốc chép tay ban đầu của chính Đoàn Chuẩn và phải qua giọng ca của tài tử Ngọc Bảo mới đủ sức truyền đi cái âm hưởng sâu lắng và cái hồn mà Đoàn Chuẩn đã hóa thân vào…
Mặc dù ca từ không hề có bóng dáng của hoa sử quân tử, lại càng không phải là nhạc phẩm viết về loài hoa này, thậm chí mùa sử quân tử nở hoa cũng không phải là mùa xuân, nhưng ý thơ và nhất là cái chất nhạc du dương với tiết tấu dìu dặt, tha thiết đến diết da cứ như vương vấn quấn quýt trong hương hoa thanh tao khiến tôi cứ nghĩ nhạc phẩm như viết riêng cho loài hoa ấy, như đâu đây đang rung rinh những cánh hoa bé xinh xinh hé môi cười, thướt tha theo gót son chầm chậm vấn vít không gian bảng lảng rất đỗi Hà thành…
Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng
Rừng đào phong kín cánh mong manh như hoa lòng
…Nàng đi... gót hài xanh
Người đi trong dạ sao đành
Đường quên lối cũ ân tình... nghĩa xưa.
…Em tôi đi, màu son lên đôi môi
Khăn san bay, lả lơi bên vai ai
Trời thắm gió trăng hiền
Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên.
…Em... nhẹ bước mà đi, giữa khung trời bát ngát
…Đường xưa lối ngập lá vàng
Đường nay thong thả bao nàng đón xuân…/.