Đã bao lần đi chụp hoa hoàng yến nhưng trong tôi vẫn luôn giữ cảm giác mới mẻ, tươi rói về sắc hoa có thể nói là có một không hai này. Nó không phải là màu vàng thắm của hoa cúc hay vàng tươi của lan hồ điệp vàng, cũng không phải là màu vàng sậm của sắc thu hay rực vàng của nắng hè… Thậm chí, tôi đã liên tưởng đến nong kén tằm vàng óng hay tấm lụa thời trước u tôi dệt còn nguyên màu kén, nhưng vẫn chưa thể diễn tả hết sắc vàng của hoàng yến.
Màu vàng của hoàng yến vừa tươi tắn, rực rỡ, lại có sự trong trẻo và non tơ như nét xuân thì… Nếu có gì đó gần giống với hoàng yến thì chỉ có thể là sắc trái thị đang độ chín hay sắc vàng của chim hoàng yến, và có phải thế chăng mà người ta gọi tên cây là muồng hoàng yến. Tuy nhiên, về độ trong trẻo thì sắc hoa vẫn ở một cung bậc khác. Và có lẽ, chỉ nên gọi là… màu hoàng yến mới đủ cảm nhận hết vẻ đẹp của hoa.
Ờ… Mà người Việt mình chẳng đã không ít trường hợp lấy luôn tên của cỏ cây hoa lá, hay cả đồ vật… để gọi màu sắc đấy thôi.
Này nhé: Cũng là màu xanh lá nhưng nhạt chút thì là xanh lá mạ, còn nếu tươi non thì gọi xanh nõn chuối. Hay cái màu đỏ nhưng hơi tối lại pha tím và như có cả sắc nâu thì người ta lấy cái màu rượu vang xứ Bordeaux của nước Pháp để đặt tên và gọi luôn là “màu booc đô”. Còn nếu nhạt hơn chút thì người ta gọi là màu đỏ dull hay dunhill, tức là giống với cái màu đỏ trên vỏ bao thuốc lá Dunhill từng thịnh hành một thời ở nước ta những năm 80 của thế kỷ trước. Còn nếu đậm đến mức chuyển sang tím thì gọi là màu mận chín. Rồi xanh da trời, xanh nước biển, xanh chàm, xanh trứng sáo, màu hoa đào, hồng cánh sen; ngay cả những gam màu tối cũng có những tên gọi “rất đời” như màu muối tiêu, màu tàn thuốc lá, màu lông chuột, màu mắm tôm, thậm chí là màu… cháo lòng hay màu… cứt ngựa…
Nhưng kỳ diệu nhất có lẽ phải nói đến màu xanh cổ vịt. Cái sắc xanh biêng biếc vừa có nét trầm sâu thăm thẳm ấy nhưng lại trong như thạch và lấp lánh như chu sa hay ánh xà cừ, gợi sự nhóng nhánh của làn nước xao động, không có từ nào diễn tả hết thần thái của nó, thì người ta lấy cái sắc riêng có trên cổ con vịt để đặt tên, vừa dân dã, vừa không thể có gì thật hơn: Xanh cổ vịt… Nói vòng vo tam quốc một hồi như thế chỉ nhằm thổ lộ một điều, hoa hoàng yến có sắc vàng rất đặc trưng, vừa rực rỡ, vừa tươi mới, mà lại trong trẻo đến thơ ngây, và chỉ có thể gọi là màu Hoàng yến mới có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp của nó…
Muồng Hoàng yến có tên khoa học là Cassia fistula L, thuộc phân họ Vang của họ Đậu (Fabaceae). Muồng Hoàng yến còn có rất nhiều tên gọi khác, có lẽ chủ yếu là do căn cứ vào màu và hình dáng hoa như: Muồng hoàng hậu (bởi sắc vàng cao sang, quý phái), Hoa lồng đèn (bởi chùm hoa như dây đèn lồng), Bò cạp nước, Bò cạp vàng (bởi những bông hoa trên chùm hoa như những đốt của con bò cạp và nhỏ dần về cuối như đuôi bò cạp), Mai dây (có sắc vàng hoa mai nhưng lại kết thành dây hoa); hay căn cứ vào thời điểm nở hoa là đã hết xuân sang hè để gọi là cây Xuân muộn, Mai nở muộn…
Thậm chí, trên thị trường cây cảnh còn có tên là Osaka hay Osaka hoa vàng không hiểu là xuất phát từ đâu, nhưng nghe cứ như tên một đô thị quốc gia trong vùng Kinki, trên đảo Honshu, ngay cửa sông Yodo trên vịnh Osaka của Nhật Bản. Đó là trung tâm hành chính của phủ Osaka, phần lớn nhất của vùng đô thị Keihanshin và là thành phố lớn thứ hai ở Nhật Bản với dân số 19 triệu người.
Muồng Hoàng yến mang ý nghĩa thể hiện tình yêu thương, sự đoàn kết và đặc biệt thể hiện tinh thần Phật giáo, nên được coi là quốc hoa của Thái Lan, gọi là dok khuen; màu vàng của hoa được cho là tượng trưng cho Hoàng gia Thái. Năm 2006, Lễ hội hoa Royal Flora Ratchaphruek của Thái Lan chính là được đặt theo tên của loài cây này, bởi ratchaphruek là tên gọi khác của dok khuen.
Muồng Hoàng yến, cũng được gọi là kanikkonna là hoa tượng trưng cho bang Kerala của Ấn Độ. Hoa muồng Hoàng yến có tầm quan trọng, mang tính lễ nghi trong lễ hội Vishu. Nó còn được gọi là “amaltas” trong tiếng Hindi và Urdu. Tại Ấn Độ, con tem 20 rupi có hình hoa muồng Hoàng yến…
Nói thế để thấy, muồng Hoàng yến là loài cây khá phổ biến ở miền nhiệt đới trên thế giới. Hoa của nó có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh của một số quốc gia.
Theo các tài liệu, loài cây này có nguồn gốc từ miền Nam châu Á, từ miền Nam Pakistan kéo dài về phía Đông qua Ấn Độ tới Đông Nam Á và về phía Nam tới Sri Lanka. Ở Việt Nam, muồng Hoàng yến mọc hoang dại trong rừng thưa ở các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông; nó cũng được trồng nhiều ở đô thị như Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng, Sài Gòn... Những năm gần đây, nó cũng được trồng nhiều ở Hà Nội, rải rác trong các con phố, tập trung tại các khu đô thị mới và nhất là ở xung quanh Hồ Tây.
Trong phong thủy, muồng Hoàng yến là biểu tượng của may mắn, tài lộc; bởi màu vàng của nó được cho là gắn với màu của các kim loại có giá trị như vàng, đồng và cũng là màu của những mùa lúa bội thu. Màu vàng cũng tượng trưng cho hành Thổ trong Ngũ hành theo triết lý phương Đông, mang số 5 và nằm ở Trung tâm trong Cửu cung, nên gọi là Ngũ hoàng Thổ. Bởi thế, cây muồng Hoàng yến được cho là mang lại bình an và sự sung túc, đồng thời cũng là hy vọng về một tương lai tươi sáng. Văn hóa phương Đông coi màu vàng là biểu tượng của cao sang quyền quý. Vì thế, các triều đại phong kiến lấy màu vàng là màu của Hoàng gia, màu tượng trưng cho vương quyền và sự thịnh vượng, bền vững.
Theo các tài liệu khoa học, muồng Hoàng yến là loài cây trung tính, thiên về ưa sáng, mọc nhanh, chịu hạn tốt. Cây con ưa bóng nhẹ. Là loại cây gỗ nhỡ, cao tới 10 - 20m, lớn nhanh. Đường kính thân cây khoảng 40cm. Vỏ thân màu xám trắng, vỏ thịt màu hồng dày 6 - 8mm thường được dùng làm thuốc nhuộm màu đỏ. Cành nhẵn, lá kép lông chim một lần chẵn, mọc cách, lá chét mọc đối… Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý là cây có độc tính, mà độc tố có ở hầu hết các bộ phận của cây như lá, hoa, quả… và đặc biệt là hạt. Vì vậy, khi trồng làm cây cảnh quan, cần nhắc nhở mọi người cẩn thận, tuyệt đối không được dùng các bộ phận của cây để ăn…
Cây thường nở hoa vào lúc cuối xuân sang hè, nên còn được coi là loài hoa giao mùa; nở rộ vào khoảng tháng 5, tháng 6 và kéo dài tới tháng 7. Cụm hoa lớn, nhiều hoa nhưng thưa, dạng cành hoa rủ xuống, buông dài như dải đèn lồng vàng trông rất đẹp.
Mùa hoa Hoàng yến gần như trùng với mùa hoa Phượng và hoa Bằng lăng, nhưng nhiều khi thường sớm hơn một nhịp, nên có thể coi Hoàng yến mới là loài hoa báo hiệu mùa Hè. Trong màu Phượng hồng rực rỡ, có phần chói chang, màu bằng lăng tím trầm sâu lắng thì màu Hoàng yến vàng tươi, trong trẻo như làm cho sắc hè trở nên tươi sáng và dịu dàng hơn.
Mùa Hoàng yến nở hoa cũng là lúc nắng hè nồng nhiệt. Màu hoa như quyện với sắc nắng càng rực rỡ, nhưng lại trong trẻo đến lạ lùng, như làm dịu bớt cái chói chang của nắng hè. Những chùm hoa dài mềm mại buông rủ đong đưa trước gió làm tôi cứ liên tưởng đến tà áo dài thướt tha của thiếu nữ Hà thành. Còn những chùm hoa thấp thoáng trong tán lá, lọc ánh nắng hè trong trẻo cứ như thực như mơ, lại như đang thủ thỉ những điều thầm kín của thiếu nữ mới độ cập kê…
Theo mô tả sinh học thì chùm hoa Hoàng yến dài khoảng 20 - 40cm; cuống chung nhẵn, dài 15 - 35cm hoặc có thể hơn. Cánh hình bầu dục mặt ngoài phủ lông mượt. Mỗi hoa đường kính 4 - 7cm với 5 cánh hoa màu vàng tươi có hình bầu dục rộng, gần bằng nhau có móng ngắn; nhị 10, bao phấn phủ lông tơ ngắn. Bầu và vòi nhụy phủ lông tơ mượt, chỉ mấy ngày sau khi nở là chùm nhị rụng hết để lại bầu nhụy dài cong như chiếc móc câu; và khi cánh hoa cũng rụng hết thì chiếc móc câu ấy dần duỗi thẳng hé lộ hình hài của một quả non màu xanh ngọc. Quả già dạng quả đậu hình trụ, hơi có đốt, dài 20 - 60cm hoặc hơn, đường kính quả 15 - 25mm, mang nhiều hạt trái xoan rộng, khi khô có vỏ cứng, màu nâu và nhìn tựa như điếu… xì gà.
Hoa Hoàng yến ngắm kiểu gì cũng đẹp. Từng bông hoa, từng cánh hoa vàng mơ mỏng mảnh, dịu dàng như giọt nắng trên thảm cỏ xanh. Cả hàng cây phủ màu vàng trong trẻo như dải lụa vàng hong dọc triền đê khiến tôi liên tưởng đến câu thơ của Nguyễn Bính: Xuân đến, hoa mơ, hoa mận nở/ Gái xuân giũ lụa trên sông Vân (Gái xuân)…
Nhưng tôi thì thích ngắm những chùm hoa, những cụm hoa bởi cứ nghĩ, chỉ khi ấy mới có thể cảm nhận hết vẻ đẹp của hoa Hoàng yến. Ở đó, ta vừa có thể tách bạch được từng cánh hoa, từng bông hoa, lại vừa có thể thấy được cả vòm hoa như nâng đỡ nhau lên, tôn nhau lên và chấp chới như đàn bướm vàng bay lượn trong nắng hè vàng óng. Đặc biệt, trong cái nền vàng của sắc hoa, thấp thoáng những chiếc nụ vàng đã căng tròn như chỉ chờ một cánh bướm chạm vào là bung nở. Và nhất là bỗng thấy lóng lánh những chấm nụ xanh lớn nhỏ nơi đầu chùm cứ ngời lên như những viên ngọc bích.
Và trên hết, vẫn là cái màu Hoàng yến không thể lẫn với sắc vàng nào, cứ ngời lên trong nắng.
Cái màu vàng in lên nền trời xanh thẳm.
Cái màu vàng phập phồng trong nắng, chỉ chờ làn gió nhẹ là bồng bềnh trôi như những chùm đèn trời…
Để cứ mỗi độ cuối xuân, tôi lại thắc thỏm mong chờ như một nỗi hẹn hò…/.