Aa

Có một nơi níu giữ hồn quê

Thứ Tư, 03/06/2020 - 15:00

Xét cho cùng, ở đất nước hầu hết là nông dân như nước ta, mọi chiến thắng vẻ vang, mọi hy sinh bi tráng đều xuất phát từ nông dân, từ làng quê mái nghèo rơm rạ. Chính cái thôn quê trong trẻo ấy đã níu giữ tâm hồn ta để đi đâu làm gì cũng muốn về quê cha đất mẹ.

Trong cuộc sống, nhiều khi bắt gặp những cảnh đẹp rực rỡ, những công trình kiến trúc hoành tráng. Những cảnh đẹp đó dội thẳng vào trái tim khối óc, khiến ngay lập tức ta thán phục ngạc nhiên. 

Lại cũng có những nơi khi ta đến, cứ bình yên trong trẻo, cứ bình dị thân thuộc ngỡ như vẫn thấy hàng ngày mà lại khó quên. Bảo tàng Đồng Quê ở xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy tỉnh Nam Định là một nơi như thế.

Con ngõ nhỏ dẫn vào bảo tàng Đồng Quê

Nằm giữa một làng quê nông thôn yên bình, bảo tàng Đồng Quê hoà lẫn vào với làng với xóm, bình thường và giản dị. Một khuôn viện rộng rãi tái hiện một cách đầy đủ khung cảnh đồng quê Bắc Bộ từ nhà cửa ruộng vườn đến nền nếp sinh hoạt và công cụ lao động. Không gian xanh mướt mát của cỏ cây hoa lá, của vườn rau ao cá, của mái nghèo rơm rạ, của những ngõ nhỏ thân thương khiến cho ta được trở về tuổi thơ hồn nhiên trong trẻo.

Đến bảo tàng Đồng Quê, ta gặp lại những ký ức nghèo khó từng được nghe kể nhiều lần của ông bà cha mẹ. Ta gặp lại ký ức của chính ta từ những hiện vật một thời gắn bó thân thuộc. Ta như bước vào những trang văn của Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan để gặp những chị Dậu, anh Pha, Nghị Quế... Những ngôi nhà bần nông tường đất mái rạ tả tơi, ngôi nhà địa chủ sân rộng, hiên cao, phản lớn giữa nhà giúp ta hình dung cuộc sống nông thôn của gần một thế kỷ trước và khiến ta có những so sánh thú vị với cuộc sống hiện đại của ngày hôm nay.

Nhà bần nông, nhà trung nông và nhà địa chủ

Ai đã tới Việt Phủ Thành Chương sẽ thấy một không gian sang trọng với nghệ thuật sắp đặt cầu kỳ tái hiện không gian nông thôn với những ngôi nhà nông dân và địa chủ. Cũng phục dựng những ngôi nhà ấy, nhưng ở không gian làng quê Giao Thủy, ta lại thấy gần gũi thân thuộc của hồn quê chân chất. 

Chúng tôi biết rằng, để có những ngôi nhà này, chủ nhân của bảo tàng đã mất bao tâm huyết, công sức kiếm tìm và mời những người thợ mộc lớn tuổi, có kinh nghiệm, am hiểu cách dựng nhà theo lối truyền thống xưa, để hôm nay ta gặp lại hồn quê giữa khung cảnh yên bình.

Công cụ lao động và vũ khí thời văn hóa Đông Sơn
Mô hình nhà giàn DK1

Trung tâm của bảo tàng là ngôi nhà tầng rộng rãi, hài hòa với khung cảnh xung quanh. Bước vào tầng một là một sự ngạc nhiên nho nhỏ. Những hiện vật được trưng bày như chẳng liên quan gì đến chữ “Đồng Quê” mà có vẻ như một bảo tàng quân sự. Đó là chiếc mũ bộ đội, là mô hình nhà giàn DK1 bảo vệ biển đảo, là những vỏ ốc, vỏ sò mang về từ Trường Sa, là mô hình đường Trường Sơn... 

Khi hiểu ra, ta càng trân trọng hơn bởi đó là kỷ vật của chủ nhân bảo tàng từng gắn bó hơn 40 năm trong nghề quân ngũ. Mà xét cho cùng, ở đất nước hầu hết là nông dân như nước ta, mọi chiến thắng vẻ vang, mọi hy sinh bi tráng đều xuất phát từ nông dân, từ làng quê mái nghèo rơm rạ. Chính cái thôn quê trong trẻo ấy đã níu giữ tâm hồn ta để đi đâu làm gì cũng muốn về quê cha đất mẹ.

Guồng đạp nước
Nông cụ tre nứa dùng đánh bắt cá
Nào cùng thử cất vó ở ao

Tầng hai và tầng ba của bảo tàng là cả một bầu trời ký ức với hàng ngàn hiện vật gắn bó với thôn quê. Tôi tin rằng bất cứ ai, không nhất thiết có xuất thân ở nông thôn khi đến nơi này đều tìm thấy những hồi ức tuổi thơ của mình. 

Không chỉ là nơi tìm về tuổi thơ, những hiện vật của bảo tàng còn giúp người xem có cái nhìn khái quát ngắn gọn về lịch sử nền văn minh lúa nước từ thủa hồng hoang khi cha ông ta sử dụng công cụ bằng đá đến công cụ bằng kim loại, từ những hiện vật đồ gốm sứ đến các công cụ đơn sơ từ tre nứa. Những nông cụ lao động thô sơ như tái hiện hình ảnh ông bà cha mẹ ta một nắng hai sương đổ mồ hôi nước mắt trên cánh đồng làm ra hạt gạo “dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”.

Chiếc bình vôi gắn bó với bà với mẹ ta xưa

Đây những chiếc bình vôi gợi nhớ hỉnh ảnh bà ta, mẹ ta môi cắn chỉ ăn trầu quết đỏ tươi; đây những chiếc đèn dầu, còn gọi đèn Hoa Kỳ nhắc lại một thủa nông thôn leo lét, nhắc lại những ngày sơ tán tránh bom đạn. 

Mâm đồng - biểu tượng của sự no đủ một thời

Hàng trăm chiếc mâm đồng, nồi đồng, thau đồng được sưu tập, những hiện vật một thời từng làm thước đo chứng tỏ sự no đủ của các gia đình ở thôn quê. Lại có những chiếc mâm đồng được trang trí hoa văn tinh xảo cầu kỳ dùng cho vua chúa đủ để thấy công sức vất vả của người sưu tầm gây dựng nên bảo tàng.

Đồ dùng bằng đồng

Sưu tập đồ gốm sứ
Vỏ ốc vỏ sò từ Trường Sa

Người ta nói có nhiều cách để cho cuộc sống của ta được nối dài hơn, có ý nghĩa hơn. Bảo tàng đồng quê đã nối dài thêm ký ức cuộc sống cho ta, cho ông bà cha mẹ ta từ những hiện vật được trưng bày. 

Bảo tàng là nơi níu giữ hồn quê trong bối cảnh cuộc sống hiện đại ngày càng hối hả. Có một điều đáng khâm phục là hàng ngàn hiện vật quý giá được sưu tầm từ khắp nơi trong cả nước được trưng bày ở bảo tàng Đồng Quê là công sức, là tâm huyết và trái tim của một nhà giáo đã về hưu: Bà Ngô Thị Khiếu. Cùng với chồng mình là thiếu tướng Hoàng Kiền, hai ông bà đã nỗ lực xây dựng và sưu tầm những mong muốn giữ lại những tinh hoa trong cuộc sống vùng nông thôn Bắc Bộ. Một bảo tàng tư nhân lưu giữ những hiện vật đơn sơ giản dị nhưng là thông điệp sâu sắc về văn hóa dân tộc.

Đối tượng đến bảo tàng là người đã trải qua tuổi ấu thơ gian khó, là người nước ngoài muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam, là các em học sinh muốn có những trải nghiệm, giúp các em hiểu thêm về cuộc sống ông bà mình từ đó biết trân trọng những gì tốt đẹp mà các em được hưởng từ cuộc sống hiện đại hôm nay. Bảo tàng Đồng Quê là nơi góp phần bồi đắp tình yêu quê hương

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top