Aa

Bể nước mưa

Thứ Bảy, 30/05/2020 - 07:00

Nhớ về cái bể nước mưa xưa, lại lẩn thẩn nghĩ: Sao bà con vùng miền Trung, Tây Nguyên không xây bể trữ nước mưa nhỉ? Hay bây giờ, ở những nơi đó mưa cũng không còn sạch nữa?

Nghe tivi, đài báo nói, miền Trung, Tây Nguyên đang vào cực đỉnh mùa nắng hạn, thiếu nước, lại thêm miền Bắc cũng đang cao điểm những ngày nắng nóng, đôi khi trong lúc làm lẫn lúc nghỉ ngơi, tôi thường hay nhớ về cái bể nước mưa ngày còn tuổi bé…

Ở quê tôi, cho đến tận bây giờ, nhiều nhà vẫn còn giữ được cái bể nước mưa đặt cạnh hiên nhà phía đầu hồi. Có gia đình công phu hơn, đặt bể nước liền với hàng cau phía trước sân nhà. Việc đặt đâu là do để tiện bắc ống máng. Đặt trước sân thì tốn nhiều máng. Đặt đầu hồi là tiện nhất, từ máng hứng nước mưa trên mái dẫn xuống bể nước chỉ cần một đoạn.

Trước kia, hầu hết các gia đình đều có một cái giếng nước. Có nhà giếng tốt nước, nghĩa là nước trong, ngọt, đầy quanh năm. Có nhà giếng kém nước, nếu cạn là do không trúng mạch, nếu đục là do thành giếng bị lở đất, hoặc đáy giếng nhiều bùn lưu cữu lâu ngày không dọn. Tuy nhiên, cho dù có giếng tốt thế nào thì các nhà cũng vẫn muốn xây cái bể trữ nước mưa. Bởi nước mưa được coi là sạch, trong, mát, lại dường như có vị ngọt của đất trời.

Mỗi khi trời chuẩn bị mưa, bố tôi đi kiểm tra lại máng hứng nước. Xa xưa, máng được làm bằng thân những cây tre vầu lớn; sau này thường được làm bằng các tấm sắt tây, tấm tôn…Việc đầu tiên, bố tôi nhấc đầu máng dẫn nước mưa từ mái hiên ra khỏi miệng bể. Ông giải thích: Để cho nước mưa lượt đầu trôi đi, bởi đó là thứ nước bụi bặm, rửa bụi mái nhà. Cơn mưa được một lúc, bố tôi lại lật đật chạy ra đặt lòng máng vào miệng bể. Áng chừng đến cữ đầy, ông lại chạy ra nhấc đầu máng khỏi miệng bể. Ông bảo sợ nước tràn, mấy con cá cờ trong bể trôi đi mất… Đó là những con cá chuyên để bắt bọ gậy, ăn rêu, làm sạch bể (ngày ấy chưa thấy có loài “cá dọn bể” như bây giờ).

Nếu là ngày nắng, trên mặt bể, u tôi thường đem những nong đỗ nong lạc ra phơi. Hoặc có khi là mấy thức lá cây được băm nhỏ ra, phơi khô để nấu nước uống quanh năm. Từ trong nhà nhìn ra qua ô cửa sổ, thỉnh thoảng mấy chú chim sẻ, chim sâu liệng vào nong đỗ kiếm mồi kêu lích rích, hễ thấy động, nhất loạt vụt cánh bay như những mũi tên.

Nước bể được coi là nước sạch. Mỗi khi u tôi đi làm đồng về, sờ vào siêu nước đen nhẻm đặt ở đầu thềm thấy hết sạch nước, người lại ra bể, lấy chiếc gáo dừa có tay cầm vục vào lòng bể đưa lên miệng uống ừng ực ra chiều sảng khoái. 

Có lần, mấy anh em tí hin bọn tôi lấy cả nước bể pha đường, vắt chanh vào làm nước chanh đường, uống no bụng. Ấy thế mà chả thấy đau bụng đau bão bao giờ. Nước bể đúng là nước sạch. Mọi người trong nhà dùng nước bể theo cách tiết kiệm. Ưu tiên số một cho nấu cơm canh, đun nước pha trà; số hai là cho uống vã trực tiếp mỗi khi ai đi đâu về trời nắng gặp cơn khát. Những việc như tắm táp, giặt giũ, rửa ráy nhất thiết không được dùng nước bể mà phải dùng nước giếng.

Mỗi lần mấy anh em tôi đi ra ngoài đồng bắt cua bắt cá, bố tôi dặn để ý bắt mấy chú cá cờ về thả vào bể. Cá cờ là loài cá nhỏ, nhiều màu sắc, có vây, có ngạnh sắc, rất khỏe, ăn tạp, thả bể để bắt bọ gậy, loăng quăng. Miệng bể là một ô vuông đủ để người chui vào dọn bể khi cần thiết. 

Lũ trẻ chúng tôi, cả con trai con gái thi thoảng thường túm năm tụm ba chụm đầu vào miệng bể để vừa soi gương vừa ngắm mấy con cá cờ đẹp đẽ thi thoảng lượn lờ hóng sáng. Có hôm, một mình nhìn vào lòng bể, thấy cả những đám mây trắng lướt bay trên nền trời xanh biếc, cả bóng mấy tàu cau lá nhọn đu đưa… Đến một hôm nào đấy, ở cái tuổi dậy thì, lũ trẻ bỗng bắt gặp ánh mắt liếc nhau trong bóng nước, thế là mặt lựng đỏ. Những xao động đầu đời có khi từ miệng bể nước không hay…

Bên cạnh nhà tôi có một ông lão nghiện chè. Pha chè cứ nhất thiết phải nước mưa múc ra từ bể. Ông không nấu nước giếng. Ông bảo nếu là nước giếng thì lại cứ phải nước giếng chùa thì mới hãm chè được, chứ giếng khác là mất vị chè ngay. Cái bể nước mưa nhà ông được chăm sóc đặc biệt. 

Miệng bể ông đậy bằng một cái vỉ tre đan thưa đủ để không khí lọt vào cho cá cờ thở, nhưng cũng đủ để ngăn không cho hoa lá rụng vào. Đứa trẻ nào mà kiễng chân lên miệng bể là chết với ông, ông cầm cái roi ra là chạy chí chết. Có bận, ông mang cái âu sành sang nhà tôi xin nước mưa về nấu để pha trà. 

Mấy bố con tôi hơi ngạc nhiên. Ông phân bua rằng thằng cháu mới thả mấy thêm mấy con cá cờ, chúng đánh nhau, thế là một con chết, nổi lên, rằng lại phải chờ mấy hôm trời nắng lên mới dọn bể được. Người sành trà như ông quyết không dùng bể nước có con cá chết, dù là cá cờ bé tẹo chưa bằng ngón út.

Bây giờ ở những vùng quê xa nhiều nhà vẫn dùng bể nước làm nước ăn nước uống. Còn những làng quê ven lộ, ven thị, ven nhà máy công trường… thì không dám dùng nước bể, sợ nguồn nước trời cho ấy đã bị nhiễm bụi nhiễm độc mất rồi.

Hôm nọ về quê, tôi sang nhà ông lão hàng xóm nghiện trà xưa hỏi chuyện. Cụ đã mất được ít năm. Anh con trai không nghiện trà. Nhưng cái bể nước mưa đầu hồi vẫn được anh chăm nom sạch sẽ.

Anh bảo: “Bây giờ quê mình được cái không khí vẫn trong lành, nên bể nước mưa vẫn còn dùng tốt, chứ sau này chưa biết thế nào. Nghe bảo có cái công ty gì đấy sắp về làng mở xí nghiệp. Ông giáo tính, chứ nó mà nhả khói lên trời, xả nước hóa chất ra sông, lúc ấy thì nước mưa cũng bẩn chứ không ư?”.

Nhớ về cái bể nước mưa xưa, lại lẩn thẩn nghĩ: Sao bà con vùng miền Trung, Tây Nguyên (cả vùng đồng bằng Nam Bộ bị nhiễm mặn) không xây bể trữ nước mưa nhỉ? Hay bây giờ, ở những nơi đó mưa cũng không còn sạch nữa?

                                                                                                                 Tháng nắng hạn 2020 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top