Aa

Ký ức tuổi thơ miền kẻ bể

Thứ Tư, 27/05/2020 - 13:00

Trong mỗi người đàn ông dân chài đều có một chú bé khi họ rướn mình thổi con ốc biển báo tin biển đã sinh con nước. Con nước thơm đã quặn mình mang theo nhịp thủy triều của tuần trăng.

Có một nhà thơ nói rằng: “Thơ là ký ức tuổi thơ còn sót lại”. Tôi là một người làm thơ nên ký ức tuổi thơ cứ ám ảnh cái phần bản năng vô thức, hồn nhiên trong trẻo, cái miền ấy cứ trầm tích đâu đấy trong mình, ẩn giấu trong mình để thỉnh thoảng lóe sáng, kích hoạt và cộng hưởng. Ôi miền tuổi thơ da diết ấy, nhìn đâu cũng thấy bạn bè. Từ cánh buồm đơn độc hay một đám mây biển lửng lơ rồi cả tiếng sóng rì rầm tỉ tê kể chuyện, cả cánh chim hải âu phân vân chao liệng hay con mắt dã tràng nhìn tôi nghiêng ngó... Nhiều lắm ...

Ở kẻ bể, có ngày sinh con nước, con nước rặc rút xuống để thay thế con nước thủy triều lên theo chu kỳ của tuần trăng. Nước lên “thơm”, đó là tôi nghe các ngư phủ già có kinh nghiệm đánh bắt cá nói thế. “Chim chết vì nhạ, cá chết vì nước” là thế. Nước “thơm” nên cá tụ bầy nhởn nhơ, dễ đánh bắt. Nước sinh để dâng tặng món quà quý cho dân vạn  chài. Họ tính toán rất kỹ ngày sinh con nước để thả lưới theo luồng chảy êm đềm, thuận chiều chứ không mấy chiều đan xen nhau làm lưới xoắn lại dưới tầng tầng bọt sóng. Biển sinh con nước nhưng con nước này không có tuổi thơ mà đã già dặn, đã ngấm vào mình bao chiêm nghiệm sống.

Những người phụ nữ làng chài mang thai con mà vẫn gánh gồng trên vai mình bao trĩu nặng âu lo của áo cơm. Họ chạy chợ bằng đôi chân trần của mình. Mang thai đã nặng, gánh cá nặng thêm, mà vẫn chân trần bấm cát. Những ngón chân tõe ra như chân gà mái. Có những đứa bé “đẻ rớt” trên đường khi mẹ đang chạy chợ, ngay phút đầu tiên vào đời đã lấm mồ hôi mặn, lấm bụi cát nhưng lại có ca đẻ khó vì sự vận chuyển liên tục chạy chợ nên thai có khi xoay kiểu nằm không thuận. 

Tôi nhớ cạnh nhà tôi có một ngư phủ trẻ mà đã nổi tiếng, khi đi đánh bắt cá, thấu hiểu rạch ròi mọi luồng lạch để chinh phục biển khơi, mà lần đầu làm bố thì anh lúng túng vụng về như cá vây mắc lưới. Bà Hiểu là “bà mụ” có thâm niên đỡ đẻ với rất nhiều mẹo và dù khó đẻ đến đâu, rồi cũng sẽ “mẹ tròn con vuông”. 

Bữa đó, sản phụ trẻ nằm mãi trên giường, bà Hiểu loay xoay chưa biết tìm cách nào để đứa bé ra. Chợt bà te tái bước ra bảo anh chồng lấy cái cần câu buộc dây cước cùng con mồi để bà... câu thai! Người mẹ trẻ đẻ khó, nhìn bà đỡ dùng cần câu cái thai bướng bỉnh bằng con mồi là con tôm nhựa với mấy sắc màu búng lên búng xuống thon thót, đã quên cả đau đớn vì buồn cười quá. Không nhịn được, thế là cười thật to và tạo ra một lực đẩy đứa con đỏ hỏn ra khỏi mình nhẹ nhàng. Sau này đứa bé ấy đã thành một ngư phủ “sát cá” nhất cửa lạch quê tôi...

Tôi lớn lên trên cánh võng của cha tôi mà trong những câu thơ mở đầu cho một trường ca biển viết sau này: 

Cánh võng đầu tiên ru tôi là mảnh lưới cha tôi cắt ra từ tấm lưới còn dính đầy vẩy cá

Trong giấc mơ tôi không có tiếng côn trùng

Tiếng cá quẫy khuấy vào tôi tăm sóng...

Những tăm sóng li ti lẫn vào những chân lông, mao mạch, để khi hồi tưởng lại nó đã trở thành những vòng sóng lan xa, tỏa rộng. 

Những đứa bé miền kẻ bể không chỉ thích ngủ võng, ngủ lưới đã đành, mà còn biết “Ngủ nôôc” (ngủ thuyền). Những đêm hè nóng bức đến nỗi da trời cũng mọc sởi, chúng tôi rủ nhau xuống bến, lên những con thuyền có mai rộng như chiếc mai rùa vòm cong và xếp hàng ngủ hai bên. Đầu chụm vào nhau còn chân thì đạp lên be thuyền cho khỏi trượt, mắt nhìn lên khoảng trời cao rộng và hứng luồng gió mát biển khơi thổi về. Gió sạch và hào phóng vô cùng, lại có cảm giác những ngón tay gió xoa nhẹ tóc, gỡ tóc khô mặn mòi vị muối, mơn man mặt mình. Và chúng tôi kể cho nhau nghe những câu chuyện cổ tích, những nàng tiên cá, những con thuồng luồng. Con thuyền như một vành nôi khổng lồ nâng bổng chúng tôi lên ...

Trẻ thơ kể bể học thả diều với những cánh diều hình con cá nhiều sắc màu, dây diều làm  bằng dây cước câu cá. Và tôi có cảm giác các nang diều như những xương cá, được lợp bằng mang cá, mang cả lá phổi diều lên cao hít thở gió biển thổi qua ống sáo thành những điệp khúc khi bổng khi trầm. Một đầu dây diều neo vào cát còn đầu kia mặc sức tung hoành bay lượn, cảm giác tự do được bắt đầu từ đó. Và tôi nhìn ra xa về phía cuối chân trời, thường là ráng mỡ gà báo hiệu những cơn bão sắp đến, những ám ảnh va chạm vào kí ức của tôi để sau này lớn lên tôi viết: “Tôi kịp lợp cánh diều bằng đôi mang của cá/Đôi mang cá đêm đêm về nức nở/Lén thả vào tôi chút bong bóng cuối ngày”...

Lớp học vỡ lòng của chúng tôi, thường có các cửa sổ mở ra nhiều hướng đón gió biển. Vừa học đánh vần chữ cái, có chữ A (viết in) như một một chóp núi hay cánh buồm nhô lên, vừa được nghe rì rào tiếng gió của những hàng dương. Ôi, những hàng dương xanh cắm rễ sâu vào đất để giữ làng. Lá dương khô trở thành cái nệm tròn quây lại êm như rơm vàng để lũ trẻ đánh giấc thiu thiu như mẹ gà ấp con vậy. 

Quà của trẻ thơ miền kể bể thường là cá nướng. Cho đến bây giờ tôi đi bao miền quê, ăn bao đồ nướng đặc sản thì cũng không thể nào quên được những con cá nướng mà ngày đó chúng tôi chia cho nhau khi đến lớp. Vừa xuýt xoa thổi vừa gỡ ra những miếng cá trắng nần nẫn thơm và béo. Cá nướng là một đặc sản của biển. Cá đồng khi nấu thì phải cho thêm nhiều gia vị trộn lẫn như khế, măng, ớt... Còn cá biển chỉ cần nướng lên là đủ trong nồng nàn hương vị với than gỗ. Cũng giống như người dân biển và lũ trẻ miền kẻ bể sống rất đơn giản, ít pha trộn mà nguyên xi bản chất hào phóng và thanh thản của mình. Ngay từ bé chúng tôi đã học được tính cộng đồng khi nghe người lớn “hò dô” đẩy thuyền, kéo lưới. Họ đã truyền cảm cho chúng tôi những khúc hát đồng dao, những trò chơi đuổi bắt, những rồng rắn ra biển đến cái “mắt cá” cũng thành: “Mắt cá mọc ở chân/Nhắc em đi khỏi lạc”. Rồi từ tên các loại cá mà xếp vần lại thành một dây neo chữ: “Chọn bạn chơi thân thiết/Sao lại gọi cá Lầm?”.

Miền sóng ký ức như một khúc ca không hề có tuổi, neo giữa chúng tôi ranh giới của bờ và biển, của tĩnh và động, để có khi lắc lư bập bênh như thuyền thì vẫn trở về thế cân bằng ổn định. Trong mỗi người đàn ông dân chài đều có một chú bé khi họ rướn mình thổi con ốc biển báo tin biển đã sinh con nước. Con nước thơm đã quặn mình mang theo nhịp thủy triều của tuần trăng. Tôi cảm nhận được, dù đã lớn lên, đi xa và trở về, trong tôi họ vẫn: “Có một đứa trẻ con hoang dã/Cứ loăng quăng chạy theo họ suốt đời/". Biển ơi! Biển ơi!

                                                                                        Hà Tĩnh, tháng 5/ 2020

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top