Aa

Có nên “bắt sóng“ đại hội cổ đông?

Thứ Sáu, 01/04/2022 - 06:05

Lâu nay, phương pháp đầu tư “đón sóng” mùa đại hội cổ đông được khá nhiều nhà đầu tư áp dụng bởi có nhiều thông tin quan trọng được công bố, ảnh hưởng đến thị giá cổ phiếu.

Như thường lệ, vào khoảng tháng 3, tháng 4 hàng năm (trừ năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19) sẽ diễn ra mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của các doanh nghiệp niêm yết. Theo đó, các kế hoạch quan trọng như tăng vốn, trả cổ tức, kế hoạch kinh doanh, ước tính doanh thu lợi nhuận quý I, thay đổi ban lãnh đạo… sẽ được doanh nghiệp đưa ra và quyết định chính thức. Nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang có quá nhiều tin xấu như hiện nay, thì những tin tức dạng này được xem như "cơn mưa rào mùa hạ".

Nhiều dự báo tươi sáng

Chính nhờ nhiều thông tin hỗ trợ mà giá cổ phiếu của các doanh nghiệp cũng “đồng lòng” đi lên. Do đó, chiến lược gom mua cổ phiếu trước thời điểm ĐHĐCĐ diễn ra để đón sóng luôn được nhiều nhà đầu tư lựa chọn và thực tế đã chứng minh bước đi này là không sai.

Còn nhớ, giá cổ phiếu AAA của CTCP Nhựa An Phát Xanh đã bất ngờ tăng kịch trần một ngày trước khi tổ chức ĐHĐCĐ năm 2021 và duy trì được mức tăng nhiều ngày sau đó. Tính chung trong vòng 1 tháng giai đoạn ĐHĐCĐ AAA ghi nhận mức tăng gần 34%, cùng thanh khoản lên cao.

Hỗ trợ cho mức tăng này là kết quả kinh doanh khả quan trong những tháng đầu năm 2021 được ban lãnh đạo Nhựa An Phát Xanh thông báo cũng với đó là những kế hoạch đầy tham vọng cho cả năm.

Hay như ngành ngân hàng, mùa ĐHĐCĐ thường mang lại niềm vui cho các nhà đầu tư vào cổ phiếu nhóm này, bởi luôn có những con sóng tăng giá cổ phiếu chỉ khác nhau về tỷ lệ cao thấp.

Trong khi đó, các ngân hàng hoàn toàn tự tin với việc lợi nhuận năm 2022 sẽ đạt mức khả quan khi tăng trưởng tín dụng của ngành hồi phục. Các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán BSC đánh giá, năm 2022, tín dụng ngành ngân hàng tăng 14%, lợi nhuận trước thuế tăng 22,8%, biên lãi ròng cải thiện lên 4,12%. 

Theo đó, câu chuyện riêng của các ngân hàng trước thềm ĐHĐCĐ năm nay là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư, có thể tác động lên giá của nhóm này. 

Ngoài ra, những nhóm có thể tiếp tục đón nhận thông tin tích cực như cảng biển, chứng khoán, logistic hay nhóm thép, phân bón, cao su trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine đang khiến giá cả hàng hoá tăng cao.

Bên cạnh đó, cổ tức cũng là một yếu tố đánh giá mức hấp dẫn của cổ phiếu. Những doanh nghiệp có lịch sử trả cổ tức cao luôn được giới đầu tư đặc biệt lưu ý.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup, mùa ĐHĐCĐ năm nay có thể là mùa rực lửa của chứng khoán Việt Nam bởi ngoài lên kế hoạch kinh doanh, các doanh nghiệp có câu chuyện riêng sẽ chi phối thị trường.

Theo số liệu của FiinGroup, dự kiến lợi nhuận doanh nghiệp tăng khoảng 20% trong năm 2022 và lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể cao hơn rất nhiều mức đề ra. Dòng tiền từ nhà đầu tư sẽ mua các cổ phiếu cơ bản mặc dù thị trường hiện nay mang tính đầu cơ.

Mùa ĐHĐCĐ thường mang lại hiệu quả đầu tư lớn cho các nhà đầu tư
Mùa ĐHĐCĐ thường mang lại hiệu quả đầu tư lớn cho các nhà đầu tư 

Nhưng vẫn cần cẩn trọng

Không thể phủ nhận sự hấp dẫn của mùa ĐHĐCĐ nhưng ông Thuân vẫn cảnh báo nhà đầu tư, việc doanh nghiệp công bố thông tin nhưng chưa chắc đã đúng sự thật, chẳng hạn như có doanh nghiệp công bố mua cổ phiếu để nâng sở hữu lên 65% nhưng thực chất bên trong lại bán ra. 

Hay như câu chuyện, tại ĐHĐCĐ các doanh nghiệp thường đưa ra kế hoạch kinh doanh tốt và hứa hẹn về một mức cổ tức khả quan nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hiện nay đang có xu hướng trả cổ tức bằng cổ phiếu gây nên mâu thuẫn trong quyền lợi giữa doanh nghiệp và cổ đông.

Đồng quan điểm, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT CTCP AzFin Việt Nam cho rằng, ĐHĐCĐ với những thông tin về kết quả kinh doanh hay dàn lãnh đạo không phải lúc nào cũng khiến cổ phiếu khởi sắc, mà còn phụ thuộc vào những thông tin khác nữa.

Nhiều ĐHĐCĐ vẫn xảy ra tình trạng biên bản, nghị quyết ĐHCĐ không phản ánh đầy đủ diễn biến, kết quả đại hội. Nghị quyết ĐHCĐ không ghi rõ kết quả biểu quyết và quyết nghị đối với từng vấn đề trong chương trình họp gây mất niềm tin của cổ đông.

Hay nhiều doanh nghiệp lựa chọn họp ĐHĐCĐ sớm để tận dụng hiệu ứng của đợt công bố báo cáo tài chính năm cũ nhằm tạo tiền đề để đại hội thành công. Tuy nhiên, các nhà đầu tư phải luôn tỉnh táo trong quyết định đầu tư, bởi rất đơn giản là báo cáo tài chính đó chưa được kiểm toán.

“Tâm lý tận dụng thời điểm sôi động này để “lướt sóng” là rất bình thường nhưng mỗi người cần có chiến lược riêng cho mình, bởi dù có sôi động đến đâu thì rủi ro vẫn luôn hiện hữu”, ông Phục nhận định.

Về phía các doanh nghiệp, việc cân bằng được lợi ích cho cổ đông, minh bạch thông tin trong mỗi mùa ĐHĐCĐ chính là liều thuốc giúp cổ đông vững tin khi đưa ra quyết định nắm giữ hay bán cổ phiếu đang nắm giữ của mình từ đó giúp doanh nghiệp tận dụng được nguồn lực đại chúng cho sự phát triển dài hạn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top