Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đến cuối năm 2018, cả nước còn tồn hơn 20.000 căn hộ condotel. Nếu tính cả nguồn cung đang xây dựng, sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019, ước tính sẽ khoảng 30.000 căn hộ condotel.
Sự tồn đọng của hàng vạn căn hộ condotel đã đặt ra nhiều e ngại về nguy cơ "đổ vỡ" trên thị trường bất động sản.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, trong đó, yêu cầu Bộ Xây dựng phải bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các loại hình nhà ở chung cư, công trình căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel)...
Tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 4/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, trong năm 2019, Bộ sẽ ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn, liên quan đến condotel. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có hướng dẫn về chế độ sử dụng đất với các công trình xây dựng condotel liên quan đến thời gian sử dụng đất gắn với quyền sở hữu đất, sở hữu căn hộ. Đồng thời, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cũng sẽ hoàn thành quy chế quản lý, vận hành căn hộ du lịch trong năm 2019.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, vẫn đang có nhiều tranh cãi quanh việc nên hay không cấp sổ hồng cho condotel.
Mới đây, tại diễn đàn đầu tư bất động sản 2019, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VNREA đã cho rằng, việc đưa condotel vào Luật Đất đai rất lôi thôi nên hầu hết đại biểu Quốc hội thống nhất là đã có luật rồi nên coi condotel nằm trong Luật Du lịch. “Trong luật này có khái niệm căn hộ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng, hàm ý coi đó là condotel, vì ta không thể đem tiếng Anh vào trong luật được”, ông Nam nói.
Ông Nam cũng cho biết thêm: “Cho nên tôi ủng hộ quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường: xây trên đất gì thì cấp sổ trên đất ấy. Condotel xây trên đất dịch vụ có thời hạn thì cấp sổ có thời hạn, xây trên đất ở thì cấp sổ vĩnh viễn”.
Trên góc nhìn pháp lý, luật sư Trương Anh Tú phân tích: “Condotel mang bản chất của loại hình kinh doanh, dịch vụ, do đó, khi được xây dựng sẽ phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch xây dựng phát triển ngành du lịch ở mỗi địa phương và phù hợp với quỹ đất để phát triển ngành nghề này. Nếu thừa nhận condotel là một sản phẩm trong hoạt động kinh doanh bất động sản thì mặc nhiên phải cấp “sổ hồng”, để xác nhận quyền sở hữu tài sản nhà ở lâu dài cho người sở hữu, phù hợp với quy hoạch về nhà ở, đất ở cũng như quản lý khu dân cư”.
Trong trường hợp condotel được công nhận là sản phẩm kinh doanh bất động sản, ông Tú cho rằng, điều này có thể dẫn tới nhiều hệ lụy.
“Thứ nhất, trường hợp cấp “sổ hồng” cho các căn hộ condotel sẽ “phá hỏng” tổng thể quy hoạch của địa phương, ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hạ tầng và dân cư sau này.
Thứ hai, về tiềm ẩn phát sinh nguy cơ phát sinh tranh chấp. Nếu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho các căn hộ condotel trong khi các căn hộ này lại sử dụng với mục đích vừa để ở vừa cho thuê, lại có sự ràng buộc rất lớn với chủ đầu tư nên dễ nảy sinh tranh chấp. Tranh chấp giữa chủ đầu tư và người “mua” trong quá trình quản lý sử dụng về chi phí quản lý. Những rủi ro khi phân định sở hữu chung sở hữu riêng giữa chủ đầu tư và người mua condotel.
Ngoài ra còn tiềm ẩn những rủi ro khi chủ đầu tư sử dụng căn hộ để thế chấp ngân hàng mà không có khả năng thanh toán nợ, những rủi ro phát sinh khi chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết về lợi nhuận…
Thứ ba, về quản lý, sử dụng. Ai sẽ có trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng căn hộ khi xuống cấp. Ai sẽ có nghĩa vụ đóng phí quản lý, dịch vụ của căn hộ. Sẽ ra sao nếu chủ sở hữu mong muốn ở lâu dài tại căn hộ condotel và biến khách sạn thành khu dân cư... Vì vậy, nếu thực sự sửa luật để cấp "sổ hồng" cho condotel thì sẽ đặt ra hàng loạt vấn đề đối với loại hình hỗn hợp này” – ông Tú lý giải.