Aa

Vì sao người Việt lại ghét nhà giàu?

Thứ Bảy, 21/10/2017 - 06:01

"Tâm lý kỳ thị người giàu ở Việt Nam vốn đã ăn sâu bén rễ, rất khó triệt tiêu. Tôi nhớ ở đâu đó đã từng nói là dân tộc này mãi không chịu lớn, cũng chính là bởi nếp nghĩ này. Thay vì chúng ta phấn đấu, thi đua để được giàu có thì lại quay sang nói xấu người giàu để chứng tỏ người ta không hơn mình, để "dìm" cả xã hội xuống" - PGS.TS Trịnh Hoà Bình chia sẻ về nghịch lý ghét nhà giàu ở Việt Nam.

Giàu có là mong muốn chính đáng của con người, tuy nhiên theo một số nghiên cứu, trong xã hội Việt Nam đang tồn tại tâm lý ghét người giàu. Thực tế cứ mỗi khi có một bài viết về doanh nghiệp, doanh nhân nào đó, tốt cũng vậy mà xấu cũng thế, “gạch đá” đều phải nhận ào ào. Tại sao người Việt mình lại ghét nhà giàu, ghét doanh nhân đến vậy? Có thật doanh nhân Việt chỉ toàn là “bọn ăn trên ngồi trốc”, là trọc phú, con buôn? Chuyên mục Cà phê cuối tuần sẽ bàn luận về chủ đề này.

Xin giới thiệu các vị khách mời: PGS.TS Trịnh Hoà Bình - Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam; Nhà văn Tạ Duy Anh - tác giả tiểu thuyết “Mối chúa” vừa gây xôn xao dư luận; Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh - nguyên Tổng biên tập báo Doanh nghiệp; NSƯT Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ; Ông Đoàn Hiếu Minh - Chủ tịch công ty Regal Motor Cars - đơn vị phân phối siêu xe Rolls-Royce chính hãng duy nhất tại Việt Nam.

Thiết kế: Thế Công

Thiết kế: Thế Công

PV: Xin hỏi NSƯT Chí Trung đầu tiên, câu nói: “Giàu thì nó ghét, đói rét thì nó khinh, mà thông minh thì nó tìm cách tiêu diệt” được Táo Xã hội phát ngôn trong chương trình Táo Quân 2016 đã trở thành câu nói để đời, được khán giả rất tâm đắc và nhắc đi nhắc lại sau đó. Theo nghệ sỹ, điều gì khiến câu nói này tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ trong dư luận như vậy?

NSƯT Chí Trung: Vâng, thực ra tác giả của câu nói này là đạo diễn Đỗ Thanh Hải, anh ấy đã cóp nhặt những câu nói thú vị từ đời sống hàng ngày để làm chất liệu cho Táo Quân. Đây là một chương trình hài kịch nên không thể áp dụng trong cuộc sống, mặc dù thực tế nó rất đúng. Tâm lý ghét người giàu xuất phát từ việc ngày xưa chúng ta nghèo quá, vất vả quá. Nhà mình và nhà hàng xóm cùng trồng lúa, trồng ngô, cùng đất, cùng mưa, cùng ánh nắng mặt trời, sao nhà đó lúa, ngô lại cao, lại tốt tươi hơn nhà mình?

Rồi đến thời bao cấp, nhà nào có chút của cải, giàu có cũng phải cố để giấu cái giàu của nhà mình đi, vì luôn bị nhìn nhận như thể mình giàu là có lỗi với những người xung quanh, như việc ông đi xe đạp mà đâm vào ông đi xe máy, đương nhiên ông đi xe máy có lỗi. Thế nên mới có câu chuyện vui, thời xưa, nhà nào rán thịt, nướng chả mà thơm thì sợ lắm, phải bịt hết tất cả các cửa lại để không bay mùi sang nhà hàng xóm. Chính vì thế, con người ta không dám sống thật với mình. 

Và suy nghĩ đó đã ăn sâu vào cả nếp nghĩ của đời sống thị thành bây giờ. Người Việt rất thông minh nhưng thói quen đố kỵ, bằng mặt mà không bằng lòng đã trì hoãn mọi sự phát triển, khiến cho con người ta trở nên không mạnh mẽ, làm con người mất đi ý chí động lực phấn đấu bởi cứ mải "gato" nhau. 

Câu thoại được đánh giá là ấn tượng, đầy sức nặng trong chương trình Táo Quân 2016

Câu thoại được đánh giá là ấn tượng, đầy sức nặng trong chương trình Táo Quân 2016. Nguồn ảnh: Zing

Ví dụ có doanh nghiệp đã làm được rất nhiều điều tốt đẹp cho xã hội, xây được những khu đô thị khang trang tiện ích, mở bệnh viện, trường học với dịch vụ tốt, nhưng chỉ vì một việc nào đó mà dư luận làm um lên, rồi soi mói, gạt hết những gì tốt đẹp đã có xuống sông, xuống biển. Khi doanh nghiệp công bố sẽ tham gia vào một lĩnh vực mà trước nay Việt Nam mình chưa từng làm được, thay vì chia sẻ, đặt niềm tin, có những “thánh chém” lại bàn luận theo kiểu: “Không làm được đâu” và dường như có tâm lý chờ đợi một sự thất bại, để được hả hê nói: “Thấy chưa, tôi đã bảo mà”. Nếu như việc này thành công, có khi họ lại thấy khó chịu như thể ai lấy đi cái gì của họ.

Hay có doanh nghiệp xây dựng được rất nhiều khu nghỉ dưỡng trên những vùng đất xưa nay chỉ toàn đầm lầy, nước mặn, đồng chua, nay đem đến diện mạo mới, thu hút du lịch cho các địa phương. Thay vì ghi nhận những đóng góp của doanh nghiệp thì dường như người ta lại hồ nghi. Tôi nghĩ rằng, khi doanh nhân ấy thất bại thì nhiều người sung sướng hơn là anh ấy thành công. Tôi được tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, hiểu những nỗi khổ, đau đớn của họ và họ phải nuốt thầm trong lòng. 

Rất may là những người dũng cảm đó, họ đều không hoặc ít chơi facebook và bản thân họ có một lập trường vững vàng, không bao giờ bị lụy vì dư luận. Chứ như Chí Trung đây, suốt ngày vào facebook, khéo bị nghe chửi nhiều lại "chạy mất dép" vì nghĩ rằng, à hóa ra tôi cũng chẳng làm được gì thật. Tôi mong những doanh nhân ấy sẽ tiếp tục giữ vững bản lĩnh để như những mũi tàu mạnh phá được sự trì trệ, kéo đất nước đi lên. Chứ ai cũng dàn hàng ngang, nắm tay nhau ngồi im một chỗ thì đất nước này không thể tiến được. 

Thực hiện: Hồng Vũ

PV: Thưa nhà văn Tạ Duy Anh, cuốn tiểu thuyết Mối Chúa mới ra mắt của nhà văn đang rất được dư luận quan tâm vì sự ly kỳ, hấp dẫn và hơi thở nóng bỏng của cuộc sống. Sự đối lập của những người nông dân thấp cổ bé họng và hình ảnh các bố già quyền lực được khắc họa sâu sắc. Mâu thuẫn giàu – nghèo dường như đã được đẩy lên đến đỉnh điểm. Dưới góc nhìn của tác giả “Mối Chúa”, theo nhà văn, có phải vì xã hội tồn tại những người giàu lên nhanh quá, giàu một cách bất chính nên mới dẫn đến hiện tượng này?

Nhà văn Tạ Duy Anh: Hiện tượng người nghèo thường ghét người giàu là hiện tượng mang tính toàn nhân loại, có từ cổ xưa, chứ chẳng riêng gì ở Việt Nam và chẳng phải bây giờ mới xuất hiện. Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này là trong giai đoạn phong kiến và tích lũy tư bản, rất nhiều người giàu hành xử một cách độc ác với cộng đồng, tìm cách chiếm đoạt thay vì thỏa thuận, tạo ra không chỉ sự ghét bỏ mà cả sự hằn thù nữa, và mối hiềm khích này ngấm sâu vào kí ức người nghèo đến mức không dễ gì để họ rũ bỏ ngay.

Việt Nam đang trong giai đoạn mà nhiều người giàu hành xử y như thời tích lũy tư bản phương Tây, vì thế sự ghét bỏ từ phía người nghèo là điều chúng ta có thể hiểu được.

Nhưng thực tế, có nhiều người đang bị ghét oan. Bởi những người làm giàu bằng trí tuệ, bằng lao động lương thiện, họ không chỉ làm giàu cho họ, mà chủ yếu là cho cộng đồng. Ghét bỏ người giàu một cách thiếu suy xét, vơ đũa cả nắm phản ánh một xã hội còn chưa trưởng thành về văn hóa ứng xử. Ở đó thói đố kị, tâm lý muốn kéo người khác xuống cùng mặt bằng với mình vẫn luôn có đất mầu mỡ để sống, sinh sôi nảy nở. Đó là những căn bệnh ngăn cản sự phát triển. Hệ quả là năng lực xã hội sẽ bị tiêu tán vào những việc vô bổ và kích thích thói lười nhác, ích kỉ, ỷ lại...

PV: Quay trở lại với nhịp sống hiện tại, thưa nhà báo Nguyễn Hoàng Linh, nguyên là Tổng biên tập báo Doanh Nghiệp những năm đầu 90 của thế kỷ trước, có quen biết nhiều doanh nhân nổi tiếng, nhiều tỷ phú Việt, ông nhìn nhận thế nào về những người giàu?

Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh: Có một lần, tôi phỏng vấn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người đã dành cả cuộc đời song hành với giới doanh nhân Việt Nam hiện nay từ hồi còn trứng nước, rằng: “Nếu chỉ có 10 giây, gương mặt doanh nhân Việt Nam nào sẽ hiện lên đầu tiên trong ký ức của mình?”, và bà đã trả lời: “Tăng Minh Phụng”.

Tôi cũng có dịp may mắn đến thăm dây chuyền sản xuất giày của Italia mà Tăng Minh Phụng “khoe” là mới nhập về. Tôi khâm phục con người này không chỉ lúc ấy nổi tiếng về giàu có nhưng sống rất bình dị, không rượu chè, không chơi bời xa hoa…, mà còn là người đang tạo việc làm cho trên dưới 10.000 công nhân. Niềm đam mê của ông là ở trên thương trường, nghĩ ra ý tưởng và tìm mọi cách để biến nó thành hiện thực.

Thế rồi niềm đam mê ấy đã đến quá sớm và dẫn đến một kết cục nghiệt ngã mà ai cũng biết rồi, tôi không muốn nhắc lại. Có người nhận xét, nếu cơ ngơi của Tăng Minh Phụng chỉ để lại sau dăm bảy năm thì ông chủ này phải giàu vào hàng đầu của Việt Nam. Các bạn thấy không, có mấy ai không quý mạng sống của mình?

Tôi vẫn thường nghĩ như thế này, ý chí làm giàu của mình không bằng họ, giúp cho nhiều người có công ăn việc làm không bằng họ, góp phần làm giàu cho đất nước không bằng họ. Vậy mình đứng trên vị thế và tâm thế nào để ghét họ đây?

Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh

Một người giàu có nữa mà tôi quen biết, rồi nhiều lần được mời đến nhà ăn cơm, chứng kiến cuộc sống thường ngày của họ, đó là doanh nhân Trịnh Thành Nhơn, mà nhiều người gắn cho ông một cái tên quen thuộc là ông “Nhơn Dạ Lan”.

Gia đình ông vốn đi lên từ một xưởng sản xuất hóa mỹ phẩm, rồi do chớp được cơ hội của thị trường, do chăm chỉ làm ăn, do mạo hiểm đầu tư tiền bạc, sản phẩm kem đánh răng Dạ Lan của ông nổi tiếng một thời, chiếm tới 60-70% thị phần. Sau đó, đến giữa thập kỷ 90, ông đã bán lại cho hãng Colgate của Mỹ, thu về trên dưới chục triệu USD.

Cách đây ít lâu, tôi có ghé thăm nhà ông, một ngôi biệt thự đẹp đẽ, có hồ bơi riêng ở khu Thảo Điền 2, thành phố Hồ Chí Minh. Vườn rộng nhưng ngày ngày ông vẫn tự tưới cây, chăm sóc mấy con vật nuôi, rồi sau đấy mới tự lái xe lên nhà máy trên Bình Dương để làm việc.

Hôm ấy, ông mời tôi lên Bình Dương thăm nhà máy. Tôi đồng ý và lên xe. Không hiểu sao ông lại lái xe qua một cái chợ lớn và dừng ở đó. Ông bảo: “Đợi bà xã tôi một chút”. Thế rồi, một lúc sau, bà vợ ông tay xách nách mang, rồi lại có người bê hộ túi nọ túi kia vứt ra đằng sau cốp xe.

Lên xe, bà giải thích rằng đây là mua thực phẩm giùm cho bếp ăn của nhà máy. Chỉ những người trong nhà máy mới biết rằng chiếc xe Mercedes đời mới sang trọng ấy chuyên chở thực phẩm cho bữa ăn giữa ca của công nhân hằng ngày. Đấy là ông chiều ý thích của bà. Trời  phú cho bà cái tài nữ công gia chánh, nấu ăn rất ngon. Phàm là nấu ăn ngon thì thạo đi chợ. Bà đã từng giao cho nhà bếp tự lên thực đơn, đi chợ nhưng bữa cơm của công nhân chưa bao giờ làm bà hài lòng. Bà bảo: “Buổi sáng, mình chịu khó dậy sớm một tý, chạy ào ra chợ là được bữa cơm vừa rẻ vừa ngon cho công nhân”. Có người bảo bà số vất vả, ôm đồm nhiều việc, còn tôi cho rằng đấy cũng là niềm vui riêng, là liều thuốc chống “stress” của bà…

Trên xe, vui chuyện bà kể, ngày mới bán toàn bộ cơ ngơi và thương hiệu Dạ Lan cho Hãng Colgate, hai ông bà đã có ý định như bao người khác là nghỉ ngơi, dành thời gian chăm con cái ăn học, khôn lớn. Vợ chồng ông bà sang Canada, tìm đến một vùng thôn quê yên ả nhưng phong cảnh thì đẹp vô ngần, mua một ngôi biệt thự và sống ở đó. Không hiểu tại sao, hồi suốt ngày lăn lộn với công việc, bụi bặm, độc hại, ăn uống thất thường mà chẳng thấy ông bệnh bao giờ. Nay sang đây, không khí trong lành, chỗ nào cũng sạch như lau, ăn uống đầy đủ mà hết bệnh này đến tật kia.

Một hôm, ông bảo: “Thôi, mấy mẹ con ở lại, tôi về nước làm ăn đây”. Mấy mẹ con ôm nhau khóc mà không dám ngăn. Bà biết tính ông. Làm việc sáng tạo, làm việc quên mình, làm việc trong tình anh em bạn bè, đó là niềm đam mê, là nguồn hạnh phúc vô hạn của ông...

Chỉ xin ghi lại vài nét về cuộc sống thường nhật mắt thấy tai nghe như thế để bạn đọc thấy, họ có gì đáng ghét đâu? Tôi vẫn thường nghĩ như thế này, ý chí làm giàu của mình không bằng họ, giúp cho nhiều người có công ăn việc làm không bằng họ, góp phần làm giàu cho đất nước không bằng họ. Vậy mình đứng trên vị thế và tâm thế nào để ghét họ đây?

Vì thế, trong hơn 40 năm làm báo trong lĩnh vực kinh tế, tôi luôn khâm phục và sẵn sàng chia sẻ với họ. 

PV: Câu chuyện của nhà báo Nguyễn Hoàng Linh phần nào đã cho chúng ta một góc nhìn rất thật, rất dung dị về cuộc sống của những người "có tiền". Thưa PGS.TS Trịnh Hòa Bình, vậy dưới góc độ của nhà nghiên cứu dư luận xã hội, theo ông việc “ghét người giàu” có được coi là thói xấu cố hữu trong xã hội hiện nay và tâm lý này tác động thế nào đến xã hội?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Tôi đã từng chỉ ra rất nhiều lần rằng, người Việt hiện nay có nhiều thói xấu như là thói hám danh, chuộng lạ, sính hình thức, ghen tị kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”. Từ ngày xưa đã có rất nhiều những câu tục ngữ chê trách người giàu như “tham thì thâm”, “nén bạc đâm toạc tờ giấy”. Trong những câu chuyện cổ tích mà ông cha để lại như Tấm Cám, Cây khế… đều nhắc đến lòng tham của con người. Người Việt mình lười lắm, chỉ thích ăn sẵn, không thích ai hơn mình. Bởi thế, hễ nhắc đến câu chuyện người giàu là tâm lý người Việt chúng ta đều ghét.

Bất kể ai từ khi sinh ra đến khi chết đi đều mong muốn có một cuộc sống đầy đủ, sung sướng về vật chất, không chỉ cho bản thân mà còn cho cả con cháu sau này. Vậy nên mong muốn được giàu có là chính đáng và ai cũng giống nhau. Ai nói không muốn giàu có thì có lẽ là người ở trên sao Hoả mất rồi.

Đoàn Hiếu Minh

Tư tưởng này ăn sâu trong suy nghĩ của người Việt từ bao đời nay, nói trắng ra đó là tư tưởng không thích tiến bộ. Tâm lý kỳ thị người giàu ở Việt Nam vốn đã ăn sâu bén rễ, rất khó triệt tiêu nhanh chóng. Tôi nhớ ở đâu đó đã từng nói là dân tộc này mãi không chịu lớn, cũng chính là bởi tâm lý ghen tị này.

Tâm lý ghét người giàu rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến xu hướng phát triển của đất nước. Thay vì chúng ta phấn đấu, thi đua để được giàu có thì lại quay sang nói xấu để chứng tỏ rằng người ta không hơn mình, để "dìm" cả xã hội xuống.

Tuy nhiên, không phủ nhận, tâm lý của người Việt rất thích khoe mẽ thế nên nhiều người giàu có những hành động phản cảm như khoe của, tiêu tiền lãng phí… dẫn đến bị những người xung quanh “dị ứng”.

PV: Vâng, như PGS.TS Trịnh Hòa Bình vừa nói, người Việt có tâm lý thích khoe mẽ, thế nên một số người giàu có những hành động phản cảm như khoe của, tiêu tiền lãng phí khiến những người xung quanh dị ứng. Được mệnh danh là "ông trùm siêu xe", ông Đoàn Hiếu Minh thường xuyên tiếp xúc với những người giàu có, nếu không nói là siêu giàu. Ông lý giải thế nào về cách hành xử của người giàu?

Ông Đoàn Hiếu Minh: Nếu xét về tâm lý thì người nghèo, người bình thường và người giàu, có điểm cơ bản giống nhau. Đó chính là mong muốn được giàu có. Bất kể ai từ khi sinh ra đến khi chết đi đều mong muốn có một cuộc sống đầy đủ, sung sướng về vật chất, không chỉ cho bản thân mà còn cho cả con cháu sau này. Vậy nên mong muốn được giàu có là chính đáng và ai cũng giống nhau. Ai nói không muốn giàu có thì có lẽ là người ở trên sao Hoả mất rồi.

Mọi người chớp mọi cơ hội để giàu có cũng là muốn được sống trong môi trường tiện nghi và hiện đại. Vậy tại sao chúng ta lại phê phán họ? Những người giàu có mua cho mình một chiếc xe đẹp, đó không phải là khoe mẽ! Tôi nghĩ đó là sự đồng bộ. Họ là chủ của những doanh nghiệp có hàng nghìn nhân viên, ở trong những căn biệt thự đẹp, giao tiếp với giới thượng lưu, và chiếc xe đó hợp với câu chuyện của họ, phong cách của họ. Nhưng cuộc sống không phải ai cũng có hoàn cảnh tương tự như nhau nên không phải ai cũng hiểu điều này. Chính vì thế mới sinh ra ghen ăn tức ở.

Những khách hàng của tôi, để có được cơ ngơi, sự nghiệp như hiện tại, họ đã phải lao động vất vả và hy sinh rất nhiều. Họ có quyền tự hào và kiêu hãnh. Tôi có một vị khách, năm nay đã 56 tuổi, anh ấy có sự nghiệp, có tài chính vững mạnh và hoàn toàn có thể cho mình thời gian để nghỉ ngơi. Nhưng bạn có tin là anh ấy vẫn cần mẫn làm việc hàng ngày đến 12h đêm?

Thực tế, như các chuyên gia phân tích, việc ghét người giàu đã ăn sâu vào ý thức hệ của chúng ta. Thế nên người giàu có thay đổi cách hành xử như thế nào thì họ cũng vẫn bị ghét, nếu như nếp nghĩ của xã hội vẫn còn tồn tại. Mà muốn thay đổi, điều mấu chốt lại nằm ở chính sách, pháp luật, môi trường kinh doanh phải đủ chặt chẽ và minh bạch.

Ví dụ như, một cô giáo làm việc chăm chỉ, đi từ 6h30 sáng đến 6h30 tối, đêm về lại thức soạn giáo án, cuối cùng mỗi tháng nhận được vài triệu đồng. Trong khi nhìn sang người bên cạnh, thời gian bỏ ra cũng như vậy mà lương mấy chục triệu một tháng, ban đầu cô giáo ấy sẽ tủi thân, rồi so sánh, rồi bực bội và sinh ra ganh ghét, đố kỵ.

Muốn để xã hội không ghét người giàu thì hãy tạo điều kiện cho xã hội giàu lên bằng cách nhìn nhận đúng đóng góp của các công dân, trả cho họ đồng lương xứng đáng với đóng góp đấy và có những phúc lợi xã hội tốt.

PV: Vậy dưới góc nhìn văn hoá, theo nhà văn Tạ Duy Anh, phải làm thế nào để xoá bỏ được những rào cản tâm lý trong xã hội?

Nhà văn Tạ Duy Anh: Không phải vô cớ mà tại nhiều quốc gia phát triển (nghĩa là họ cũng là những quốc gia khôn ngoan), chính quyền luôn tạo nhiều ưu đãi (về chính sách, luật pháp, sự ghi nhận mang tính văn hóa...) để khích lệ giới giàu có gia tăng tài sản. Nhiều người nghèo được hưởng lợi từ sự gia tăng này. Đó là thuế cho ngân sách để Nhà nước điều tiết trở lại, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia mang lại lợi ích cho xã hội nói chung. Người nghèo cũng có thêm cơ hội công ăn việc làm đi kèm thu nhập hằng ngày, ngoài ra, được mua hàng hóa giá rẻ...

Chúng ta sẽ phải làm cho xã hội quen dần với sự tôn vinh, biết ơn những người làm giàu chân chính, trong khi đó cứ tiếp tục công khai, cổ vũ sự ghét bỏ những ai giàu có nhờ vào việc ăn cắp tài sản của người nghèo. Theo tôi, đó là lẽ công bằng!

Xin cảm ơn các quý vị đã tham gia cuộc đối thoại! 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top