Ngày 11/2, tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Bất động sản năm 2025: Tìm kiếm cơ hội trong thách thức", ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển Kinh doanh OneHousing đưa ra một số góc nhìn để trả lời câu hỏi "Có nên mua bất động sản trong năm 2025 hay không?".
Theo ông Trung, thị trường bất động sản hiện nay đang tốt hơn rất nhiều so với cách đây 2 năm. Năm 2025, các điều kiện cần và đủ cũng như các yếu tố tạo nền cho thị trường đã tốt hơn rất nhiều.
Thứ nhất, chất lượng vốn FDI cả về quy mô, cả về thành phần tham gia FDI, về thành phần liên quan tạo ra những giá trị về công ăn việc làm của người dân trong tương lai, phân bổ về các địa phương đều khác biệt hoàn toàn so với chặng đường thu hút FDI trước đây.
![Có nên mua bất động sản trong năm 2025 hay không?- Ảnh 1. Có nên mua bất động sản trong năm 2025 hay không?- Ảnh 1.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/11/2h6a6485-17392671154941303629173.jpg)
Ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển Kinh doanh tại OneHousing. Ảnh: Trọng Hiếu
Thứ hai, về mặt cơ chế chính sách, các luật mới đến thời điểm này đang từng bước được thực thi và tạo ra những hành lang pháp lý có tính định hướng, lộ trình rõ ràng cho doanh nghiệp phát triển.
Thứ ba, việc cải tổ liên quan đến các thủ tục hành chính theo hướng cải thiện, nhanh chóng.
"Tôi cho rằng, ba yếu tố nêu trên vô hình sẽ tạo ra cơ hội nhưng cũng tạo ra thách thức. Trong đó, cơ hội là tạo ra những thứ giúp thị trường minh bạch, rõ ràng để doanh nghiệp dễ tiếp cận, tự phải thay đổi cách thức tiếp cận. Nhưng đồng thời cũng tạo sự sàng lọc. Đó là doanh nghiệp nào không còn khả năng thích ứng được với thay đổi của thị trường chắc chắn sẽ phải tìm cách M&A (mua bán - sáp nhập), hoặc thay đổi về hành vi của người dân, tức là đầu tư thay vì đầu cơ. Hay hành vi "lướt sóng" trước đây có thể cũng sẽ ít đi, nhà đầu tư phải có lộ trình lâu dài hơn trong quá trình mua bán", ông Trần Quang Trung phân tích.
Ông Trung thông tin, năm 2024 có khoảng 100.000 giao dịch bất động sản ở thị trường Hà Nội. Còn thị trường TP.HCM có độ trễ hơn, đi sau so với Hà Nội. Ngoài ra, hơn 50% người được hỏi và khảo sát cho biết trong vòng 1 năm tới có nhu cầu mua bất động sản.
Có 35% người được hỏi và khảo sát cho biết có nhu cầu mua bất động sản trong 1 - 2 năm tới.
"Nhu cầu mua bất động sản được chia làm 3 nhóm cơ bản: Nhu cầu đầu tư, tích lũy bất động sản; nhu cầu nâng cấp nơi ở và cuối cùng là nhu cầu sở hữu nhà ở lần đầu. Theo quan điểm của tôi, khách hàng tùy theo tình hình tài chính để quyết định là mình nên mua sản phẩm nào. Tuy nhiên, ở Việt Nam có sự hạn chế ở nhiều dự án bất động sản là kết nối giao thông chưa được đồng bộ, gây ra hạn chế khiến khu đô thị cao cấp không phải là ưu tiên của đa số người dân", Giám đốc Phát triển Kinh doanh OneHousing cho biết.
Còn theo ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, để trả lời cho câu hỏi khi nào mua được nhà thì cần phải đặt vào vai của ai. Nếu vào vai nhà đầu tư thì khi nào giá nhà cao thì sẽ mua (nhà đầu tư có tâm lý giá lên cao thì sẽ cao hơn nữa); còn nếu trong vai người mua nhà để ở thì sẽ chờ giá nhà "hạ nhiệt", hạ xuống vừa túi tiền thì sẽ lập tức chốt mua.
![Có nên mua bất động sản trong năm 2025 hay không?- Ảnh 2. Có nên mua bất động sản trong năm 2025 hay không?- Ảnh 2.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/11/2h6a6392-17392682522682040619182.jpg)
Ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường. (Ảnh: Trọng Hiếu)
"Những người thu nhập trung bình, thấp thì nên tranh thủ mua nhà xa trung tâm khoảng 15 – 20 km ở thời điểm hiện tại sẽ là câu trả lời phù hợp nhất", ông Bình nhận định.
Về tình trạng giá nhà trong thời gian gần đây luôn trong tình trạng "trên trời", theo Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, nguyên nhân chính đầu tiên là vì quỹ đất trung tâm đang rất chật hẹp, không đa dạng sản phẩm và đặc biệt là chưa giải quyết được vấn đề giao thông. Không người dân nào muốn bỏ 2 – 3 tiếng/ngày để di chuyển từ ngoại thành đến nội thành để học tập và làm việc.
"Để giải quyết được những bài toán này, tôi đề nghị nhà nước cần phải có giải pháp để nhanh chóng phát triển thêm quỹ đất nội đô hay quy hoạch lại giao thông để tránh ách tắc. Điều này sẽ trực tiếp kéo giá nhà "hạ nhiệt". Đồng thời, cần phải phát triển thêm đô thị vệ tinh xung quanh Hà Nội để kéo giãn số lượng người dân từ trung tâm ra các khu vực ngoại thành khiến sản phẩm nhà ở tại trung tâm không còn khan hiếm nữa", ông Bình đánh giá.