Aa

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Can thiệp bằng "bàn tay" thị trường

Thứ Bảy, 22/09/2018 - 06:00

Mấu chốt quyết định hiệu quả của cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là phải được can thiệp bằng "bàn tay" thị trường, đó là khẳng định của các chuyên gia tại Toạ đàm: Nâng hiệu quả doanh nghiệp nhà nước: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị, diễn ra ngày 18/9.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, đến nay đã nhận được 161 kiến nghị của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) về những vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa (CPH), tập trung vào một số vấn đề: xác định giá trị DN, xử lý tồn tại thua lỗ của các tập đoàn kinh tế… Tuy nhiên, những đề xuất này sẽ đều được xem xét tuân thủ theo quy định của luật, đó là đề cao tính thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Ì ạch vì xin cơ chế

Ts. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT), kể câu chuyện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) xin sửa Luật thuế nhằm áp thuế cao hơn đối với phân đạm nhập khẩu để giá thành phân đạm của Vinachem sản xuất cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, góp phần xử lý các DN yếu kém của tập đoàn.

Theo vị chuyên gia này, DNNN thì cũng phải tuân thủ quy định của Luật Đầu tư quản lý vốn nhà nước tại DN, trong đó có nhiều nội dung đề cao tính thị trường, tự chủ tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện CPH DNNN.

"Đã có Luật, dứt khoát phải thực hiện, cơ quan quản lý kiên quyết chấm dứt việc xin – cho không hợp lý. Đây là sự không bình đẳng và minh bạch, sinh ra tiêu cực và tham nhũng", Ts Lưu Bích Hồ nói.

Riêng trường hợp Vinachem, Ts. Lưu Bích Hồ kiến nghị cần xem xét cụ thể, cẩn thận vì nhiều DN rơi vào tình trạng như vậy vẫn phải tuân thủ quy định, phải đồng bộ với các DN và tình hình ở nhiều nơi.

Đồng quan điểm, ông Đặng Quyết Tiến nêu, đề xuất tăng thuế của Vinamchem nếu mang lại lợi ích hơn cho DN theo hướng sản xuất năng lượng sạch thì cần phải xem xét. Tuy nhiên, Vinachem hiện có 4 dự án thua lỗ, việc cơ cấu sắp xếp phải tuân thủ theo luật, đề cao tính thị trường, tự chịu trách nhiệm.

"Thuế chỉ là một trong những giải pháp hỗ trợ chung và bình đẳng trong các thành phần kinh tế. Bản thân DN phải cắt giảm những chi phí không hợp lý, phải tự tính toán đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, đối với ngành hóa chất, thuế không phải là vấn đề căn cơ, mà phải soi lại mình xem hoạt động còn mang nặng tính bao cấp không?", ông Tiến nói.

Liên quan đến việc xử lý các DNNN làm ăn thua lỗ, yếu kém, ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thông tin hiện có 12 dự án thua lỗ đang trong lộ trình thực hiện cơ cấu lại.

Tuy nhiên, đã có 4 dự án khôi phục sản xuất, trong đó 2 DN có lãi là công ty cổ phần DAP 1 và nhà máy gang thép Lào Cai. Một số dự án thoát lỗ như: dự án Phân đạm Hà Bắc, Phân đạm Ninh Bình, Đóng tàu Dung Quất, Xơ sợi Đình Vũ…

Trong khi đó, vẫn còn 3 dự án đã tính toán lại như dự án nhà máy giấy Phương Nam, công ty Năng lượng Phú Thọ, công ty Gang thép Thái Nguyên, bắt buộc phải tìm nhà đầu tư để bán.

Nhiều nhà đầu tư tư nhân quan tâm đến việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước

Nhiều nhà đầu tư tư nhân quan tâm đến việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước

Bán vốn cho nhà đầu tư tư nhân

"Trường hợp những dự án thua lỗ không có nhà đầu tư mua, bắt buộc chấp nhận cho phá sản. Vì vậy, các bộ ngành phải nói thẳng, nói thật và công khai tình hình của các công ty này thì mới đưa ra được giải pháp căn cơ giải quyết", ông Hùng khẳng định.

Theo các chuyên gia, khó khăn hiện nay là các dự án này vướng về phương án pháp lý như: vấn đề xác định giá, xử lý quyền sử dụng đất, xác định giá đất.

"Chắc chắn không có nhà đầu tư nào dám bỏ vốn vào dự án còn nhiều pháp lý phức tạp. Khi chưa xử lý được vấn đề này thì khó bán được", ông Hùng nói.

Đối với các tập đoàn nhà nước muốn "cứu" dự án thua lỗ thuộc ngành mình thì bắt buộc phải tăng vốn và năng lực mới đủ "sức khỏe" để quản lý rủi ro.

"Hiện nay, Bộ Tài chính đang quyết liệt yêu cầu Tập đoàn Hóa chất và Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam trình phương án, nhưng các tập đoàn cũng đang lúng túng vì có những vấn đề chưa phát hiện ra được. Quan điểm của Bộ Tài chính là nếu có phương án tiếp quản và có phương án quản lý thì sẽ cho phép bổ sung vốn nhà nước để phát triển", ông Tiến khẳng định.

Do đó, các chuyên gia kiến nghị, nếu bán cho tư nhân thì sẽ giải quyết được dễ dàng hơn vấn đề trên.

Ông Hùng cho rằng có nhiều nhà đầu tư tư nhân quan tâm, nhưng quan trọng nhất là chọn đúng nhà đầu tư xứng đáng chứ không nên bán theo kiểu chỉ định. Hiện nay, không ít nhà đầu tư chỉ "nhòm" vào sở hữu tài sản khác của DN như đất đai.

Các chuyên gia cho rằng để chọn được nhà đầu tư có tiềm lực, sẵn sàng chia sẻ công nghệ với DN, phải cải thiện môi trường kinh doanh, tạo được niềm tin với nhà đầu tư.

Lấy ví dụ từ trường hợp Tập đoàn Hòa Phát sẵn sàng đầu tư vào công ty Gang thép Thái Nguyên, ông Hùng cho biết: "Tập đoàn Hòa Phát chọn Gang thép Thái Nguyên để đầu tư vì phù hợp với ngành nghề chính của họ, chứ không phải trông đợi vào đất đai ở Thái Nguyên để đầu tư bất động sản, cái họ cần là phải tính đúng, tính đủ giá trị thực tế theo thị trường của DN".

Liên quan đến việc minh bạch hóa thông tin, bảo đảm cho công chúng và thị trường có được thông tin đầy đủ, kịp thời, ông Hùng nhấn mạnh việc niêm yết sau khi CPH là vô cùng quan trọng, vì đó là sự công khai minh bạch, đánh giá và giám sát từ các cơ quan nhà nước, tổ chức và người dân. Từ đó, nhà đầu tư mới đặt vấn đề có nên đầu tư vào DN đó không.

Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian qua có một số DN không muốn niêm yết, chứng tỏ có gì đó không bình thường.

Theo số liệu thống kê của Cục Tài chính DN, hiện có hơn 700 DN sau CPH chưa niêm yết, gần 300 DN đã đăng ký công ty đại chúng, gần 200 DN đã đăng ký giao dịch và niêm yết, còn lại nhiều DN không đủ điều kiện để đăng ký giao dịch.

"Đối với trường hợp đủ điều kiện mà không chịu niêm yết, đăng ký giao dịch thì sẽ xử lý và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cơ quan quản lý nhà nước và người dân giám sát. Đó là giải pháp thị trường, công khai minh bạch cần phải hướng tới", ông Tiến khẳng định.

Ts. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế

Trong bối cảnh nhà đầu tư chiến lược trong nước không nhiều, nhưng cổ đông nước ngoài lại hết sức quan tâm đến việc mua cổ phần DNNN nên một số lĩnh vực được quy định bán cổ phần có chừng mực. Do đó, trong việc quy định giới hạn tỷ lệ cổ phần với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, cần đảm bảo sự công bằng giữa nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và trong nước. Cụ thể là cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tỷ lệ cổ phần giống như các cổ đông trong nước, cho phép họ sở hữu chi phối ở các ngành, lĩnh vực không thiết yếu.

Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

DN CPH hay thoái vốn cơ cấu danh mục tài sản, cho nên từ cổ phần DN chuyển sang tiền thì bây giờ phải chuyển sang đầu tư tài sản, mà tài sản này phải có giá trị tốt hơn tài sản đang đầu tư, chứ không phải hòa vào ngân sách. Hòa vào ngân sách thì 5 năm nữa, chúng ta tiêu hết. Ngay cả vào đầu tư công cũng không được vì đây là cơ cấu lại danh mục tài sản nhà nước, phải tập trung những dự án tài sản thật tốt đầu tư và Quốc hội quyết định.

Ông Hồ Sỹ Hùng - Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT

Quá trình CPH DNNN cần bắt đầu từ hoạt động DN đến định giá và thoái vốn. Cần phải đặt trên nền công khai, minh bạch về thông tin hoạt động của DN để đi đến sử dụng nguồn vốn bán hợp lý nhất. Chính phủ cần công khai đưa danh sách CPH và bán vốn các DN, linh hoạt chọn thời điểm bán hiệu quả, có như vậy mới thu được kết quả tốt.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top