Aa

Định giá thương hiệu và góc khuất trong cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

Thứ Tư, 26/09/2018 - 06:01

Nhiều doanh nghiệp chấp nhận bỏ ra rất nhiều tiền chỉ để gây dựng thương hiệu nhưng vẫn không thành công. Trong khi đó, Ban cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam lại chấp nhận định giá thương hiệu bằng 0.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra nhiều sai phạm trong quá trình cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam. Một trong những vấn đề mà dư luận quan tâm nhất đó chính là việc định giá thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam. Trong Kết luận, TTCP đề cập đến nội dung: Bộ VHTT&DL đã tổ chức thực hiện xác định lại giá trị thương hiệu căn cứ vào giá trị lịch sử và bề dày truyền thống theo chỉ đạo của Thủ tướng, tuy nhiên, chưa xác định được giá trị thương hiệu cụ thể của Hãng phim.

Trao đổi với Reatimes về vấn đề này, Luật sư Trương Xuân Tám (Ủy viên Hội đồng Luật sư Toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, thương hiệu được coi là tài sản vô hình nhưng lại là tài sản vô giá của doanh nghiệp. Thậm chí tại nhiều doanh nghiệp, tài sản thương hiệu lớn hơn tài sản hữu hình.

"Hãng phim truyện Việt Nam đã gặt hái được rất nhiều thành công, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên trường Quốc tế. Với giá trị lịch sử và bề dày truyền thống, thương hiệu này được đông đảo người dân biết tới và mến mộ trong nhiều năm qua. Việc định giá thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam bằng 0 thực sự rất bất hợp lý", ông Tám nhấn mạnh.

Hãng phim truyện Việt Nam

Hãng phim truyện Việt Nam

Theo vị Luật sư, nhiều doanh nghiệp chấp nhận bỏ ra rất nhiều tiền chỉ để gây dựng thương hiệu nhưng vẫn không thành công. Trong khi đó, Ban cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam lại chấp nhận định giá thương hiệu bằng 0 thì rõ ràng là một điều đáng ngờ. Điều này phản ánh không khách quan, thiếu trung thực về nguyên lý cung cầu trên thị trường mua bán cổ phần. Đây được coi là sự bất công và thiệt thòi cho doanh nghiệp nhà nước, thể hiện ý đồ trục lợi của một nhóm người trong quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

"Việc xác định giá trị thương hiệu không chính xác sẽ ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ quá trình cổ phần hóa của một doanh nghiệp. Có hay không trường hợp cố tình định giá thương hiệu là 0 đồng? Có động cơ cá nhân nào trong đó hay không? Cơ quan điều tra phải vào cuộc làm rõ", vị Luật sư phân tích. 

Một câu hỏi được đặt ra đó là làm thế nào để xác định được giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam một cách khác quan? Luật sư Trương Xuân Tám đề xuất, khi TTCP đã kết luận thì cơ quan chức năng phải tiến hành định giá lại thương hiệu. Quá trình này phải có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về định giá thương hiệu. Là những người có đánh giá cụ thể, lại có tầm bao quát được cả về giá trị lịch sử, bề dày truyền thống, cũng như tương lai của Hãng phim truyện Việt Nam.

"Không chỉ riêng về vấn đề giá trị thương hiệu, Hãng phim truyện Việt Nam còn có những tài sản hữu hình nhưng lại không được định giá, đó là những khu đất được nhà nước cho thuê. Cái quyền được thuê đất ấy là lợi thế trong kinh doanh rất lớn, nhưng trong quy định của pháp luật là đất thuê không được mang ra định giá. Ai cũng nhìn thấy tiềm năng của những khu đất vàng nằm ở những vị trí đắc địa, nó mang lại lợi thế to lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, cả hai yếu tố này đều đã bị xem nhẹ", ông Tám nhận định.

Theo Luật sư Tám, khung pháp lý về định giá thương hiệu ở Việt Nam chưa kiện toàn, chưa có hướng dẫn cụ thể, lượng hóa giá trị thương hiệu là rất khó. Bản thân các doanh nghiệp cũng chưa thực sự quan tâm tới giá trị thương hiệu của mình. Do đó, định giá thương hiệu ở Việt Nam không hề đơn giản.

Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) là hãng phim nhà nước được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật với những tác phẩm điện ảnh kinh điển như: Biệt động Sài Gòn, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Mối tình đầu, Làng Vũ Đại ngày ấy, Em bé Hà Nội, Con chim vành khuyên,…

Tháng 4/2016, Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam đã tiến hành cổ phần hóa với một nhà đầu tư duy nhất là Tổng công ty vận tải thủy (VIVASO), vốn chưa từng có hoạt động liên quan đến điện ảnh. Hãng phim được định giá 50 tỷ đồng vốn điều lệ và bán 3,25 triệu cổ phần (tức 65%) tương đương 32,5 tỷ đồng cho VIVASO, nhà nước chỉ giữ 20%, cán bộ công nhân viên nắm giữ 4,5% cổ phần; đấu giá công khai 10,5%.

Đến tháng 10/2017, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình giao Thanh tra Chính phủ thanh tra quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp này. Đồng thời yêu cầu kết quả thanh tra phải báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/12/2017.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top