Thị trường chứng khoán có tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 108,55 điểm (+11,2%) lên 1.080,01 điểm, HNX-Index tăng 19,19 điểm (+9,8%) lên 215,96 điểm, UPCoM-Index cũng tăng 3,8 điểm (+5,55%) lên 72,21 điểm.
Ở góc độ thanh khoản, khối lượng giao dịch trong tuần qua trên sàn HoSE cũng đạt mức cao thứ ba trong lịch sử. Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 78,4% so với tuần trước đó lên 91.678 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 70,6% lên 5.476 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 86% lên 7.337 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 74,6% lên 597 triệu cổ phiếu.
Thị trường hồi phục trong tuần qua khiến cho toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu chính đều hồi phục, trong đó bất động sản là một trong những nhóm có biến động tích cực nhất. Thống kê 126 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán, trong tuần từ 28/11 - 2/12 chỉ có 11 mã giảm trong khi có đến 104 mã tăng giá.
Dẫn đầu danh sách tăng giá ở nhóm bất động sản trong tuần qua là CEO của Tập đoàn C.E.O với 59,4%. Đơn vị này vừa có công văn giải trình về việc giá cổ phiếu CEO tăng trần 5 phiên liên tiếp từ ngày 24/11 đến 30/11. “Giá cổ phiếu CEO tăng hoàn toàn phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu của nhà đầu tư. Công ty không có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá giao dịch trên thị trường”, công văn nêu rõ.
Chốt phiên 2/12, CEO đứng ở mức 22.000 đồng/cp, tương ứng gấp 2,7 lần so với giá thấp nhất kể từ đầu năm với chỉ 8.100 đồng/cp.
Tiếp sau đó, VHD của CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex cũng có mức tăng giá trên 50% chỉ sau 1 tuần giao dịch. Cổ phiếu này tăng giá trong bối cảnh không có thông tin hỗ trợ. Thanh khoản của VHD đều duy trì ở mức thấp với khối lượng khớp lệnh là 12.920 đơn vị/phiên.
Tiếp sau đó, còn một số cổ phiếu bất động sản tăng giá trên 40% gồm AAV của CTCP AAV Group, API của CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương, IDJ của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam, BII của CTCP Louis Land, PVL của CTCP Đầu tư Nhà Đất Việt.
Điểm đáng chú ý trong đà tăng mạnh của nhóm bất động sản thời gian gần đây không đến từ các thông tin hỗ trợ trong nội tại của doanh nghiệp. Thay vào đó là dòng tiền đầu cơ được đẩy mạnh khi thị trường chung tạo đáy ngắn hạn.
Tại nhóm vốn hóa lớn, VHM của CTCP Vinhomes cũng không kém cạnh nhóm đầu cơ khi tăng đến 21,7% chỉ sau một tuần giao dịch. Trong báo cáo về Vinhomes, Chứng khoán VNDirect kỳ vọng doanh số ký bán mới năm nay sẽ đạt 129.500 tỷ đồng, tăng 64% so năm 2021 và vượt nhẹ so với kế hoạch ký bán mới của công ty. Trong đó, lượng ký bán mới trong quý IV được hỗ trợ bởi sự ra mắt của dự án Vinhomes Ocean Park 3 - The Crown. VNDirect cho biết, việc tiếp tục bàn giao tại dự án The Empire dự kiến sẽ mạnh mẽ hơn trong quý IV, song song với kế hoạch bàn giao tại Ocean Park, Grand Park và Smart City sẽ giúp thúc đẩy Vinhomes đạt mục tiêu lợi nhuận ròng cả năm 2022.
Trong top 10 vốn hóa nhóm bất động sản, hai mã KDH của CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền và KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc cũng có mức tăng giá rất tốt với lần lượt 30% và 22%. Mới đây, Chủ tịch HĐQT KDH, bà Mai Trần Thanh Trang đã hoàn tất mua vào 100% số lượng cổ phiếu đã đăng ký là 10 triệu đơn vị. Thời gian thực hiện giao dịch từ ngày 4/11 đến 29/11. Sau giao dịch, lượng cổ phiếu bà Trang nắm giữ tăng từ 10,3 triệu đơn vị lên 20,3 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ sở hữu tăng từ 1,44% lên 2,84% vốn điều lệ.
Đối với KBC, nhóm quỹ thuộc Dragon Capital quản lý vừa thông báo đã mua thêm gần 3,7 triệu cổ phiếu KBC. Hiện tỷ lệ sở hữu của Dragon Capital tại KBC tăng từ 5,57% (42,77 triệu cổ phiếu) lên mức 6,48% (46,43 triệu cổ phiếu). Tạm tính theo giá đóng cửa cùng phiên, nhóm quỹ đã chi khoảng 74 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch này.
KSF của CTCP Tập đoàn KSFinance là mã duy nhất giảm giá trong top 10 vốn hóa nhóm bất động sản với mức giảm nhẹ gần 1%.
Trong danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản, HD8 của CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị HUD8 giảm mạnh nhất với 21,5%. Tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu này duy trì ở mức rất thấp.
Cổ phiếu HPX của CTCP Đầu tư Hải Phát là mã hiếm hoi trong danh sách giảm giá có thanh khoản cao. Chốt tuần, HPX mất thêm 7,6% giá trị. Điểm đáng chú ý trong giao dịch của HPX tuần qua đó là cổ phiếu này đã được “giải cứu” sau 13 phiên giảm sàn liên tiếp. Tuy nhiên ở phiên cuối tuần, HPX lại giảm sâu trở lại./.