Aa

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp bứt phá trong phiên 26/11

Thứ Sáu, 27/11/2020 - 06:10

Hàng loạt cổ phiếu nhóm bất động sản, đặc biệt là khu công nghiệp tăng giá mạnh trong phiên 26/11, VN-Index vượt mốc 1.000 điểm.

Sau khi vượt mốc 1.000 điểm bất thành hôm qua, tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng đáng kể. Bước vào phiên giao dịch 26/11, áp lực bán dâng cao đã đẩy hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn giảm giá và khiến các chỉ số lùi xuống dưới mốc tham chiếu.

Tuy nhiên, sự phân hóa dần diễn ra rõ nét hơn và các chỉ số biến động giằng co quanh mốc 1.000 điểm. Tương tự như các phiên trước, biến động mạnh tiếp tục xảy ra vào cuối phiên khi lực cầu bất ngờ dâng cao và kéo hàng loạt cổ phiếu trụ cột tăng giá mạnh, 2 chỉ số chính vì vậy cũng kết thúc phiên trong sắc xanh.

Các cổ phiếu ngân hàng gồm BID, CTG, VCB, VPB… đồng loạt tăng giá mạnh. Trong đó, BID tăng 3,1%, CTG tăng 3,2%, VPB tăng 1,9%, VCB tăng 0,5%.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Chiều ngược lại, áp lực trên thị trường vẫn là rất lớn và đến từ các mã như TPB, HPG, VRE, BVH, VHM… Trong đó, TPB giảm 1,4% xuống 24.800 đồng/cp sau thông báo Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji muốn hủy giao dịch mua thỏa thuận hơn 11,6 triệu cổ phiếu TPB. 

Bên cạnh đó, HPG dù giảm nhưng mức độ không còn quá mạnh như ở phiên trước với 1,4% xuống 35.100 đồng/cp và khớp lệnh 33 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Một nhóm cổ phiếu khác gây được sự quan tâm cho nhà đầu tư phiên 26/11 là bất động sản khu công nghiệp. Trong đó, BCM tăng trần lên 40.100 đồng/cp, D2D cũng tăng trần lên 57.100 đồng/cp, LHG tăng đến 5,8%, ITA tăng 3,6%, KBC tăng 3,3%, GVR tăng 2,6%. Hội đồng quản trị GVR đã phê duyệt giá khởi điểm và phương án thoái vốn tại SIP. Giá khởi điểm theo chứng thư thẩm định giá là 97.500 đồng/cp. Trái ngược với GVR, SIP giảm đến 13,4% xuống 129.400 đồng/cp.

Về nhóm cổ phiếu bất động sản chung, sự phân hóa vẫn diễn ra nhưng sắc xanh có phần chiếm ưu thế hơn. OCH, PVL và LGL vẫn đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, OGC tăng 4,2% lên 7.700 đồng/cp. Theo một số phương tiện truyền thông, IDS Equity Holdings - vốn chuyên đầu tư vào những công ty gặp căng thẳng về tài chính - dẫn dắt một nhóm đầu tư để thâu tóm 51% cổ phần tại OGC và 22,3% cổ phần tại công ty con của OGC là OCH. Các cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao cũng tăng giá tốt có CEO (2,7%), TCB (2,5%), HPG (2,4%)…

Chiều ngược lại, một số cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao vẫn giảm sâu. IDC giảm 2,5% xuống 26.900 đồng/cp, HDC giảm 2,1% xuống 25.500 đồng/cp, DIG giảm 1,6% xuống 21.000 đồng/cp. Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đăng ký bán toàn bộ 29,42 triệu cổ phiếu DIG đang nắm giữ để cơ cấu danh mục. Thời gian thực hiện giao dịch từ 26/11 đến 25/12, phương thức là thỏa thuận hoặc khớp lệnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT của DIG đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu trong thời gian từ 27/11 đến 26/12. Nếu giao dịch thành công, ông Tuấn nâng sở hữu từ 19,87 triệu đơn vị lên 29,87 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ nắm giữ tăng từ 6,24% lên 9,38%. Cùng thời gian, Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Chủ tịch HĐQT cũng đăng ký mua 18 triệu cổ phiếu để tăng tỷ lệ sở hữu từ 3,51% lên 9,16%.

Kết thúc phiên, VN-Index tăng 6,03 điểm (0,6%) lên 1.005,97 điểm. Toàn sàn có 203 mã tăng, 216 mã giảm và 76 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,31 điểm (0,21%) lên 148,4 điểm. Toàn sàn có 78 mã tăng, 69 mã giảm và 66 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,15%) xuống 66,5 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết (HoSE và HNX) giảm so với phiên trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 11.605 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 566 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 2.119 tỷ đồng.  ITA và TCH là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường phiên 26/11 với lần lượt 22,5 triệu cổ phiếu và 11,6 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại bán ròng đẩy mạnh bán ròng 474 tỷ đồng ở sàn HoSE. VHM, DXG và KDH là các cổ phiếu bất động sản bị khối ngoại bán ròng mạnh. Chiều ngược lại, VRE được mua ròng 13 tỷ đồng. TCH và HDG cũng lọt vào danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại với lần lượt 9,8 tỷ đồng và 9,4 tỷ đồng.

Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index tăng điểm trong phiên thứ tám liên tiếp với thanh khoản giảm nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên một chút cho thấy lực cầu mua lên tiếp tục có sự dè dặt nhất định ngay cả khi VN-Index đã vượt được ngưỡng 1.000 điểm. 

Trên biểu đồ kỹ thuật, VN-Index hiện đã tiến vào vùng kháng cự mạnh trong khoảng 1.000 - 1.030 điểm (đỉnh tháng 11/2019) và áp lực bán trong khoảng này sẽ gia tăng và khiến thị trường rung lắc mạnh, nên khả năng điều chỉnh trở lại trong thời gian tới là có thể xảy ra.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 12 tăng mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30 trong phiên hôm 26/11, qua đó nới rộng mức basis dương lên thành 6,04 điểm, cho thấy các nhà giao dịch đang lạc quan hơn với xu hướng tăng hiện tại.

SHS dự báo, VN-Index có thể sẽ diễn ra những rung lắc khi áp lực chốt lời gia tăng khi thị trường tiến vào vùng kháng cự trong khoảng 1.000 - 1.030 điểm (đỉnh tháng 11/2019). Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục có thể bán ra chốt lời khi thị trường nằm trong vùng kháng cự mạnh trong khoảng 1.000 - 1.030 điểm. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục nên đứng ngoài và quan sát thị trường trong phiên tới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top