Aa

TTCK hồi phục mạnh trong phiên 23/4, nhiều cổ phiếu bất động sản bứt phá

Thứ Bảy, 24/04/2021 - 06:00

Thị trường chứng khoán hồi phục đáng kể trở lại sau phiên bán tháo xảy ra hôm 22/4. Hàng loạt cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh và giao dịch sôi động.

Sau phiên giao dịch có phần hoảng loạn hôm 22/4, thị trường chứng khoán bước vào phiên 23/4 với sự thận trọng nhất định. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có sự phân hóa trở lại và điều này khiến các chỉ số rơi vào trạng thái rung lắc. Tuy nhiên, sắc đỏ có phần áp đảo hơn và đôi lúc khiến các chỉ số lùi khá sâu xuống dưới mốc tham chiếu. Sau những đợt rung lắc, nhà đầu tư đã nghĩ đến một phiên nữa thị trường có thể giảm sâu vào cuối phiên.

Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra. Biến động mạnh của thị trường cũng diễn ra sau giờ nghỉ trưa nhưng khác với phiên trước và đi theo chiều hướng tích cực. Lực cầu dâng lên mức rất cao và dòng tiền “ồ ạt” bắt đáy khiến nhiều cổ phiếu trụ cột bứt phá mạnh.

Trong đó, STB được kéo lên mức giá trần 22.450 đồng/cp, CTG tăng 5,5% lên 41.300 đồng/cp, VPB tăng 4,1% lên 51.000 đồng/cp. Các mã như SSI, MBB, FPT, MWG hay GVR đều tăng giá trên 3%. Hai cổ phiếu lớn trong nhóm bất động sản là VHM và VRE cũng tăng mạnh trở lại. VHM tăng 1,8% lên 105.000 đồng/cp còn VRE tăng 1,9% lên 32.800 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 23/4.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Ở hướng ngược lại, các mã như SHB, THD, BAB, SSB, VIC hay VJC đều chìm trong sắc đỏ và phần nào kìm hãm đà tăng của VN-Index cũng như gây nhiều áp lực đến HNX-Index. Trong đó, SHB giảm 2,5% xuống 27.000 đồng/cp và là nhân tố chủ chốt khiến HNX-Index đóng cửa phiên trong sắc đỏ. Bên cạnh đó, THD cũng giảm đến 5,2% xuống 185.800 đồng/cp. Ngoài THD, 2 cổ phiếu lớn trong nhóm bất động sản là VIC và NVL cũng chốt phiên trong sắc đỏ nhưng mức giảm không quá lớn.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 23/4.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sự tích cực đã quay trở lại. Các mã như NTB, PPI, STL, HTT, KDH, KBC, CCL… đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, VPH tăng 6% lên 6.150 đồng/cp, TIG tăng 5,9% lên 14.400 đồng/cp, TIP tăng 5,5% lên 46.600 đồng/cp, IDV tăng 5,1% lên 67.900 đồng/cp. FIT, TCH, HQC, HDG, CEO cũng đều tăng giá trên 3%.

ITA tăng 2,3% lên 7.700 đồng/cp. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra ngày 23/4, Chủ tịch HĐQT Đặng Thị Hoàng Yến tin rằng năm sau, ITA sẽ trở lại thời hoàng kim và trở thành một trong những cổ phiếu đóng góp tích cực vào phát triển nền kinh tế. Năm 2021, ITA đặt mục tiêu đạt doanh thu hơn 910 tỷ đồng, trong đó từ cho thuê nhà đất khoảng 747 tỷ đồng, từ cung cấp dịch vụ 150 tỷ đồng. Chỉ tiêu lãi sau thuế khoảng 237 tỷ đồng, tăng hơn 31% so với năm 2020.

DXG chỉ tăng nhẹ 0,2% lên 24.050 đồng/cp.Theo BCTC quý I/2021, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ DXG đạt hơn 531 tỷ đồng, gấp gần 8 lần cùng kỳ năm trước. Doanh thu đạt 2.954 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ.

NRC tăng 1,8% lên 22.400 đồng/cp. Theo thông tin từ cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào 23/4, quý I, công ty lỗ 23 tỷ đồng do dịch bệnh, nghỉ Tết nên hầu như không có hoạt động kinh doanh.

Ở chiều ngược lại, không nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm giá ở phiên 23/4. Các mã giảm sâu như PVR, BAX, CIG, DIH… đều thuộc diện thanh khoản rất thấp.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 20,71 điểm (1,69%) lên 1.248,53 điểm. Toàn sàn có 305 mã tăng, 115 mã giảm và 44 mã đứng giá. HNX-Index giảm 3,41 điểm (-1,19%) xuống 283,63 điểm. Toàn sàn có 136 mã tăng, 82 mã giảm và 47 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,65 điểm (0,82%) lên 80,4 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 980 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch ở mức 23.400 tỷ đồng. ITA, FLC và HQC là các cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường. Trong đó, ITA khớp lệnh 23 triệu cổ phiếu, FLC và HQC lần lượt là 18 triệu cổ phiếu và 17,5 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 23/4.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại mua ròng trở lại 350 tỷ đồng sau 6 phiên bán ròng liên tiếp, trong đó, VIC được mua ròng mạnh nhất với 111 tỷ đồng. KBC và KDH cũng là 2 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 về giá trị mua ròng với lần lượt 51,5 tỷ đồng và 49 tỷ đồng. Trong khi đó, VRE và NVL là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại với lần lượt 108,3 tỷ đồng và 34,8 tỷ đồng.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 9,82 điểm (0,8%) lên 1.248,53 điểm; HNX-Index giảm 9,48 điểm (-3,2%) xuống 283,63 điểm. Thanh khoản trên hai sàn niêm yết giảm so với tuần trước đó do chỉ có 4 phiên giao dịch nhưng trung bình phiên tiếp tục ở mức cao với khoảng gần 23.800 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên. Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 22% xuống 83.193 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 31,3% xuống 3,2 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 29,8% xuống 11.983 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 35,4% xuống 639 triệu cổ phiếu.

CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho biết, thị trường có tuần tăng điểm thứ tư liên tiếp với mức tăng nhẹ và thanh khoản tiếp tục ở mức cao cho thấy sự quan tâm lớn của nhà đầu tư đối với thị trường trong giai đoạn này. Trong tuần qua cũng chứng kiến việc VN-Index giằng co và rung lắc mạnh quanh ngưỡng 1.250 điểm. Nhưng cuối cùng thì VN-Index đã thất bại trước ngưỡng 1.250 điểm trong phiên cuối tuần sau khi đã hai lần kết phiên trên ngưỡng này trong hai phiên đầu tuần.

Một điểm đáng lưu ý nữa là độ rộng thị trường, ngoại trừ một số bluechip trong nhóm ngân hàng, công nghệ thông tin và bán lẻ nâng đỡ chỉ số thì hàng loạt các nhóm ngành khác đều bị chốt lời và giảm trong tuần qua. Trên góc độ sóng elliot, VN-Index có khả năng đã kết thúc sóng tăng 5 để chuyển sang sóng điều chỉnh a với target gần nhất là quanh ngưỡng 1.140 điểm (fibonacci retracement 50% sóng tăng 5). Do đó, trong tuần giao dịch tiếp theo, xu hướng giảm có thể chiếm ưu thế./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top