Aa

Cổ phiếu bất động sản: Một trong những nhóm biến động tiêu cực nhất thị trường tuần 18 - 22/9

Chủ Nhật, 24/09/2023 - 06:05

Cổ phiếu bất động sản có thêm một tuần giao dịch tiêu cực trước những biến động không tốt của thị trường chứng khoán nói chung.

Thị trường chứng khoán tiếp tục có biến động không tốt trong tuần giao dịch từ 18 - 22/9. Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề bởi thông tin Ngân hàng Nhà nước thông báo về việc phát hành gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày với lãi suất trúng thầu là 0,69%/năm.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (22/9), VN-Index đứng ở mức 1.193,05 điểm, tương ứng giảm 34,31 điểm (-2,8%) so với tuần trước đó. Tương tự, HNX-Index giảm 9,61 điểm (-3,8%) xuống 243,15 điểm, UPCoM-Index cũng giảm 3 điểm (-3,2%) xuống 90,76 điểm.

Thanh khoản thị trường đi xuống với tổng giá trị giao dịch bình quân ở mức 27.136 tỷ đồng/phiên, giảm 10,24% so với tuần trước. Trong đó, tổng giá trị khớp lệnh bình quân giảm 12,23% xuống mức 24.538 tỷ đồng/phiên.

Đa số các nhóm ngành cổ phiếu đều đi xuống trong tuần giao dịch vừa qua và nhóm bất động sản cũng không phải ngoại lệ, thậm chí đây còn là một trong số những nhóm có biến động xấu nhất thị trường do đa phần có yếu tố đầu cơ cao.

Thống kê 124 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường ở tuần từ 18 - 22/9 thì có đến 85 mã giảm giá trong khi chỉ có 27 mã tăng giá. Đứng đầu danh sách giảm giá của nhóm bất động sản là MA1 của CTCP Thiết bị với 22,3%. Tuy nhiên, cổ phiếu MA1 có thanh khoản rất thấp.

Tương tự, các mã có mức giảm mạnh tiếp theo đều thuộc nhóm thanh khoản rất thấp như XDH của CTCP Đầu tư Xây dưng Dân dụng Hà Nội (-14,8%), VHD của CTCP Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex (-13,7%), V11 của CTCP Xây dựng số 11 (-13,65%)…

Các mã bất động sản thanh khoản cao giảm mạnh có CEO của Tập đoàn C.E.O với mức giảm 11,8%. TDH của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức cũng giảm 9%.

20 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất nhóm bất động sản trong tuần từ 18 - 22/9.
20 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất nhóm bất động sản trong tuần từ 18 - 22/9.

NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) cũng gây chú ý khi tiếp tục giảm gần 8%. Thanh khoản của NVL giảm đến 39% so với tuần trước và đạt gần 38 triệu cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên. Thông tin về doanh nghiệp này khá đa dạng trong thời gian gần đây. HĐQT Novaland công bố Nghị quyết chấp thuận việc ký kết, chuyển giao và thực hiện thỏa thuận tái cơ cấu các khoản vay và các tài liệu giao dịch khác. Thỏa thuận tái cơ cấu khoản vay giữa công ty và các bên liên quan bao gồm: Công ty TNHH Bất động sản Đăng Khánh, CTCP The Prince Residence và các nhà đầu tư trái phiếu để thực hiện thỏa thuận hoán đổi.

Bên cạnh đó, Novaland cũng thông qua việc mua lại trái phiếu trước hạn theo cơ chế tự động theo các điều khoản và điều kiện của các tài liệu trái phiếu. Tổng giá trị trái phiếu mua lại theo mệnh giá là 2.346 tỷ đồng. Giá mua lại được xác định theo thỏa thuận giữa Novaland và các trái chủ. Trước đó, công ty cũng công bố dùng bất động sản để thanh toán các khoản gốc, lãi cho hai lô trái phiếu có tổng giá trị phát hành 2.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này mới đây cũng công bố nghị quyết Hội đồng quản trị doanh nghiệp về việc cam kết của Novaland cho khoản vay của công ty con là CTCP Địa ốc Ngân Hiệp tại MBBank. Theo đó, khoản vay có hạn mức tín dụng tối đa là 1.200 tỷ đồng và dư nợ cho vay tại mọi thời điểm tối đa 600 tỷ đồng. Mục đích khoản vay là đầu tư, xây dựng và phát triển hai dự án Khu du lịch Ngân Hiệp 1, 2 - Hồ Tràm tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngoài ra, Novaland lùi thời hạn thanh toán lô trái phiếu 650 tỷ đồng thêm 2 năm. Đây là lô trái phiếu được phát hành từ năm 2019, thời hạn 4 năm với tổng giá trị 650 tỷ đồng.

Các mã thanh khoản cao giảm mạnh còn có LDG của CTCP Đầu tư LDG (-7,72%), ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (-7,72%), DXS của CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (-6,8%)…

Ở chiều ngược lại, dù thị trường biến động tiêu cực nhưng vẫn có một số mã bất động sản đi ngược và đa phần nằm trong diện thanh khoản thấp. LSG của CTCP Bất động sản Sài Gòn VINA đứng đầu danh sách tăng giá với gần 81% chỉ sau một tuần giao dịch. Tiếp sau đó, cổ phiếu BIG của CTCP Big Invest Group cũng tăng đến gần 25%.

Nhóm khu công nghiệp ghi nhận nhiều điểm sáng, trong đó, LHG của CTCP Long Hậu tăng giá 7,3% bất chấp biến động xấu của thị trường chung. Tương tự, TIP của CTCP Phát triển Khu Công nghiệp Tín Nghĩa cũng tăng 4% hay như IDC của Tổng công ty IDICO tăng 2,7%.

Về IDC, ngày 29/9 tới đây, công ty sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 20%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu sẽ nhận về 2.000 đồng. Ngày dự kiến thanh toàn vào 13/10/2023.

20 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nhóm bất động sản trong tuần từ 18 - 22/9.
20 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nhóm bất động sản trong tuần từ 18 - 22/9.

Đối với nhóm vốn hóa lớn, trong top 10 vốn hóa chỉ có duy nhất BCM của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp có sự tăng giá ở tuần qua, dù vậy mức tăng chỉ 0,72%. Trong khi đó, các mã trụ cột với thị trường như VIC của Tập đoàn Vingroup giảm 6,7%, VHM của CTCP Vinhomes giảm 5%...

Thị trường chứng khoán cần nhiều thời gian để thị trường bình ổn trở lại

Theo CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), tuần thứ 2 điều chỉnh của VN-Index đã đánh mất ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm và trong phiên cuối tuần có lúc chạm ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật 1.175 điểm.

Nhịp điều chỉnh đang diễn ra là nhịp thứ 2 xuất hiện ở vùng cản 1.250 điểm nên sẽ cần nhiều thời gian để thị trường bình ổn trở lại và hình thành nền tảng tích lũy mới.

Xu hướng trung dài hạn của VN-Index vẫn duy trì tăng điểm, tuy nhiên cần tích lũy thêm sau các rung lắc mạnh trước khi có các diễn biến tích cực hơn trong thời gian tới.

Thị trường trong ngắn hạn đang trong nhịp điều chỉnh với biến động mạnh, động thái điều chỉnh và tạo nền có thể còn kéo dài và là cần thiết để thị trường tích lũy nội lực cho nhịp tăng tiếp theo, các nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng ở giai đoạn hiện tại và kiên nhẫn chờ thêm các tín hiệu tin cậy về nhịp hồi phục của VN-Index.

Trong khi đó, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định,  diễn biến của VN-Index trong những phiên tới phụ thuộc vào dòng tiền bắt đáy trong phiên giao dịch ngày thứ sáu vừa qua và có thể còn tiếp tục xuất hiện những phiên rung lắc, vùng 1.190 - 1.200 điểm sẽ cần kiểm tra lại trong một vài phiên tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top