Thị trường điều chỉnh trong tuần thứ hai liên tiếp với mức giảm khá mạnh và thanh khoản gia tăng. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 66,78 điểm (-5,2%) xuống 1.217,3 điểm, HNX-Index giảm 26,38 điểm (-8,6%) xuống 280,06 điểm, UPCoM-Index giảm 6,62 điểm (-7,06%) xuống 87,1 điểm. Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 6,6% so với tuần trước đó với 78.029 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 3,2% xuống 2,8 tỷ cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 16% so với tuần trước đó với 10.253 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 3,7% lên 420 triệu cổ phiếu.
Tuần từ 13 – 17/6 là thời điểm tiêu cực của hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu, trong đó, nhóm ngân hàng – chứng khoán – thép (Bank – Chứng – Thép) gây không ít phiền muộn cho nhà đầu tư khi liên tục lao dốc và tác động xấu đến thị trường chung. Bên cạnh 3 nhóm cổ phiếu nói trên, nhóm bất động sản cũng khiến không ít nhà đầu tư phải thất vọng.
Thống kê 124 mã bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán, trong tuần từ 13 – 17/6 có đến 107 mã giảm trong khi chỉ có vỏn vẹn 10 mã tăng giá. Trong danh sách các cổ phiếu bất động sản giảm giá thì có đến 32 mã giảm trên 20% và phần lớn đều có yếu tố đầu cơ cao.
Đứng đầu danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản là BII của CTCP Louis Land với 35,7% từ mức 4.200 đồng/cp xuống chỉ còn 2.700 đồng/cp. Như vậy, chỉ từ đầu tháng 6 đến nay, BII đã rơi đến hơn 56%. Bản thân nội tại của doanh nghiệp này vẫn gặp bất ổn liên quan đến mặt nhân sự chủ chốt khi không còn ai trong Hội đồng quản trị.
Đứng thứ 2 trong danh sách giảm giá là DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) với 30,1% từ 52.000 đồng/cp xuống còn 36.350 đồng/cp. DIC Group vừa có văn bản gửi Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) yêu cầu cung cấp danh sách cổ đông chốt từ ngày 31/5 đến 16/6. Lý do đưa ra là cập nhật cơ cấu cổ đông. DIC Group cam kết sẽ tuân thủ đúng các quy định về chứng khoán và thị trường chứng khoán cũng như các quy chế do VSD ban hành khi nhận được danh sách cổ đông.
LDG của CTCP Đầu tư LDG cũng giảm hơn 30% chỉ sau một tuần giao dịch. Trong tuần, LDG đã có trọn vẹn cả 5 phiên giảm sàn. Trước biến động này, doanh nghiệp cho biết vẫn hoạt động bình thường, không có biến động gì xấu ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Đồng thời, doanh nghiệp lý giải giá cổ phiếu giảm là do cung cầu của thị trường và thị hiếu của nhà đầu tư nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Vào ngày 2/6, Đầu tư LDG tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên lần 2 nhưng không đủ điều kiện tiến hành do chỉ có cổ đông đại diện cho 30,2% tổng số cổ phiếu biểu quyết tham gia. Công ty sẽ tổ chức cuộc họp lần 3 vào ngày 30/6 tới đây.
Mới đây, ông Nguyễn Khánh Hưng – Chủ tịch HĐQT đã đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 22/6 đến 21/7/2022 thông qua phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh. Trước khi giao dịch được thực hiện, ông Hưng đang nắm giữ hơn 27 triệu cổ phiếu LDG, tương ứng tỷ lệ 11,29% vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao như DRH của CTCP DRH Holdings, CKG của CTCP Xây dựng Kiên Giang, KHG của Tập đoàn Khải Hoàn Land, HDC của CTCP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu, CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín… cũng đồng loạt giảm mạnh.
Ở chiều ngược lại, THD của CTCP Thaiholdings gây bất ngờ khi đi ngược lại xu hướng của thị trường chung và tăng đến hơn 38% chỉ sau một tuần giao dịch. Theo thông báo mới đây, ông Nguyễn Đức Thụy, em trai ông Nguyễn Văn Thuyết - Chủ tịch Thaiholdings hoàn tất bán toàn bộ 87,4 triệu cổ phiếu THD tương đương 25% vốn theo phương thức thỏa thuận trong ngày 13/6. Sau giao dịch, ông không còn là cổ đông tại doanh nghiệp mà mình sáng lập.
Đứng thứ 2 trong danh sách tăng giá ở nhóm bất động sản là VHD của CTCP Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex với 25,3%. Tuy nhiên, VHD nằm trong diện thanh khoản rất thấp với khối lượng khớp lệnh trung bình mỗi phiên chưa đến 100 đơn vị.
Cổ phiếu HDG của Tập đoàn Hà Đô cũng gây chú ý khi tăng 11,6% trong bối cảnh thị trường chung biến động tiêu cực. Tuy nhiên, việc HDG tăng giá lại đi theo xu hướng của nhóm năng lượng thay vì chịu ảnh hưởng tiêu cực từ biến động của nhóm bất động sản. HDG được cho là một trong số công ty niêm yết lớn trong mảng năng lượng tái tạo. Cùng với đó, HDG đang nắm giữ 5 nhà máy thủy điện.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn, toàn bộ 10 mã đứng đầu đều giảm giá trong tuần từ 13 – 17/6. Dù vậy mức giảm của nhóm này là khiêm tốn hơn rất nhiều so với nhóm đầu cơ và đa phần đều dưới 5%. Cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất nhóm là VIC của Tập đoàn Vingroup chỉ giảm gần 1,8%.
Trong top 10 vốn hóa, KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc là mã duy nhất giảm trên 5%. Trong tuần, KBC giảm từ 45.500 đồng/cp xuống còn 42.000 đồng/cp, tương ứng mức giảm gần 7,7%. Cổ phiếu KBC giảm giá mạnh bất chấp việc đây vẫn là khoảng thời gian CTCP Đầu tư Vinatex - Tân Tạo đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu KBC từ ngày 16/6 đến 15/7 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Nếu giao dịch hoàn tất, đơn vị này sẽ nâng sở hữu từ 21 triệu cổ phần (tỷ lệ 2,7%) lên 26 triệu cổ phần (tỷ lệ 4,5%). Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, là Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Vinatex - Tân Tạo. Chủ tịch HĐQT Đầu tư Vinatex - Tân Tạo là bà Đặng Nguyễn Quỳnh Anh, con gái ông Tâm. Bà Quỳnh Anh cũng là Thành viên HĐQT Phát triển Đô thị Kinh Bắc.