Thị trường tăng điểm khá tốt trong tuần qua với thanh khoản tiếp tục ở mức cao. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 40,68 điểm (+2,8%) lên 1.493,03 điểm; HNX-Index tăng 4,66 điểm (+1%) lên 458,63 điểm; UPCoM-Index tăng 1,1 điểm (1%) lên 114,34 điểm.
Thanh khoản giảm nhẹ so với tuần trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 tuần với hơn 37.200 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn niêm yết (HoSE và HNX). Tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HoSE giảm 5% xuống 165.943 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 9% xuống 5,3 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 18,7% xuống 20.188 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 26,2% xuống 724 triệu cổ phiếu.
Tuy nhiên, giao dịch ở nhóm cổ phiếu bất động sản diễn ra không được tích cực như các tuần trước đó. Thậm chí, số mã giảm giá ở nhóm ngành này trong tuần qua đã nhỉnh hơn. Cụ thể, trong tổng số 122 mã bất động sản đang giao dịch trên toàn thị trường chứng khoán, có đến 71 mã giảm trong khi chỉ có 46 mã tăng giá.
Đứng đầu danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản là API của CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương với 18,4%. Trong tuần, API chỉ có duy nhất một phiên tăng giá, trong khi cả 4 phiên còn lại đều giảm trên 3%. Theo báo cáo mới đây, API đã bán xong toàn bộ 1 triệu cổ phiếu quỹ đăng ký bán trước đó. Giao dịch thực hiện từ 2/11 đến 19/11/2021 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Đây cũng là toàn bộ số cổ phiếu quỹ mà API đang sở hữu. Giá bán bình quân 98.900 đồng/cổ phiếu, thu về 98,9 tỷ đồng.
HĐQT doanh nghiệp này vừa thông qua Nghị quyết về việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu. Cụ thể, API sẽ phát hành gần 11 triệu cổ phiếu thưởng, tương đương với tỷ lệ 30%. Tỷ lệ thực hiện quyền là 100:30, đồng nghĩa với việc cổ đông cứ sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận về 3 cổ phiếu mới.
Cổ phiếu IDJ của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam cũng giảm 16,2% bất chấp những thông tin tích cực về kết quả kinh doanh mới được doanh nghiệp này công bố. Trong tháng 10/2021, công ty ghi nhận doanh thu đạt 66,2 tỷ đồng, tăng gấp 4,14 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế trong tháng 10 đạt 23 tỷ đồng, tăng gấp 3,83 lần so với năm trước. Sau 10 tháng đầu năm, IDJ ghi nhận doanh thu 749 tỷ đồng. Lãi trước thuế đạt 196 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm 2020. Năm 2021, IDJ đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.067 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 281 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, công ty đã hoàn thành 70% kế hoạch doanh thu và 69% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Bên cạnh đó, hàng loạt các cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao cũng giảm giá ở tuần qua gồm HQC của CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân, HAR của CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền, IDC của Tổng công ty IDICO…
Ở hướng ngược lại, tuy số mã bất động sản tăng có phần ít đi nhưng biên độ tăng của nhiều cổ phiếu vẫn rất lớn. HIZ của CTCP Khu công nghiệp Hố Nai tăng giá lên đến 78,8% chỉ sau một tuần giao dịch. Dù vậy, HIZ tăng với thanh khoản duy trì ở mức rất thấp với việc khớp lệnh chỉ vài trăm đơn vị mỗi phiên.
Tiếp sau đó, cổ phiếu VHD của CTCP Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex cũng tăng 72,8% trong tuần từ 22 - 26/11. VHD tăng trong bối cảnh không có thông tin hỗ trợ, thanh khoản của cổ phiếu này có cải thiện hơn tuần trước đó, với khối lượng khớp lệnh bình quân lên hơn gấp đôi và ở mức trên 92.000 đơn vị/phiên.
Cổ phiếu CEO của Tập đoàn C.E.O tiếp tục bứt phá và tăng đến gần 35%. Trong tuần, CEO có phiên giảm mạnh cùng thị trường chung hôm thứ hai, nhưng sau đó, cổ phiếu này nhanh chóng hồi phục và tăng ở cả 4 phiên còn lại (3 phiên tăng trần). Hiện CEO vẫn đang ở mức cao nhất lịch sử là 42.500 đồng/cp.
Cổ phiếu HDG của Tập đoàn Hà Đô cũng có mức tăng giá tốt với 12,3%. Các cổ phiếu như DXG của Tập đoàn Đất Xanh, CKG của Tập đoàn Tư vấn Đầu tư & Xây dựng Kiên Giang, HPX của CTCP Đầu tư Hải Phát… cũng đồng loạt tăng giá tốt.
Đối với CKG, cổ phiếu này tăng 7,4% trong tuần qua lên mức cao nhất lịch sử là 37.600 đồng/cp. Mới đây, bà Nguyễn Thị Hoa Lệ - Thành viên HĐQT CKG đã hoàn tất bán ra 1 triệu cổ phiếu CKG, qua đó giảm sở hữu xuống còn 1,33% vốn, tương ứng hơn 1 triệu cổ phần. Ông Nguyễn Thành Hiếu - chồng bà Trần Thị Ngọc Hạnh, Phó Tổng Giám đốc CKG cũng đã thành công bán ra 150.000 cổ phiếu CKG.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn, bộ đôi cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup và VHM của CTCP Vinhomes tăng lần lượt 3,5% và 3,9%, đây cũng là 2 nhân tố quan trọng góp phần đáng kể giúp nâng đỡ cho VN-Index ở một phiên giao dịch gần đây.
Bên cạnh đó, NVL của CTCP Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) còn tăng đến 8,3%. Doanh nghiệp này mới đây thông qua quyết định HĐQT về việc thay đổi phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu đợt II/2021 và phương án phát hành để trả cổ tức. Trong đó, công ty dự kiến phát hành gần 457 triệu cổ phiếu, tương đương 31% số cổ phần đang lưu hành. Tỷ lệ thực hiện quyền 100:31, thời gian thực hiện trong năm 2021 sau khi được UBCKNN chấp thuận. Dự kiến, tổng vốn NVL sẽ tăng lên hơn 19.304 tỷ đồng.
Trong khi đó, BCM của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp giao dịch tiêu cực nhất nhóm vốn hóa lớn ngành bất động sản khi giảm 5,3%. Doanh nghiệp này vừa thông qua việc chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền chi trả cổ tức bằng tiền đợt 2/2020. Tỷ lệ thực hiện là 4%/cổ phiếu, tương đương mỗi cổ phiếu nhận 6.400 đồng. Như vậy với 1,04 tỷ cổ phiếu đang niêm yết, công ty dự chi khoảng 414 tỷ đồng để chi trả cổ tức cho cổ đông đợt này. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 13/12 và ngày thanh toán dự kiến là 30/12/2021.
Ngày 25/11, BCM đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, trong đó, cổ đông đã nhất trí bỏ phiếu thông qua việc không thực hiện tiếp phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 10.350 tỷ đồng lên 20.000 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ./.