Aa

Cổ phiếu BĐS giao dịch sôi động trong phiên 7/1, NVL tăng trần

Thứ Sáu, 08/01/2021 - 06:10

Thị trường chứng khoán tiếp tục đi lên không ngừng nghỉ, trong đó, hàng loạt cổ phiếu bất động sản vẫn đua nhau tăng giá mạnh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên 7/1 vẫn chưa cho thấy sự yếu đi. Ngay từ đầu phiên giao dịch, sắc xanh đã bao trùm lên nhiều cổ phiếu ngân hàng, và điều này giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Chỉ số chính VN-Index duy trì trên mốc tham chiếu xuyên suốt thời gian của phiên giao dịch.

Các mã như SHB, HDB, TCB, CTG, STB, MBB... đều đồng loạt tăng giá mạnh và là nhóm cổ phiếu có đóng góp quan trọng nhất trong việc giữ vững sắc xanh của các chỉ số. Trong đó, SHB tăng 7,9% lên 19.200 đồng/cp, HDB tăng 4,5% lên 26.800 đồng/cp, TCB tăng 4,2% lên 34.600 đồng/cp, CTG tăng 2,6% lên 38.850 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn khác như KDC, PVD, MSN, GAS... cũng tăng giá tốt và cùng với nhóm ngân hàng giúp củng cố vững đà tăng của các chỉ số.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, 2 mã có vốn hóa lớn là VRE và NVL đều tăng giá rất mạnh. Trong đó, VRE tăng 2,1% lên 33.900 đồng/cp và khớp lệnh 8,9 triệu đơn vị. NVL gây bất ngờ khi được kéo lên mức giá trần và giao dịch bùng nổ với 8,7 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. 

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Tương tự như các phiên trước, hàng loạt cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ tiếp tục được kéo lên mức giá trần, trong đó có các mã thanh khoản rất cao như BII, LDG, FIT, ASM... Ngoài ra, rất nhiều cổ phiếu bất động sản khác cũng tăng giá tốt như HPX tăng 6,5% lên 31.750 đồng/cp, NLG tăng 4,9% lên 33.400 đồng/cp, OGC tăng 4,1% lên 9.350 đồng/cp, HQC tăng 3,5% lên 2.070 đồng/cp, KBC tăng trở lại 3,1% lên 27.000 đồng/cp.

Ở chiều ngược lại, TDH có phiên giảm thứ 2 liên tiếp sau khi được “giải cứu” hôm 5/1 với 2,3% xuống còn 9.550 đồng/cp. DRH giảm 1,7% xuống 11.900 đồng/cp.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 13,28 điểm (1,16%) lên 1.156,49 điểm. Toàn sàn có 302 mã tăng, 142 mã giảm và 53 mã đứng giá. HNX-Index tăng 4,55 điểm (2,15%) lên 216,23 điểm. Toàn sàn có 132 mã tăng, 70 mã giảm và 54 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,56 điểm (0,75%) lên 75,38 điểm.

Các cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất. Nguồn: Fialda.

Thanh khoản trên 2 sàn niêm yết xấp xỉ so với phiên trước đó và cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 19.811 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 933 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 2.246 tỷ đồng. Phiên 7/1 có 3 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường là ITA, LDG và HQC. Trong đó, ITA khớp lệnh 19,8 triệu cổ phiếu, LDG và HQC khớp lệnh lần lượt 19,3 triệu cổ phiếu và 15,9 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại bán ròng trên cả 3 sàn giao dịch với giá trị 344 tỷ đồng, trong đó, VHM là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 mã bị khối ngoại bán ròng. Chiều ngược lại, VRE đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại với 83 tỷ đồng. NVL cũng là một cổ phiếu bất động sản khác nằm trong top 10 về giá trị mua ròng với 46 tỷ đồng.

Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường chứng khoán đang trong trạng thái hưng phấn tột độ. Nhà đầu tư đua nhau mua cổ phiếu khiến hệ thống giao dịch tiếp tục bị nghẽn trong phiên 7/1, nếu không thì thanh khoản có thể lập kỷ lục mới.

Sau khi vượt qua được ngưỡng 1.130 điểm (đỉnh tháng 2/2018) thì trên khía cạnh kỹ thuật, ngưỡng kháng cự cần chú ý tiếp theo sẽ là quanh ngưỡng 1.187 điểm (đỉnh tháng 3/2018). Tính đến thời điểm hiện tại thì gần như có thể khẳng định VN-Index đã lập kỷ lục mới về số tuần tăng liên tiếp trong giai đoạn từ 2007 đến nay với 10 tuần và mức tăng 25% kể từ ngưỡng 925 điểm cho thấy tâm lý rất hưng phấn của nhà đầu tư với việc cứ mua là thắng. Và với việc hệ thống giao dịch thường xuyên bị nghẽn về phiên chiều thì thật khó có thể đoán được đà tăng bao giờ sẽ chấm dứt.

SHS cho rằng, với việc các đợt bán chốt lời xảy ra ngày càng thường xuyên hơn thì cần có một nhịp điều chỉnh để xu hướng tăng bền vững hơn, còn cứ tăng tiếp với đà tăng như hiện tại thì sẽ rủi ro điều chỉnh mạnh. Nhà đầu tư nên tiếp tục cơ cấu danh mục theo hướng bán các cổ phiếu có dấu hiệu thoái trào, có thể giữ lại để bán với giá cao hơn với các cổ phiếu đang có đà tăng tốt hoặc chốt lãi các cổ phiếu đã tới vùng giá mục tiêu nhằm bảo vệ lợi nhuận đã đạt được và chờ đợi thị trường điều chỉnh về các vùng giá hấp dẫn hơn để tham gia trở lại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top