Aa

Cổ phiếu BĐS giao dịch tích cực trong tuần 28/2 - 4/3, các mã thanh khoản thấp biến động mạnh

Chủ Nhật, 06/03/2022 - 06:00

Sau một vài tuần giao dịch có phần không tốt, các cổ phiếu bất động sản có biến động tích cực trở lại trong tuần từ 28/2-4/3. Tuy nhiên, nhóm thanh khoản thấp lại có biến động mạnh ở khoảng thời gian kể trên.

Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine tiếp tục là tâm điểm của thị trường trong tuần qua. Phần lớn các thị trường tài chính đều tăng hoặc giảm nhẹ và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (4/3), VN-Index đứng ở mức 1.505,33 điểm, tương ứng tăng 6,44 điểm (0,43%) so với tuần trước đó. HNX-Index tăng 10,43 điểm (2,37%) lên 450,59 điểm. UPCoM-Index tăng 0,63 điểm (0,56%) lên 113,29 điểm.

Thanh khoản khớp lệnh xấp xỉ so với tuần trước đó và đã là tuần thứ 6 liên tiếp thấp hơn mức trung bình cho thấy nhà đầu tư vẫn đang có sự thận trọng nhất định.

Bên cạnh sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản, nhóm bất động sản cũng có một tuần giao dịch tích cực sau chuỗi ngày tích lũy. Thống kê 123 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong tuần từ 28/2 đến 4/3 có đến 77 mã tăng giá trong khi chỉ có 36 mã giảm giá.

Cổ phiếu FDC của CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP HCM là mã tăng giá mạnh nhất trong nhóm bất động sản với 22,8% từ mức 20.600 đồng/cp lên 25.300 đồng/cp. Mới đây, ông Nguyễn Thế Tiến, Thư ký Hội đồng quản trị doanh nghiệp này thông báo đã bán hết toàn bộ gần 1,4 triệu cổ phiếu FDC (tỷ lệ 3,5%). Giao dịch thực hiện từ 23/2 đến 28/2 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Mục đích bán được thông báo trước đó là để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Động thái bán ra cổ phiếu FDC của ông Tiến diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu này có mức tăng rất mạnh. Kể từ đầu năm 2022 đến phiên 28/2, FDC đã tăng hơn 54%.

20 cổ phiếu bất động sản tăng mạnh nhất tuần 28/2-4/3
20 cổ phiếu bất động sản tăng mạnh nhất tuần 28/2-4/3

Đứng thứ 2 trong danh sách tăng giá ở nhóm bất động sản là CLG của CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà đất COTEC với 15,8%. Trong tuần, CLG chỉ có một phiên giao dịch vào thứ sáu vì vẫn nằm trong diện bị hạn chế giao dịch trên UPCoM do âm vốn chủ sở hữu căn cứ theo BCTC năm 2020 hợp nhất đã kiểm toán và tổ chức từ chối đưa ra ý kiến.

Cổ phiếu HPI của CTCP Khu công nghiệp Hiệp Phước cũng tăng 13,3% chỉ sau một tuần giao dịch. Tương tự như FDC, cổ phiếu HPI cũng chỉ được giao dịch duy nhất một phiên giao dịch trong tuần vào thứ sáu do vẫn nằm trong diện hạn chế giao dịch tại UPCoM.

Trong danh sách tăng giá mạnh ở nhóm bất động sản có khá nhiều mã thanh khoản cao như BII của CTCP Louis Land (11,3%), PTL của CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (9,9%), DIG của CTCP Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (9,2%)…

Đối với DIG, doanh nghiệp này mới đây đã ký kết thoả thuận hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội. Việc hợp tác sẽ tạo tiền đề để VNU tư vấn phát triển hệ thống trường học tại các dự án do DIG này làm chủ đầu tư. Theo thoả thuận hợp tác được ký kết, hai bên sẽ hợp tác trong 3 lĩnh vực: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Nghiên cứu khoa học, tư vấn và chuyển giao công nghệ; Phát triển hệ sinh thái đô thị và đảm bảo an sinh xã hội.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VRC của CTCP Bất động sản và Đầu tư VRC giảm mạnh nhất nhóm bất động sản với 17,8%. Hiện trên thị trường không xuất hiện những thông tin tiêu cực đến cổ phiếu này.

Đứng thứ 2 trong danh sách giảm giá là DLR của CTCP Địa ốc Đà Lạt với 14,8%. DLR có thanh khoản rất thấp và chỉ giao dịch trong phiên thứ sáu do nằm trong diện bị hạn chế giao dịch ở UPCoM.

20 cổ phiếu bất động sản giảm mạnh nhất tuần 28/2-4/3
20 cổ phiếu bất động sản giảm mạnh nhất tuần 28/2-4/3

Tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, VIC của Tập đoàn Vingroup giao dịch không còn quá tiêu cực như các tuần trước đó khi chỉ giảm nhẹ 0,13%. Cả hai cổ phiếu cùng “họ Vin” là VHM của CTCP Vinhomes và VRE của CTCP Vincom Retail cũng giảm nhẹ lần lượt 0,5% và 0,7%. BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp giảm mạnh nhất trong top 10 vốn hóa nhóm bất động sản với 3,9%.

Bên cạnh DIG, các cái tên khác như NVL của CTCP Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland), THD của Thaiholdings, PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt, SSH của CTCP Phát triển Sunshine Homes và KDH của CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền đều có được mức tăng điểm nhẹ.

Mới đây, một quỹ ETF mới thành lập và đã giải ngân vào thị trường Việt Nam là The Global X MSCI Vietnam ETF (VNAM ETF). VNAM ETF được thành lập vào 7/12/2021, quỹ sử dụng chỉ số tham chiếu là MSCI Vietnam IMI Select 25/50 Index với danh mục gồm 57 cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong cơ cấu danh mục VNAM ETF, ngành bất động sản đang đứng đầu danh mục với tỷ trọng 34,32%, tiếp sau đó là ngành tài chính, tiêu dùng và tài nguyên ở mức lần lượt là 18,06%, 16,98% và 14,53%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top