Aa

Cổ phiếu BĐS lao dốc trở lại trong phiên 23/7, KHG tiếp tục giảm sàn

Thứ Bảy, 24/07/2021 - 06:00

Thị trường chứng khoán lao dốc trở lại ở phiên 23/7 với sắc đỏ bao trùm đa số các nhóm ngành cổ phiếu. Nhiều cổ phiếu bất động sản cũng giảm mạnh trước áp lực từ thị trường chung.

Sau phiên giao dịch có phần hưng phấn ở phiên 22/7, thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 23/7 biến động theo chiều hướng tiêu cực. Ngay từ đầu phiên, các chỉ số đã bị kéo xuống dưới mốc tham chiếu. Dù lực cầu có lúc tăng trở lại và giúp các chỉ số hồi phục, nhưng đà hồi phục chỉ diễn ra trong chốc lát. Giao dịch của các chỉ số ở phiên sáng là biến động hẹp ở dưới mốc tham chiếu.

Tương tự như những phiên trước, thị trường có biến động mạnh vào phiên chiều. Tuy nhiên khác với phiên trước là thị trường đi theo chiều hướng tiêu cực trở lại. Áp lực bán tăng vọt khiến đà giảm của các chỉ số bị nới rộng lên đáng kể. Dù có một vài thời điểm lực cầu xuất hiện nhưng ngay sau đó lực bán lại dâng cao và xóa đi toàn bộ những nỗ lực hồi phục này.

Áp lực trở nên mạnh hơn khi vào phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa (ATC). Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn lao dốc và đẩy cả VN-Index cùng HNX-Index đóng cửa ở mức thấp nhất phiên.

Biến động các nhóm ngành cổ phiếu phiên 23/7.
Biến động các nhóm ngành cổ phiếu phiên 23/7 (Nguồn: Vietstock).

Các cổ phiếu lớn như PVD, VPB, VIB, VCB, MSN, ACB, SSI, TCB, CTG... đều đồng loạt giảm sâu. Trong đó, PVD mất 3,9%, VPB giảm 3,8%, VIB giảm 3,6%, VCB giảm 3,3%, MSN giảm 3,2%, ACB giảm 3,2%.

Ở chiều ngược lại, STB, FPT hay VNM là số ít những cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá và góp phần tạo đôi chút lực đỡ đến VN-Index. Trong đó, STB tăng 2,5% lên 28.700 đồng/cp. STB ở đầu phiên tăng rất mạnh và có lúc được kéo lên mức giá trần nhưng sau đó, trước áp lực bán quá mạnh của thị trường chung, cổ phiếu này cũng thu hẹp đà tăng.

Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, diễn biến cũng đi theo thị trường chung khi sắc đỏ bao trùm. Các mã trụ cột trong nhóm này như VIC, VHM, VRE, NVL hay PDR đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, VIC giảm 2,1%, VHM giảm 3,1%, VRE giảm 4,3%, NVL giảm 1,8% còn PDR giảm 1,7%.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ cũng đồng loạt lao dốc. KHG có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp xuống còn 19.100 đồng/cp. Các mã như TIX, STL hay CLG cũng đều giảm sàn. Bên cạnh đó, DXG giảm đến 5,7%, BII giảm 5,5%, DXS giảm 5,3%, FLC giảm 3,6%, KBC giảm 3%...

Trong khi đó, một số cổ phiếu bất động sản vẫn đi ngược dòng thị trường chung và bứt phá mạnh. Những cái tên như NTP, PPI hay PIV đều được kéo lên mức giá trần. BVL tăng 3,9%, NDN tăng 2,2%, SJS tăng 1,8%. Hai mã vốn hóa lớn là BCM và THD cũng giữ được sắc xanh ở phiên này. Trong đó, BCM tăng 0,4% lên 41.650 đồng/cp, còn THD tăng nhẹ 100 đồng lên 205.900 đồng/cp.

NBB đứng giá tham chiếu bất chấp kết quả kinh doanh quý II là tích cực. Theo đó, doanh thu của doanh nghiệp này trong quý II tăng 37% lên 390,6 tỷ đồng, trong đó doanh thu chuyển nhượng bất động sản hơn 383 tỷ đồng, còn lại là doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt 177,3 tỷ đồng, tăng 89% so với quý II/2020. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty bất động sản đạt 553 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 28% so với cùng kỳ. Nhờ doanh thu tài chính đột biến nên lãi sau thuế tăng 112% lên 209 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 24,84 điểm (-1,92%) xuống 1.268,83 điểm. Toàn sàn có 97 mã tăng, 282 mã giảm và 38 mã đứng giá. HNX-Index giảm 4,08 điểm (-1,33%) xuống 301,89 điểm. Toàn sàn có 39 mã tăng, 100 mã giảm và 229 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 1,2 điểm (1-1,4%) xuống 84,27 điểm.

Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên trước với tổng giá trị khớp lệnh chiếm 20.800 tỷ đồng, tăng 18%.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 180 tỷ đồng trong phiên 23/7, trong đó, VIC vẫn bị bán ròng mạnh với 195 tỷ đồng và phần lớn đến từ giao dịch thỏa thuận. Bên cạnh VIC, các mã bất động sản gồm KDH, KBC và VHM đều nằm trong top bán ròng mạnh của khối ngoại. Chiều ngược lại, các cổ phiếu bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh có NLG và DXS với lần lượt 32 tỷ đồng và 6,9 tỷ đồng.

Như vậy, thị trường giảm điểm trong tuần thứ ba liên tiếp với thanh khoản tiếp tục suy giảm. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 30,48 điểm (-2,3%) xuống 1.268,83 điểm; HNX-Index giảm 5,99 điểm (-1,9%) xuống 301,77 điểm. Thanh khoản trên hai sàn niêm yết giảm so với tuần trước đó và tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 tuần với trung bình khoảng 20.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 5,2% xuống 91.540 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 4% xuống 2.858 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 18,9% xuống 11.200 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 22,1% xuống 498 triệu cổ phiếu.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index giảm điểm trong tuần thứ hai liên tiếp với thanh khoản suy giảm so với tuần trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 tuần cho thấy áp lực bán ra trong tuần qua tiếp tục suy giảm. Khối ngoại bán ròng với khoảng 2.200 tỷ đồng trên hai sàn càng làm cho giao dịch trở nên tiêu cực hơn.

Trên góc nhìn kỹ thuật, với việc kết tuần trên ngưỡng hỗ trợ 1.260 điểm thì VN-Index vẫn còn khả năng hồi phục trong tuần tiếp theo để hướng đến vùng quanh 1.300 điểm. Tuy nhiên, khả năng thị trường rung lắc trong phiên đầu tuần là có thể xảy ra. Theo đó, trong tuần giao dịch tiếp theo 27/7 - 31/7, thị trường có khả năng sẽ hồi phục trở lại với target là vùng kháng cự trong khoảng 1.300 - 1.325 điểm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top