Aa

VN-Index vượt 1.300 điểm trong phiên 25/5, cổ phiếu BĐS phân hóa trở lại

Thứ Tư, 26/05/2021 - 06:00

Nhiều cổ phiếu trụ cột vẫn hút dòng tiền và giúp VN-Index vượt 1.300 điểm. Trong khi đó, dòng tiền vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ có phần yếu hơn phiên trước.

Phiên giao dịch ngày 25/5 tiếp tục đánh dấu mốc quan trọng với thị trường chứng khoán Việt Nam. VN-Index vượt qua ngưỡng 1.300 điểm và tiếp tục vươn lên mức cao mới trong lịch sử.

Thị trường khởi động có phần chậm chạp khi nhóm cổ phiếu lớn có sự phân hóa mạnh và điều này khiến các chỉ số rung lắc giằng co. Tuy nhiên, trạng thái này không duy trì được lâu, lực cầu ngay sau đó dâng cao đã giúp kéo nhiều cổ phiếu lớn tăng mạnh, từ đó các chỉ số cũng được kéo mạnh lên trên mốc tham chiếu. VN-Index nhanh chóng vượt qua được mốc 1.300 điểm.

Tuy nhiên, đà tăng của các chỉ số trong phiên sáng vẫn còn bị thử thách khi có thời điểm tiếp tục chịu áp lực từ nhiều cổ phiếu lớn. Đà tăng của VN-Index chỉ thực sự mạnh trong khoảng sau của phiên sáng trở đi. Lực cầu duy trì tốt ở nhiều cổ phiếu trụ cột đã củng cố vững sắc xanh của các chỉ số.

Trong đó, các mã như TPB, KDC, PVS, HPG, MBB, SSI, SAB, VCB, PVD... đều đồng loạt tăng giá mạnh. TPB tăng đến 5,2% lên 35.100 đồng/cp, KDC tăng 3,8% lên 56.800 đồng/cp, PVS tăng 3,7% lên 22.700 đồng/cp, MBB tăng 3% lên 35.800 đồng/cp.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngành thép “nổi sóng” trở lại sau một vài phiên nghỉ ngơi. HSG tăng 5,8% lên 40.200 đồng/cp, HPG tăng 3,1% lên 67.400 đồng/cp...

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 25/5.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Dù vậy, áp lực trên thị trường là vẫn còn và đến từ các cổ phiếu lớn khác như VHM, VNM, HVN, MSB, GVR, VJC... Tuy nhiên, mức giảm của các cổ phiếu này đa phần là khiêm tốn nên không tác động quá xấu đến diễn biến thị trường chung. Trong đó, VHM giảm 1,3% xuống 104.600 đồng/cp.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, ngoài VHM, các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VRE, NVL hay THD đều kết phiên trong sắc xanh. VRE tăng mạnh nhất nhóm này với 1,1% lên 31.200 đồng/cp, VIC tăng nhẹ 0,2% lên 122.300 đồng/cp, THD tăng 0,4% lên 196.600 đồng/cp và NVL cũng tăng chỉ 0,4% lên 135.500 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 25/5.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Tưởng chừng như dòng tiền sẽ hướng đến nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sau phiên giao dịch bùng nổ hôm 24/5, tuy nhiên sự phân hóa đã quay trở lại với nhóm cổ phiếu này, trong đó nhóm bất động sản cũng không nằm ngoài xu thế.

Sự phân hóa diễn ra mạnh hơn ở nhóm bất động sản với khá nhiều cổ phiếu thanh khoản cao chìm trong sắc đỏ như TDH, NDN, DXG, KBC, CEO, CRE, ITA... Chốt phiên, TDH tiếp tục giảm 4,1% xuống 7.040 đồng/cp. DXG giảm 2,7% xuống 7.680 đồng/cp. DIG giảm 1,8% xuống 29.550 đồng/cp. Mới đây, bà Lê Thị Hà Thành, vợ của ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Thời gian giao dịch dự kiến từ 28/5 đến 27/6.

Chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao khác lại đồng loạt tăng giá mạnh, trong đó, FIT được kéo lên mức giá trần 12.600 đồng/cp. Bên cạnh đó, HDC tăng 6,3% lên 48.900 đồng/cp, ASM tăng 3,8% lên 13.650 đồng/cp, CII tăng 3,2% lên 20.800 đồng/cp, NLG tăng 1,6% lên 38.600 đồng/cp.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 10,6 điểm (0,82%) lên 1.308,58 điểm. Toàn sàn có 212 mã tăng, 193 mã giảm và 60 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,26 điểm (0,42%) lên 301,59 điểm. Toàn sàn có 99 mã tăng, 116 mã giảm và 60 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,28 điểm (0,34%) lên 82,91 điểm.

Khối lượng khớp lệnh trên hai sàn niêm yết HoSE và HNX suy giảm so với phiên trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên với 756 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh đạt 21.995 tỷ đồng. Bộ đôi cổ phiếu bất động sản là AMD và FLC nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với lần lượt 19 triệu cổ phiếu và 17,4 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 25/5.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại bán ròng không còn quá mạnh như các phiên trước và chỉ còn khoảng 85 tỷ đồng. VIC đứng thứ 2 về giá trị bán ròng của khối ngoại phiên 25/5 với 83 tỷ đồng. DXG, CII và NVL cũng là các cổ phiếu bất động sản nằm trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại. Trong khi đó, VRE và SZC là 2 mã bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh với lần lượt 23 tỷ đồng và 16 tỷ đồng.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index tăng điểm phiên thứ năm liên tiếp và hiện kết phiên ở ngay dưới ngưỡng 1.310 điểm. Thanh khoản có sự suy giảm và thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy nhà đầu tư có sự thận trọng hơn ở vùng giá cao hiện tại nên không giải ngân mạnh như các phiên trước đó nữa.

Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn đang nằm trong sóng tăng 5 với target của đợt tăng này là trong khoảng 1.320 - 1.325 điểm (fibonacci retracement 161,8% sóng điều chỉnh 4) nên xác suất để thị trường tăng điểm trong phiên tới được đánh giá cao hơn. Theo đó, trong phiên giao dịch 26/5, thị trường có thể sẽ tiếp tục tăng điểm để hoàn thành sóng tăng 5./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top