Đầu tuần giao dịch 22 - 26/1, VN-Index tiếp tục duy trì được tâm lý tích cực từ tuần trước, nhưng sau đó chịu áp lực điều chỉnh. Dù vậy, VN-Index phục hồi tốt trở lại ở vùng giá 1.165 điểm và tăng điểm trong phiên cuối tuần với thanh khoản gia tăng trở lại. Kết tuần, VN-Index đứng ở mức 1.175,67 điểm, giảm 5,83 điểm (-0,49%) so với tuần trước. HNX-Index kết tuần ở mức 229,43 điểm, cũng giảm nhẹ 0,05 điểm (-0,02%). Trong khi đó, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,24 điểm (0,27%) lên 87,7 điểm.
Thanh khoản trên thị trường duy trì ở mức thấp. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 16.400 tỷ đồng/phiên, tăng 3,6% so với tuần trước, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân giảm 2,8% xuống còn 14.095 tỷ đồng/phiên.
Thị trường đón nhận nhiều thông tin trong tuần. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản quyết định tiếp tục duy trì lãi suất âm, cam kết sẽ định hướng lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất 10 năm ở mức 0%. Bên cạnh đó, trong cuộc họp báo ngày 24/1, Thống đốc NHTW Trung Quốc cho biết động thái hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ ngày 5/2 sẽ bơm thêm 1 ngàn tỷ Nhân dân tệ (139 tỷ USD) thanh khoản dài hạn vào thị trường. Còn GDP của nền kinh tế số 1 thế giới - Mỹ tăng 3,3% trong quý IV/2023, dựa trên dữ liệu được điều chỉnh theo mùa và theo lạm phát. Cùng với đó, kết quả kinh doanh quý IV/2023 của hàng loạt doanh nghiệp được công bố.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa diễn ra rất mạnh. Ở chiều tăng giá, đa phần các mã đứng đầu đều có thanh khoản thấp. V21 của CTCP VINACONEX 21 tăng mạnh nhất nhóm bất động sản với hơn 24%. V21 tăng giá bất chấp thông tin kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa. Theo đó, quý IV/2023, doanh nghiệp này lãi chỉ gần 670 triệu đồng trong khi cùng kỳ lãi sau thuế gần 2,9 tỷ đồng.
Trong danh sách tăng giá mạnh ở nhóm bất động sản, NTL của CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm gây chú ý khi tăng hơn 6%. Doanh nghiệp này công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023 với kết quả tích cực, trong đó, lãi sau thuế đạt 363 tỷ đồng, gấp 279 lần so với quý IV/2022. Công ty cho biết lợi nhuận quý IV/2023 tăng so với cùng kỳ là do dự án khu đô thị Bãi Muối, phường Cao Thắng, Hà Khánh, Hà Lầm, TP. Hạ Long đã đủ điều kiện bán hàng. Công ty ghi nhận doanh thu một phần đã bán thu đủ tiền của dự án Bãi Muối Quảng Ninh. Lũy kế năm 2023, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này lần lượt đạt 914 tỷ và 367 tỷ đồng, tăng 134% và 244% so với năm 2022. Công ty đã hoàn thành 131% kế hoạch doanh thu và 153% kế hoạch lợi nhuận cho năm 2023.
Các mã thanh khoản tốt như LDG của CTCP Đầu tư LDG, PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt... đều tăng giá trong tuần giao dịch vừa qua.
20 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nhóm bất động sản trong tuần 22 - 26/1.
Nhóm khu công nghiệp cũng có một tuần giao dịch tích cực. SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG tăng mạnh nhất nhóm này với 10,9%. TIX của CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Dịch vụ và Đầu tư Tân Bình và TIP của CTCP Phát triển Khu Công nghiệp Tín Nghĩa tăng lần lượt 7,6% và 5,9%... Trong nhóm khu công nghiệp, KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc có biến động tiêu cực nhất khi giảm gần 4,3%.
Quay trở lại với nhóm bất động sản nói chung, FIR của CTCP Địa ốc First Real giảm giá mạnh nhất với 11,7%. Giá cổ phiếu FIR liên tục lao dốc sau sự việc thao túng cổ phiếu. Mới đây, ông Nguyễn Hào Hiệp, cổ đông lớn của FIR đã bán ra hơn 1,12 triệu cổ phiếu trong ngày 19/1. Qua đó, giảm sở hữu tại FIR xuống còn hơn 2,79 triệu cổ phiếu FIR, tỷ lệ 4,35% và không còn là cổ đông lớn của FIR.
Không có quá nhiều cái tên đáng chú ý trong danh sách giảm mạnh ở nhóm bất động sản. Một số mã vốn hóa lớn hoặc thanh khoản cao ở nhóm bất động sản giảm giá nhưng mức giảm thấp. VHM của CTCP Vinhomes chỉ giảm 2,4%, VIC của Tập đoàn Vingroup giảm 1,15%...
20 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất nhóm bất động sản trong tuần 22 - 26/1.
Thị trường chứng khoán tuần tới sẽ ra sao?
Theo CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), trong ngắn hạn, VN-Index đang trong nhịp tăng và phát tín hiệu kết thúc điều chỉnh test nền tích lũy trước đó, đồng thời có thể kỳ vọng chỉ số sẽ tiếp tục tăng điểm trong các phiên tới với ngưỡng kháng cự tâm lý gần nhất là vùng 1.200 điểm. Về trung hạn, VN-Index đang vận động trong khu vực cân bằng để hình thành nền tích lũy mới, thị trường được kỳ vọng sẽ hình thành nền tích lũy trong biên độ 1.150 - 1.250 điểm.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường có khởi sắc nhẹ ở phiên thứ Sáu sau 3 phiên điều chỉnh liên tục. Thanh khoản vẫn ở mức thấp với biên dao động giá khá hẹp, cho thấy dòng tiền có động thái nâng đỡ nhưng vẫn còn thận trọng và thăm dò nguồn cung. Tuy nhiên, tín hiệu tăng điểm hiện tại cho thấy vùng 1.170 điểm vẫn đang là vùng hỗ trợ khá tốt cho thị trường. Dự kiến thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ và dần hồi phục trong thời gian tới.
Trong khi đó, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng VN-Index nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục chịu áp lực rung lắc sau đó khi tiếp cận lại vùng cản cũ tại quanh 1185 (+-10)./.