Aa

Cổ phiếu BĐS thanh khoản cao đồng loạt bứt phá ở phiên 13/7

Thứ Tư, 14/07/2021 - 06:08

Thị trường chứng khoán hồi phục nhẹ trong phiên 13/7 khi lực cầu dâng cao ở cuối giờ giao dịch. Nhiều cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ thanh khoản cao bứt phá mạnh.

Sau phiên lao dốc hôm 12/7, thị trường chứng khoán biến động giằng co và rung lắc trở lại ở phiên 13/7 với sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu trụ cột. Khoảng thời gian đầu phiên, các chỉ số đều được kéo lên trên mốc tham chiếu.

Tuy nhiên, lực bán ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhanh chóng xuất hiện và khiến VN-Index điều chỉnh trở lại. Đa phần các cổ phiếu vốn hóa lớn chịu áp lực bán mạnh đều thuộc sàn HoSE nên VN-Index chịu ảnh hưởng lớn nhất từ những rung lắc này. Trong khi đó, HNX-Index và UPCoM-Index bị ảnh hưởng ít hơn. Phần lớn thời gian của phiên giao dịch, HNX-Index và UPCoM-Index biến động trong sắc xanh dù đôi lúc cũng có sự rung lắc nhẹ.

Quay trở lại với VN-Index, chỉ số này biến động giằng co mạnh quanh mốc tham chiếu ở phiên sáng trước sự phân hóa rất mạnh ở nhóm cổ phiếu trụ cột. Tuy nhiên nhà đầu tư dường như tỏ ra rất thận trọng và điều này khiến lực cầu suy yếu rõ nét. VN-Index vì vậy biến động ở dưới mốc tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên chiều.

Biến động hồi phục xảy ra vào cuối phiên khi lực cầu dâng cao giúp hàng loạt cổ phiếu thuộc các nhóm ngành như chứng khoán, chế biến thủy sản, bất động sản... hồi phục. VN-Index bất ngờ chốt phiên trong sắc xanh dù áp lực ở nhiều mã trụ cột còn rất lớn.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 13/7.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. (Nguồn: Fialda)

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 1,24 điểm (0,1%) lên 1.297,54 điểm. Toàn sàn có 265 mã tăng, 112 mã giảm và 44 mã đứng giá. HNX-Index tăng 3,72 điểm (1,27%) lên 296,7 điểm. Toàn sàn có 154 mã tăng, 55 mã giảm và 49 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,47 điểm (1,75%) lên 85,36 điểm.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 13/7.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. (Nguồn: Fialda)

Trong nhóm bất động sản, tâm điểm thuộc về các mã có yếu tố thị trường cao với thanh khoản tốt. Trong đó, BII, HQC, ITA, LDG hay FLC đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, HAR cũng tăng đến 6,7%, SCR tăng 5,8%, TCH tăng 4,8%, HDG tăng 4,8%, LDG tăng 3,8%, CEO tăng 3,8%.

Bên cạnh các mã cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, nhóm vốn hóa lớn cũng ghi nhận sự tích cực đến từ những cái tên như VHM, VRE và BCM. Trong đó, VHM tăng 1,4% lên 109.500 đồng/cp. VHM đóng góp cho VN-Index 1,44 điểm (0,11%) ở phiên này và chỉ đứng sau GAS về mức tác động tích cực cho VN-Index. VRE tăng 3,1% lên 27.850 đồng/cp, BCM tăng 3,6% lên 52.300 đồng/cp.

Ở hướng ngược lại, PDR gây thất vọng khi giảm đến 4,3% xuống 87.000 đồng/cp. PDR cũng lọt vào top 10 cổ phiếu tác động xấu nhất đến VN-Index khi lấy đi 0,49 điểm (-0,04%). Tương tự, VIC cũng giảm 1% xuống 103.000 đồng/cp. VIC cũng lấy đi của VN-Index 0,98 điểm (-0,08%). Ngoài ra, THD và NVL giảm lần lượt 1,5% và 0,4%. Các mã bất động sản thanh khoản cao giảm giá còn có TIG, HPX, FIT...

Tâm lý thận trọng ở phiên 13/7 đã khiến thanh khoản thị trường giảm rất mạnh so với phiên trước đó. Giá trị khớp lệnh toàn thị trường chỉ ở mức gần 17.100 tỷ đồng, giảm hơn 50%. FLC đứng đầu danh sách khớp lệnh toàn thị trường với hơn 30 triệu cổ phiếu và cũng là mã bất động sản duy nhất nằm trong danh sách này.

Khối ngoại bán ròng trở lại hơn 200 tỷ đồng trên toàn thị trường trong phiên 13/7. Trong đó, VIC và PDR là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại với lần lượt 94 tỷ đồng và 32 tỷ đồng. Chiều ngược lại, trong top 10 về giá trị mua ròng có 5 cổ phiếu bất động sản là KDH, VRE, TCH, NVL và NLG. KDH được mua ròng mạnh nhất nhóm bất động sản với 44 tỷ đồng.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index hồi phục rất nhẹ nhờ lực cầu gia tăng trong phiên ATC với thanh khoản khớp lệnh chỉ bằng khoảng một nửa so với phiên giảm hôm trước cho thấy lực cầu mua lên là không thực sự mạnh. Trên góc độ kỹ thuật, VN-Index vẫn đang trong sóng điều chỉnh a sau khi đánh mất đường hỗ trợ MA 20 ngày vào phiên 6/7 với target lần này quanh ngưỡng 1.210 điểm.

Với việc này thì diễn biến trong phiên 14/7 có lẽ vẫn nghiêng về giằng co. Khối ngoại quay trở lại bán ròng hơn 200 tỷ đồng trên hai sàn là điểm trừ. Do đó, trong phiên giao dịch 14/7, thị trường có thể sẽ tiếp tục biến động giằng co và rung lắc quanh ngưỡng tâm lý 1.300 điểm. Hỗ trợ và kháng cự gần nhất lần lượt tại 1.260 điểm và 1.335 điểm (MA50)./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top