Trước sự quay trở lại và diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng đáng kể. Thị trường đã trải qua các phiên biến động rất mạnh ở tuần cuối cùng của tháng 7. VN-Index trong tuần có 2 phiên giảm rất sâu nhưng khác với đợt bùng phát dịch Covid-19 trước đó, tâm lý nhà đầu tư dường như đã có sự chuẩn bị trước và giúp thị trường không rơi vào những chuỗi ngày bị bán tháo liên tiếp. Thay vào đó, thị trường sau những phiên giảm sâu đều có sự hồi phục nhất định.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đứng ở mức 798,39 điểm, tương ứng giảm 3,7% so với tuần trước đó; HNX-Index cũng giảm 1,6% xuống 107,51 điểm. Thanh khoản giảm nhẹ so với tuần trước đó và xấp xỉ mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 5.100 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 2,7% xuống 23.441 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 0,6% lên 1.525 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 8,8% xuống 2.219 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 1,6% lên 243 triệu cổ phiếu.
Với việc thị trường tiếp tục giảm trong tuần qua thì gần như toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu chính đều có mức sụt giảm so với tuần trước đó.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, trong số 112 mã đang giao dịch trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM thì có đến 72 mã giảm giá trong tuần cuối tháng 7. Đáng chú ý, rất nhiều cổ phiếu có yếu tố thị trường cao như DRH của DRH Holdings, ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, AMD của FLC Stone, SCR của Sacomreal, HQC của Địa ốc Hoàng Quân.
Giảm giá mạnh nhất là cổ phiếu DRH với gần 19%, giá cổ phiếu này giảm từ 6.700 đồng/cp xuống còn 5.430 đồng/cp chỉ sau 1 tuần giao dịch. Diễn biến giao dịch của cổ phiếu DRH tương đồng với xu hướng của thị trường chung. Trong 2 phiên VN-Index giảm sâu thì cổ phiếu này đều bị kéo xuống mức giá sàn. Ngoài ra ở phiên cuối tuần, DRH cũng có thêm 1 phiên giảm sàn nữa.
Tiếp sau đó, ITA cũng giảm 16,9% từ 4.320 đồng/cp xuống còn 3.590 đồng/cp. Trong tuần, ITA đã công bố BCTC quý II/2020 với kết quả tiêu cực. Cụ thể, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm lần lượt 42% và 72% so với cùng kỳ năm trước. Công ty giải trình nguyên nhân suy giảm lợi nhuận là do ảnh hưởng từ Covid-19 nên kết quả thu hút đầu tư thấp.
Cổ phiếu KBC của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc cũng giảm 8,15% do tình hình xấu của thị trường chung cũng như việc kết quả kinh doanh không tốt. Theo đó, KBC lãi ròng hợp nhất quý II/2020 chỉ đạt vỏn vẹn chưa tới 2 tỷ đồng - thấp nhất trong vòng 7 năm qua và giảm đến 99% so với cùng kỳ năm trước.
AMD của FLC Stone giảm 15,7% trong tuần giao dịch vừa qua và chỉ còn 2.250 đồng/cp. AMD cũng mới công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý II/2020 với lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 2,5 tỷ đồng, giảm 71,25% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch bệnh và giãn cách xã hội.
NVL và VHM là điểm sáng
Chiều ngược lại, 2 cổ phiếu NVL của Novaland và VHM của Vinhomes đi ngược lại xu hướng xấu của thị trường chung và góp phần lớn giúp nâng đỡ VN-Index trong tuần giao dịch vừa qua. Trong đó, NVL tăng 3,5% lên 65.100 đồng/cp còn VHM tăng 2,24% lên 77.700 đồng/cp. Kết quả kinh doanh của NVL trong quý II là rất tích cực trong khi rất nhiều doanh nghiệp bất động sản khác lao dốc. Cụ thể, doanh thu thuần quý II đạt gần 710 tỷ đồng, giảm tới 77% so với cùng kỳ nhưng lãi vẫn đạt đến 874 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ chủ yếu do doanh thu tài chính tăng và chi phí thuế hiện hành giảm mạnh. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, NVL đạt 1.664 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 79% so với cùng kỳ, lãi sau thuế 1.177 tỷ đồng, tăng 48%.
Về kết quả kinh doanh quý II/2020 của VHM, doanh nghiệp này báo lãi quý II giảm 55% so với cùng kỳ nhưng lũy kế 6 tháng công ty vẫn lãi 11.446 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 10.602 tỷ đồng.
Trong khi đó, các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nhóm bất động sản là NRC của Bất động sản Netland, C21 của Thế kỷ 21, IDJ của IDJ Investment, SZC của Sonadezi Châu Đức… lại đều thuộc diện thanh khoản rất thấp.