Aa

Cổ phiếu penny tăng trần liên tiếp

Thứ Tư, 07/06/2023 - 23:01

Vừa qua, nhóm cổ phiếu penny tăng giá chóng mặt, thu hút một lượng lớn dòng tiền đầu cơ tham gia và nhiều nhà đầu tư đã ví von rằng cổ phiếu penny đang dẫn dắt thị trường.

Thị trường chứng khoán khởi sắc trong tháng 5 vừa qua, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu có thị giá thấp. Có những thời điểm, nhóm cổ phiếu này tăng chóng mặt, thu hút một lượng lớn dòng tiền đầu cơ tham gia và nhiều nhà đầu tư đã ví von rằng cổ phiếu penny đang dẫn dắt thị trường.

Nhóm cổ phiếu thị giá thấp - thường được gọi là "cổ phiếu trà đá" hay cổ phiếu “penny” thời gian qua đã có lực tăng mạnh mẽ. Có những cổ phiếu giao dịch đột biến hàng triệu đơn vị mỗi phiên, bất chấp tình hình kinh doanh của doanh nghiệp chưa có nhiều chuyển biến, thậm chí một vài mã đang nằm trong diện bị cảnh báo.

Nhắc đến đầu tiên là một số cổ phiếu được niêm yết trên sàn HoSE như QCG, EVG, TDH, LGL... Quán quân tăng giá là QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai. Tính đến phiên giao dịch ngày 6/6, QCG đã tăng trần 8 phiên liên tiếp lên 8.680 đồng/CP. Ngoại trừ 2 phiên tăng trần đầu tiên, QCG có trung bình 700.000 cổ phiếu khớp lệnh, các phiên giao dịch sau đó, mã cổ phiếu này chỉ cần hơn 100.000 đơn vị khớp lệnh là đã có thể đẩy giá cổ phiếu tăng trần trong phiên và luôn trong tình trạng "trắng bán".

Nhiều thông tin cho rằng, thông tin Quốc Cường Gia Lai nhận được phán quyết của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) liên quan đến tranh chấp giữa QCG và CTCP Đầu tư Sunny Island (trong đó Quốc Cường được tuyên bố thắng kiện) đã trở thành động lực tăng giá của cổ phiếu QCG. Tuy nhiên, liệu đây có phải là lí do hợp lí khi kinh doanh của QCG vẫn còn rất khó khăn, quý I/2023, biên lãi gộp giảm, cộng với nhiều chi phí tăng cao khiến lợi nhuận QCG ghi nhận giảm hơn 90% xuống còn 1 tỷ đồng.

Mã cổ phiếu EVG của Công ty CP Tập đoàn Everland cũng là một ví dụ cho "con sóng penny" này. Cụ thể, ở phiên giao dịch đầu tháng 5, cổ phiếu EVG chỉ có giá 3.350 đồng nhưng đến ngày 1/6 đã tăng gần 109%, lên 7.040 đồng/CP, cùng khối lượng giao dịch đột biến gần 10,45 triệu đơn vị trong ngày 25/5.

Dù tăng giá mạnh nhưng tình hình kinh doanh của Tập đoàn Everland không mấy khả quan khi doanh thu thuần quý I/2023 chỉ đạt 285 tỷ đồng, cùng với lợi nhuận sau thuế hơn 4 tỷ đồng - rất thấp so với kế hoạch cả năm đã được đại hội cổ đông thông qua là 950 tỷ đồng doanh thu thuần và 122 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Trước đó, ngày 24/4, cổ phiếu EVG còn bị đưa vào diện cảnh báo vì đơn vị kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2022.

Tương tự, cổ phiếu TDH của Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức cũng có nhiều phiên tăng trần liên tiếp. Chuỗi tăng giá kịch trần 8 phiên liên tục của TDH từ ngày 24/5 đến 2/6, từ 3.030 đồng vọt lên 5.150 đồng/CP, tương đương gần 70% giá trị. Sang đến tuần giao dịch này, TDH đã bắt đầu có dấu hiệu điều chỉnh giảm và bung thanh khoản.

Khi giải trình với UBCK Nhà Nước về việc giá cổ phiếu tăng bất thường, lãnh đạo các doanh nghiệp này đều lý giải khá chung chung: "Các hoạt động sản xuất - kinh doanh của công ty vẫn đang diễn ra bình thường, không có bất cứ biến động nào trong hoạt động của công ty. Việc giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp là sự việc khách quan, nằm ngoài sự kiểm soát của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không có bất kỳ sự tác động nào làm ảnh hưởng đến giá giao dịch trên thị trường chứng khoán".

cổ phiếu penny
QCG đã tăng trần 8 phiên liên tiếp.

Huy hoàng nhất ở đây thì phải kể đến XDC - Công ty TNHH MTV Xây dựng Công trình Tân Cảng, một cổ phiếu được niêm yết trên sàn Upcom. Trong 2 tháng vừa qua, XDC đã bật tăng đến 856%, với 19 phiên tăng trần, đưa thị giá cổ phiếu từ 13.500 đồng/CP tại ngày 3/4 lên 165.200 đồng/CP tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/6.

Điều bất ngờ là dù cho thị giá cổ phiếu tăng mạnh, thế nhưng khối lượng giao dịch hàng ngày của XDC chỉ vỏn vẹn vài trăm đơn vị, thậm chí nhiều phiên không xuất hiện giao dịch nào.

cổ phiếu penny
XDC tăng trần với chỉ 1 lệnh bán 700 đơn vị trong phiên ngày 6/6/2023.

Chúng ta đều biết, điều kiện để niêm yết trên sàn Upcom khá đơn giản, tuy nhiên liệu có cần kiểm soát chặt chẽ lại đối với một vài nhóm cổ phiếu như thế này? Các cổ phiếu được niêm yết trên sàn HoSE thì càng phải quản lý chặt chẽ hơn. Mục đích đẩy giá cổ phiếu như thế này là gì? Liệu tiềm lực tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có đang phản ánh đúng vào thị giá cổ phiếu sau những chuỗi ngày tăng trần?

Nhìn lại quá khứ, hầu hết các cổ phiếu có chuỗi ngày tăng trần liên tiếp là sẽ đến chuỗi ngày giảm sàn liên tiếp. Không phải ngẫu nhiên mà các cổ phiếu này được gọi là "cổ phiếu phi phân tích" - không thể dùng phân tích kỹ thuật hay phân tích cơ bản để áp dụng vào các cổ phiếu này. Sự hưng phấn và lòng tham của nhà đầu tư đánh cược vào các cổ phiếu như thế này là sự nguy hiểm lớn đối với tài sản của chính nhà đầu tư và niềm tin vào một thị trường chứng khoán Việt Nam trong sạch và bền vững./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top