Aa

Cổ phiếu vật liệu xây dựng bứt phá nhờ “sóng” đầu tư công

Thứ Ba, 21/04/2020 - 10:00

Thời gian gần đây, các cổ phiếu nhóm ngành xây dựng bao gồm thép, nhựa đường, đá xây dựng và xi măng đồng loạt tăng rất mạnh do được hưởng lợi trực tiếp từ việc đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ.

Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự bứt phá mạnh của nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng bao gồm: Đá xây dựng, thép, nhựa đường và xi măng. Trong đó, nhóm cổ phiếu thép, nhựa đường và xi măng bứt phá rất mạnh chỉ trong vòng hơn nửa tháng qua, nhiều cổ phiếu tăng đến trên 25%.

HPG của Hòa Phát tăng đến 25,8% từ 16.850 đồng/cp (31/3) lên 21.200 đồng/cp (20/.4) sau khoảng thời gian lao dốc 3 tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong tháng 3, sản lượng thép xây dựng ghi nhận mức kỷ lục với hơn 351.000 tấn, tăng 42,2% so với cùng kỳ 2019. Lũy kế trong quý I, thép xây dựng Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trên 732.000 tấn (chưa bao gồm sản lượng phôi thép), tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó cổ phiếu của 2 doanh nghiệp ngành thép là HSG của Hoa Sen tăng đến 47,3%, NKG của Nam Kim cũng tăng 29%.

2 cổ phiếu đầu ngành xi măng là BCC của Bỉm Sơn và HT1 của Hà tiên 1 cũng tăng đến 51% và 33% theo thời gian kể trên. Cổ phiếu HT1 đi lên trong bối cảnh doanh nghiệp này đặt kế hoạch kinh doanh năm 2020 sụt giảm so với thực hiện năm trước. Theo báo cáo thường niên năm 2019, HT1 đặt kế hoạch doanh thu thuần 8.584 tỷ đồng, giảm 2,9% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế giảm 10,6% về mức 830 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng nhận thấy sự “nổi sóng” của các cổ phiếu đá xây dựng như KSB của Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (tăng 38,5%), C32 của Đầu tư Xây dựng 3-2 (tăng 12,6%).

Đơn vị: Đồng/cp.

Hưởng lợi từ “sóng” đầu tư công

Bên cạnh động lực từ sự hồi phục của thị trường chứng khoán nói chung, nhóm ngành là thép, nhựa đường, xi măng và đá xây dựng còn được cho là hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ.

Ngày 6/4, Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã được ban hành. Tại đây, nhiều quy định về quản lý nguồn vốn, thanh quyết toán và chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân liên quan nhằm ngăn chặn sự chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các địa phương có cao tốc Bắc - Nam đi qua phải tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tốc độ và hoàn thành mục tiêu bàn giao mặt bằng trong quý II/2020. Ngày 7/4, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư tại 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Hợp tác công tư (PPP) sang đầu tư công..

Báo cáo mới đây của Chứng khoán VNDirect ước tính khoảng 40% vốn đầu tư công sẽ được giải ngân tại 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, và việc xây dựng sẽ cần đến khoảng 8.900 tỷ đồng nhựa đường, 7.600 tỷ đồng thép xây dựng và 3.800 tỷ đồng xi măng. 

Bên cạnh đó, nhu cầu đá xây dựng sẽ nhận cú hích lớn nhất, khi nhu cầu đá của các dự án này tương đương với khoảng 30 - 35% công suất khai thác được cấp phép của các doanh nghiệp khai thác trong khu vực. Ngoài ra, để hoàn thành 100% các dự án trên, ước tính chi phí cho nhựa đường, thép xây dựng và xi măng sẽ cần lần lượt 22.300 tỷ đồng, 19.100 tỷ đồng và 9.500 tỷ đồng.

VNDirect cho rằng ngành vật liệu xây dựng sẽ hưởng lợi từ chủ đề đầu tư công. Theo đó, 4 ngành chủ đạo được đánh giá tích cực là đá xây dựng, thép, nhựa đường và xi măng.

Đối với ngành đá, do đặc thù của ngành, chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành đá xây dựng. Tùy thuộc vào khoảng cách và loại hình vận chuyển, giá đá được giao tại công trình có thể cao gấp đôi so với giá giao tại mỏ. 

Bộ Xây dựng đã đề nghị 13 tỉnh có cao tốc Bắc - Nam đi qua tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các nhà thầu thi công trong việc khai thác mỏ vật liệu phục vụ thi công các dự án này, qua đó giảm thời gian xây dựng và chi phí vận chuyển. 

Theo ước tính của CTCK này, hai dự án cao tốc trên sẽ cần khoảng 6-7 triệu tấn đá xây dựng, tương đương 30-35% công suất khai thác được cấp phép của các công ty niêm yết.

Ngành nhựa đường, kết quả kinh doanh có thể hưởng lợi lớn từ việc Chính phủ đẩy nhanh giải ngân tại các dự án cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, giá dầu thấp trong năm 2020 sẽ đem lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn cho các doanh nghiệp trong ngành.

Ngành thép hưởng lợi do nhu cầu tăng thêm từ 11 dự án thành phần cao tốc BắcNam tương đương với khoảng 6,2% nhu cầu thép xây dựng hiện tại. Qua đó sẽ giảm phần nào áp lực cạnh tranh trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh công suất toàn ngành dự kiến sẽ tăng khoảng 15% trong năm nay.

Với ngành xi măng sự hưởng lợi đến từ nhu cầu gia tăng của dự án cao tốc Bắc – Nam. Tuy vậy VNDirect đánh giá ngành này vẫn trong tình trạng dư cung và áp lực cạnh tranh trong ngành gay gắt. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top