Thị trường chứng khoán phiên cuối tuần 8/1 diễn biến vẫn theo kịch bản như các phiên gần đây. Các chỉ số tăng mạnh nhờ sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đặc biệt là ngân hàng. Ngay sau đó, áp lực chốt lời cũng xuất hiện và khiến các chỉ số thu hẹp đáng kể đà tăng. Tuy nhiên, lực cầu vẫn tỏ ra dồi dào giúp các chỉ số đứng vững.
Giao dịch trên thị trường trong phiên chiều phần lớn chỉ tập trung sôi động ở 2 sàn HNX và UPCoM, trong khi đó, tình trạng nghẽn lệnh ở HoSE tiếp tục diễn ra và thậm chí còn sớm hơn so với các phiên trước đó. Theo phản ánh của một số nhà đầu tư tình trạng nghẽn lệnh trên HoSE diễn ra từ khoảng hơn 13h30.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là động lực quan trọng giúp các chỉ số đi lên, trong đó, STB tăng đến 5,1% lên 19.400 đồng/cp, TCB tăng 3,2% lên 35.700 đồng/cp, MBB tăng 2,7% lên 26.600 đồng/cp, VPB tăng 1,9% lên 35.550 đồng/cp.
Dù vậy, áp lực chốt lời rất mạnh khiến nhiều cổ phiếu lớn giảm sâu, trong đó, VCB giảm 2,1% xuống 104.800 đồng/cp, BID giảm 0,8% xuống 48.500 đồng/cp. Các cổ phiếu ngành chứng khoán cũng có sự điều chỉnh đáng kể, trong đó, VCI giảm 1,6%, VND giảm 1,3%, SSI giảm 0,7%.
Bên cạnh nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm bất động sản tiếp tục có một phiên bùng nổ cả về giá lẫn thanh khoản. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn của ngành bất động sản gồm VIC, VHM, VRE, NVL, BCM... đồng loạt tăng giá mạnh, trong đó, VIC tăng 1,5% lên 126.500 đồng/cp, VHM tăng 1,7% lên 96.400 đồng/cp, VRE tăng đến 4,7% lên 35.500 đồng/cp, NVL tăng 6,2% lên 75.700 đồng/cp, BCM được kéo lên mức giá trần 47.050 đồng/cp.
Tại các cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, sự bùng nổ cũng diễn ra, hàng loạt các cổ phiếu đều được kéo lên mức giá trần trong đó có các mã thanh khoản cao như HTT, PFL, BII, TCH, DTA hay ITC. Bên cạnh đó, HPX tiếp tục tăng 6,5% lên 33.800 đồng/cp, FIT tăng 4,8% lên 18.450 đồng/cp, SCR tăng 2% lên 9.480 đồng/cp, KBC tăng 1,9% lên 27.500 đồng/cp.
Chiều ngược lại, TDH giảm đến 6,8% xuống 8.900 đồng/cp. Như vậy, cổ phiếu này đã có 3 phiên giảm giá liên tiếp sau khi được bắt đáy hôm 5/1. Một số cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm giá đáng chú ý trong phiên 7/1 có DRH, OGC, IDJ, PWA, DXG, NLG...
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 11,2 điểm (0,97%) lên 1.167,69 điểm. Toàn sàn có 311 mã tăng, 137 mã giảm và 55 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,17 điểm (0,54%) lên 217,4 điểm. Toàn sàn có 130 mã tăng, 79 mã giảm và 57 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,69 điểm (0,92%) lên 76,07 điểm.
Thanh khoản vẫn rất cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 1,07 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch ở mức khoảng 21.100 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm chỉ 1.800 tỷ đồng, như vậy, giá trị khớp lệnh tiếp tục lập kỷ lục với 19.250 tỷ đồng. Có 2 cổ phiếu bất động sản góp mặt trong danh sách 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường là ITA và TCH với lần lượt 20,4 triệu cổ phiếu và 18,4 triệu cổ phiếu.
Chốt tuần giao dịch đầu tiên của năm 2021, VN-Index tăng 63,82 điểm (5,8%) lên 1.167,69 điểm; HNX-Index tăng 14,28 điểm (7%) lên 217,4 điểm. Thanh khoản trên hai sàn niêm yết tiếp tục tăng và lập kỷ lục mới với khoảng hơn 19.200 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 59,9% lên 85.237 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 49,1% lên 3.887 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 51,1% lên 10.902 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 31,1% lên 761 triệu cổ phiếu.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường lập kỷ lục mới từ năm 2007 đến nay với chuỗi 10 tuần tăng điểm liên tiếp và với mức tăng hơn 26% giá trị vốn hóa của toàn sàn HOSE. Bên cạnh đó, thanh khoản tính cả khớp lệnh và thỏa thuận cũng lập kỷ lục từ trước đến nay với gần 3,9 tỷ cổ phiếu trao tay, giá trị ước đạt hơn 85.000 tỷ đồng. Hệ thống đã nâng lô tối thiểu lên 100 cổ phiếu trong tuần này, nhưng sự nghẽn lệnh vẫn xảy ra vào phiên chiều trong 4 phiên cuối tuần.
Sự hưng phấn tột độ cũng được thể hiện trên thị trường phái sinh, khi hợp đồng tương lai tháng gần nhất (VN30F1M) cao hơn VN30 tận 28,74 điểm, cao nhất kể từ tháng 12/2017. Trong tuần tiếp theo (11/1-15/1), các nhịp rung lắc có thể xảy ra thường xuyên hơn khi mà nhà đầu tư quyết định chốt lời dần trong bối cảnh VN-Index dần tiệm cận với đỉnh thời đại quanh 1.211 điểm (đỉnh tháng 4/2018).
Nhà đầu tư nên tiếp tục cơ cấu danh mục theo hướng bán các cổ phiếu có dấu hiệu thoái trào, có thể giữ lại để bán với giá cao hơn với các cổ phiếu đang có đà tăng tốt hoặc chốt lãi các cổ phiếu đã tới vùng giá mục tiêu nhằm bảo vệ lợi nhuận đã đạt được và chờ đợi thị trường điều chỉnh về các vùng giá hấp dẫn hơn để tham gia trở lại. Các ngưỡng hỗ trợ cần lưu ý lần lượt 1.100 điểm (MA20), 1.030 điểm (MA50).