Triển vọng lợi nhuận tích cực
Bước sang năm 2022, việc nhiều chính sách kích thích kinh tế, từ tài khoá đến tiền tệ được triển khai dự báo sẽ thúc đẩy cung - cầu tín dụng và giảm thiểu rủi ro nợ xấu. Hoạt động kinh doanh của các ngân hàng vì vậy sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tích cực. Đó cũng chính là cơ sở để ngành này đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 mức 14%.
Chuyên gia kinh tế - tài chính Huỳnh Trung Minh nhận định, dịch Covid-19 dần được khắc phục, sức khỏe doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung tốt lên sẽ cải thiện sức hấp thụ vốn của nền kinh tế. Theo đó, tín dụng sẽ tăng trưởng trở lại ngay trong quý I/2022.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược đầu tư Dragon Capital Việt Nam: "2022 là năm hội tụ đầy đủ những yếu tố tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng"
Đồng quan điểm, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược đầu tư Dragon Capital Việt Nam cho rằng, 2022 là năm hội tụ đầy đủ những yếu tố tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Cụ thể, tín dụng dự báo được cải thiện, nợ xấu giảm mạnh, lợi nhuận bình quân toàn ngành dự báo đạt mức tăng 30% so với năm 2021.
Bên cạnh đó là nhiều thông tin hỗ trợ như một số nhà băng đang triển khai việc bán vốn chiến lược, lợi nhuận đột biến ghi nhận từ việc bán bảo hiểm độc quyền; được chấp thuận tăng room cho nhà đầu tư nước ngoài.
Kế hoạch kinh doanh được nhiều ngân hàng công bố cho thấy sự lạc quan vào triển vọng tăng trưởng trong năm 2022. Các ngân hàng như OCB, ACB, VPBank... đều đặt mục tiêu lợi nhuận tham vọng, với mức tăng trưởng từ 20 - 30%, dựa trên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và tăng thu ngoài lãi, trong đó phải kể đến mảng kinh doanh bảo hiểm được ký độc quyền. Với các ngân hàng quốc doanh, mục tiêu lợi nhuận đặt ra cho năm nay là tăng trưởng trên 15%.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) cũng đưa ra nhận định, năm nay, tỷ lệ NIM (biên lãi ròng) của các ngân hàng sẽ trở lại mức trung bình trên 3% nhờ mặt bằng lãi suất đầu vào đã giảm sâu, trong khi mức giảm của lãi suất cho vay lại không đồng pha.
Tuy nhiên, đà tăng của NIM sẽ chậm lại từ quý III/2022 khi nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động và nỗ lực đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất để cung cấp vốn cho giai đoạn nền kinh tế hồi phục.
Theo ông Khanh, dù tỷ lệ NIM của các ngân hàng có thể tăng chậm lại khi các ngân hàng tăng dần lãi suất huy động và việc ngân hàng áp dụng Basel III với các tiêu chuẩn về an toàn vốn, dự trữ bắt buộc cao hơn, nhưng bù lại, các ngân hàng sẽ càng gia tăng số hóa để huy động các nguồn vốn giá rẻ, tăng tỷ lệ CASA (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn).
Các điều kiện kinh doanh được cải thiện sẽ hạn chế rủi ro tín dụng của nền kinh tế và từ đó thúc đẩy cung - cầu tín dụng trong năm 2022 và cả chi phí dự phòng rủi ro.
Cùng câu chuyện bán cổ phần, tăng vốn
Dù khá trầm lắng trong nửa cuối năm 2021, nhưng tính chung năm 2021, nhóm cổ phiếu ngân hàng đạt mức tăng trung bình 66%, vượt trội so với mức tăng 40% của chỉ số VN-Index nhờ mức tăng trưởng lợi nhuận 30% toàn ngành. Lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2022 dự báo tiếp tục khả quan nhờ nhu cầu vốn tăng mạnh trở lại và một phần được hoàn nhập từ các khoản trích lập dự phòng lớn từ năm 2021 trở về trước.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu toàn ngành năm 2021 (các khoản công bố, tồn đọng, đã bán VAMC, dư nợ tái cơ cấu) vào khoảng 7,3%. Dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng năm 2021 của các ngân hàng giảm nhẹ nhưng về số tuyệt đối vẫn tăng khoảng 8.300 tỷ đồng, tương ứng mức tăng khoảng 9,3% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, các ngân hàng bỏ ra gần 142.000 tỷ đồng để dự phòng nợ xấu, tăng 58% so với năm 2020. Ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất là VCB, lên đến 424%. MBB tăng trích lập hơn 8.700 tỷ đồng, lên 268%. VPB, MSB tăng hơn 100% số trích dự phòng.
Vì thế, theo ông Nguyễn Hồng Khanh, số dự phòng này bao gồm dự phòng nợ cơ cấu do dịch bệnh nên năm 2022, sau khi nợ cơ cấu giảm thì ngân hàng sẽ được hoàn nhập. Do đó, với ngân hàng đã trích lập đầy đủ các khoản vay tái cơ cấu như VCB, CTG, TCB, ACB, MBB…, cổ phiếu sẽ có triển vọng tích cực hơn ngân hàng khác.
Thêm vào đó, việc tăng vốn, bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài cũng là những thông tin hỗ trợ tích cực cho cổ phiếu “vua” trong thời gian tới. Năm qua, các ngân hàng đã tăng vốn thêm tổng cộng 93.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng hơn 23%, nhưng theo Giám đốc chiến lược đầu tư Dragon Capital Việt Nam, câu chuyện tăng vốn của các ngân hàng sẽ còn tiếp diễn trong năm 2022. Trong đó, đáng chú ý nhất là các ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối như VCB.
Năm nay, VCB đã lên kế hoạch phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, với tỷ lệ 27,6%. Bên cạnh đó, Ngân hàng có kế hoạch phát hành gần 308 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 6,5% vốn điều lệ cho tối đa 99 nhà đầu tư, qua đó nâng vốn điều lệ lên hơn 50.401 tỷ đồng. Thậm chí, VCB nâng vốn điều lệ lên 54.134 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Trong khi đó, OCB dự kiến chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài hiện được OCB tạm khóa ở mức 21,8%.
VPBank cũng nâng room ngoại từ mức 15% lên 17,5%, mở đường đón đối tác chiến lược ngoại – được cho là SMBC. Thông tin này càng được củng cố khi SMCB chủ động “chia tay” Eximbank kể từ ngày 8/2/2022. SMBC được tin rằng sẽ trở thành cổ đông chiến lược nắm 15% vốn của VPBank sau khi mua 49% vốn của FE Credit.
Đồng thời, với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về việc nhà băng không được chia cổ tức bằng tiền mặt, mà chỉ chia bằng cổ phiếu cũng giúp cổ phiếu của các nhà băng có kế hoạch chia cổ tức 2021 tỷ lệ cao, từ 20 - 30% như ACB, MB, VIB, OCB thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư...
Thời điểm hiện tại, nhóm cổ phiếu ngân hàng được giới phân tích nhìn nhận sẽ tiếp tục là nhóm ngành dẫn dắt thị trường chứng khoán trong năm 2022, dù mức độ tăng trưởng về giá có thể chậm hơn so với năm 2021. Trong khi đó, định giá cổ phiếu ngân hàng hiện vẫn ở mức hấp dẫn với P/E trung bình 16 lần và P/B là 2,1 lần.
VCB, BID, CTG, MBB, OCB, TCB, VPB, STB, HDB, VIB dự báo sẽ là những cổ phiếu nổi bật trong ngành. Sự kỳ vọng giá cổ phiếu nhà băng sẽ tăng trưởng trung bình từ 20 - 30%, dựa vào dự phóng kết quả kinh doanh năm 2022. Tuy nhiên, dòng tiền vào nhóm cổ phiếu "vua" sẽ có sự phân hóa giữa các nhà băng.
Chuyên gia của Mirae Asset thì cho rằng, hiện các ngân hàng Việt Nam đang được giao dịch ở mức 2,3 lần giá trị sổ sách, cao hơn nhiều so với đa phần các ngân hàng trong khu vực.
Tuy nhiên, theo Mirae Asset, mức định giá hiện tại là hợp lý do tỷ suất sinh lời trên vốn chủ (ROE) của các ngân hàng Việt cao hơn gấp đôi so với những ngân hàng có quy mô tương đương trong khu vực. Ngoài ra, tăng trưởng lợi nhuận được duy trì ở mức trên 20% là một yếu tố giúp cổ phiếu ngân hàng hưởng mức định giá hiện tại.