Nhóm cổ phiếu ngân hàng
Ngân hàng được ví như "huyết mạch" của nền kinh tế, còn cổ phiếu ngân hàng được nhiều nhà đầu tư ví von như "mạch máu" của thị trường chứng khoán. Trong những tháng đầu năm 2021, bất chấp dịch bệnh, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng trưởng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Đà tăng của nhóm này bắt đầu từ cuối tháng 6/2021.
Theo đó, các mã cổ phiếu nhóm này đã tăng vượt đỉnh, nhiều nhà đầu tư đã thành tỷ phú nhờ sở hữu những cổ phiếu vua. Nhiều mã ngân hàng được giới đầu tư gom ở vùng giá nền như VIB, MBB, TCB, ACB, STB, HDB, OCB đều tăng mạnh. Nếu tính chung cho cả năm 2021, thị giá của nhóm này tăng gần 40%.
Tuy nhiên dù sóng cổ phiếu ngân hàng nhóm tư nhân nổi trội thì mã ngân hàng thuộc nhóm Big 3 như CTG là cái tên tăng mạnh nhất cán mốc đỉnh 54.000 đồng/cp, trong khi VCB và BID vẫn tích luỹ vùng giá nền. Cuối năm, cổ phiếu BID và VCB lập đỉnh mới với vùng giá 47.000 đồng/cp và 93.000 đồng/cp. Nhà đầu tư nắm giữ BID đã cho lợi nhuận gần 40% và VCB là 15% kể từ khi chia tách…
Sau khi hoàn thành vai trò dẫn dắt thị trường trong 6 tháng đầu năm 2021, nhóm ngân hàng chỉ đi ngang hoặc giảm. Nhưng nếu ra vào hợp lý nhà đầu tư cũng đã thu hoạch “kha khá” nhóm ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2021.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán
TTCK đã có 01 năm thăng hoa với thanh khoản kỷ lục, VN-Index liên tục lập đỉnh mới và nhóm Công ty Chứng khoán trực tiếp hưởng lợi. Dù vậy, tính chung từ đầu năm, các cổ phiếu chứng khoán cũng trong danh sách giúp nhà đầu tư thắng lớn.
Tính từ đầu năm 2021 đến cuối năm, cổ phiếu VND (Chứng khoán VNDirect) tăng gần 300% lên vùng giá 80.000 đồng/cp, FTS (Công ty Chứng khoán FTP) tăng hơn 200%, SHS (Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội), SSI (Chứng khoán SSI), VCI (Chứng khoán Bản Việt) ghi nhận thị giá gấp đôi và HCM (Chứng khoán TP Hồ Chí Minh) cũng tăng gần 70%. Kéo theo nhóm chứng khoán nhỏ như PSI, AGR, SBS, ART cũng có mức thu hoạch khá ấn tượng.
Nhóm cổ phiếu phân đạm
Ngoài những nhóm kể trên, các nhóm ngành hưởng lợi từ giá hàng hóa tăng như logistics, phân bón, vật tư nông nghiệp… và đặc biệt là nhóm cổ phiếu phân đạm tăng khá ấn tượng khi dòng tiền lớn đổ vào ồ ạt. Điển hình là DPM (Đạm Phú Mỹ) đã có mức tăng gần 50% và chạm mức đỉnh lịch sử 52.000 đồng/cp; DCM (Đạm Cà Mau) cũng đã cán mốc trên 30,000 đồng/cp; LAS (Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao) cán mốc 27.000 đồng/cp… Hàng loạt các cổ phiếu phân đạm khác đã giúp nhiều nhà đầu tư thắng lớn nhờ hưởng lợi từ thị trường phân bón thế giới với giá hàng tăng mạnh.
Nhóm cổ phiếu thép
Nhắc đến các mã cổ phiếu để lại dấu ấn trong đầu năm 2021, không thể không nói đến ngành thép. Những tháng đầu năm 2021 cổ phiếu, HPG, NKG, HSG trở thành những mã được dòng tiền tấp nập đổ vào.
Đà tăng của nhóm này chủ yếu do kỳ vọng vào kết quả kinh doanh đột biến, khi giá thép thế giới và Việt Nam đang khát do dịch bệnh đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu, cộng với Trung Quốc thiếu điện khiến nguồn cung khan hiếm.
Những yếu tố cộng hưởng là những mã cổ phiếu ngành thép trở thành tâm điểm. Các mã này tăng khoảng 60 - 70% trong quý III khi giá thép tăng phi mã, nhiều nhà đầu tư đã gặt hái được thành quả khi chọn đúng điểm đáy của cổ phiếu thép để "cất vó"…
Nhóm cổ phiếu cảng biển
Nhóm cổ phiếu cảng biển đã có năm thăng hoa chưa từng thấy, khi thiết lập đỉnh mới. Những nhà đầu tư nhanh nhạy đã gặt hái được thành quả và đón lõng đúng sóng của cổ phiếu ngành.
Tại nhóm cảng biển, 6 tháng đầu năm nhà đầu tư có thể nhìn ra các trường hợp đang tăng rất khỏe như HAH, SGP hiện đang liên tiếp phá đỉnh thời đại hoặc như GMD, TCL.
Trên sàn UPCoM, cũng không thể không nhắc tới trường hợp của cổ phiếu MVN của CTCP Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sau giai đoạn tái cơ cấu đang có những chuyển động giá nóng bất thường dù thanh khoản chỉ nhỏ giọt với vài chục nghìn đơn vị/phiên. Động lực dẫn dắt cho đà tăng của các cổ phiếu cảng biển chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh nhưng mỗi doanh nghiệp lại có những câu chuyện riêng.
Nhóm cổ phiếu bất động sản
Nhắc tới thị trường trong những tháng cuối năm 2021, bất động sản là cái tên liên tục được giới đầu tư săn lùng khi cơn sốt đất cuối năm kéo dài.
Bất động sản ít chịu ảnh hưởng từ đại dịch, liên quan đến sức cầu của thị trường và việc triển khai các dự án. Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp bất động sản cũng không quá nổi trội. Nhưng mức giá thấp trong bối cảnh dòng tiền lớn đổ vào thị trường khiến cổ phiếu bất động sản trở nên hấp dẫn giới đầu tư.
Cổ phiếu CEO giao dịch quanh ngưỡng 11.000 -12.000 đồng, tính tới cuối tháng 12 CEO cán mốc đỉnh mới 67.000 - 68.000 đồng/cp; NLG từ vùng giá 45.000 đồng/cp cũng cán mốc đỉnh tới 62.000 đồng/cp; CKG từ vùng giá 15.000 - 18.000 đồng/cp có thời điểm thiết lập đỉnh gần 40.000 đồng/cp.
Dù cuối năm sóng bất động sản đã hạ nhiệt, tuy nhiên nếu nhà đầu tư nào nhanh nhạy nắm bắt được xu thế và diễn biến của sóng ngành sẽ gặt hái được nhiều quả ngọt.
Từ những con sóng ngành của TTCK năm 2021, giới chuyên gia nhận định, TTCK năm 2022 được tiên đoán sẽ bao gồm những đợt tăng giá xen kẽ giảm giá, nhưng xu hướng chung của thị trường vẫn là đi lên nhờ kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế sau dịch đang được duy trì.
Việt Nam vẫn là mảnh đất hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, với nguồn cung lao động dồi dào, sự phát triển nhanh chóng của ngành bất động sản công nghiệp, hậu cần và hạ tầng giao thông.
Cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì sức hút nhờ các báo cáo tài chính tích cực. Dự đoán, các nhà đầu tư sẽ vẫn tiếp tục đổ tiền vào nhóm các ngân hàng thương mại lớn có độ ổn định cao, hoặc nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân (đặc biệt là các ngân hàng quy mô nhỏ) có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ chung của ngành.
Tiếp theo là sự lên ngôi của cổ phiếu của các công ty chứng khoán, do dự báo một năm khởi sắc của chứng khoán nên lợi nhuận của các doanh nghiệp này sẽ bứt phá...
Nhóm ngành hàng thiết yếu cũng sẽ tiếp tục trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn tới hoạt động thương mại, đầu tư và du lịch. Cổ phiếu của các doanh nghiệp bán lẻ phục vụ nhu cầu thiết yếu và nhu cầu mua sắm do nhu cầu của người dân được dự báo sẽ phục hồi sau khoảng thời gian dài giãn cách xã hội.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản có nguồn lực tài chính vững mạnh, có quỹ đất dồi dào và có mục tiêu tăng trưởng rõ ràng trong năm mới cũng được coi là hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong bối cảnh bất động sản chưa bao giờ là ngành hết “nóng” ở Việt Nam. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể xem xét tới các ngành có lợi nhuận đột biến do tăng giá hàng hóa bao gồm khai thác và chế biến thép, các kim loại màu, phân bón, hóa chất, dầu khí, xi măng hoặc các doanh nghiệp vận tải, hậu cần...
Các ngành thủy sản, trang thiết bị y tế và dược phẩm, năng lượng… có cơ hội gia tăng doanh số bán hàng, giúp đẩy mạnh tăng trưởng lợi nhuận và thông qua đó cổ phiếu doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn. Để tận dụng được sóng ngành các nhà đầu tư xem xét giải ngân đón lõng những con sóng này trong năm 2022./.